Luật sư Ngô Ngọc Trai, người biện hộ cho bị cáo Hàn Đức Long |
Trà Mi-VOA - 22.11.2013: Một luật sư gửi đơn kêu cứu về bản án tử hình của một người đàn ông ở tỉnh Bắc Giang bị buộc tội giết người, hiếp dâm trẻ em.
Đơn kêu cứu khẩn cấp của Luật sư Ngô Ngọc Trai thuộc Đoàn Luật sư Nam Định được gửi tới giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam và các cơ quan chức năng, yêu cầu xem xét lại vụ án Hàn Đức Long ở Tân Yên (Bắc Giang), người đang nằm trong danh sách hàng trăm tử tù tại Việt Nam chờ thi hành án tử hình bằng phương thức độc dược.
Vụ án của ông Long từng lên tới Giám đốc thẩm, rồi trở lại sơ thẩm, phúc thẩm lần hai. Tại tất cả 5 phiên tòa, bị cáo một mực phản cung, kêu oan, và tố cáo bị truy bức nhục hình, buộc phải nhận tội trong quá trình điều tra.
Luật sư Trai, người bảo vệ cho bị cáo từ những phiên tòa đầu tiên, nói ông có đầy đủ chứng cứ chứng minh bị cáo bị oan, nhưng hơn 8 năm kể từ ngày xảy ra vụ án giữa năm 2005 tới nay, bị cáo Long vẫn chịu nỗi oan khuất trong tù dù đã kêu cứu nhiều lần.
Luật sư Ngô Ngọc Trai nói “vụ án oan này là tổng hợp mọi khiếm khuyết” của nền tư pháp Việt Nam, bao gồm nạn “truy bức nhục hình trong giai đoạn điều tra và tình trạng án tuyên được duyệt từ trước mà không căn cứ vào kết quả tranh luận tại tòa.”
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Đơn kêu cứu tôi gửi cho các cơ quan thẩm quyền và trước đây có gửi cho các cơ quan báo chí trong nước, nhưng thời gian đầu họ không đăng. Sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, án oan sai được quan tâm, lúc đấy báo chí mới lưu tâm tới vấn đề đó.
VOA: Trong đơn kêu cứu, luật sư nói có đầy đủ chứng cứ chứng minh bị cáo Hàn Đức Long bị oan, nhưng vì sao mãi đến nay luật sư chưa chứng minh được điều này?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Tôi chứng minh tại tòa, nhưng Hội đồng xét xử lại đánh giá theo chiều hướng khác.
VOA: Tòa dựa và những yếu tố nào để bác bỏ các chứng cứ luật sư đưa ra?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Tòa cho bị cáo có tội vì căn cứ vào lời khai ‘nhận tội’ của bị cáo, những đơn xin ‘thú tội’của bị cáo, những lá thư bị cáo gửi về gia đình thừa nhận phạm tội.
VOA: Phía luật sư, ông đưa ra những luận cứ thế nào để chứng minh thân chủ của mình vô tội?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Thứ nhất, tại tòa, bị cáo nói không phạm tội. Khi luật sư hỏi vì sao tại tòa nói không phạm tội mà trong lời khai lúc điều tra bị cáo lại nhận là mình phạm tội. Bị cáo trả lời tại tòa trong quá trình điều tra ông đã bị truy bức, nhục hình, bị đánh đập buộc phải nhận tội. Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án có rất nhiều điểm vô lý, khập khễnh khi mô tả diễn biến hành vi phạm tội, có nhiều tình tiết không khớp nhau.
VOA: Bị cáo khai tại tòa do bị bức cung nên ‘nhận tội’. Điểm này được tòa ghi nhận thế nào?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Tòa thật ra cũng không làm rõ nhiều. Họ cũng không soi xét hay tranh luận nhiều đâu. Hội đồng xét xử cho rằng do bị cáo thấy mức án tử hình nên chối tội.
VOA: Luật sư có đề nghị tòa cân nhắc đến khả năng bị cáo bị ép cung không? Tòa hồi đáp thế nào?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Đương nhiên luật sư có đề nghị xem xét việc này, nhưng Hội đồng xét xử bảo phải có bằng chứng truy bức nhục hình. Việc truy bức nhục hình, nếu có, diễn ra trong phòng kín chỉ giữa bị cáo và cán bộ điều tra biết thôi. Bị cáo không có gì chứng minh bị truy bức nhục hình cả, ngoài lời khai.
VOA: Bị cáo bị ép cung nhưng không có được bằng chứng, làm thế nào để họ có được công lý? Người luật sư có thể giúp thế nào trong việc này?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Tình trạng truy bức nhục hình ở Việt Nam không phải là điều bất ngờ. Để bảo vệ, minh oan cho bị cáo chỉ có cách như lâu nay vẫn làm là kêu oan tới các cơ quan cấp cao hơn. Trong một dịp nào đó, các cơ quan có thẩm quyền dành thời gian xem xét thì lúc đấy có hy vọng vụ án sẽ được soi xét lại.
VOA: Vậy có nghĩa hoàn toàn tùy thuộc vào yếu tố chủ quan của phía tòa. Xét về luật pháp, có điều luật nào buộc tòa phải cân nhắc đến khả năng bị cáo bị ép cung khi bị cáo khai trước tòa như vậy không?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Không có điều luật nào quy định rằng khi bị cáo kêu oan trước tòa thì Hội đồng xét xử phải xem xét lại hồ sơ vụ án.
VOA: Vậy làm cách nào để các bị cáo chứng minh được mình bị ép cung?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Thật ra các cơ quan tòa án, Viện kiểm sát họ thừa hiểu có việc ép cung, chứ không phải họ không biết. Nhưng với thực trạng xét xử, mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay, và các quy định pháp luật hiện tại về trách nhiệm của các cơ quan này, thì họ coi việc truy bức nhục hình không quan trọng lắm. Quan trọng đối với họ là bằng mọi cách tìm ra được một thủ phạm, tránh áp lực từ cấp trên. Nếu không tìm được hung thủ, các cơ quan này phải chịu áp lực rất lớn, bị chê trách kỷ luật, bị cắt thi đua khen thưởng bởi cơ quan lãnh đạo. Có thực trạng như thế.
VOA: Mục tiêu là bảo vệ thành tích chứ không phải bảo vệ công lý, thưa luật sư?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Đúng, có màu sắc của bệnh thành tích trong việc này.
VOA: Vậy lối thoát nào cho các hồ sơ oan sai, cho những người bị ép cung, truy bức, nhục hình?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Có nhiều điểm khíêm khuyết. Chẳng hạn như trong giai đoạn điều tra, thường các cơ quan hay gây khó dễ để luật sư càng chậm vào bao nhiêu càng tốt để họ hòm hòm hồ sơ đi. Hòm hòm nghĩa là người ta cứ buộc bị cáo phải khai báo thế nào để thu xếp ổn, để đủ căn cứ khẳng định bị cáo có tội đi đã, rồi mới cho luật sư vào cuộc. Thực tế là như thế.
VOA: Việt Nam mới ký Công ước Chống tra tấn của Liên hiệp quốc. Để áp dụng những điều cam kết đó vào thực tế, luật sư có đề nghị gì?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Tình trạng đánh chết người tại các đồn công an cũng khá phổ biến ở Việt Nam. Phải đấu tranh để các cơ quan phải chấm dứt ngay tình trạng đấy. Khi Việt Nam đã ký vào Công ước, các điều kiện về giam giữ, bắt bớ, hay điều tra sẽ phải có những cải thiện. Trước khi nói tới việc sửa đổi lại các quy định pháp luật, đầu tiên phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện tại. Các cơ quan trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thường bỏ qua hay làm tắt. Cho nên, để tránh oan sai, các cơ quan phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện tại cái đã. Còn những quy định hiện chưa hợp lý phải được xem xét và bổ sung.
VOA: Xin ông dẫn dụ cụ thể một trong những điều cần sửa đổi trước tiên?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Phải bổ sung quy định về quyền được giữ im lặng của người bị bắt giam. Hiện giờ luật có quy định nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình, nhưng thực tế vẫn vi phạm. Cho nên, tốt nhất nên bổ sung bằng một quy định cho phép bị can được quyền giữ im lặng, chỉ khai báo khi việc lấy lời khai có sự tham gia của luật sư. Như vậy mới có thể tránh được những oan sai do bị truy bức nhục hình.
Đích thân cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ngày 7/11 đã viết thư cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu chỉ thị cho tòa thẩm tra lại vụ án Hàn Đức Long để tránh oan sai cho người vô tội.
Truyền thông nhà nước nói Văn phòng Chủ tịch nước đã đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ vụ án này.
Vụ án Hàn Đức Long được chú ý sau khi ông Nguyễn Thanh Chấn cũng ở Bắc Giang được trả tự do hôm 4/11 sau 10 năm thi hành bản án chung thân về tội ‘giết người’. Ông Chấn, người được tòa tuyên bố vô tội sau khi thủ phạm thật sự ra đầu thú, nói ông buộc phải ‘nhận tội’ vì bị cán bộ điều tra tra tấn, ép cung.
Việt Nam ký Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn UNCAT ngày 7/11 năm nay. Đại sứ Thường trực của Việt Nam tại Liên hiệp quốc Lê Hoài Trung nói qua việc trở thành thành viên mới nhất của Công ước, Việt Nam tái khẳng định ‘cam kết bất di bất dịch’ ngăn chặn bất cứ hành động tàn ác hay đối xử vô nhân đạo và bảo vệ tốt hơn nhân quyền căn bản.
Ông Gerald Staberock, Tổng Thư ký,
Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn, OMCT
|
Trong cuộc phỏng vấn với VOA Việt Ngữ, Tổng Thư ký Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn OMCT nhấn mạnhcộng đồng quốc tế cần Hà Nội chứng tỏ trách nhiệm và thiện chí bảo vệ nhân quyền bằng hành động cụ thể hơn là những lời tuyên bố khoa trương.
Ông Gerald Staberock nói tổ chức OMCT rất quan ngại về thực trạng tra tấn nhục hình tại Việt Nam được tiếp tay bởi nạn công an bắt bớ tùy tiện trong khi những người bị bắt không được tiếp cận đầy đủ với luật sư.
Ông Staberock đề nghị: “Phê chuẩn Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ pháp lý với quốc tế phải hình sự hóa tội tra tấn theo đúng định nghĩa trong Công ước, cần lập ra một hệ thống hữu hiệu chống tra tấn chẳng hạn như cho phép bị can được tiếp cận với luật sư ngay sau khi họ bị bắt, rà soát lại hệ thống giam giữ, và phải có luật bồi thường cho các nạn nhân bị tra tấn.”
No comments:
Post a Comment