Thursday, January 2, 2014

TỪ 1954 ĐẾN 2014: 60 NĂM SAU NGÀY THOÁT ÁCH ĐÔ HỘ THỰC DÂN PHÁP VIỆT NAM ĐƯỢC, MẤT NHỮNG GÌ?

Nguyễn Thu Trâm

Trong năm 2014 này Việt Nam sẽ từng bừng kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương, giành lại độc lập cho ba nước Lào, Cambodge và Việt Nam, bởi theo sách sử của Việt Nam hiện nay, cũng như trong nhận thức của nhiều người Việt thì nước Việt Nam chính thức độc lập từ thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, tức là từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nhưng trên thực tế thì Việt Nam đã độc lập khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp từ gần 10 năm trước đó, vào ngày 11 Tháng 3 năm 1945 khi quân đội Nhật Bản làm cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Bảo hộ của Pháp, được sự hậu thuẫn của Nhật, Hoàng Đế Bảo Đại đã cho thành lập Chính Phủ Đế Quốc Việt Nam vào ngày 17 tháng 4 năm 1945 và bổ nhiệm Giáo Sư Trần Trọng Kim làm Thủ tướng Chính Phủ, đồng thời, Hoàng Đế Bảo Đại cũng đã ban một chiếu chỉ, tuyên bố Việt Nam độc Lập với nguyên văn:
"Theo tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á Châu, chính phủ Việt Nam long trọng công bố rằng: Kể từ ngày hôm nay, Hòa ước Bảo hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một quốc gia độc lập.” Tiếc thay, chính phủ Đế Quốc Việt Nam còn quá non trẻ, mới tồn tại được 126 ngày với một đất nước hoang tàn, đổ nát ngân khố không một đồng, hai triệu đồng bào Bắc và Trung kỳ đang chết đói, xác người vẫn ngỗn ngang khắp chốn, 95% người dân Việt mù chữ, khó tiếp cận với thông tin trung thực, nên dễ bị mê hoặc bởi các luận điệu tuyên truyền của cộng sản. Một chính phủ non trẻ phải đối diện với vô vàn khó khăn, lại chưa thành lập được quân đội là điều kiện thuận lợi cho Hồ Chí Minh và tổ chức Việt Minh dễ dàng cướp chính quyền theo mệnh lệnh của Quốc Tế Cộng Sản, nhằm xích hóa Việt Nam và mở rộng lãnh thổ đỏ xuống các nước Đông Nam Á. Sau khi cướp được chính quyền và thủ tiêu chính phủ Quốc Gia của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, chính Hồ Chí Minh đã ký Hiệp Định Sơ Bộ với thực dân Pháp vào ngày 6 tháng 3 năm 1946. Một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiệp Định Sơ Bộ là cho phép 15.000 binh lính Pháp trở lại Miền Bắc để thay thế cho 200.000 lính thuộc quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Rõ ràng, chính Hiệp Định này đã giúp Pháp có được danh chính ngôn thuận khi đưa quân đội trở lại tái chiếm Đông Dương và tiếp tục đặt nền đô hộ trở lại đối với Việt Nam. Bởi điều đó mà nhiều sỹ phu yêu nước lúc bấy giờ đã vô cùng phẫn nộ về hành động cõng rắn cắn gà nhà, rước voi dày mã tổ bằng Hiệp Định Sơ Bộ mà Hồ Chí Minh đã cùng chính phủ Pháp ký kết vào ngày 3 tháng 3 năm 1946.

Như vậy, máu xương của hàng vạn đồng bào, dân công, vê quốc quân đã phải đổ ra để đánh đổi chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương là cái giá mà Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải trả cho những sai lầm của họ khi cướp chính quyền của chính phủ Quốc Gia do Trần trọng Kim làm thủ tướng, và ký Hiệp Ước Sơ Bộ để đón quân đội Pháp trở lại với một tuyên bố hết sức đê hèn và đáng hổ thẹn rằng: “Thà ngửi cứt thằng Tây ít lâu, còn hơn suốt đời ăn cứt thằng Tàu”. [Plutôt flairer un peu la crotte des Francaisque manger toute notre vie celle des Chinois – Paul Mus, "Vietnam, Sociologie d'une guerre", Paris, Seuil, p. 185].” Cho nên, xét một cách khách quan thì Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và chính phủ Cộng Sản Việt Nam đang mang một món nợ máu xương rất lớn của đồng bào Việt Nam đổ ra để đánh đổi cái vinh quang chiến thắng Điện Biên Phủ cho họ, nhưng thực chất nguồn xương máu đó của đồng bào đổ ra chỉ để trả giá cho sai lầm của ông Hồ khi cướp chính quyền Quốc Gia của chính phủ Trần Trọng Kim và sau đó ký hiệp Sơ Bộ, đón quân Pháp trở lại. Vấn đề này chúng tôi xin được trình bày trong một bài viết tiếp theo.

Trở lại với chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương, cách đây 60 năm, vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, và cứ tạm tin rằng Việt Nam chỉ mới giành được độc lập từ thực dân Pháp sau chiến thắng này, thì tính ra từ năm Giáp Ngọ 1954 đến năm Giáp Ngọ 2014 là vừa tròn một “Thập Lục Hoa Giáp” tức là đúng một chu kỳ chuyển luân của đất trời theo lịch Đông Phương. Với lịch sử của một dân tộc thì 60 năm chưa phải là quá dài, nhưng so với đời người thì 60 năm là quá đủ để cho con người ta chiêm nghiệm được những thăng trầm của đất nước, của lịch sử giống nòi. 60 năm cũng là khoảng thời gian đủ dài để người ta đưa ra những nhận định cđúng đắn về các triều đại, các thể chế chính trị hay những cá nhân có những ảnh hưởng, những hệ lụy đối với tương lai của đất nước và tiền đồ của dân tộc. Và tất nhiên 60 năm cũng là một khoảng thời gian đủ dài, trong xây dựng, để người ta vực dậy nền kinh tế đổ nát do chiến tranh hay do tinh trạng nô lệ kìm hãm.

Để minh chứng điều này, trước hết, chúng ta hãy xem xét nền kinh tế của Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến. 

Hẳn mọi người đều còn nhớ rõ là khi kết thúc cuộc Đại Chiến Thế Giới lần thứ hai kinh tế Nhật Bản bị hoàn toàn kiệt quệ do sự tàn phá của hai quả bom nguyên tử mà Hoa Kỳ thả xuống để phá hủy hoàn toàn hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào ngày 6 tháng 8 và ngày 9 tháng 8 năm 1945. Tuy nhiên, chỉ 8 năm sau đó, tức là vào năm 1953 thì kinh tế của Nhật Bản đã hoàn toàn hồi phục và trở thành một siêu cường kinh tế thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ vớ tổng thu nhập GDP bình quân trên đầu người là 38.500 Mỹ kim, trong khi so với Việt Nam thì Nhật Bản là một quốc gia có nhiều khó khăn, bất lợi hơn về mặt thiên nhiên, với diện tích không lớn hơn Việt Nam là mấy, đồi núi chiếm đến 70% diện tích nhưng lòng đất lại hầu như không có khoáng sản. Nhật Bản Là một đảo quốc bao bọc chung quanh là biển, nhưng thềm lục địa hầu như không có dầu mỏ như Việt Nam hay các quốc gia khác. Tệ hại hơn nữa là hằng năm Nhật Bản phải hứng chịu hơn 1.500 cơn địa chấn, và trên toàn lãnh thổ của Nhật Bản, chỉ có 16% diện tích đất đai là phù hợp cho đời sống dân sinh mà thôi. Vậy mà Nhật Bản phát đã triển kinh tế lên mức siêu cường từ một đống đổ nát, chỉ trong vòng chưa đầy10 năm. Đã bao giờ các giới chức lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam  tìm hiểu xem nhờ đâu mà người Nhật phát triển kinh tế xã hội và dân sinh thần kỳ đến vậy hay không?

...Và  sau 60 năm thoát ách nô lệ Việt Nam đã đạt được những gì?

Xin được trở lại với Việt Nam thời Pháp thuộc từ 1858 đến 1885: Đây là thời kì mà Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam, với một nền kinh tế thực dân và bảo hộ, thời gian đó tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chỉ ở mức 2,5% đến 3%, sau khi Pháp chiếm được lục tỉnh Nam Kỳ, tăng trưởng của Nam Kỳ lúc này đã lên tới 6%. Tiếp đến việc chiếm nốt Bắc Kỳ và Trung Kỳ, tăng trưởng của cả Việt Nam đã lên khoảng 6% đều đặn cho đến khi Lào và Cambodge bị Pháp thôn tính, lúc này kinh tế Việt Nam lên mức trên 8% … Với tinh thần chống mọi sự đô hộ của ngoại bang, chúng ta từng cho rằng để dễ bề cai trị thuộc người dân thuộc địa, thực dân Pháp đã áp dụng chính sách ngu dân, khiến cho có đến 95% người dân Việt Nam thời đó bị mù chữ. Điều này, hư thực ra sao? 

Chính nhờ cuộc cải cách giáo dục trong thời kỳ Pháp thuộc đã xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho Học từ chương với chữ Hán cả nghìn năm trong chế độ phong kiến Việt Nam để thay thế bằng phong trào tân học theo chữ quốc ngữ đã tạo ra một tầng lớp trí thức mới, đó là những người xuất thân từ truyền thống nho giáo nhưng được tiếp cận với văn hóa phương Tây. Đại diện tiêu biểu cho giới này là các cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đã mở đầu cho phong trào Duy Tân và phong trào Đông Du vận động tăng cường dân trí, dân chủ, nhân quyền và cải cách xã hội cho người Việt trước sự cai trị của Thực dân Pháp. 

Tuy nhiên, do tư tưởng thủ cựu từ vua quan nhà Nguyễn cho đến nhiều tầng lớp dân, chúng tiếp tục sùng bái Nho học, Hán học và bài Pháp, bài xích văn hóa phương Tây là nguyên nhân chính yếu khiến cho có đến 95% dân chúng mù chữ, chứ thực ra chính quyền  Bảo Hộ chẳng những không áp dụng bất cứ chính sách ngu dân, không hề chủ trương “địa hào trí phú đào tận gốc, trốc tận ngọn  như chủ trương của Hồ Chí Minh và chế độ Cộng Sản sau này, mà ngược lại, chính phủ Pháp còn mở cả trường Thuộc địa và cấp học bổng cho học sinh các nước thuộc địa đến Pháp học hành, để nâng cao dân trí, mà ngay cả Nguyễn Tất Thành kẻ mà sau này trở thành lãnh tụ Hồ Chí Minh của Cộng Sản Việt Nam cũng từng làm đơn xin vào học, trong thời gian ông tha phương cầu thực tại Pháp. Rũi thay, vì những thành tích bất hảo trong suốt thời niên thiếu, mà Nguyễn Tất Thành đã bị từ chối, không được nhận vào học trường thuộc địa, để rồi ông tiếp tục lang than và cuối cùng phải đi làm tay sai cho Đệ tam Quốc Tế, để du nhập chủ nghĩa cộng sản về để tàn hại giống nòi.
Đơn Xin Vào Học Trường Thuộc Địa - Của Nguyễn tất Thành
Và cũng nhờ chính sách khuyến học của Pháp lúc bấy giờ mà Việt Nam đã có được một số các nhà bác học, các học giả như Lưu Văn Lang, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường... 

Ngoài ra, dẫu là một nước thực dân đang cai trị nước thuộc địa Việt Nam, nhưng chính phủ bảo hộ cũng không hề ngăn cấm các quyền tự do căn bản của con người, bao gồm tự do lập hội, tự do ngôn luận hay tự do báo chí, nhờ đó mà lúc bấy giờ ở Việt Nam đã tồn tại các đảng phái chính trị hoạt động công khai như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Cách Mạng Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng, Tân Việt Cách Mạng Đảng. 

Trong lĩnh vực báo chí, ngôn luận thì khắp trên ba kỳ của đất nước đều có các tòa soạn báo tư nhân hoạt động công khai như Gia Định Báo ra đời từ năm 1865,  Phan Yên báo ra đời từ năm 1868, Nam Kỳ Địa Phận Báo ra đời năm 1883 và cứ thế các tòa báo tư nhân cứ tiếp tục xuất hiện như Nông Cổ Mín Đàm, Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, Đại Việt Tân Báo, Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương Tạp Chí. Đến năm 1907 lại xuất hiện thêm tờ Lục Tỉnh Tân Văn do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút. Là một người cầm đầu phong trào Minh Tân nên Trần Chánh Chiếu và LỤC TỈNH TÂN VĂN hoạt động rất mạnh để cổ súy phong trào này. Đây là một trong những tờ báo có mối quan hệ đặc biệt với phong trào Đông Du, và Duy Tân của hai nhà cách mạng Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu. Một số trí thức khoa bảng hoạt động trong lĩnh vực báo chí lúc bấy giờ có thể kể đến như  Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Nguyễn Khắc Hiếu… Tiếp đến, vào tháng 1 năm1915 Báo Trung Bắc Tân Văn xuất hiện ở Hà Nội do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Đây là một diễn đàn quan trọng thu hút nhiều cây bút nổi tiếng đương thời trên các lĩnh vực văn hoá, chính trị, xã hội Việt Nam vào thời gian đó.
Sang thập niên 1930s, báo chí Tiếng Việt tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh khoảng 30 tờ báo và tạp chí có từ trước vẫn đang tiếp tục lưu hành thì có khoảng 180 tờ báo và tạp chí mới ra đời. Đặc biệt bên cạnh báo chí hợp pháp phát hành công khai còn xuất hiện dòng báo bí mật của Đảng Cộng sản Việt Nam và dòng báo lưu hành trong các nhà tù của thực dân.

 Báo chí thời kì này phản ánh khá rõ nét tình hình kinh tế xã hội và chính trị tư tưởng đương thời. Đó là bên cạnh trào lưu Âu hoá và lối sống tư sản trong các đô thị, là tin tức về các hoạt động cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, các cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng như cuộc thảo luận của Hải Triều và Thiếu Sơn về “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”,  cuộc thảo luận của Hải Triều và Phan Khôi về “Duy vật và Duy tâm”; cuộc thảo luận của Phan Khôi và Nguyễn Thị Chính  về “Vấn đề giải phóng phụ nữ với nhân sinh quan”, và cuộc tranh luận về “Phổ thông đầu phiếu” trên báo Công Luận năm 1932 và các bài về quyền bầu cử của phụ nữ... 

Đó là sơ lược về kinh tế chính trị, văn hóa xã hội và nhân văn nước Việt Nam dưới ách đô hộ của thức dân Pháp kể từ khi tiếng súng đại bác đầu tiên bắn vào Đà Nẳng, báo hiệu sự khởi đầu một thời kỳ nô lệ mới của Việt Nam cho đến khi chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương vào năm 1954.
Tờ báo LỤC TỈNH TÂN VĂN
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và nhân văn của nước Việt Nam mới, sau khi kết thúc thời kỳ Pháp thuộc.
Sau hiệp định Geneva, khoảng 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam để tránh họa cộng sản. Đây là một khó khăn lớn đối với chính phủ Quốc Gia Việt Nam trong việc ổn định an sinh xã hội cho một khối lượng quá lớn đồng bào vừa đến nơi ở mới. Nhưng lại là một thuận lợi lớn cho chính phủ của Hồ Chí Minh ở miền Bắc bởi sau khi 1 triệu người bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn để đi tìm tự do ở Miền Nam, thì số ruộng đất dôi dư ra rất nhiều, nhất là đối với Miền Bắc lúc bấy giờ kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cuộc “Cải Cách Ruộng Đất” từ năm 1949 đến năm 1956 với hàng chục ngàn nông dân bị hành quyết, do bị quy là địa chủ, với 810.000 hécta ruộng đất, hơn 106.448 trâu bò và 148.565 căn nhà bị tịch thu và quốc hữu hóa và tiếp nối với giai đoạn thứ hai “tiến lên chủ nghĩa xã hội” của nông nghiệp, bắt đầu từ năm 1958, mà theo đó, các tư liệu sản xuất như ruộng đất, trâu bò, cày bừa đều là của chung. Đây là sai lầm lớn nhất của chế độ cộng sản khi vận dụng học thuyết kinh tế chính trị của Karl Marx, để xây dựng CNXH, bởi học thuyết đó trong thực tế đã đi ngược lại với quy luật phát triển chung của xã hội loài người, và mâu thuẩn với bản năng gốc của con người là bản năng sở hữu. Hệ lụy của sai lầm này đã khiến cho cả Miền Bắc Việt Nam trở nên điêu tàn, đói rách trong suốt thời kỳ quá độ lên Chủ Nghĩa Xã Hội. Một bức tranh toàn cảnh của Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa lúc bấy giờ cũng không khác mấy so với xã hội Bắc Triều Tiên hiện nay, Chỉ có giới quan phương thì luôn được no đủ, còn lại thì toàn dân Miền Bắc luôn phải sống trong đói rách triền miên. Cả Miền Bắc XHCN lúc bấy giờ tồn tại được nhờ vào nguồn viên trợ của Nga Sô và Trung Cộng từ bom đạn, khí tài cho đến lương thực thực phẩm. Chính vì điều này mà sau khi cưỡng chiếm được Miền Nam vào tháng 4 năm 1975 Bộ Chính Trị Trung Ương đảng cộng sản Việt Nam đã xác định rằng, để Hà Nội tiến kịp Sài Gòn thì phải mất đến 30 năm, nhưng để Sài Gòn lùi kịp Hà Nội thì chỉ cần 3 năm thôi, và Bộ Chính Trị đã chọn giải pháp 3 năm, làm cho Sài gòn lùi kịp Hà Nội, bằng các chính sách cấm chợ, ngăn sông khiến cho nhân dân cả nước đều trở nên đói rách lầm than hơn cả thời nô lệ thực dân Pháp.

Có một thực tế rất nhạy cảm nên ít ai dám đề cập một cách công khai ở Việt Nam đó là từ sau khi quân xâm lược Pháp rút đi, thì các quyền tự do căn bản của toàn dân Miền bắc XHCN cũng theo đó mà biến mất. Và rồi sau sự sụp đổ toàn diện của nền Đệ Nhị Cộng Hòa ở Miền Nam vào năm 1975 thì các quyền tự do, dân chủ căn bản của nhân dân Miền Nam cũng bị bức tử, để hòa cùng cả với nước, người dân Việt Nam hoàn toàn không còn bất cứ một quyền tự do nào trong tư tưởng, trong ngôn luận, trong tín ngưỡng hay trong lập hội nữa. Tất cả mọi tư tưởng của nhân dân đều được định hướng bởi đảng và nhà nước qua tổ chức Tuyên Giáo Trung Ương, tất cả các hội đoàn đều thuộc về nhà nước, và người dân phải có bổn phận tham gia để được củng cố quan điểm lập trường  chính trị, để thấm nhuần tư tưởng xuyên suốt rằng, "yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội, phải luôn ca ngợi bác, đảng và các lãnh tụ khác của cộng sản", nhưng hoàn toàn cấm chỉ mọi phát ngôn theo nhận thức riêng của cá nhân. Cũng vậy, tôn giáo, tín ngưỡng được đánh giá lại theo quan điểm của Karl Marx, là thuốc phiện của nhân dân, cho nên những nhà hoạt động tôn giáo cũng bị xem như là những kẻ buôn lậu thuốc phiện do vậy mà nhiều lãnh đạo tinh thần, tôn giáo phải bị tù đày lao lý với những bản án hết sức nặng nề, những cơ sở tôn giáo bị trưng thu và mọi hoạt động tôn giáo thuần túy đều bị ngăn cản, nghiêm cấm bằng pháp lệnh, nghị định của chính phủ. 

Về lĩnh vực báo chí và truyền thông, ngay từ những ngày đầu nắm quyền cai trị đất nước, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã ra sức trấn áp giới nhân sỹ trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là những người chủ trương đòi tự do ngôn luận và tự do báo chí, với vụ án nhân văn giai phẩm, hàng trăm nhân sỹ trí thức bị hạ phóng, bị giam cầm cho đến chết, tất cả các tòa soạn báo không thuộc nhà nước cộng sản đều bị đóng cửa vĩnh viễn. Cho đến nay đã 60 năm kể từ ngày độc lập, Việt Nam vẫn chưa tồn tại một tờ báo tư nhân nào. Gần đây, để khẳng định lại cho quốc dân đồng bào rõ về độc quyền báo chí và ngôn luận chỉ thuộc về đảng và nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ thị “nghiêm cấm tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”. Ông cũng khẳng định rằng Pháp luật Việt Nam cấm báo chí tư nhân, và Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ thị cho các cơ  quan an ninh lập tường lửa để ngăn chặn người dân Việt Nam truy cập vào hệ thống báo chí tự do của Phương Tây. Cùng với đó là nhiều chiến dịch trấn áp những người có tư tưởng tự do, dân chủ, nhiều blogger bị bắt bớ, bị truy tố theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tệ hại hơn nữa là chiến dịch trấn áp đó còn kéo vào tận các các nhà tù, nơi những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, những nhà báo tự do bị giam giữ, bằng nhiều hình thức vô cùng dã man, như giam chung các tù nhân lương tâm này với những người mắc bệnh lao, bệnh Aids, hoặc tổ chức cho các đại bàng là các tù hình sự trong các nhà tù đó đánh đập hành hung những tù nhân chính trị. Tàn bạo hơn nữa là việc hoán chuyển tù nhân chính trị người Miền Nam ra Bắc, người Miền Bắc vào Nam, xa cách hàng ngàn cây số nơi quê hương bản quán của họ, để vừa tạo sự khó khăn cho sự thích nghi của tù nhân với môi trường sống mới, với khí hậu, với sương lam chướng khí, vừa gây khó khăn cho gia đình, thân nhân của họ trong việc thăm nuôi và chăm sóc khi đau ốm. Đây là cái tinh vi của chế độ cộng sản trong việc trấn áp các tiếng nói đối lập, mà các chế độ thực dân, phát xít trước đây không thể nào sánh kịp.

Về đời sống xã hội…
Thật khó mà hình dung được rằng khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ 3 đã hơn 10 năm rồi mà người dân Việt Nam vẫn tiếp tục song trong đói nghèo, cơ lại. Ngoài cái hào nhoáng  của các khu đô thị, do có sự đầu tư của các doanh nhân ngoại quốc, thì còn lại dân chúng các vùng nông thôn vẫn sống dưới mức nghèo khổ và hằng năm vẫn đói ăn nhiều tháng trời trong mùa giáp hạt, để đến nỗi mỗi năm, hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam vẫn phải tiếp tục rời bỏ quê hương để đi làm lao nô khắp thế giới với mỹ từ “Xuất Khẩu Lao Động”, và cũng thế, mỗi năm cũng hàng trăm ngàn thiếu nữ Việt phải lìa bỏ quê nhà để đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc theo các dịch vụ môi giới lấy chồng ngoại quốc, với mong muốn cha mẹ, anh em còn ở lại quê nhà không còn phải đói ăn trong những ngày giáp hạt, không còn phải thiếu mặc trong những ngày giá lạnh tiết Đông. Chắc chắn đây là những điều chưa từng tồn tại trong xã hội Việt Nam ngay cả trong suốt gần một trăm năm nô lệ giặc Tây.

Còn nhớ, vào dịp tết nguyên đán năm 1976, một lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam là Tổng Bí Thư Lê Duẫn đã long trọng tuyên bố với toàn dân rằng, “Với đường lối lãnh đạo sáng suốt của đảng và nhà nước, chỉ 10 năm nữa là mỗi gia đình người Việt Nam sẽ sở hữu một radio, một TV và một tủ lạnh”. Khi nghe phát ngôn này của một lãnh đạo tối cao của đảng CSVN, nhiều người dân Miền Nam đã cười cợt cho cái não trạng đó của một đầu đảng - Ấy vậy mà đến nay, đã gần 4 thập niên rồi, tức là đã 4 lần cái mười năm của Lê Duẩn rồi mà hàng chục triệu người Việt vẫn khố rách áo ôm, vẫn đang sống dưới mực đói nghèo, cơm vẫn chưa đủ no, áo vẫn chưa đủ ấm, thì TiVi, Tủ lạnh quả là quá xa vời! Đã 60 năm rồi kể từ ngày đất nước Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ thực dân Pháp, xin hỏi người dân Việt chúng ta đã được những gì và đã bị mất đi mất những gì? Não trạng của các lãnh tụ cộng sản sẽ còn khiến cho đất nước Việt Nam tàn lụi đến mức nào nữa? Sự xuẩn động của SANG TRỌNG HÙNG DŨNG, những kẻ nô lệ cộng sản Nga Tàu sẽ còn làm cho người dân Việt Nam u tối,  điêu linh, cơ lại đến bao giờ nữa?

Ngày 01 tháng 01 năm 2014


Nguyễn Thu Trâm

No comments:

Post a Comment