Friday, December 6, 2013

TRÈO RÀO PHÁ TƯỜNG


Lời người dịch: Từ một người thợ điện vô danh, Lech Walesa đã tạo ra lịch sử khi lãnh đạo phong trào Công Đoàn Đoàn Kết trong công cuộc đấu tranh giành tự do và dân chủ cho nhân dân Ba Lan, để từ đấy mở đường cho các cuộc cách mạng ở Đông Âu vào năm 1989. Ông đã được trao giải Nobel Hòa Bình, được bầu làm tổng thống Ba Lan đầu tiên sau cộng sản. Đây là trích đoạn bài diễn văn của ông đọc trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 11 1989. Tựa đề của người dịch.

*

Thế giới luôn luôn nhớ nguyên tắc tuyệt diệu của nền dân chủ Mỹ: "chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân, vì nhân dân."

Tôi cũng nhớ những lời này; tôi, một công nhân nhà máy đóng tàu ở Gdansk, cùng với những thành viên khác của phong trào Đoàn Kết, đã dành trọn đời mình phục vụ tư tưởng này "chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân, vì nhân dân." Chống lại đặc quyền và độc quyền chính trị, chống lại những vi phạm luật pháp, chống lại sự chà đạp nhân phẩm, chống lại sự khinh thường và bất công.

Thật ra những nguyên tắc và những giá trị như thế - gợi ta nhớ đến Abraham Lincoln và những bậc Tổ Phụ Lập Quốc của Cộng Hòa Mỹ, và cũng gợi ta nhớ đến những nguyên tắc và tư tưởng của Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Mỹ - luôn luôn được phong trào cao cả Đoàn Kết Ba Lan theo đuổi; một phong trào thành công.

Sự thật nền tảng và quan trọng nhất là ở đây. Phong trào xã hội mang tên rất đẹp Đoàn Kết, sinh thành từ Ba Lan, là một phong trào thành công. Sau nhiều năm dài đấu tranh phong trào đã tạo ra kết quả mà tất cả mọi người đều có thể thấy. Phong trào đã chỉ ra phương hướng và cách thức hành động mà ngày nay đang ảnh hưởng đến cuộc đời của hàng triệu người nói những ngôn ngữ khác nhau. Phong trào đã làm chao đảo những độc quyền chính trị, làm sụp đổ hoàn toàn nhiều độc quyền chính trị. Phong trào đã mở ra những chân trời hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, cuộc đấu tranh này hoàn toàn bất bạo động. Chúng tôi bị giam cầm trong tù, bị đuổi việc, bị đánh đập và đôi lúc bị sát hại. Nhưng chúng tôi chưa từng bao giờ đánh một người nào. Chúng tôi không phá hủy bất kỳ cái gì. Chúng tôi không đập vỡ dù chỉ một cửa kiếng. Nhưng chúng tôi cương quyết, rất cương quyết, sẵn sàng chấp nhận đau khổ, sẵn sàng hy sinh. Chúng tôi biết điều chúng tôi muốn. Cuối cùng sức mạnh của chúng tôi đã thắng.

Phong trào Đoàn Kết đã nhận được sự ủng hộ rất to lớn và đã giành được nhiều thắng lợi vì trong mọi thời điểm và trong mọi vấn đề phong trào đều luôn luôn chọn giải pháp tốt hơn, nhân đạo hơn, cao thượng hơn để chống lại tàn bạo và hận thù. Phong trào trước sau như một, luôn luôn kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ thế, sau tất cả những năm dài đau khổ và sau rất nhiều thời khắc bi kịch, ngày nay phong trào Đoàn Kết đang thành công và vạch ra con đường đi cho hàng triệu người ở Ba Lan và các nước khác.

Cách đây mười năm, vào tháng Tám 1980, cuộc đình công lừng danh bắt đầu từ nhà máy đóng tàu Gdansk đã đưa đến sự ra đời của công đoàn độc lập đầu tiên trong các nước cộng sản, và từ đấy mau chóng trở thành phong trào xã hội rất to lớn được cả nước Ba Lan ủng hộ. Lúc ấy tôi trẻ hơn bây giờ mười tuổi, chẳng ai biết đến tôi chỉ ngoại trừ những người bạn công nhân trong nhà máy, và ngày ấy người tôi gầy hơn bây giờ. Thành thật mà nói, gầy thế hóa ra quan trọng. Lúc ấy tôi thất nghiệp sau khi bị đuổi việc vì đã nhiều lần tổ chức các công nhân đấu tranh giành lại quyền lợi của họ, tôi trèo qua hàng rào vào lại nhà máy để trở về với các anh chị em công nhân và họ liền chỉ định tôi làm người lãnh đạo cuộc đình công. Cuộc đình công đã khởi đầu như thế. Khi hồi tưởng lại con đường chúng tôi đã đi qua, tôi thường nghĩ về vụ trèo rào năm xưa. Hôm nay nhiều người khác cũng đang trèo rào phá tan những bức tường. Họ làm thế vì tự do là quyền của con người.

Nhìn những gì đang diễn ra quanh chúng ta hôm nay, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng con đường đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh bất bạo động, sự cương quyết và kiên cường của nhân dân Ba Lan để mưu cầu đa nguyên và dân chủ chỉ cho nhiều người và cả các quốc gia ngày nay cách tránh những nguy hiểm lớn nhất vì như chúng ta biết những thay đổi ở nơi khác không diễn ra ôn hòa như thế.

Chúng tôi chắc chắn rằng những người khác cũng sẽ theo con đường chúng tôi, vì không có sự chọn lựa nào khác.

Đức Giáo Hoàng John Paul II có lần nói: "Tự do không phải là cái gì đấy có sẵn để hưởng, tự do phải đấu tranh mới có. Ta phải dùng tự do để xây dựng cuộc đời riêng của cá nhân và cuộc đời chung của quốc gia."

Cùng với Ba Lan, các quốc gia Đông Âu khác đang theo con đường này. Bức tường một thời ngăn cách nhân dân với tự do đã sụp đổ. Và tôi hy vọng rằng các nước trên thế giới sẽ không bao giờ để cho bức tường được dựng trở lại.

Nguồn: Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.


Bản tiếng Việt:

No comments:

Post a Comment