Saturday, March 4, 2023

BA SAO CHI MỘ: BIA THỜ 626 LINH HỒN TỬ VONG TẠI TRẠI BA SAO NAM HÀ


Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Thanh Nghiên - Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm hương trước tấm bia không mộ của 626 người tù chính trị đã chết trong nhà tù Ba Sao, Nam Hà giai đoạn 1975-1988. Và rất nhiều những người tù chính trị khác đã chết oan khiên trong ngục tù cộng sản.
Lời đầu
Lẽ ra, câu chuyện này phải được chúng ta kể cho nhau nghe một cách trọn vẹn. Tiếc rằng, vì một số lý do ngoài ý muốn, “người trong cuộc” (1) đã ngừng sự giúp đỡ tôi nên việc thu thập, tìm hiểu thông tin đã bị gián đoạn.
Hơn nữa, xuất phát từ nhu cầu an toàn cá nhân của nhân chứng, nỗi lo về sự can thiệp hầu phá vỡ sự bình yên, tôn nghiêm của ngôi Chùa - nơi đặt tấm bia thờ 626 người tù chính trị nên người viết đã phải rất cân nhắc khi chuyển tải thông tin đến bạn đọc. Nhưng tôi tin, câu chuyện dù không được kể trọn vẹn như mong muốn cũng sẽ khiến chúng ta thấy xót xa cho Thân phận quê hương. Một Thân phận quê hương được phản chiếu từ Thân phận của những người con Việt bị bức tử bằng cách này hay cách khác trong một giai đoạn khốc liệt, đau thương nhất của lịch sử.
Phần 1: Chuyến tàu vét
Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, một trong những hành động đầu tiên mà chế độ cộng sản thực hiện là trả thù những người từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Hầu hết những cựu quân nhân cán chính, những viên chức từng làm việc trong chính quyền VNCH, hoặc bị nghi ngờ thuộc thành phần này đều bị đưa đi “cải tạo”, nhưng thực chất là chịu lưu đày tại các nhà tù trên khắp cả nước. Một trong những nơi khét tiếng tàn bạo ở miền Bắc, từng giam cầm hàng ngàn cựu quân nhân cán chính VNCH là nhà tù Ba Sao, Nam Hà.

Con tàu cuối cùng chở tù chính trị từ Nam ra Bắc có cái tên rất thơ mộng: Sông Hương. Rời Sài Gòn ngày 18/4/1977, sau 2 ngày 3 đêm (2), tàu cập bến Hải Phòng, tiếp tục hành trình lưu đày tù ngục của 1200 con người thuộc “bên thua cuộc”.
“Chúng tôi, cứ hai người bị chung một chiếc còng. Vừa lên đất liền, hai bên đường đã có người dân Miền Bắc đợi sẵn. Họ ném gạch đá vào chúng tôi. Vừa ném, vừa chửi rủa, mạ lỵ rất thậm tệ. Nhiều người trong số chúng tôi bị ném trúng, vỡ đầu, chảy máu và thương tích”.
Đấy là lời kể của ông Nam, một trong những người tù bị đẩy ra Bắc trong chuyến tàu Sông Hương. Khi cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, ông Nam đang là thiếu úy quân đội VNCH. Chi tiết này cũng được Linh mục Nguyễn Hữu Lễ thuật lại trong cuốn hồi ký “Tôi phải sống”.
Từ Hải Phòng, số tù nhân này bị tách ra để chia rải rác cho các trại giam khác. Bài viết này xin chỉ đề cập tới những người tù ở Ba Sao, Nam Hà.
Không riêng gì những người tù Ba Sao, hầu như tất cả những người từng phục vụ trong chính quyền VNCH đều bị bắt sau biến cố 30/4/1975. Một số bị đưa ra Bắc ngay thời kỳ đầu. Nhiều người khác bị giam cầm ở miền Nam sau vài năm mới bị chuyển ra Bắc, rồi lại trở ngược vào Nam để tiếp tục cuộc đời lao tù cho đến ngày chết, hoặc trở về khi sức cùng lực cạn.
Nhà tù Ba Sao lại “rộng cửa” đón thêm vài trăm người từ chuyến tàu vét Sông Hương, nơi đang đọa đày hơn 600 tù VNCH đã bị chuyển đến từ những chuyến tàu trước đó.
Tôi có dịp hỏi chuyện linh mục Nguyễn Hữu Lễ (ngài hiện đang sống tại New Zealand) và một nhân chứng khác (sống tại Sài Gòn), thì nhà tù Ba Sao thời bấy giờ chia làm 4 khu giam giữ.
Khu A: Giam cầm các thành phần thuộc viên chức chính phủ, dân biểu, nghị sĩ, sĩ quan cao cấp như thượng nghị sĩ Huỳnh Văn Cao, bộ trưởng Đàm Sỹ Hiến, Bộ trưởng Trần Ngọc Oành, tướng Lê Minh Đảo, ông Văn Thành Cao, tướng Nhu, tướng Trần Văn Chơn, ông Nguyễn Văn Lộc…, hay lãnh tụ Quốc dân đảng là ông Vũ Hồng Khanh.
Khu B: Giam những quân nhân cán chính, những người bị buộc tội “phản động” như linh mục Nguyễn Hữu Lễ, linh mục Nguyễn Bình Tỉnh...
Khu C: Giam tù hình sự miền Bắc.
Khu Mễ: Giam cầm những người bệnh tật, đau yếu. Trong khu Mễ lại có một khu “Kiên giam”. Khu “Kiên giam” dành cho các tù nhân bị kỷ luật với điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt. Đã có rất nhiều tù nhân chết trong khi bị “kiên giam”.
“Chúng tôi bị chuyển từ nhà tù miền Nam tới nhà tù Ba Sao miền Bắc trong chuyến tàu Sông Hương vào tháng 4/1977. Lúc ấy nhóm của tôi có 350 người ra đi từ trại Giaray tỉnh Xuân Lộc. Ở Ba Sao được 9 tháng, tôi bị chuyển lên trại Quyết Tiến còn gọi là “Cổng Trời” thuộc tỉnh Hà Giang, nằm sát ranh giới Trung Quốc. Một năm sau đó tôi về trại Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa. Mười năm sau, tức tháng 1/1987, tất cả tù chính trị miền Nam còn sót lại rải rác trong các trại miền Bắc được dồn hết về trại Ba Sao, Nam Hà, trong đó có tôi. Nhưng đội của tôi trước khi tôi rời Ba Sao ra đi nay đã chết quá phân nửa. 
Tết năm đó có một đợt tha tù, được tổ chức rất ồn ào. Đến tháng 5/1987, tất cả số tù nhân từ miền Nam còn sót lại, được chuyển hết về Nam để ở tù tiếp. Chỉ còn “sót lại” 3 người ở miền Bắc, đó là linh mục Nguyễn Bình Tỉnh, anh Nguyễn Đức Khuân và tôi. Hầu hết họ đã chết. Chết vì tuyệt vọng, đói rét, suy kiệt, tiêu chảy, kiết lỵ và nhiều bệnh khác”.
Tác giả Bút ký “Tôi Phải Sống” bùi ngùi kể lại.
Tôi rùng mình tự hỏi, có bao nhiêu tù nhân chính trị đã chết trong suốt thời kỳ từ 1975 trở về sau?
Bao nhiêu ở nhà tù Ba Sao? Bao nhiêu ở Cổng Trời, Thanh Hóa, Phú Yên, Xuân Lộc, Xuyên Mộc, Hàm Tân, Bố Lá...?
Bao nhiêu người đã bị bách hại bởi chính người đồng bào ruột thịt mang tên “cộng sản”, và chết lặng câm ở khắp các nhà tù từ Bắc-Trung-Nam trên dải đất đau thương này?
Không ai biết chính xác, nhưng số người phải bỏ xác ở khắp các nhà tù hẳn không phải là con số ít.
Một ngày nào đó, chế độ cộng sản sẽ phải trả lời những câu hỏi này trước quốc dân đồng bào. Cũng như trả lại sự thật lịch sử cho Dân tộc này.
Phần 2: Tấm bia thờ 626 người tù chính trị

“Có một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà. Nghe nói tấm bia được đặt trong một ngôi chùa ở Miền Bắc. Ngoài tấm bia ra còn có một ngôi Am thờ (3) những người tù này được dựng ngay khu đất thuộc trại giam. Người làm tấm bia này là một cựu Giám thị nhà tù Ba Sao. Em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé!”.
Một người anh, cũng là cựu tù chính trị hiện sinh sống tại Pháp đã nhắn tôi như thế. Tôi chưa bao giờ trải qua cảm xúc đặc biệt và đầy ám ảnh như lần này. Chuyện thật khó tin: Một trùm cai tù cộng sản dựng một tấm bia và Am thờ những người tù Việt Nam Cộng Hòa!
Câu dặn dò “em cố gắng đi tìm các anh ấy nhé” làm tôi xót xa. Hình như tôi sắp làm một công việc rất khó khăn và cũng rất thiêng liêng. Hai chữ “các anh” không còn là cách xưng hô nữa mà là tiếng gọi gần gũi, thân thương của những người chung khát vọng. Chứ theo tuổi tác, họ là bậc cha chú của tôi- đứa nhóc Bắc kỳ sinh sau biến cố 1975. 
Mãn án tù nhà (4), tôi lên đường. 
Địa chỉ ngôi Chùa không chính xác nên tôi phải đi tìm hơn hai ngày mới đến nơi. Đó là một ngôi Chùa nhỏ, nằm khiêm tốn bên một con phố khá đông đúc. Sư trụ trì đi vắng, tôi lang thang cho hết thời gian rồi trở lại vào buổi chiều. 
- Thưa thầy, con được người quen giới thiệu đến đây. Nghe nói nhà Chùa có đặt một tấm bia thờ những người tù đã chết ở trại Ba Sao, Nam Hà?
Nghe tôi nhắc đến tấm bia, nét mặt thầy tái đi, không giấu được vẻ bối rối.
- Bác Thanh giới thiệu con đến đây. 
Nhận ra người quen, sư thầy trở nên cởi mở hẳn.
Sư thầy kể rằng vài năm trước, cô Thu Hương (một Phật tử) đưa viên cựu Giám thị đến gặp sư thầy. Viên Giám thị trao cho sư thầy một danh sách gồm 626 người tù đã chết trong trại Ba Sao từ năm 1975 đến 1988. Vị này ngỏ ý muốn làm một tấm bia đặt trong nhà Chùa để thờ cúng các hương linh. Đây không phải ngôi Chùa đầu tiên họ gõ cửa. Những ngôi Chùa trước đều từ chối vì sợ. Các vị sư trụ trì không muốn giữ một danh sách toàn “sĩ quan ngụy” và công khai đặt tấm bia thờ người tù ngay trong Chùa.
- Có cách nào liên lạc với hai người ấy không thưa thầy?
- Khó lắm. Người Giám thị sau khi làm xong tấm bia thì không trở lại đây nữa. Chỉ có cô Thu Hương thời gian đầu vẫn hay tới Chùa tụng kinh và thắp hương cho 626 vị ấy. Nhưng kể từ khi đứa con trai 15 tuổi của Thu Hương bị tai nạn giao thông chết hai năm trước, cô ấy không tiếp xúc với ai nữa.
- Thầy có nghe nói đến ngôi Am thờ 626 vị này không? 
Tôi hỏi, không giấu nổi vẻ hồi hộp khi chờ câu trả lời.
- Đúng là có cái Am thờ. Nhưng tôi chưa tới thăm bao giờ. Nghe nói nằm trong vùng đất của trại giam thì phải. 
- Vậy ai có thể đưa con tới đó?
- Chỉ có người Giám thị và cô Thu Hương thôi. Nhưng Thu Hương thì như tôi vừa nói đấy, cô ấy buồn chán, tuyệt vọng từ ngày mất con nên không còn thiết chuyện gì. Còn người Giám thị thì từ đó không thấy trở lại nữa. Số điện thoại cũng đổi rồi.
Tôi bắt đầu nhìn thấy sự mịt mù phía trước.
Người giữ sổ sách đi vắng. Sư thầy hẹn tôi dịp khác trở lại, sẽ cho tôi xem danh sách 626 người tù. Thầy dẫn tôi xuống nhà linh, nơi đặt tấm bia.
Tôi cảm thấy rợn rợn khi bước chân vào Nhà linh, nơi đặt di ảnh của những người quá cố. Có mấy người đội khăn tang đang ngồi tụng kinh cho người thân mới qua đời. 
Tìm mãi không thấy tấm bia đâu. Tôi bắt đầu lo. Sư thầy quả quyết rằng tấm bia đặt ở phòng này nhưng lâu ngày không nhìn lại nên ngài không nhớ chính xác vị trí nào.
- Ôi đây rồi! Sư thầy reo lên.
Tôi sững người lại. Vừa nhìn thấy tấm bia, nước mắt tôi ứa ra. 
Tôi không xác định được cảm xúc của mình lúc đó. Vui vì đã “tìm thấy các anh”, như lời người anh đồng tù nhắn nhủ, hay buồn vì tôi lại chứng kiến thêm một nỗi đau đớn của quê hương?
Tôi lập cập lục tìm trong túi xách chiếc máy ảnh. Tôi hay bị lúng túng mỗi khi cảm xúc bị “quá độ”. Sư thầy dặn chỉ chụp tấm bia thôi, đừng để những di ảnh xung quanh lọt vào ống kính. Cảm giác tủi thân và xót xa khiến tôi không nói nổi tiếng “vâng” một cách rõ ràng.
Trước khi về, tôi gửi một ít tiền để sư thầy giúp việc nhang khói cho “các anh”. Tôi cầm theo nải chuối, mấy quả cam thầy vừa cho, chậm rãi cuốc bộ trên con phố. Tôi không khóc, nhưng cổ họng nghèn nghẹn và bước chân nặng nề. 
Một tuần sau tôi trở lại Chùa. Sư thầy đi vắng. Vừa nghe tiếng tôi trong điện thoại, sư thầy nhận ra ngay:
- Chị Nghiên hả? Tiếc quá! Thầy đã hỏi người trông coi sổ sách của nhà Chùa rồi. Nhưng chị ấy nói là danh sách đã được hóa (4) đi từ hôm Rằm tháng bảy.
Tôi chết đứng người. Cố gắng lắm tôi mới thốt lên được một câu nghe như không phải giọng của mình.
- Sao lại đốt hả thầy, sao thế được?
- Thì nhà Chùa nghĩ là không cần dùng đến danh sách ấy nữa nên tiện dịp lễ Vu Lan thì hóa luôn cùng với áo mũ, vàng mã chị ạ.
- Thầy ơi! Thầy làm ơn kiểm tra lại giúp con với. Cái danh sách ấy... 626 người tù... thầy ơi, thầy làm ơn!
Tôi cố gắng trấn tĩnh để van lơn.
- Thầy không thể làm gì hơn chị Nghiên ạ. Chúng tôi sẽ hương khói đầy đủ cho các vị ấy.
Nói xong, sư thầy cúp máy.
Một cảm giác còn tệ hơn sự tuyệt vọng. Tôi ôm mặt ngồi thụp xuống giữa đường. Một đứa bé từ đâu chạy lại, trân trân nhìn tôi. Hình như bộ dạng tôi làm đứa bé sợ. Nó co chân chạy, không ngoái lại nhìn.
Bấy giờ tôi nhận thấy, có một thứ cảm xúc rất giống với nỗi buồn, rất giống với niềm tuyệt vọng. Nhưng không hoàn toàn như thế. Thứ cảm xúc thật khó gọi tên. 
Tôi về nhà, lầm lỳ đến vài hôm. 
Không thể dễ dàng bỏ cuộc được, tôi quyết định đi Nam Hà để tìm đến ngôi Am thờ. Người anh đồng tù buồn rầu bảo: 
- Không có cô Thu Hương hay vị Giám thị dẫn đường, em không tìm được đâu.
Lần này thì tôi thật sự tuyệt vọng. Tấm bia, danh sách và Am thờ, tôi chỉ hoàn thành một phần ba công việc.
Tôi nghĩ đến người Giám thị.
Không biết vì lý do gì viên Giám thị lại làm một việc cấm kỵ và mạo hiểm như thế. Hơn ai hết, người này phải ý thức được mức độ nguy hiểm của việc mình làm, nhất là nếu thông tin bị lộ ra ngoài. Chắc chắn phải có một lý do sâu xa và rất đặc biệt để người này làm thế. Vì lợi nhuận ư? Không ai dại dột vì chút giá trị vật chất mà đánh đổi cuộc sống bình yên của mình. Vả lại, bản thân nghề cai tù đã là một cơ hội để làm giàu một cách rất an toàn.
Người anh đồng tù và bác Thanh lý giải rằng, niềm tin tâm linh đã thúc đẩy người Giám thị và cô Thu Hương làm như thế. Có thể người Giám thị sợ bị vong hồn của những người tù tìm đến hỏi tội chăng? Lý giải này không hẳn là vô lý. Tôi đã từng nghe và được biết những chuyện tương tự như thế khi còn trong nhà tù Thanh Hóa. Đã là cai tù, không ít thì nhiều, không chủ ý thì cũng bắt buộc phải dính vào tội ác. Song dù với lý do gì, thì hy vọng cũng có phần trăm nào đó của sự ăn năn, của chút lương tâm bị hối thúc. 
Tôi vốn không mê tín, không tin chuyện dị đoan nhưng tin rằng luôn có một thế giới tâm linh đang nhìn ngó thế giới con người. Ước gì một ngày nào đó, duyên cớ run rủi để chúng ta được biết trọn vẹn câu chuyện về 626 người tù chính trị Ba Sao, Nam Hà. Chúng ta cần được biết về số phận của những người từng bị cộng sản bách hại để hiểu về một giai đoạn lịch sử đã tạo nên thân phận đau thương của dân tộc này.

29.03.2016

Phạm Thanh Nghiên

No comments:

Post a Comment