PHỤ LỤC 2
Vài suy nghĩ về Phật Giáo Hòa Hảo, Kim Định
Tôi vừa đọc xong tập “Phật Giáo Hòa Hảo Yếu Lược”. Gấp sách lại, thấy tự lòng dấy lên một niềm vui đầy hy vọng: đây chính là nơi đại diện cuối cùng của nền văn hóa nông nghiệp. Trước kia đã có lần tôi viết Việt Nam là đại diện cuối cùng của tinh thần nông nghiệp, nhưng nay, sau thời kỳ nhuộm đỏ không biết lúc nào mới dứt, thì không biết điều đó có còn lấy lại được chăng; nhưng về Phật Giáo Hòa Hảo thì tôi tin là sẽ còn được, xét cả về môi sinh lẫn nền đạo lý.
Về môi sinh, thì đây là miền nông nghiệp trù phú nhất nước, với năng xuất gần gấp đôi các nơi (3 triệu tấn lúa cho 1.885.000 mẫu, so với suýt soát 17 triệu tấn cho 17.326.000 mẫu trong toàn quốc). Số dân là hai triệu ở khắp trong 15 tỉnh miền Hậu Giang. Đông nhất là Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong tức là khối lớn, lại thêm đông đặc và được tổ chức thành hàng ngũ rất chặt chẽ, thì dễ đủ sức đương đầu với mọi thử thách, dù cam go đến đâu. Nhất lại về đàng giáo lý thì đã đạt được nét đặc trưng cao nhất có thể. Trên đời mới thấy xảy ra ở đây là một:
Đường tu tiến của con người có thể chia làm ba giai đoạn lớn là Hữu Vi, Vô Vi, và An Vi.
Hữu Vi đi với Địa
Vô Vi đi với Thiên
An Vi đi với Nhân
Ở Địa, nhập thế chuyên về vật thể, thành tựu ở khoa học.
Ở Thiên là xuất thế chuyên về tâm linh, thành tựu ở Huyền niệm.
Ở Nhân là xử thế, chuyên về nhân luân, thành tựu ở Tứ hải một nhà.
Đó là nói về tu tiến chuyên biệt, còn thông thường thì đời sống con người phải gồm cả ba Thiên, Địa, Nhân ở trình độ phổ cập của lương tri. Đó là minh triết thông thường mà Hi Lạp gọi là Sophia. Trong đời sống thông thường thì phải có cả ba: đâu đâu cũng vậy; nhưng lên đến đợt Triết khi thiên, địa, nhân trở thành chuyên biệt thì hầu như không thông với nhau nữa, mà cho đến nay hầu như chưa có ai nhảy ra được khỏi phạm vi của mình, mà chỉ thành công trong địa hạt đó. Âu Tây thành đạt trong khoa học (duy địa) Ấn Độ trong huyền niệm. Cả hai không có thiên tài triết nào vượt qua địa vực mình, để vào đợt Nhân sinh xử thế, mặc dầu thiên tài thì đầy. Nhưng mọi thử thách để vượt sang địa hạt nhân đều thất bại kiểu nọ hoặc kiểu kia. Bước vào đời mới, chế độ nông nô bên Âu Châu có được phá vỡ, nhưng không do triết cho bằng do khoa học kỹ thuật.
Thử thách triết lý để giải phóng con người, rõ nhất bên Tây Âu là thuyết Karl Marx đã muốn cứu con người khỏi mọi bất công chênh lệch, bằng cách phá hết mọi ràng buộc tự do con người (nên đưa ra thuyết tam vô) để mọi người được sống trong tình huynh đệ... nhưng Cộng sản đã thất bại ê chề. Nói cho chính xác, thì chỉ có thành công phá đổ nhưng thất bại trong việc kiến thiết. Lý do là triết đó chưa ra khỏi cảnh vực của Âu Tây là địa: như hai chữ Cộng sản, Tư bản nói lên điều đó. Nói theo Nho, cả hai còn bì bõm trong cõi mạt, cõi ngành, chưa động đến cõi bốn gốc được chút nào hết.
Bên Ấn Độ cũng tương tự như vậy, thiên tài lớn nhứt hiện nay là Rajneesh cũng dốc lòng đi đến cái biết toàn trị, đi đến xã hội đại đồng phong lưu dư vật, và mặc dầu ông kính tôn Đức Thích Ca hết mình, nhưng không ngần ngại buộc tội cho Đức Như Lai cùng với Mahavir bên đạo Jaina và Krishma bên đạo Bà La Môn phải chịu hết trách nhiệm về sự vụ Ấn Độ suốt 25 thế kyœ qua phải triền miên nằm trong cảnh đói rét nô lệ, chậm tiến. Ông ước ao có được một xã hội no đủ dư thừa, không giai cấp, nên cũng chủ trương vô gia đình, vô quốc gia, vô tôn giáo (mặc dầu ông chống Cộng hết cỡ), nhưng không sao bước vào cõi nhân sinh được. Sự bất lực đó được biểu lộ trong câu tuyên bố: “Không ai có thể vừa là tôn giáo vừa là chính trị gia, ngay cả Gandhi cũng thế” (Tao: the pathless path 336). Và ông chống đối Khổng Tử hết lời vì đã coi chính trị là mối lớn nhứt trong đạo nhân sinh (nhân đạo dĩ chính vĩ đại), với Nho thì triết gia cao nhất phải là người có khả năng “an bang tế thế”... Còn Rajneesh khinh khi cực kỳ mọi chính trị gia, cho đó chỉ là những người hạng bét, nên ông không tiếc lời mạt sát hết thảy. Đó là dấu tỏ có một sự ngăn cách vô hình nào tự thiên địa đi sang nhân, mà từ xa xưa tới nay chưa ai bước qua được, kể cả Hoa Phật lẫn Việt Phật.
Phật giáo truyền vào Tàu dưới hình thức Vô Vi trọn vẹn được biểu lộ một cách chói chang bằng chín năm ngồi quay mặt vào tường của Bồ Đề Đạt Ma đến bại xuội chân, với việc Tổ Huệ Khả chặt cánh tay để xin được điểm đạo. Chẳng biết tay có bị chặt, chân có bị bại thật chăng, nhưng đó quả là những tiêu biểu nói lên tính cách vô-vi cùng cực là không hành, không tác, tức không dây mình vào chính trị. Đó là điều không thể sống trong đất nhân sinh bên Đông Bộ, nơi con người được định nghĩa là Tác Viên, tức bản tính con người là tác năng giữa trời cùng đất, và lý tưởng của bậc tiến cao nhất gọi thánh nhân phải là làm thế nào để cuộc sống nhân sinh được “dân giàu nước mạnh”, không những có đủ ăn mặc cho mọi người, mà còn phải biết sống an nhiên tự tại, tức cuộc sống phải có lễ nhạc (có nghệ thuật) và đến cùng cực thì còn có cả những phút xuất thần để phối thiên phối địa. Vì hai quan niệm khác nhau là thế, nên lịch sử Phật giáo bên Đông Bộ chính là một tiến trình thích nghi với cuộc sống nọ: từ bước nhỏ tới bước lớn. Bước đầu tiên là Tịnh Độ của nhà sư Huệ Viễn ở tại vất sách vở suy luận đi, để chỉ có niệm, chỉ một niệm A Di Đà Phật đã đủ vãng lai Tây phương cực lạc thế giới. Sau đó đến các bước Thiên thai với câu thời danh “lý sự vô ngại”. Rồi tới thuyết ngũ-thời của Hoa Nghiêm nhằm hòa hợp tiểu thừa vô vi với đại thừa, muốn bước vào hành động, chứ không chỉ có tĩnh tọa như bên Ấn Độ, nhưng đó mới là hành động bằng lý trí. Phải cho đến Tổ Huệ Năng mới đi thẳng vào hành động bằng hành thiền: hành thực sự như xay thóc, giã gạo, nhặt củi... đã là thiền, không cần sách vở với tĩnh tọa mới là thiền...
Tuy Tổ Huệ Năng đã làm một cuộc cách mạng rất lớn, nhưng cũng chưa đi vào đến đầu mối của cuộc nhân sinh, tức là chính trị, phải đợi đến hai nhà Lý, Trần bên Việt Nam ta mới gặp Trúc Lâm Thiền Sư tức là chính vua Trần Nhân Tôn thì Phật mới thực sự đi vào đời, khi hiểu đời là chính trị, là trị nước, bình thiên hạ, với thành quả chói chang rực rỡ. Tuy nhiên đó cũng chưa chắc hẳn đã là bước qua cửa triết, mà hầu chắc mới là lối lương tri. Vì vua phải làm thế là do vị của mình vốn gắn liền với trị nước, nên phải trị nước như một bổn phận, chứ không do một triết lý mọc lên từ nền tảng bảo phải làm chính trị, tức không do đạo lý của Phật. Vì nếu thế thì vua phải để lại một chữ đạo. Đây không thấy (hoặc có mà bị quân Minh lấy mất chăng?) tức là bước chính cốt có tánh cách cơ cấu chưa đi được. Tóm lại, sự nhập cuộc ở đợt lương tri, có cao hơn đợt xã hội từ thiện, nhưng chưa là chính trị.
Bước quyết liệt này mới xảy ra với Phật Giáo Hòa Hảo, là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, kể cả Phật giáo Tàu và Việt, nó đã xảy ra cách rõ ràng dứt khoát như được tuyên bố rõ rệt trong bốn chữ “tu nhân” và “tứ ân”. Trước hết là câu nói “học Phật tu Nhân”. Đó quả là bước từ Thiên tới Nhân rõ rệt. Nhưng đó mới là câu tuyên bố tiên thiên, có thể là do cao hứng. Phải xem kỹ hơn có hậu chăng. Thưa có. Đó là thuyết Tứ Ân:
1. Ân Tổ tiên Cha Mẹ
2. Ân Đất Nước
3. Ân Tam bảo
4. Ân Đồng bào Nhân loại
Như vậy là dù cả bốn bước Tu, Tề, Trị, Bình rồi. Quả là chính trị đẫy đà. Chính là nhân đạo đẫy tròn viên mãn gồm đủ:
Tu ở tu nhân
Tề ở ân tổ tiên cha mẹ
Trị ở ân đất nước
Bình ở ân đồng bào nhân loại
Đó là kiện chứng minh bạch dứt khoát. Kiện chứng thứ hai và rất đặc biệt, đó là bản thân Đức Huỳnh Giáo Chủ không là một tăng lữ mà chỉ là một cư sĩ tại gia, là một nhà ái quốc, một nhà đại cách mạng đã lập ra đảng Dân Xã, tức có chủ trương, có sách vở, có cơ cấu tổ chức đầy đủ, không thể nghĩ ngợi gì nữa. Đó quả là một thành tựu, cho tới đó chưa ai hiện thực nổi. Đó là bước từ đạo Phật bước vào đạo Nhân, tức từ Tài Thiên đi sang Tài Nhân.
Đến khi đi vào chi tiết càng thấy rõ cái bước sang qua xảy ra từ cơ cấu nền tảng, nên rất giống Việt Nho. Thí dụ: Việc nhấn mạnh cần phải học hành, không được tin mù quáng, dù ông thầy có đáng kính mấy cũng phải đưa óc thông minh ra để xét lời thầy trước đã, có nên tin hay chăng. Rất giống Nho đặt Trí lên đầu: Trí nhân dũng.
Về thờ tự, thì cắt hết mọi phiền toái. Không nhận thầy cúng, thầy tế, thầy bói, thầy phù thủy. Không cho đốt vàng mã. Thờ Phật thì không có tượng, mà chỉ có một tấm vải màu dà để tượng trưng sự hòa hợp nhân loại. Đã không chuông không mõ, không cho dâng cúng chè xôi, thực phẩm. Không cấm sát sinh, chỉ cấm sát sinh để tế. Không có cả chùa, chỉ có “độc giảng đường”, không phải để ở, mà chỉ để giảng đạo, giống như Văn Miếu bên Nho vậy...
Quả là một kết tinh của Tam giáo.
Phật thì đã bỏ tượng, bỏ chùa, chỉ còn tên, và giáo lý để đúng với câu “học Phật tu Nhân”. Thuyết là thuyết Phật, nhưng thực hiện thì lại là Nhân. Đúng ra thì cũng là thực hiện Phật, vì giữa Phật và Nho có rất nhiều mẫu số chung, như “tự lực tự cường”. Phật nói hãy thắp đèn mình mà đi thì Nho cũng nói “doãn chấp kỳ trung”; nền tảng như nhau, nhất là cả hai đều căn cứ trên Đạo Trống để bàn nơi khác.
Pháp thì sự nhận định tính cách vô thừơng của các pháp rất giúp vào việc tạo dựng nên tâm hồn xả bỏ, là điều quý vô cùng nơi nhà cai trị, để dễ có lòng thái công là chìa khóa cho sự thành công trong lãnh vực chính trị. Ngoài ra còn một số những điều rất khó có thể hiểu cho người thông thường, như là thuyết “thập nhị nhân duyên”, thì đề ra cho dân kính bái vậy thôi.
Tăng thì kể như không có. Phật Giáo Hòa Hảo bản chất là tại gia, không nhận sư ni, nhưng theo lối nhu thuận của Nho, là không chống đối, mà chỉ “kính nhi viễn chi”, sau khi dặn dò phòng bị những tăng sư giả mạo, như về việc ma chay giỗ chạp, thì dạy rằng: “giá trị ở chỗ tu tâm”, tự mình cầu nguyện, khỏi đi thuê khoán ai cầu cho, v.v...
Tóm lại, xét chung nội dung giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, thì chính là đạo Nhân, nhưng bọc ngoài bằng danh Phật. Thế mà lại giữ được nét sùng mộ nhiệt tính của Phật giáo để đóng góp, nên có thể bù trừ cho đạo Nhân nơi Nho. Đạo Nho là một thứ đạo “ung dung tự tại” vì đạo nhân đã có đủ thiên địa nơi mình, khỏi cần phải bước đi đâu (vạn vật gia bị ư kyœ). Đó là chỗ cao cả nhưng cũng là chỗ yếu kém của Nho. Cao cả cho những tâm hồn có óc siêu lý cảm thấy được an nhiên tự tại: còn đối với đại chúng thì khó thấy được, nên cần có sự thúc đẩy mạnh hơn. Vậy về điểm này thì sau những thập niên tàn phá dữ dội của Cộng Sản, thì cái bầu khí lễ nghĩa liêm sỉ còn có thể lập lại chăng, mà thiếu môi sinh tinh thần nhân nghĩa, thì liệu Nho giáo có còn hiệu nghiệm được như xưa chăng. Cho nên về điểm này mà có được một sự bù trừ hỗ trợ như từ phía Phật Giáo Hòa Hảo thì rất tốt, nhất là khi sự hỗ trợ đó không có gì dị đoan hay quá đáng, mà sự thôi thúc thì rất đầy đủ. Trong bằng ấy tỉnh Hậu Giang, chưa biết có được vài văn miếu chăng, còn Phật Giáo Hòa Hảo có đến 390 độc giảng đường, phát thanh một cách có phương pháp. Kinh sách phát ra có tới cả triệu tập. Lại còn việc thờ cúng ông bà và Phật hàng ngày hàng bữa, khiến cho không khí đạo hành dâng cao, nhờ đó mà Phật Giáo Hòa Hảo có được một điểm rất hiếm, là có một đảng chính trị có chủ đạo hẳn hoi: đó là Dân Xã Đảng.
Chữ Đảng ở đây không hẳn là đảng phái, chỉ tạm dùng cho hợp thời và đối với các đảng khác trong nước, chứ riêng trong đạo Hòa Hảo thì không là đảng phái, vì không có đảng nào khác. Đây chỉ là một “đảng” tức là một khối thuần nhất từ trên chí dưới như nhau, kiểu như một Hội nghị Diên Hồng liên tục. Đó không là một đảng, mà là tiếng nói của một chủ đạo, xưa nay chỉ có Nho, và đến nay mới thấy xuất hiện nơi Phật Giáo Hòa Hảo mà thôi. Cho nên trên kia tôi nói về Hòa Hảo, như bước nhảy cuối cùng từ đạo Phật xuất thế đi vào đạo nhân xử thế. Nhưng đến đây tôi nghĩ là có lẽ sẽ trung thực hơn khi coi Hòa Hảo là đợt mới nhất của Việt tộc tự nội phát xuất trong bầu khí tâm linh của Phật giáo, đối diện với Hán Nho là Việt Đạo phát xuất trong bầu khí du mục. Cả hai đều gốc Việt đến 70, 80%, tức Việt có chủ, còn Phật với du mục tây bắc là khách. Và như vậy thì không có bước nhảy qua nào cả. Tức ngoài Hòa Hảo và Nho thì cho đến nay, không có Chủ Đạo nào khác... mà chỉ có chủ thuyết, tức mới ở đợt ý hệ, chưa lên đến đợt tâm linh để thành chủ đạo. Chúng phát xuất, hoặc do triết học tất cả còn duy ý, hoặc do tôn giáo thì chỉ là tầm gửi. Đức Ki Tô đã nói “nước ta không thuộc trần gian”, nên giáo sĩ bị cấm làm chính trị, còn giáo dân thì có làm, nhưng chỉ là chính trị ở lương tri, ở đợt lợi hành, tiếng là Ki Tô, nhưng trong Ki Tô không có nền tảng chính trị.
Phật giáo cũng vậy, nền tảng là “sắc sắc không không” thì chính trị đặt nền vào đâu, nên nếu có đưa ra chủ thuyết chính trị cũng chỉ là lương tri, lợi hành, duy lý, tức là tiên thiên đã bất lực, chứng cớ là các xứ theo Phật giáo tiểu thặng vẫn nghèo kinh niên là vì vậy.
Tây Âu vì ở trong địa hạt hữu vi, lại nhờ có óc khoa học, mà nên giàu có, nhưng đó là phạm vi khoa học hơn là chính trị. Chính trị là tương quan sản xuất (phân chia tài sản quốc gia cho công bằng) thì chưa đưa ra được một đạo lý nào. Một số thành công chỉ là leœ teœ cầu an, không do triết, vì vậy không bao giờ đạt đại lộ lý tưởng. Nói chung các đảng chính trị làm hại hơn làm ích.
Hại lớn nhất là nửa phầm trăm nhân loại bị nô lệ do Đảng Cộng Sản.
Hại bị thiệt đến thân ta, là đảng Việt Cộng bán nước làm lính cho Nga.
Hại làm ta rất ái ngại, là lưỡng đảng của nước Mỹ từ sau thế chiến II đến nay, họ đã lần lượt đánh mất gần 40 nước tự do vào tay Cộng sản, thế mà chưa giựt mình, hãy còn đang tiếp tục đưa nước Mỹ vào đường suy thoái. Cái nhìn của họ tố cáo sự bất lực, đó là cái nhìn thiển cận một cách đáng sợ. Vì chưa có chu đáo, cả đến chủ thuyết cũng không, chỉ là lương tri lợi hành, hay nói thông thường là óc con buôn, thì làm sao thấy được toàn diện vấn đề. Muốn toàn diện phải có Chủ Đạo. Xin nhớ, muốn có Chủ Đạo thì phải có nền đạo lý có tính cách tâm linh, kéo theo sự tu luyện thân tâm toàn diện, gồm cả tu, tề, trị, bình, nhất là tu. Cái đó ngày nay không đâu có, mà chỉ là chủ thuyết do lương tri, quanh quẩn ở đợt thuyết với lý, ngoi lên đến cương lĩnh là hết. Trị nước thì đến hiến pháp là cùng. Tất cả loay hoay ở ngành ngọn trị, bình, chưa có cả tề, còn nói chi đến nền tảng là Tu. Tu toàn thân diện tâm trí, chớ không chỉ có tu lương tri, tu lý luận. Vì thế theo nghĩa ngặt thì Chủ Đạo mới thấy nói Việt Nho, và cho đến nay thì thấy nơi Phật Giáo Hòa Hảo.
Bạn sẽ vấn nạn lại rằng tại sao biết bao sự thành tựu lớn lao xảy ra hết nước nọ đến nước kia, thì sao? Thưa đó chỉ là do hậu thiên ở đợt lương tri, chưa cần chủ đạo. Nếu có tay “thiên tài” mà ngoài sự hiện thực có để lại được một chủ đạo, thì thành tựu mới trường tồn, mới đủ khả năng trải qua bao gian nguy, rồi vẫn chỗi dậy được như nước Tàu hay nước ta xưa. Còn nếu chỉ ở đợt lương tri, thì có là thiên tài đi nữa, thành tựu cũng chỉ kéo dài được ít thế hệ, mà không trường tồn được, vì chỉ là vá víu. Chính vì thế mà chưa một nền văn minh nào trường cửu kéo dài nhiều năm, ngoại trừ Việt Nho. Ngay như nước Mỹ, vì hoàn cảnh quá tốt, đất đai rộng lớn phì nhiêu, lại gặp được mấy Tổng thống cỡ Lincoln, và chưa có đối lập (Nga) nên đã lên cao cùng cực cả về tài lực, khoa học, kỹ thuật. Thế mà gặp đối địch, thì từ 40 năm nay, cứ trụt xuống dần dần, ta có cảm tưởng hai Đảng Dân Chủ, (nhất là Dân Chủ) và Đảng Cộng Hòa, thi nhau cắt từng miếng thịt của Mỹ quốc đưa đến hầu Nga, là tại chính do hai đảng cứ kình chống nhau, xem cái đắc thắng đảng kia làm quan trọng hơn sự ích quốc. Thế là một siêu cường mạnh như chưa bao giờ thấy, mà đến nay phải lo ngại trước một “keœ thù” mới trước đây kém hơn mình vô kể.
Những suy luận trên đây giúp ta thấy cái thiên tài của Đức Huỳnh Giáo Chủ, khi bước từ Phật giáo đi sang tu Nhân. Đó quả là đợt mới của cây Việt mọc lên tự nội, vì Giáo Chủ không có học hành gì (học được hết tiểu học rồi cứ bệnh hoạn liên miên) mà đến 20 tuổi đột nhiên thông suốt đạo lý và bước qua nổi cái bước từ Thiên sang Nhân, một bước đã bao đời không ai bước qua được, thì đủ biết là thiên tài làm cho ta thêm lòng tin tưởng vào sinh lực lớn lao của nòi Việt, để ta mạnh dạn đặt vào tương lai cái nhìn tươi sáng.
2- Đức Huỳnh Giáo Chủ như là một triết gia Việt Nam, Phạm Công Thiện
ÁP DỤNG ĐÔI CHÚT PHƯƠNG PHÁP TRIẾT LÝ HIỆN TƯỢNG LUẬN ĐỂ TÌM HIỂU MỘT THIÊN TÀI TÔN GIÁO DÂN TỘC:
ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ NHƯ LÀ MỘT TRIẾT GIA VIỆT NAM
PHẠM CÔNG THIỆN
‘’Huỳnh Phú Sổ là triết gia Việt Nam...”
The New Encyclopaedia Britannica
(Volume 6, Micropaedia, 1987, trang 18)
Có lẽ không ai mà không biết Đức Huỳnh Phú Sổ là Đức Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng ít ai biết rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một triết gia Việt Nam. Chẳng những thế, không phải chỉ triết gia Việt Nam như bất cứ một triết gia nào xứng đáng được gọi là “triết gia” mà đức Huỳnh Giáo Chủ lại đúng là một minh triết, một thánh triết, trong mọi ý nghĩa cao siêu nhất của danh từ. Khi tình cờ đọc một bộ từ điển bách khoa có thẩm quyền nhất thế giới, bộ Encyclopaedia Britannica, dở qua cuốn 6, trang 181, tôi thấy tên tuổi và cuộc đời sự nghiệp của Đức Huỳnh Giáo Chủ chiếm trên nữa cột chữ in nhỏ trên trang giấy tự điển, mấy hàng chữ đầu đã đập mạnh vào mắt tôi: “Huỳnh Phú Sổ is a Vietnamese philosopher...” Hiển nhiên mấy hàng chữ tiếp tục cũng xác định thêm rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là nhà cải cách Phật Giáo và nhà sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng chính điều xác định đầu tiên của Encyclopaedea Britannica đã làm tôi chú ý đặc biệt: “Huỳnh Phú Sổ là triết gia Việt Nam....” Mặc dù tôi có thói xấu giống như Aldous Huxley là hay thích đọc tự điển như đọc tiểu thuyết (Aldous Huxley rất say mê đọc bộ Encyclopaedia Britannica), nhưng không phải bất cứ cái gì tự điển đã định nghĩa thì tôi tin ngay lập tức; bản tính cố hữu của tôi là ngờ vực tất cả định nghĩa của tất cả tự điển và từ điển. Tuy nhiên, lúc thấy Encyclopaedia Britannica gọi đức Huỳnh Phú Sổ là “triết gia Việt Nam” thì tôi bỗng ngừng lại và bắt đầu suy nghĩ. Bao nhiêu âm hưởng bất ngờ xoáy tròn xung quanh một danh từ quen thuộc.
Từ lâu, tôi đã có thói quen nghĩ rằng đức Huỳnh Giáo Chủ là một thiên tài tôn giáo dân tộc, là một Đại Bồ Tát trong lịch sữ Phật Giáo Việt Nam, là tất cả những gì đáng tôn kính trong vị thế của một Giáo Chủ một tôn giáo gồm nhiều triệu tín đồ ở Việt Nam. Nhưng tôi chưa nghĩ đến khía cạnh “triết gia” của Huỳnh Giáo Chủ. Hiển nhiên tất cả mọi Giáo Chủ tôn giáo đều là triết gia ở một bình diện nào đó, và tất cả mọi triết gia ở trên tất cả bình diện đều không thể là Giáo Chủ được, nếu người ta hiểu được tính thể chân chính của Triết lý như là Triết lý. Một triết gia có thể là một triết gia về tôn giáo với một nền tảng triết lý về tôn giáo, nhưng một nhà tôn giáo học không hẳn bị bắt buộc phải là một triết gia, và nhất là một nhà tu hành tôn giáo và nhất là một Giáo Chủ tôn giáo lại không nhất thiết phải cần đến một triết lý nào cả, nhất là thứ triết lý kinh viện nhà trường. Tuy nhiên nếu triết lý được hiểu là triết lý trong tất cả mọi ý nghĩa toàn diện của triết lý thì không có ai có thể chạy thoát ra ngoài cái vòng tròn khủng khiếp của triết lý, dù triết lý được hiểu theo nguyên nghĩa Philosophia (nguyên chữ Hy Lạp: philia sophia) hay được hiểu theo nguyên nghĩa Minh triết Đạo lý của Đông phương. Nếu được hiểu theo nghĩa nguyên vẹn toàn diện thì Đức Huỳnh Giáo Chủ đúng là một triết gia Việt Nam vĩ đại mà chỉ có keœ nào nắm trọn tất cả Triết lý Tây phương và Đạo lý Đông phương thì mới có khả năng nhìn thấy được tất cả ý nghĩa ẩn hiện của bốn chữ Triết lý Việt Nam. Ai có khả năng nắm trọn tất cả Triết lý Tây phương và Đạo lý Đông phương? Khả năng là cái gì? Nắm là cái gì? Nắm trọn cái gì? Tất cả triết lý Tây phương là gì? Đạo lý là gì? Đạo lý Đông phương là gì? Tại sao phải hỏi “là gì” và cái gì nằm ẩn trong cách hỏi “là gì”? Và chính là “là” là “cái gì”? Chính câu hỏi về bản tính và thể tính của cái “là” là câu hỏi căn bản nhất quyết định hướng đi và sự vận hành của triết lý Tây phương, và cũng chính câu hỏi về tự tính và thể tính của cái “là” và cái “không là” là câu hỏi quyết định Tính Mệnh Đông phương và toàn thể nhân loại. Triết lý Việt nam là gì? Nói theo điệu Việt Nam hơn nữa. Triết lý Việt Nam là “cái gì”? Chữ cái, dù hiểu hay không được hiểu, cũng là cái mà bất cứ người Việt Nam cũng được hay bị xoáy tròn trong cái vòng khủng khiếp của Cái và Con, của Con và Cái. Tôi nói gì? Hay cái gì nói trong tôi, trong tất cả người Việt Nam tự nhận là người Việt Nam, dù có quốc tịch Pháp, Anh, Mỹ, Đức, vân vân? Cái gì làm Việt Nam là Việt Nam? Cái gì làm Triết lý là Triết lý? Cái gì làm Đạo lý là Đạo lý? Cái gì làm cái làm ra cái làm? Dù tránh sữ dụng chữ Cái đi nữa thì chữ CÁI và ý nghĩa phong phú của CÁI vẫn quyết định tất cả mọi xữ thế tiếp vật, tất cả mọi hành động tư tưởng của người Việt Nam. Tùy cách hiểu chữ cái mà tư tưởng chúng ta sẽ có một thái độ nào đó đối với sự vật và sự việc, đối với sự, đối với vật, đối với việc, đối với thể và đối với tính hay tánh.
Một quan niệm nào đó về sự vật sẽ quyết định tất cả thể thái hành động của chúng ta. Sự vật là sự việc? Sự việc là hữu thể hay vô thể? Tại sao tính thể trở thành sự thể? Tại sao sự việc trở thành sự vật? Tại sao đồ vật trở thành đối tượng? Tại sao mình cứ phải hỏi tại sao? Cái gì làm cho mình hỏi tại sao? Tại sao mình phải tìm lý do, nguyên do, nguyên nhân, nguyên lý? Tại sao của tại sao là gì? Nguyên lý của nguyên lý là gì? Cái gì làm cho mình ngừng lại với nguyên lý của nguyên lý và không hỏi nữa? Cái gì làm cho mình tiếp tục hỏi nữa cho đến vô hạn? Vô hạn là cái gì? Và chính cái của cái gì đó là cái gì? Tại sao áp dụng phương pháp triết lý hiện tượng luận để tìm hiểu một thiên tài tôn giáo dân tộc? Áp dụng là cái gì? Phương pháp là cái gì? Hiện tượng luận là cái gì? Thiên tài là cái gì? Tôn giáo là gì? Dân tộc là gì? Triết gia là gì? Triết gia Việt Nam là gì? Mấy chữ “như là” trong “như là Triết gia Việt Nam” là gì? Chúng ta hiểu gì về một người mang tên là Huỳnh Phú Sổ? Huỳnh Phú Sổ là ai? Là ai là cái gì? Con người là gì? Cái gì là cái gọi là con người? Và cái gọi là “cái hiểu” là cái gì? Có thể hiểu cái hiểu là gì không? Nếu mình tự nói rằng mình không hiểu gì hết thì cái gì làm cho mình hiểu rằng mình không thể hiểu gì hết? Tất cả hiện tượng luận bắt đầu bằng cái hiểu như là “sở thức”, cái ý thức “cogitatio” bất khả ngờ vực. bây giờ tôi xin trở về vấn đề. Trở về vấn đề là trở về sự việc, trở về sự việc trong chính sự việc đang tự mở bày ra từ chính sự việc đang xuất hiện trong cái “cogitatio”, trong “ý thức”. Tại sao áp dụng một phương pháp Tây phương để tìm hiểu một thiên tài dân tộc? Hiện tượng luận là cái gì? Có chăng một phương pháp? Phương pháp của khoa học phải chăng là một phương pháp triệt để? Triệt Để là cái gì? Cái gốc rễ của mọi sự là cái gì? Giới hạn của chính hiện tượng luận là thế nào? Hiện tượng luận là làm cho sự vật và sự việc tự xuất hiện từ chính sự vật và sự việc, làm cho hiện tượng tự tượng ra thành hiện thể trong ý thức, và ý thức lập tức, “cogitatio” hiện thức chỉ là ý thức khi ý thức bừng vỡ ra ngoài ý thức và bị lôi kéo ra cái mà ý thức đang ý thức về chính cái lôi kéo ấy. Mấy chữ “Hiện tượng luận” được dịch từ chữ “PHENO- MENOLOGY” bởi hai chữ Hy Lạp: “PHAINÓMENON LOGOS”. Hiện tượng luận hiểu theo nguyên nghĩa Hy Lạp là: legein tà phainomena”, nghĩa là “aophainesthai tà phainomena”, có nghĩa theo điệu ngôn ngữ Việt Nam là: “để cho cái tự hiện ra được nhìn thấy từ chính cái ấy trong chính cái điệu mà cái ấy tự hiện ra từ chính cái ấy” (cf. Heigegger, Being and Time, tr.58: “to let that which shows itself be seen from itself be seen from itself in the very way in which it shows itself from itself’’). Hiện tượng luận để cho chúng ta nhìn thấy... nhìn thấy cái gì? Nhìn thấy cái hiện tượng. Nhưng hiện tượng là cái gì? Người Việt Nam gọi hiện tượng là “cái”. Trước khi chữ hiện tượng xuất hiện trong ngôn ngữ Việt Nam thì người Việt Nam đã có chữ cái. Khi cái đã ẩn trốn và chữ hiện tượng lại thường được hiểu là đối tượng hay sự vật hay đồ vật. Khi cái biến thành hiện tượng, đối tượng, sự vật, sự việc, đồ vật thì Tính mệnh của Tư tưởng Việt Nam phải đương đầu với văn minh Tây phương và chiến tranh Việt Nam bùng nổ trên cả trăm năm gần đây và tất cả người Việt Nam đều bị mất gốc rễ và mất quê hương, và “hiện tượng” vượt qua biên chỉ là hậu quả tất yếu của sự mất quê hương, toàn dân tộc khi cái đã ẩn trốn; và thế giới đối tượng, sự vật, đồ vật đang thống trị Việt Nam. Hiện tượng luận mở ra hiện tượng của Hy Lạp và Tây phương hiện đại. Hiện tượng Tây phương hiện đại xô đẩy hiện tượng Hy Lạp vào trong sự vong tính. Hiện tượng, theo nghĩa phainomenon, phainomena của Hy Lạp, chính là tà onta (hiện tính thể) và hiện tính thể (tà onta) đã trở thành “đối tượng”, “Object”, “Objekt” “Gegenstand” của thời cận đại và hiện tượng Tây Phương. “Đối tượng” là một cách giải thích hạn định xuất phát từ “siêu hình học hay siêu thể học” Tây Phương cận đại hay hiện đại đối với “cái” gọi là sự vật và sự việc. Từ đó cái thường khi không tự hiện ra thì chính là cái ẩn giấu, bị phủ lấp. Lôi kéo cái ẩn giấu ra ánh sáng để cho cái ẩn giấu được nhìn thấy như là cái ẩn giấu, và được ẩn giấu từ bóng tối lãng quên và được lôi ra ánh sáng như là cái tự được hiện ra từ chính nó như là cái tự hiện ra như thế, đó là cả một cuộc đấu tranh quyết liệt trong mặt trận tư tưởng. Thiên tài là người đã được Tính Mệnh kêu gọi để đồng thanh tương ứng với tiếng gọi của Thế Mệnh Nhân Loại, tiếng gọi lôi kéo và xé rách đêm tối, như sấm sét in tia chớp xé trời đen, xô đẩy thiên tài đối mặt với Hố thẳm mà nhà thần học lẫy lừng nhất Huê Kỳ PAUL TILLICH gọi là “The ABYSS” (cf. P. TILLICH. Systemetic Theology, cuốn 1, 110, 113, 119, 156, 158-59, 164, 174, 216, 226).
Tất cả Tính Mệnh Dân Tộc và Thế Mệnh Nhân Loại được tập trung hội tụ lại trong một con người vượt qua con người, một thiên tài Việt Nam mang tên là Huỳnh phú Sổ, một người đã nhìn thấy hết tất cả sự tàn phá của chủ nghĩa Cộng Sản Tây Phương từ ngay lúc Cộng Sản Hà Nội bắt đầu xuất hiện nguyên hình tại quê hương. Một thanh niên Việt Nam mới 20 tuổi mà đã cưu mang tất cả sức nặng bí ẩn của đạo lý Đông Phương, đã thể hiện tất cả khả tính có thể có được của Tư Tưởng Việt Nam, đã giải phóng Triết lý Việt Nam ra ngoài tất cả khuôn lối cũ của truyền thống, đã thể hiện trọn vẹn tất cả tinh túy của Mật tông, Thiền tông và Tịnh Độ tông, đã thành tựu oanh liệt truyền thống Thiền Lý Trần và Thiền Trúc Lâm Yên Tữ của Việt Nam, đã nối kết lại tinh thần Phật Giáo nguyên thủy với đại nguyện và đại hành của Lý tưởng Bồ Tát trong Đại Thừa, đã đốt cháy lại ngọn lữa thiêng trao truyền từ lục tổ Huệ Năng (vị đại thiền sư của dân tộc), đã gây dựng lại với hai bàn tay trắng tất cả những gì cao siêu nhất của dân tộc và của nhân loại trong sự nghiệp tư tưởng và hành động của mình, đã nuôi dưỡng đời sống tâm linh và hùng khí dân tộc cho bao nhiêu triệu người Việt Nam. Một người như thế, chẳng những là một triết gia Việt Nam thôi, mà chính là minh triết, thánh triết cho cả nhân loại. Tất cả lịch sữ của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo chỉ bắt đầu sau cái chết của đức Jesus: “Nội dung của đức tin có thể tóm tắt trong một câu duy nhất rằng “Chúa Kito đã chết và đã sống dậy” như nhà thông thái về Tân Ước Kinh CONZELMANN đã xác định dứt khoát: “The history of the Church begins after the death of Jesus... The content of the faith can be summed up in the one sentence, that Christ died and has risen” (cf. Hang Conzelmann, History of Primitive Christianiy, trang 7 và trang 43). Từ cái nhìn tương phản mở rộng ra với lịch sữ Giáo Hội Thiên Chúa Giáo, chúng ta có thể hiểu được gián tiếp tất cả ý nghĩa về “ngày ra đi của Đức Huỳnh Phú Sổ” mà tất cả các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang làm lễ kyœ niệm ngày hôm nay.
PHẠM CÔNG THIỆN
Garden Grove, ngày 16.IV.88
GIÁO SƯ PHẠM CÔNG THIỆN NÓI VỀ Ý THỨC HÒA HẢO
Kính thưa quý vị,
Trong bài thuyết trình cụ Thành Nam, có một điểm vô cùng quan trọng mà chính điểm đó đã khai mở cho chúng tôi có một cái nhìn khác hơn xưa về Phật Giáo Hòa Hảo. Đó là sự nhấn mạnh về ý nghĩa bốn chữ Phật Giáo Hòa Hảo: dùng chữ “hòa hảo” giải thích Phật Giáo, cũng như nhận định Phật Giáo là nguồn gốc của Hòa Hảo thì chẳng khác nào có tên mà không có họ, có ngọn mà không có nguồn, vì Phật giáo là nguồn gốc nguyên thủy của Hòa Hảo. Bởi thế không nói Hòa Hảo mà phải nói Phật Giáo Hòa Hảo.
Điều tôi muốn nói, với tư cách khiêm tốn của một giáo sư triết học Tây phương của một Đại học Tây phương, đồng thời một giáo sư khoa học của một Đại học Phật giáo, là đã từ lâu chúng tôi nhìn thấy Đức Huỳnh Giáo Chủ là một đại thiên tài tôn giáo của nhơn loại. Trên quan điểm Phật học Phật Giáo, chúng tôi nhận thấy Đức Huỳnh Giáo Chủ là một Đại Bồ Tát hóa hiện. Không bao giờ một Đại Bồ Tát lại hóa hiện thị một cách tình cờ hay ngẫu nhiên mà chính là đã quyết định chọn lựa nơi hóa hiện để thực hiện sứ mạng cứu đời, như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chọn lựa làng Hòa Hảo.
Tôi nói đây theo quan điểm người học Phật, không phải quan điểm người tín đồ. Đối với người tín đồ đã hiểu giáo lý, đã sống trong giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, thì sự hiện diện của Giáo Chủ là hữu tình, sự hiện diện hữu tình dù là vô hình, chính là sự hiện diện thường trực quyết định tất cả ý nghĩa đời sống trong tinh thần, trong tinh túy của giáo lý Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Với quan điểm người học Phật, tôi nghĩ rằng đạo Phật Giáo Hòa Hảo có thể xem là một pháp môn trong 84.000 pháp môn của Phật Giáo. Pháp môn Phật Giáo Hòa Hảo rất đặc biệt, rất thuần túy Việt Nam, rất thuần túy Phật Giáo, so với các Pháp môn khác như Tịnh Độ, Bát Nhã, Hoa Nghiêm... pháp môn Phật Giáo Hòa Hảo thuộc Đại thừa Phật Giáo.
Bài thuyết trình đã giải thích mạch lạc khúc chiết thế nào là Hòa Hảo, tinh thần Hòa Hảo trong Nho giáo, Lão giáo, Phật Giáo. Chúng tôi nghĩ rằng, từ nhơn hòa thái hòa của Nho giáo đến huyền đồng của Lão giáo, đến lục hòa của Phật Giáo, tất cả đều đưa đến đại đồng. Với tư cách một giáo sư triết học Tây phương, tôi còn thấy tinh thần hòa hảo trong triết lý Hy Lạp từ Heraclite, Platon... đến các triết gia thế kyœ 17 ở Tây phương.
Vậy Hòa Hảo trong Phật Giáo Hòa Hảo khác với Lão, Nho và Tây phương thế nào? Bên Khổng đi về hữu tính, cái hòa trong thuyết huyền đồng của Lão giáo đi về vô cực, vô tính. Một bên hữu, một bên vô. Cái hòa hảo của đạo Phật vượt lên vô và vượt lên hữu. Chính đó là cái đặc biệt trong Phật Giáo Hòa Hảo. Vì thế gọi là Phật Giáo Hòa Hảo, chứ không gọi là Khổng Giáo Hòa Hảo hay Lão Giáo Hòa Hảo. Chữ hòa hảo ở đây không có nghĩa là hòa chống lại bất hòa hay hảo chống lại bất hảo, vì như thế còn kẹt trong Khổng và Lão. Chữ Hòa trong chữ hòa hảo là hòa vượt lên trên hòa và bất hòa. Chữ Hảo trong hòa hảo là vượt lên trên hảo và bất hảo, và đi đến tinh thần vô nhị bất nhị. Đó là tinh thần của Phật Giáo. Như thế mới gọi là Phật Giáo Hòa Hảo.
Tôi đã khai triển sơ lược những điều hé mở của cụ Thành Nam, và chúng tôi sẽ cố gắng khai triển thêm sự gợi ý đó.
Xin cám ơn quý vị. PHẠM CÔNG THIỆN
(16-6-84)
Giáo sư Phạm Công Thiện được xem là một “thần đồng Việt Nam”, 16 tuổi đã viết và xuất bản cuốn Anh ngữ tinh âm tự điển, bộ Lịch sữ Văn học Thế giới và Lịch sữ Văn học Anh Quốc. Trước kia ông là Khoa trưởng phân khoa Nhân văn tại Đại học Vạn Hạnh, Saigon, Giáo sư Triết học Tây phương tại đại học Toulouse, Pháp, hiện giờ đang dạy tại Viện Đại học Phật giáo tại Los Angeles. Đặc biệt, ông có những liên lạc rất mật thiết với văn hào Mỹ Henry Miller thể hiện qua những trao đổi văn thơ và tư tưởng. Hồi nhỏ ông đã có cơ duyên sống trong vùng lân cận Thánh Địa Hòa Hảo (Tân Châu) và do đó có những liên quan với tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, dù chính ông chưa bao giờ là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
3- Huỳnh Phú sổ và chúng ta, Lý Khôi Việt
Với cái nhìn khách quan, tác giả Lý Khôi Việt không nhìn Huỳnh Giáo Chủ như vị Giáo chủ của một tôn giáo, mà như một nhà cách mạng, một nhà văn hóa, một nhân vật lịch sử. Cho nên tác giả đã áp dụng lối viết lịch sử, kêu đúng tục danh (Huỳnh Phú Sổ) cũng như các nhà viết sử viết “Thích Ca” mà không viết “Đức Phật” theo như lời xưng tụng của tín đồ Phật giáo.
Điều này có thể khác với tinh thần tôn kính tuyệt tối của anh em tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đối với đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng trên bình diện văn hóa và lịch sử, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn tôn trọng tư tưởng khách quan của giới bên ngoài và hoan hỉ đón nhận các quan điểm khách quan đối với Phật Giáo Hòa Hảo.
Phương trời văn hóa chính trị Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm chỉ thấy và chỉ đối diện với mặt trời Trung Hoa. Phật giáo, từ đầu thế kỷ thứ nhất, mang đến hương hoa vi diệu của phương trời văn hóa Ấn Độ, nhưng do quá trình du nhập được Trung-Hoa-hóa và Việt-hóa, nên đã không tạo thành một ngoại lệ của quy luật địa lý chính trị và lịch sử văn hóa này.
Nhưng đến nửa sau của thế kỷ 19, tình thế đã hoàn toàn đổi khác. Với sự suy tàn toàn diện của Trung Hoa và sự xuất hiện đầy quyền lực của đế quốc thực dân Pháp, phương trời văn hóa và khoa học kỹ thuật. Đến thế kỷ thứ 20, mặt trời Nhật Bản xuất hiện chói chang cả một phương trời Đông Á. Từ nửa sau của thế kỷ 20 Hoa Kỳ và Liên Xô sẽ thành hai mặt trời lớn khống chế và điều động cả bầu trời thế giới. Sự xuất hiện của nhiều cường quốc trên thế giới vùng Đông Á đi đôi như bóng với hình với thảm cảnh Việt Nam trở thành vùng đất tranh giành xâu xé của các đế quốc. ảnh hưởng và ách thống trị của các cường quốc càng đè nặng trên đất nước Việt Nam thì xu thế hướng về các cường quốc để làm tay sai, hay để vận động đấu tranh cứu nước càng mạnh mẽ. Từ đầu thế kỷ 20 trở đi, xu thế xuất dương cầu học và cầu viện đã trở thành một xu thế rất phổ quát, tất nhiên của tầng lớp trí thức và của giới cách mạng Việt Nam dù thuộc bất cứ khuynh hướng, màu sắc nào. Và xu thế đó, cực thịnh trong suốt cả thế kỷ, đi song song với sự cực thịnh của các đế quốc và và các chế độ tay sai tại Việt Nam. Và ngày nay, xu thế vượt biển, vượt biên cũng là một xu thế toàn thịnh đi song song với tình trạng vong thân và vong bản của toàn thể quốc dân Việt Nam. Phan Bội Châu, Cường Để khai mở vùng trời văn hóa chính trị thế giới bằng cách xuất dương qua Tàu, Nhật, Xiêm, Phan Chu Trinh cũng đến Tàu, Nhật, và Pháp; Nguyễn An Ninh, Hồ Hữu Tường, Nhất Linh đi Pháp; Hồ Chí Minh đi Pháp, đi Anh, đi Nga, rồi về lại Tàu; Ngô Đình Diệm đi Bỉ, đến Hoa Kỳ... Xuất dương cầu học hay cầu viện, đó là một giấc mơ, một cuộc hành hương cách mạng và hành trình đi vào quyền lực. Có nhiều người khác, không thực hiện được những cuộc du hành trên thế giới bằng đôi chân của mình, cũng tìm đường đến thế giới bằng tư tưởng, bằng những lý thuyết, những ý thức hệ và những mô hình đấu tranh. Nguyễn Thái Học hướng về Quốc Dân Đảng Trung Hoa với Tam Dân Chủ Nghĩa, Trương Tử Anh với mô hình quốc xã và lý thuyết quốc gia xã hội đang nổi dậy mãnh liệt ở Ý, ở Đức, và Nhật. Và cả một lớp thanh niên trí thức bình tĩnh hướng về chủ nghĩa Mác Xít của Cộng sản Đệ tam, chủ nghĩa trotsky của Cộng sản Đệ tứ hay Chủ nghĩa Dân chủ Xã hội của các quốc gia Tây Âu, trong suốt các thập niên 30, 40, 50... rồi đến các thế hệ thanh niên của thập niên 60,70; ở miền Nam thì mơ đi Tây, đi Mỹ, ở miền Bắc thì mơ đi Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức. Và cao điểm là của thập niên 75-85 với làn sóng vượt biên ồ ạt, ai cũng muốn ra đi để thoát khỏi cảnh tù túng, đói rách trên quê hương, ai cũng tưởng mình sẽ làm được một cái gì khi đến Tây, đến Mỹ, ai cũng mơ đến hải ngoại, đến quốc tế. Và hầu như coi đó là con đường duy nhất để giải quyết những bế tắc của cá nhân cũng như của đất nước.
Nhưng có một người, một thanh niên chỉ mới 20 tuổi đã không đi trong thời thượng đó, đã đảo ngược lại xu thế đó và đã không còn ôm những giấc mơ, những mộng tưởng ở bất cứ một phương trời nào ngoài phương trời của quê hương Việt Nam. Sau Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh gần 40 năm, chàng thanh niên 20 tuổi đã khai sáng một cuộc hành hương mới, đã bắt đầu một cuộc hành trình mới, khác xa chúng ta và siêu vượt qua chúng ta.
Chàng thanh niên 20 tuổi của chúng ta đã không đến Quảng Châu, Tokyo, hay Ba Lê, Hoa Thịnh Đốn. Chàng đã lội ngược dòng với thời thượng, để đi về núi Cấm, núi Thất Sơn. Không đến những thủ đô của Đông phương và Tây phương, chàng cũng không bắt chước những tư tưởng, ý hệ của thế giới, dù là Âu hay Á. Những ngôn ngữ của thời đại: dân quyền, duy tân, những chủ thuyết của thế kỷ: cộng sản, tư bản, tam dân, quốc xã đối với chàng là những gì xa lạ và không cần thiết. Vì chàng đã đi, đã đến, đã sống trọn vẹn trong truyền thống Việt Nam mà tinh hoa cốt tủy là truyền thống Phật Trúc Lâm Yên Tử nhập thế đời Trần, và truyền thống đạo Phật Bửu Sơn Kỳ Hương bàng bạc khắp nhân gian miền Nam.
Không đến những thủ đô văn hóa chính trị của thế giới mà chỉ về miền núi Cấm, núi Thất Sơn, thủ đô tâm linh của đất nước hiển linh. Đó là một điều độc đáo. Không chạy theo những chủ thuyết, ý thức thời thượng mà chỉ trở về và phục sinh truyền thống Trúc Lâm Yên Tử và Bửu Sơn Kỳ Hương, đó đã là điều vi diệu. Và hơn thế nữa, chàng thanh niên 20 tuổi của chúng ta khác hẳn những nhà trí thức và cách mạng đương thời chỉ hướng về tầng lớp thị dân và tầng lớp Tây Phương hóa, chàng đã đi vào nông thôn và đi đến quảng đại quần chúng nông dân, một tuyệt đại đa số của quốc dân Việt Nam. Hy hữu, tuyệt vời hơn nữa là chàng đã ra giảng cho nhân gian con đường tu thân và cứu nước không phải bằng học thuyết, chủ nghĩa, bằng lý luận, sách vở, bằng truyền đơn hay súng đạn mà bằng thơ lục bát, thể thơ mang đầy hồn dân tộc và dễ dàng đi vào muôn lòng nhân gian.
Khác hẳn với những nhà cách mạng đương thời, sau lưng có cường quốc, có ý thức hệ, có tổ chức có phương tiện, có vũ khí, sau lưng chàng chỉ có một truyền thống ngàn năm, những người nông dân chân lấm tay bùn và sức mạnh duy nhất là những vần thơ lục bát.
Và kết quả và sự nghiệp của chàng và những nhà văn hóa hay chính trị khác trong thế kỷ 20 này ra sao?
Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh để lại những gì? Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh có mấy người theo? Đảng Cộng Sản Việt Nam có tồn tại thêm được 50 năm nữa không?
Nhưng chàng thanh niên 20 tuổi của chúng ta đã phục sinh huy hoàng truyền thống ngàn năm của dân tộc, xây dựng một tôn giáo với hai triệu tín đồ, phát động một cuộc cách mạng tôn giáo, văn hóa, giáo dục, chính trị và xã hội rộng lớn và có kết quả hữu hiệu, lâu dài. Sự nghiệp của chàng đã trở thành một phần sự nghiệp Việt Nam và vì vậy, đã trở nên bất tử.
Chàng thanh niên 20 tuổi hy hữu và vĩ đại như thế là ai vậy? Chính chàng là Huỳnh Phú Sổ, Giáo chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, lãnh tụ của đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam, một nhà văn hóa và một người cách mạng lạ lùng, hy hữu, ngàn năm mới có một vài vĩ nhân như thế.
Nói đến Huỳnh Phú Sổ và chúng ta, có nghĩa là nói đến những kinh nghiệm, những bài học mà Huỳnh Phú Sổ đã để lại cho chúng ta, đã trao truyền cho chúng ta.
— Trở về với truyền thống dân tộc, truyền thống Phật giáo nhập thế Trúc Lâm Yên Tử và Bửu Sơn Kỳ Hương, lấy đó làm nền tảng để hòa giải và tổng hợp những tinh hoa của bốn phương nhân loại, đó là một di chúc văn hóa chính trị lớn nhất mà Huỳnh Phú Sổ, cũng như Nguyễn Trãi, như Vạn Hạnh đã truyền dạy cho chúng ta.
— Trở về núi Cấm, núi Thất Sơn với quê hương đất nước, với hồn thiêng sông núi, với vùng trời tâm linh vi diệu trong tình trạng vong thân mất gốc trầm trọng của cả dân tộc, là nguồn gốc của mọi thảm họa, đó là một lời nhắn nhủ thiết tha, thành khẩn mà Huỳnh Phú Sổ và tiền nhân qua bao đời lịch sử đã nhắc nhở chúng ta.
— Lấy quảng đại nông dân làm chủ lực đấu tranh và làm đối tượng để giáo dục và phụng sự, giữa cái xu thế chạy theo ngoại lai và bám vào thị hiếu của tầng lớp thị dân hay tầng lớp được ưu đãi ở hải ngoại, đó là một kinh nghiệm mà chúng ta phải học tập và áp dụng.
— Lấy đạo và thơ để nâng cao dân trí và tổ chức quần chúng trong một thời đại duy lý, bạo động và sa đọa, đó là cả một bài học lớn mà chúng ta phải thấm nhuần và đem vào hành động.
— Lấy truyền thống dân tộc làm chủ đạo, lấy sức dân làm chủ lực, lấy một đường lối trung dung, thực tiễn, và một tinh thần khai phóng hòa hợp để đoàn kết toàn dân, đó là kim chỉ nam hành động cho tất cả chúng ta ngày nay.
Chỉ ở trên đời chưa đến 27 tuổi và chỉ vào hành động sáu năm mà Huỳnh Phú Sổ đã để lại một sự nghiệp lớn như vậy, đã dạy cho chúng ta nhiều bài học vô giá như vậy thì thử hỏi trong năm ngàn năm lịch sử Việt Nam, có ai trẻ tuổi như Huỳnh Phú Sổ mà đã cống hiến nhiều cho dân tộc, cho tổ quốc bằng Huỳnh Phú Sổ?
Tất cả những kẻ đã chạy theo ngoại bang, tất cả những ý thức hệ ngoại lai đã làm được gì cho dân tộc và đất nước Việt Nam nếu không là tàn phá thêm đất nước và gây thêm đau khổ cho dân tộc. Tiếc thay Huỳnh Phú Sổ đã ra đi quá sớm, thời gian quá ngắn ngủi để có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho Việt Nam. Nhưng Huỳnh Phú Sổ đã không thất bại.
Con đường trở về với nông dân để khai thị, giáo dục và cải thiện đời sống của nông dân là con đường không bao giờ thất bại.
Con đường đưa nhân dân và đưa vào ý thức hệ dân tộc, dân chủ để chống đế quốc và độc tài là một con đường không bao giờ thất bại.
So với tất cả những nhà cách mạng đương thời, Huỳnh Phú Sổ là người thành công lớn nhất và để lại sự nghiệp cao nhất. Chỗ đứng của Huỳnh Phú Sổ trong văn học, chính trị và lịch sử Việt Nam là một chỗ đứng độc đáo và chói sáng.
Lịch sử sẽ nói đến Huỳnh Phú Sổ như nói đến một Martin Luther, người canh tân Thiên Chúa giáo và khai sáng đạo Tin Lành, của Việt Nam. Huỳnh Phú Sổ đã canh tân Phật giáo, đã nối tiếp và phục sinh truyền thống đạo Phật nhập thế, sinh động của phái Trúc Lâm Yên Tử và Bửu Sơn Kỳ Hương. Lịch sử sẽ nói đến Huỳnh Phú Sổ như người sáng lập của đảng Dân chủ Xã hội Việt Nam, đảng tổng hợp và dung hòa những ý hệ xung đột trên thế giới. Đó là một đảng cách mạng cứu quốc duy nhất có thể đương đầu với đảng Cộng sản. Trong thời hậu Cộng Sản, đó sẽ là chính đảng số một của Việt Nam. Nếu Huỳnh Phú Sổ không ra đi lúc chỉ mới 27 tuổi. Ngày nay, sẽ có những Huỳnh Phú Sổ khác sẽ phục sinh Dân Xã Đảng và lấy đảng làm công cụ để quang phục đất nước.
Và cuối cùng lịch sử sẽ nói về thơ Huỳnh Phú Sổ như nói về thơ Vạn Hạnh, thơ Lý Thường Kiệt, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu. Từ bài thơ “Sá chi suy thịnh việc đời, Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành” của Quốc sư Vạn Hạnh, đến bài “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư” của Đại tướng Lý Thường Kiệt, qua các thơ, kệ của các thiền sư Lý Trần, đến thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ, đó là một giòng thơ Việt Nam linh thiêng, liên tục và bất tận, giòng thơ ngàn năm chở đạo và cứu nước của một dân tộc nhân nghĩa và anh hùng.
Huỳnh Phú Sổ đã không xuất dương du học, hay vượt biển như chúng ta, nên Huỳnh Phú Sổ không ra đi mà chỉ trở về, trở về với truyền thống, với nông thôn, với tinh hoa cốt tủy của dân tộc. Và cuộc hành trình trở về của Huỳnh Phú Sổ đã góp phần hoàn thành sự nghiệp Việt Nam giữa sự phá hoại và phản bội sự nghiệp Việt Nam của những kẻ đã hành hương đến Mạc Tư Khoa hay Hoa Thịnh Đốn.
Sự thành công rực rỡ, kỳ diệu của Huỳnh Phú Sổ không có nghĩa là sự ra đi của chúng ta là vô ích hay không cần thiết. Huỳnh Phú Sổ bị Cộng sản ám hại và những người thừa kế Huỳnh Phú Sổ bị các chế độ chống cộng đàn áp, tiêu diệt không một chút nào có nghĩa là ý thức quốc gia đã thắng ý thức giáo phái, hay chính quyền trung ương đã thắng sự phân hóa, ly khai của địa phương, mà chỉ có nghĩa những kẻ dựa vào ngoại bang đã tạm thời thắng thế những người chỉ dựa vào dân tộc, những kẻ có ý hệ và súng đạn cũng như sự hậu thuẫn và kỹ thuật của thế giới đã tạm thời thắng thế những người không vận dụng và sử dụng được những sức mạnh và võ khí này.
Sự ra đi của chúng ta có sứ mạng linh thiêng là hoàn thành những gì mà Huỳnh Phú Sổ chưa hoàn tất, là thực hiện những gì mà Huỳnh Phú Sổ chỉ mới ước mơ: là sự chiến thắng của Việt Nam đối với những thế lực phi Việt, là xây dựng một nước Việt Nam tự do, công bằng, và nhân đạo, độc lập, hòa bình với mọi nước và mọi người sống trong hòa hợp, yêu thương.
Để thực hiện lý tưởng cao cả và di chúc linh thiêng này, không phải của riêng Huỳnh Phú Sổ mà của cả triệu người Việt Nam yêu nước khác đã chết, chúng ta phải học hỏi, thấm nhuần truyền thống, tinh hoa của dân tộc, không ngừng nuôi dưỡng ý thức trở về và kiên trì đấu tranh cho một ngày về, đồng thời học tập, làm chủ những kỹ thuật hiện đại của thế giới và vận động thế giới hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta.
50 năm nữa, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chẳng còn và chẳng ai nhắc đến; nhưng 1.000 năm nữa, hình bóng của Huỳnh Phú Sổ, cũng như hình bóng của Vạn Hạnh, của Nguyễn Trãi, vẫn bát ngát bao la giữa đất trời, sông núi Việt Nam.
50 năm nữa, những kinh điển Mác Xít phủ đầy bụi sẽ nằm chết cứng trong các viện bảo tàng và chẳng ai thèm đọc; nhưng 10 thế kỷ nữa thơ Huỳnh Phú Sổ, cũng như thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến vẫn còn mênh mông ca hát trong muôn lòng Việt Nam.
Chúng ta chào đón và vinh danh Huỳnh phú Sổ không phải như chào đón và vinh danh một vị Giáo chủ mà là chào đón và vinh danh một đạo hữu, một chí hữu và một chiến hữu.
Đạo hữu của đạo Phật nhập thế mà hiện đại hóa.
Chí hữu của lý tưởng dân chủ xã hội.
Và chiến hữu của cuộc chiến đấu chống đế quốc và độc tài.
Huỳnh Phú Sổ bất tử trong ý thức và hành động cứu người cứu nước của tất cả chúng ta.
Núi Thất Sơn vẫn nổ vang rền từng giờ từng phút mỗi khi chúng ta vẫn còn sống, chiến đấu và phụng sự trong tinh thần Huỳnh Phú Sổ.
Huỳnh Phú Sổ chính là tất cả chúng ta, tất cả những người Việt Nam yêu nước mang tinh thần tự do, khai phóng và nhân bản đi vào hành động giải cứu và phát triển Việt Nam.
Cũng như Vạn Hạnh, như Nguyễn Trãi, Huỳnh Phú Sổ không bao giờ chết. Vạn Hạnh, Nguyễn Trãi và Huỳnh Phú Sổ chỉ hóa thân thành chúng ta, những Vạn Hạnh, những Nguyễn Trãi, những Huỳnh Phú Sổ của thời đại hôm nay.
LÝ KHÔI VIỆT
Trích tập san
THANH NIÊN HÀNH ĐỘNG
số 9, tháng 7-8-86
4- Cuộc Cách Mạng của Đức Thầy, Phạm Nam Sách
Cách đây ít năm, tôi có viết đôi ba bài trên Đuốc Từ Bi đưa ra quan điểm rằng Đức Thầy ngoài cương vị một Giáo chủ, còn mang hình bóng một lãnh tụ, một chánh khách, một người mưu cầu quốc sự. Hơn thế nữa tôi thấy ở Đức Thầy một nhà cách mạng. Chẳng phải vì tôi tiêm nhiễm cách mạng từ nhỏ mà tìm hiểu nhân vật nào tôi cũng thấy người đó ít nhiều điều mang tư tưởng cách mạng. Tôi muốn nói rằng sự thật Đức Thầy là một nhà cách mạng nuôi chí giải phóng dân tộc và sau đó dựng nước trong tinh thần dân chủ xã hội.
Những bài viết của tôi mang lại nhiều âm hưởng. Nhiều anh em đồng đạo cho rằng tôi thế-tục-hóa sự nghiệp của Đức Thầy, giải thích gò bó giáo lý Hòa Hảo trong chủ thuyết cách mạng dân tộc xã hội. Trên hết và hơn hết, Đức Thầy là một Giáo chủ từng khai sáng một tôn giáo mà tín điều mỗi ngày được nhiều người tin theo, nên hàng ngũ tín đồ mỗi ngày mỗi đông đảo. Ngày tôi còn trong nước, tôi đã nghe nói hơn ba triệu người tin theo giáo lý Đức Thầy. Con số này mỗi ngày mỗi tăng. Tôi thì hy vọng rằng những điều thuyết giảng của Đức Thầy về Đạo, về cách tu, về bốn Điều Ân Lớn mà mỗi người chúng ta gánh chịu, về ba cái nghiệp do xác thân, miệng lưỡi, và tư tưởng chúng ta gây nên, từ đó xui khiến chúng ta phạm mười tội ác lớn, mà muốn tránh, chúng ta phải làm theo tám điều chánh, tắt một lời, tất cả những gì thuở nhỏ tôi học và biết được trong Đoàn Thiện Sinh chùa Quán Sứ Hà Nội, tất cả sẽ gây nền đắp móng cho một Quốc giáo Việt Nam, một thứ Dân tộc giáo gìn giữ nhân dân ta trong cơn mạt pháp.
Tôi không dám dị nghị điều này, nghĩ rằng tôi chỉ là hạng tại gia còn thấy mình nặng nợ với non sông, tổ quốc, dân tộc chưa trả được ân đang chịu. Nhưng như Đức Thầy đã nói khi trả lời cuộc phỏng vấn của ông Hồn Quyền, báo Nam Kỳ ngày 29-11-1946, rằng: “Giáo lý từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật đã không được Đức Thích Ca áp dụng vào xã hội Ấn Độ xưa vì hoàn cảnh không thuận tiện. Ngày nay trình độ tiến hóa của nhân loại đã tới một mức khả quan, đồng thời với tiến bộ về khoa học, thì ta có thể thực hành giáo lý ấy để thực hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo”. (*)
Vậy thì một xã hội công bằng và nhơn đạo có phải là một cuộc cách mạng hay không? Tôi nghĩ câu trả lời đã rõ. Xin miễn cho tôi tranh luận về Đạo và Đời, đem Đạo vào Đời, hay đem Đời vào Đạo. Chúng ta đang chứng kiến cảnh Nước taN Đạo mất, nước mất thì Đạo cũng không còn, nên hơn bao giờ hết, tôi càng phục Đức Thầy viễn kiến.
Ngay từ khi mở Đạo, chỉ Nghiêu Thuấn đã có sẵn trong ý nguyện của Đức Thầy: “Vua Nghiêu xưa mở đất cày, Ngày nay nhường lại cảnh này cho Điên” (**). Mở lại buổi Thuấn Nghiêu ở giang sơn Việt Nam chính là mục tiêu của cuộc cách mạng an quốc vương dân. Đi vào thực tiễn cách mạng ta thấy rõ quyết tâm của Đức Thầy: ‘’Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau, Quyết rứt cà sa mặc chiến bào, Đuổi bọn xâm lăng gìn đất nước, Ngọn cờ độc lập phất phơ cao...” (***)
Về nội dung cuộc cách mạng của Đức Thầy, tôi nghĩ có thể tóm tắt trong ba vế (triplet) như sau:
Tình tự cách mạng: Dân tộc.
Chánh trị cách mạng: Dân chủ
Kinh tế cách mạng: Xã hội
TÌNH TỰ CÁCH MẠNG TRONG CUỘC CÁCH MẠNG CủA ĐỨC THẦY
Phải nói nó bàng bạc trong khắp thi văn Ngài viết, từ những câu mộc mạc thật quần chúng trong các Sấm Giảng đến những câu thơ trau chuốt đầy tình cảm rung động lòng người. Đức Thầy đã đi vào quần chúng, sinh hoạt với quần chúng, nói ngôn ngữ của quần chúng. Hãy chịu khó đọc hết Sấm Giảng để thấy tình nghĩa dân tộc trong tư tưởng Đức Thầy. Cuộc đời ngô khoai của dân làng Tây An, cảnh tra hỏi thuế thân của bọn lính, cảnh sống phồn hoa nơi đô thị, cảnh chợ búa đôi co, tiếng con chó tru trong những xóm làng xa xăm, hình ảnh con hen cắn ổ, sinh hoạt quần chúng vùng lục tỉnh khi người Pháp còn ngự trị quê hương ta... tất cả đi vàO tâm tưởng Đức Thầy khiến con người từ bi xuất chúng quản chi nắng Sở mưa Tần, chèo xuôi chèo ngược cũng vì thảm thương bá tánh.
Với tài đó, đức đó, tiếng tăm đó, Đức Thầy chỉ cần gật đầu, là vinh hoa phú quý. Nhưng sao tình yêu lê thứ vẫn thúc đẩy xua đuổi ngay cả cảnh non tiên gió mát. Giọt lệ Đức Thầy vẫn nhỏ, và lòng dạ Người vẫn bùi ngùi “về trên Bảy núi ngùi ngùi thương dân”. (*)
Có cuộc cách mạng nào không xuất phát từ Tình tự Dân tộc, từ cảm cái cảnh khổ đau quằn quại của lớp lê dân dưới thời ngoại thuộc “Yêu dân lòng nọ chẳng sờn” (**). Lòng trắc ẩn khơi dậy ở Đức Thầy và Người đã nhìn thấy cả khối dân anh hùng bất khuất, cả một lịch sưœ đầy võ công hiển hách, văn nghiệp rạng uy: “Nhớ nước ta hùng liệt thuở xưa, Ngàn năm Bắc địch vây bừa. Mà còn đứng dậy tống đưa quân thù. Hồn chiến sĩ ngàn thu rạng tỏ, Gương anh hào chói đỏ như châu. Non sông thanh bạch một màu, Ngọn cờ độc lập bay hầu khắp nơi...’’ (tr.417). Tôi đã đọc nhiều áng văn thơ anh hùng ca bất hủ, đặc biệt là bài Trả Ta Sông Núi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, tiếng gọi núi sông chưa bao giờ mạnh trong lòng tôi bằng lúc này: “Thương dân ruột gan tím bầm, Rưœa chưa xong hận còn căm mối hờn” (*). Tôi thấy bừng lên trong thi văn Đức Thầy cái hào khí muôn thuở của tổ tiên ta “Tiếng roi lại bình Ngô sát Đát, Sưœ xanh còn ngào ngạt tiếng thơm” (**). Đâu đây có Hồn nước ẩn hiện qua từng chữ viết lời thơ, Đức Thầy quả đã “quyết chùa am bế cưœa, Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha, Đền xong nợ nước thù nhà, Thiền môn trở gót Phật Đà nam mô”. (***)
Tôi thách đố các bạn trẻ, những người đã và đang gội nhuần Ân Đất Nước, có khỏi động lòng trước tình tự dân tộc của Đức Thầy. Chúng ta có thể nào gạt bỏ tình riêng như Đức Thầy “Ta có tình yêu đượm nồng, Yêu đời yêu lẫn cả non sông, Tình yêu chan chứa trong hoàn vũ, Không thể yêu riêng khách má hồng” (****). Tình dân tộc trong Đức Thầy sao bao la, không phân biệt địa phương, tôn giáo “khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống, Tha thứ nhau để sống cùng nhau, Quý nhau từng giọt máu đào, Để xem máu ấy tưới vào địch quân” (*****).
CHỦ NGHĨA DÂN CHỦ TRONG CUỘC CÁCH MẠNG CỦA ĐỨC THẦY
Nếu tình tự dân tộc đưa tấm lòng Đức Thầy đến với mọi người chung ta, dù xa dù gần, thì đường lối chính trị của Đức Thầy thể hiện rõ rệt phương hướng dân chủ. Những năm dài dưới phường chuyên chính bạo ngược thực dân, triều đình Huế ngồi làm bù nhìn, ngai vàng họ Nguyễn có cũng như không, nhân dân đồ thán không còn biết trông cậy vào ai, Đức Thầy đã hơn một lần phủ nhận quyền bính của thực dân, và vai trò tay sai của vua quan nhà Nguyễn “Thấy dân mang sưu thuế mà thương, Chẳng qua là Nam Việt vô vương, Nên tai ách xảy ra thảm thiết” (******). Tinh thần Nghiêu Thuấn chính là tinh thần dân chủ của người xưa, được Đức Thầy nhắc lại “Thương Minh Vương bắt chước Thuấn Nghiêu, Lòng hiền đức nào ai có biết” (*). Chúng ta thấy minh bạch rằng, dù khoác áo cà sa để tránh miền tục lụy, mà khi quốc gia hữu sự, Đức Thầy phải ra tay gánh vác non sông.
Trong Tuyên ngôn Độc lập của Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, Đức Thầy công bố ngày 21-9-1946, ta đọc thấy “Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng dân chủ, chủ trương thực thi triệt để nguyên tắc chánh trị của chủ nghĩa dân chủ: Chủ quyền ở toàn thể nhân dân” (**). Câu tiếp theo của tuyên ngôn xác định: “Đã chủ trương toàn dân chánh trị thế tất đảng chống độc tài bất cứ hình thức nào” (***). Không hẹn mà nên. Đức Thầy thâu tóm được tinh hoa của chủ nghĩa dân chủ, dưới cả hai hình thức mà các nhà khảo cứu chính trị Tây phương từng nói đến, đó là Dân chủ Điều hành (Process Democracy) và Dân chủ Nguyên tắc (Principle Democracy). Bước qua chương trình hành động của đảng Dân Chủ Xã Hội, Đức Thầy viết: “Chánh trị:... 5/ củng cố chánh thể dân bằng cách đảm bảo tự do dân chủ cho toàn dân... 8/ chủ trương toàn dân chánh trị. 9/ Chống độc tài bất cứ dưới hình thức nào’’ (****). Nhìn ra nghĩa toàn dân chánh trị Đức Thầy hiển nhiên nói rõ để mọi người biết rằng, là một Giáo Chủ, trước sau người áp dụng triệt để câu nói của Đức Thích Ca Mâu Ni “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, và “Phật cũng đồng nhứt thể bình đẳng với chúng sanh”. Vậy thì trong cõi hữu thường này, nếu còn “có chúng sanh tiền tiếp áp bức những chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn chánh ấy” (*****). Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, khác nào như John Locke (1632-1704) nói về những quyền bất khả ly thân của con người tức quyền được tạo hóa công nhận (natural rights) tức là quyền của mỗi người đối với mạng sống, tự do, và tài sản của riêng mình. Nhưng nếu John Locke và các triết gia Tây Phương biện bạch quá nhiều cho quyền thế cá nhân xã hội Âu Mỹ sản sanh thêm chủ nghĩa cá nhân, thì Đức Thầy lại muốn dung hòa cá nhân và tập thể “làm thế nào phát hiện được những đức tánh cao cả và thực hành trên thực tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước cho toàn thể chúng sanh” (*)
Qua bao nhiêu thăng trầm do bọn người Bolscheviks Việt Nam gây nên, mà dù do đó mà Đức Thầy đang “Mưu quốc hóa ra người phản quốc, Ngàn thu mối hận dễ nào phai” (**). Đức Huỳnh Giáo Chủ trước sau vẫn minh bạch “Về dĩ vãng, hoạt động của tôi xuất phát trong địa phận Phật giáo và kết nạp được hơn một triệu tín đồ. Thể theo tinh thần đại đoàn kết toàn dân, tôi thay mặt cho đám quần chúng đó mà tham gia hành chánh về mặt tinh thần. Nhưng trong sự hoạt động để kiến thiết quốc gia về mặt chính trị, thì tôi là đại biểu cho chánh đảng nào có một chương trình dân chủ xã hội”. (***)
CUỘC CÁCH MẠNG KINH TẾ XÃ HỘI CỦA ĐỨC THẦY
Trên bước đường hành đạo, con người chí sĩ khoác áo cà sa đã nhìn thấu cái trầm luân khổ ải của dân tộc. Bá tánh đều có Phật tánh, mà sao thì ở Niết Bàn, còn chúng sanh cứ luân hồi trọn kiếp. Phải có một “phương pháp tổ chức xã hội mới để phụng sự thiết thực đồng bào và nhơn loại” (****). Phương pháp ấy trước hết đặt nền móng trên đường lối xã hội và kinh tế. Mà đường lối xã hội có nghĩa là mọi người vì một người, và một người vì mỗi người.
Trận đói Ất Dậu (1944-1945) tàn phá miền Bắc. Xác người cong queo chết đói, một muỗng cháo cũng không có để hồi sinh. Đức Thầy đau lòng khôn tả. Người kêu gọi các nông gia trù phú miền sông Cưœu “Nam Kỳ đâu phải sống riêng, Mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung” (*). Và người quở trách bọn Việt gian “Đồng bào con chết bao nhiêu, Con để mặc kệ quạ diều bươi thây” (**). Con người xã hội trong Đức Thầy coi vòi vọi, thấu đến muôn loài, “Tình yêu mà chẳng riêng ai cả, Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sanh”.
Khi thảo tuyên ngôn cho Đảng Dân Xã, Đức Thầy viết: “Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng cách mạng xã hội, chủ trương tổ chức nền kinh tế theo nguyên tắc chủ nghĩa xã hội: không để giai cấp mạnh cướp công của giai cấp yếu, làm cho mọi người đều được hưởng phúc lợi cân xứng với tài năng và việc làm của mình, những người tàn tật yếu đuối thì được nuôi dưỡng đầy đủ” (***). Hưởng theo nhu cầu làm theo khả năng, đó là phương châm của xã hội mà Đảng Dân Xã đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đức Thầy. Người ta tự hỏi bấy lâu nay Ngụy Sô Viết ở Việt Nam mỏi miệng rêu rao cái gọi là “Xã hội chủ nghĩa” của bọn chúng mà sao nhân dân Việt càng ngày càng đói rét bịnh tật, xã hội càng ngày càng bị nạn Đảng và Nhà nước bóc lột đàn áp, đâu là khẩu hiệu “các tận sở nhu, các hữu sở năng”, đâu là khẩu hiệu “một người vì tất cả, tất cả vì một người”. Ôi cái thời mạt pháp thì ma qủy hoành hành.
Trong quan niệm Xã hội Chủ nghĩa để xây dựng một thế dân chủ phù hợp với đạo lý và sinh hoạt dân tộc, Đức Thầy đã sơ thảo những đường nét chính cho một chương trình kinh tế. Như tôi đã nói, vấn đề vẫn là những quyền căn bản của con người như thành phần của dân tộc và nhân loại. Quyền tư hữu phải được công nhận “đến độ không hại đến đời sống công cộng” (****). Sáng kiến chánh trị của Đức Thầy ở đây đã đi trước nhiều những kế hoạch của tư nhân không bị bóp nghẹt trong lãnh vực Tư, quyền tự do kinh doanh của tư nhân không bị bóp nghẹt ngày nay hầu như là một chân lý cho tất cả các quốc gia mở mang vùng Đông Nam Á. Một chương trình cải cách điền địa vĩ đại được Đức Thầy nói đến trong 5 điểm nhằm quân bình hóa việc sở hữu ruộng đất và tận dụng hóa việc canh tác ruộng đất. Nền kinh tế trong chủ nghĩa xã hội của Đức Thầy thật là một nền kinh tế Bình Sản. Tư tưởng kinh tế bình sản cùng một lúc, ở cả Nam lẫn Bắc, được Đức Thầy và Lý Đông A nói đến. Một sự ngẫu nhiên hay là định mệnh của dân tộc. Tôi nghĩ đó là định mệnh. Không có chuyện giai cấp đấu tranh trong đường lối kinh tế của Đảng Dân Xã vì như Đức Thầy tuyên bố: “Đặc điểm của Việt Nam Dân Xã Đảng là không chủ trương giai cấp đấu tranh giữa dân tộc Việt Nam, vì lẽ ở xã hội Việt Nam hiện thời, trên 80 năm bị trị, chỉ có một giai cấp bị tư bản thực dân bóc lột”. (*)
Vào thập niên 1935-1945, thời cuộc thế giới biến đổi mau lẹ. Trận chiến giữa hai phe đế quốc đã mở ra một sinh lộ cho các dân tộc nhược tiểu, bị áp bức. Sinh lộ đó nằm trong chủ nghĩa, nằm trong những điều suy tư về vận mạng dân tộc, về con đường bắt đầu và địa điểm đi tới của giống nòi trên trường đồ lịch sưœ. Trong cảnh ngộ ấy, Đức Huỳnh Giáo chủ hình thành một chủ nghĩa dân tộc của Hòa Hảo sau này trở thành nền tảng chánh trị và cách mạng cho Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội. Nhìn toàn bộ giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, kẻ thức giả phải nhận thấy phảng phất một cái gì khác hơn là tôn giáo, khác hơn Phật giáo, một cái gì của chủ trương dân tộc, của chủ nghĩa dân tộc. Đức Huỳnh Giáo chủ, con người sinh ra trong chốn bùn lầy nước đọng của đồng ruộng miền Nam nơi “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh”, đã dầm mình trong cái lý tính thực tiễn của thực tế đời sống dân tộc lúc thường lúc biến, cảm chiếu được với lịch sưœ nòi giống để đem tất cả những niềm nghĩ của mình vào những bài thi thơ, sấm giảng. Chúng ta đừng đọc thi thơ, sấm giảng với cái kiến thức của trường ốc, khách quan và khoa học. Chúng ta phải đọc bằng cảm thông, bằng tâm tình, bằng một thức thần giao cách cảm. Chúng ta sẽ hiểu rõ tư tưởng của con người dân tộc thật sự ý chí của con người muốn lấp biển dời non. Chúng ta sẽ thấy qua những câu thơ mộc mạc, hình bóng một trang tuấn kiệt, mặc áo cà sa để tạm dấu hành tung hòng làm cái việc cứu nước giữ nòi. Nội dung Sấm Giảng là nhãn quan về thời cuộc. Những lời tiên đoán chẳng sai lầm về diễn biến thời cuộc. Có phải đó là những nhận xét có tánh cách địa lý chính trị, chỉ rõ cho quốc dân biết những biến cố nào sẽ xảy ra trên thế giới và trong nước.
Tôi muốn mở một dấu ngoặc ở đây để nói về cái hình thức “vè” của Sấm Giảng. Cũng vào thời gian này ở miền Bắc, tư tưởng học thuyết cách mạng lan tràn trong giới sĩ phu trung lưu. Bài tuyên ngôn của đảng Đại Việt Quốc Dân do Trương Tưœ Anh lãnh đạo ra đời vào năm này, Lý Đông A hàm dưỡng tư tưởng cho bộ “Nhã” một bộ sách quan trọng trong “Việt Duy Dân Chủ Nghĩa” cũng từ năm này. Điều khác biệt là tư tưởng Duy Dân ở miền Bắc chỉ thấm nhuần trong từng lớp trung lưu trí thức chớ ít đi được vào tư tưởng quần chúng hạ tầng. Cái thiên tài lỗi lạc của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đem được tư tưởng ấy vào đại đa số quần chúng bình dân miền Nam bằng chính sự dấn thân đích thực, đau cái đau của quốc dân “Vì thương lê thứ chi sờn lòng đây” vui cái vui của quốc dân “Vào các ra đài, tột bực giàu sang” tai nghe mắt thấy cái sống dào dạt trong đời sống quốc dân: “Xa nhìn sương bạc mờ mờ, Tân An làng nọ sống nhờ bắp khoai... Đời nay quý trọng người sang. Giả ra gây lộn nói toàn tiếng Tây” đi vào quần chúng để thấm nhuần tư tưởng duy dân và ngay từ quần chúng, ý thức được rằng một chủ nghĩa chánh trị, muốn cho đúng, cho thiết thực, phải từ quần chúng mà đến. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhìn rõ được đâu là chân lý của sự vần xoay lịch sưœ trong hiện tại và ở tương lai. Làm sao để chỉ đường chỉ nẻo cho quốc dân biết mà theo giữa cái tình cảnh của quần chúng miền Nam “Linh đinh bèo nước biết về đâu? Đậu bến An Giang thấy những rầu, Bảy núi mây liền chim nhíp cánh, Ba dòng nước chảy cá vênh râu, Cỏ rau nội quạnh dân xanh mặt, Không trái bần khô khỉ bạc đầu...’’ (*)
Vẫn biết cách mạng phải toàn diện, triệt để và hướng thượng, nhưng con người cách mạng phải tùy thời mà dụng võ. Đem hình thức Đạo để vận tải cách mạng vào dân tộc vào quần chúng, nhưng phải sáng tạo làm sao để Đạo là Đời và Đời là Đạo và quần chúng khi giác ngộ Đạo thì đồng thời cũng giác ngộ Đời, nói cách khác, giác ngộ cái giòng sinh mệnh lịch sưœ của nòi giống đặng sẵn sàng nhận gánh trách nhiệm giữ lấy giống nòi. Toàn bộ cuốn “Sấm Giảng Thi Thơ” của Đức Huỳnh Giáo chủ là những đáp ứng lớn lao cho công cuộc cách mạng dân tộc, toàn diện từ nhân chúng, chánh trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, từ cái hữu hình đến cái vô hình, từ thấp đến cao, triệt để từ đầu chí cuối, hướng thượng từ hiện tại nhìn lên tương lai, tất cả đã cổ súy cho cái nhiệm vụ chung của mỗi con dân đất Việt “Đem tài thao lược giúp non sông (*). Nhìn rõ lộ tuyến của dân tộc trong cái xung động của lý tính thực tiễn do cuộc sống thực tế đem lại, Đức Thầy đã lấy giáo lý của Đạo Phật biến cải và dân tộc hóa để làm giềng mối cho xã hội “Rèn dân bằng lý thuyết bình hòa” (**).
Tất cả bắt đầu từ Con người, con người quốc dân và con người nhân loại. Đi tìm một giáo lý làm căn bản cho việc rèn luyện tâm tánh, ý chí và ý thức của con người là làm một việc vô cùng khó. Không thể đem một triết lý chủ quan của mình ra mà áp dụng máy móc vào đời sống dân tộc vốn rất hoạt động và luôn liên tục. Giáo lý của Đức Thầy đã đi vào lòng người dân Việt. Và khi cơ hội đến, tất cả đã bùng lên trong đáy tầng dân tộc, cô đọng lại và mở đường cho cuộc đấu tranh sống còn với thế lực phi dân tộc do bọn Cộng sản Đệ tam xúi giục và giúp đỡ tận tình. Người Hòa Hảo đã có mặt khắp nơi vào bất cứ lúc nào, theo tiếng gọi của Đức thầy, nhứt tề tiến lên, đấu tranh mọi mặt, hoặc sắt máu hoặc chánh trị, mà mục đích cuối cùng vẫn là “Cứu nước giữ Nòi”. Trong những khu vực Hòa Hảo, chúng ta thường chứng kiến một tổ chức xã hội, kinh tế thật sự cỗi gốc dân tộc, tự mình mưu sinh bằng chính sức cần lao của mình để dựng nên một sinh mệnh lâu dài cho dân tộc. Chúng ta không thấy Đức Thầy chủ trương đem dân tộc chạy theo một đế quốc siêu cường. Hình thức Trở Về Nguồn trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo đã hiện rõ ngay cả trong y phục. Việc Đức Thầy để tóc chẳng hạn, chính là một việc làm phản kháng cái tinh thần a dua, vọng ngoại mà một số Việt gian theo đuổi. Màu nâu của y phục Hòa Hảo chính là màu của đất, Đức Tin và Lòng Thành của người Hòa Hảo trong việc tu thân xưœ kyœ chính là những đức tính truyền thống của Tổ Tiên.
Cuộc cách mạng Duy Dân mà Đức Huỳnh Giáo Chủ khởi xướng ở miền Nam chưa được chuẩn bị trọn vẹn thì những biến chính đã đến, đưa đất nước vào một vận hội mới.
Ngày 16-4-1947, một biến cố đem Đức Thầy đi khỏi hàng ngũ chúng ta. Đức Thầy còn tại thế hay đã quá vãng, tùy niềm tin mỗi chúng ta. Tôi muốn hỏi rằng giống dân Hồng Lạc nay đã làm gì để xứng đáng với công lao và lòng kỳ vọng của Đức Thầy? Tôi muốn nói nhiều với anh em trong Việt Nam Dân Xã Đảng, và đặc biệt với các anh em vì cái rủi nhứt thời mà phải tạm xa lánh các đồng chí đang tiếp tục chiến đấu trong nước. Dân Xã Đảng có cái may mắn được Đức Thầy tổ chức và lãnh đạo. Đảng chưa đạt được cái mục đích cuối cùng là “củng cố nền độc lập quốc gia và cấu tạo xã hội Việt Nam mới”, nhưng ngọn đảng kỳ vẫn mang được màu sắc quê hương và hồn thiêng sông núi. Những chiến sĩ tiền phong cho cách mạng dân chủ xã hội ở Việt Nam phải mang sắc phục của đảng kỳ và chỉ với màu nâu này, chúng ta mới chứng tỏ được tấm lòng trung kiên với dân tộc và đạo pháp.
Tôi không cổ súy cho việc đem Đạo vào Đời, hay ngược lại đem Đời vào Đạo. Đức Thầy có nói rằng “hễ nước mất thì cơ sở Đạo phải bị lấp vùi, nước còn nền Đạo được phát khai rực rỡ” (*). Tôi mượn lời Đức Thầy để kết luận rằng “khi nào nước nhà được cường thành, đạo Phật mới đặng khuếch trương tự do hay gieo rắc tư tưởng thiện hòa và tinh thần từ bi bác ái khắp bàng nhân bá tánh”.
“Hỡi ai thức ngủ trong đêm ấy. Có thấu tai chăng tiếng Quốc Hồn?” là hai câu thơ trích trong bài cụ Phạm Thiều mời Đức Thầy tham chánh. Và Đức Thầy đã họa lại:
Lặng nhìn thế sự nào ai ngủ
Chờ dịp vung tay dậy quốc hồn
Đức Thầy còn, Đức Thầy mất? Vấn đề đặt ra vẫn là những người Hòa Hảo nói riêng, và dân tộc Việt Nam nói chung, có tiếp nối được chí hướng của Ngài để đưa cuộc cách mạng Duy Dân đến thành công hay không?
PHẠM NAM SÁCH
(Kyœ niệm 39 năm ngày
Đức Huỳnh Giáo chủ ra đi
19/4/1986)
5- Nhận thức PGHH, Trần Nguyên Bình
Bài dưới đây của một nhà giáo dục di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954. Ông đã dạy học tại tỉnh Long Xuyên mấy năm, để tâm nghiên cứu Phật Giáo Hòa Hảo qua giáo lý và sanh hoạt các tín đồ tại nông thôn. Trích đăng để hiến bạn đọc thêm một cái nhìn khách quan, tổng hợp của một trí thức miền Bắc nhìn vào Phật Giáo Hòa Hảo.
Phật Giáo Hòa Hảo hưởng ứng lời kêu cứu thiết tha của lịch sử dân tộc và lịch sử loài người đứng ra nhận lãnh một sứ mạng. Sứ mạng đó là võ trang tinh thần cho nòi giống để chặn ngăn mọi luồng tư tưởng tà ngụy từ bốn phương tám nẻo tràn vào, rồi đứng lên trên cái ưu thế của dân tộc Việt đã được giác ngộ qua cơn khói lửa triền miền, mà thiết lập một “niết bàn nơi hạ giới” cho loài người chung cả.
Muốn hiểu rõ sứ mạng đó phải thực hiện ra sao, chúng ta cần trở lại dĩ vãng cách đây 100 năm, để xem tất cả những sức lực chánh trị kinh tế, văn hóa nó đã đè nén xã hội Việt như thế nào.
Khi nước ta tiếp xúc với Tây Phương, thì cái văn hóa bệnh hoạn thời Nguyễn không đủ sức kháng cự với cái văn hóa đại kỹ nghệ, đại thương mại đương tích cực tìm đường phát triển ra bên ngoài, đặc biệt vào Châu Á và Châu Phi. Văn hóa thời Nguyễn chỉ là thứ văn hóa vụ hình thức, rỗng tuếch về nội dung. Đa số các nhà Nho không nuôi chí học những thứ gì cần thiết cho dân tộc, đất nước mà chỉ cốt gọt giũa câu văn cho óng chuốt, câu thơ cho điêu luyện, hợp điệu hợp vần và gác ngoài tai, không chịu tìm tòi nghiên cứu tất cả những biến chuyển bên ngoài quốc tế.
Một Nguyễn Trường Tộ không đủ uy thế cảnh tỉnh cả một triều đại thối nát. Con người sống chỉ còn vì cá nhân mình, vì gia đình mình mà không còn vì quốc gia dân tộc nữa. Bè phái tông tộc, hương đảng tranh giành khuynh loát lẫn nhau. ở triều đình, người ta thi nhau mua quan bán tước, ở thôn xã thì tranh giành chiếu trên chiếu dưới, thủ lợn phao câu.
Đó là đời sống chính trị của quốc gia, còn trên phương tiện kinh tế thì vẫn là thứ nông nghiệp cổ hủ muôn xưa, vẫn thứ tiểu công nghệ có tính cách gia đình, làng xóm, vẫn cái thứ thương mại chật hẹp, gà què ăn quẩn cối xay. Văn học đó, chánh trị đó, kinh tế đó đã khiến cho quốc dân sống thiếu chỉ nam, không còn tiềm lực đấu tranh tự vệ.
Trong hoàn cảnh đó quân Pháp đến nước ta. Chúng ta có thể đoán ngay rằng thế nước không thể nào giữ được. Một ít phát súng đại bác là quân địch hạ được thành. Những vị anh hùng chỉ còn biết tuẫn tiết để khỏi sống trong cái nhục mất nước. Rồi khi quân Pháp đã đặt được nền móng đô hộ, xã hội lại càng thối nát thêm.
Dân chúng sống trong mê tín dị đoan. Nơi góc tường này, dưới gốc cây đa kia, người ta thấy nhan nhãn những bàn thờ ông thần, bàn thờ bà chúa. Ốm đau người ta không lo chạy chữa thuốc thang, mà chỉ lo đi cúng đền này phủ nọ, xin tàn hương nước thải về uống, hoặc lập đàn cúng kiếng rước thầy pháp bùa ếm quỉ ếm ma. Có việc khó khăn, người ta không nghiên cứu lẽ thành bại, mà lại đi coi bói toán, hay đi xin quẻ xin xâm. Rượu chè cờ bạc đàng điếm hoành hoành khắp nơi. Người ta ca ngợi những ai tiền nhiều bạc lắm, ngày tháng rong chơi, ăn xài lớn. Tất cả những thứ đó, người Pháp không làm gì để bài trừ, lấy cớ họ là dân chủ, không xen vào đời sống riêng tư và những tục lệ cổ truyền của dân “bản xứ”.
Nguy hiểm và độc địa hơn nữa là họ đem nước ta cắt ra làm ba khúc, dưới cái danh hiệu ai oán và nực cười là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Mỗi nơi có một nền hành chánh khác nhau để cho sự khác biệt giữa cá tính địa phương (nước nào chẳng có?) mỗi ngày một sâu đậm hơn. Những xu hướng Nam Kỳ tự trị hay Nam Kỳ quốc đều là hậu quả của chánh sách độc ác chia để trị của thực dân. Hoàn cảnh bi đát ấy của đất nước lồng một hoàn cảnh quốc tế rất bấp bênh trước một viễn ảnh sắp đổ vỡ tan tành, có thể chôn vùi cả nền văn minh nhân loại. Đó là viễn ảnh thế chiến thứ hai.
Để cứu vãn tình thế của nước nòi, rộng ra cứu vớt loài người, Phật Giáo Hòa Hảo ra đời, với sứ mạng đem đuốc từ bi đốt cháy mọi mê lầm để dẫn dân Việt từ chỗ Đại bi đến Đại giác, đứng lên làm cách mạng bằng một Đại hành hoàn thành Đại Đạo cho toàn dân và toàn thể loài người!
Sứ mạng thật nặng nề, khó khăn, nhưng cũng thực cao cả. Chúng ta hãy lắng tâm tỉnh trí, mở các tập Thi Văn Sấm Giảng ra, thắp nén hương lòng lên mà đọc, đọc với tất cả tấm lòng tha thiết thương yêu nòi giống, thương yêu nhân loại, chúng ta sẽ thấy ở đây những gì cần phải học, cần phải biết, những gì cần phải cứu vớt, cứu vớt lấy bản thân chúng ta đang chìm đắm trong hôn mê, trong ngõ lợi đường danh, cứu vớt lấy dân tộc đang phân hóa một cách ghê sợ do những tư trào quốc tế tràn vào xung đột lẫn nhau, để rồi, tiến lên góp phần với mọi cá nhân tiến bộ, mọi tổ chức tiến bộ, mọi quốc gia tiến bộ trên thế giới mà cứu vớt loài người đương đứng trên bờ vực thẳm, có thể vì một giây điên khùng mà tự tiêu diệt bằng đủ loại vũ khí hạch tâm.
Phật Giáo Hòa Hảo ra đời với một sứ mạng cứu vớt. Vậy sự cứu vớt đó khai triển như thế nào, bắt đầu từ đâu để rồi chấm dứt ở nơi đâu?
Trong hoàn cảnh đất nước sống quằn quại dưới gót sắt của thực dân Pháp, những người hơi tỏ ra yêu nước thương nòi là bị thực dân kiềm chế hoặc bắt tù đày, giam cầm; còn đa số quốc dân trí thức đuổi theo danh lợi lãng quên sự nghiệp Tổ Tông. Khối dân quê đông đảo nhất, thuần phác nhất, giữ được nhiều đức tính của dân tộc nhất thì lại dốt nát, sống cơ cực làm chẳng đủ ăn, không người lãnh đạo. Mà chính khối dân quê này trong suốt dòng lịch sử đã là chủ động cho mọi cuộc phục hưng dân tộc quốc gia. Những cuộc cách mạng Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Quang Trung đều do nông dân hoàn thành bằng cách cung cấp nhân lực, tài lực, vật lực.
Cho nên cứu vớt gì thì cứu, nếu không chú trọng đến nông dân thì chỉ là làm cái công việc của dã tràng xe cát. Vì lý do đó mà Phật Giáo Hòa Hảo xuất hiện ngay trong lòng nông dân để giác ngộ họ, giúp họ tiến lên tự giải thoát lấy mình, giải thoát dân tộc rồi góp phần vào công việc giải thoát loài người.
Vì Giáo Chủ là người sinh trưởng ở nông thôn đã đau khổ cái đau khổ của nông dân, ước ao và hy vọng cái ước ao hy vọng của nông dân, nên mới hiểu được họ, cảm hóa được họ.
Sau hơn nửa thế kyœ sống dưới triều Nguyễn, một triều đại đã xao lãng cái căn bản tinh thần của nòi giống, sau ngót trăm năm Pháp thuộc, lòng người dân tựa đống tro tàn trong mùa gió lạnh, họ sống không có chỉ nam, mất tin tưởng ở bản thân mình, ở dân tộc mình, trước sự tràn lan của nền văn minh vật chất Tây phương. Bởi vậy, việc cần thiết là phải gây cho họ lòng tin ở tự mình, ở dân tộc mình bằng cách phác vẽ cho mọi người một lý tưởng nhân sinh, một lý tưởng sống.
Lý tưởng đó là Lý tưởng Phật Giáo Hòa Hảo, một lý tưởng tổng hợp cả ba luồng tư tưởng lớn nhất ở Châu Á là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.
Từ Đinh qua Lê, Lý, Trần, ba luồng tư tưởng này đã ảnh hưởng rất lớn đến nhân sinh và kiến quốc của dân Việt, ngày nay chỉ cần hiện đại hóa bằng tinh thần khoa học Tây phương. Tinh thần Từ bi Bác ái của nhà Phật, tinh thần Nhân thứ của Khổng Tử, tinh thần Tiêu dao không màng danh lợi của Lão Tử, được phô diễn bằng những lời vàng ngọc, khi thì như hiệu lệnh, khi thì như nhắn nhủ khuyên răn, khi thì như cảnh cáo, thấy bàng bạc khắp trong Thi văn Giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Trên cái căn bản tinh thần đó, một chủ trương cách mạng khắp mặt được ngấm ngầm đề ra, mới coi thể như rời rạc, lập đi lập lại, nhưng tinh ý thì thấy ngay cả một chủ trương vĩ đại của một vị cứu thế muốn dùng văn thơ đi thẳng vào lòng người. Phác vẽ cho mọi người thấy cái cảnh khổ não của xã hội Việt và xã hội nhân loại, rồi giác ngộ họ tìm đường giải thoát. Đó là chủ trương Đại bi Đại giác. Từ chỗ giác ngộ đó, khuyên răn ai nấy phải lo làm tròn bổn phận làm người để cứu lấy thân mình, gia đình mình, quốc gia dân tộc mình hầu hoàn thành cho dân tộc, cho loài người một đời sống bác ái tự do. Đó là chủ trương Đại hành và Đại đạo.
Đi vào chi tiết ta sẽ thấy Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương cải tạo tôn giáo, cải tạo tâm lý, và cải tạo xã hội để rồi gây một tin tưởng lớn vào lòng người ở tương lai.
Vấn đề thực là quan trọng. Giữa thế kyœ 20 mà dân Việt nhất là nông dân sống trong một màn dầy đặc mê tín và dị đoan. Nhiều người đi chùa chỉ hiểu mang máng rằng nếu năng tới lui lễ bái, dân cúng lễ vật bạc tiền, thì được phước, ngược lại thì gặp tai ương. Đa số có hiểu đâu rằng cốt tượng chuông mõ chỉ là hình tượng giúp cho con người dễ tập trung tư tưởng mà suy gẫm về nền Giáo Lý, có nó là để nhắc nhở con người tu khỏi xao lãng việc tu hành. Nó chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Phải giác ngộ cho mọi người hiểu cái yếu lý của tu hành: giữ sao cho tâm linh được luôn luôn yên tĩnh đừng để cho lòng dục sai khiến, nhất là khi một mình mình đối diện với mình. Phải xét nét xem lòng mình niệm Ma hay niệm Phật. Ma là vẩn đục, là gian ác. Phật là sáng suốt, hiền hậu, từ bi.
Một nhà Nho xưa kia mỗi ngày xét mình ba lần để xét xem tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi của mình có chi phải, có chi quấy, ngày nay người đời còn truyền tụng ngợi khen. Nhưng lối tu của nhà Phật từng buộc nhà tu xét nét mọi sát na (đơn vị nhỏ nhứt của thời gian ước vào 1/1.000.000 cái nháy mắt), phải giữ cái tâm cho tụ, không thể để cho tư tưởng chờn vờn như con bướm bay từ hoa nọ đến hoa kia. Đó là điều cốt yếu, còn cúng lạy chỉ là phương tiện giúp thêm cho sự tu tĩnh sửa mình mà thôi:
Tu không cần lạy cần quỳ,
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.
Hai câu gỏn gọn 14 chữ đủ nói lên hết cái cách mạng về tu hành của Phật Giáo Hòa Hảo, thiết tưởng ta không cần quá dài dòng cho lắm, nhiều lời thêm nữa, e làm giảm cả cái cô đọng mà bao quát của 14 chữ đi.
Sau việc cải tạo tôn giáo là cải tạo tâm lý. Trong thời gian Pháp thuộc, tâm lý dân Việt bị băng hoại, người ta bon chen danh lợi, sống độc thiện kỳ thân, ích kyœ, giả dối, không chỉ hướng và nhất là không nghỉ đến nước nòi, mà chỉ:
Sớm lo lòn cúi chiều ăn ngủ,
Nào biết liệu toan gỡ nợ nần.
Bởi vậy việc cần thiết là phải hun đúc cho họ có một chí quyết hiểu biết và quyết làm. Về tu niệm, phải làm sao cho họ có một đức tin trong sạch, nhưng tin không phải là mù quáng mà là đức tin được hướng dẫn bởi lòng lành và soi sáng bằng trí tuệ. Có như thế, mới khỏi mắc vào mê tín dị đoan, hầu vững tâm tiến bước. Về bổn phận đối với tổ tông đất nước, phải làm sao cho ai nấy nuôi một chí hướng sắt đá là:
Sống làm sao vẹn chữ tu mi,
Sống vùng vẫy râu mày nam tử.
và luôn luôn vững lòng vững dạ, không vì những lời phê phán bất chính của những kẻ tiểu nhân dèm pha mà bỏ việc dở dang.
Đấng anh hùng dựng nên thời thế,
Sá chi loài trùn dế nhỏ nhen.
Khi chí lập rồi, thì phải tìm cách mở mang trí tuệ, mới mong hiểu biết mối đạo của mình đang theo đuổi. Đạo đây phải hiểu là một thể, làm thống nhất, đem hiểu biết giác ngộ ra mà làm việc đời. Phải đọc kinh sử, lấy bài học của người xưa làm kinh nghiệm cho công việc ngày nay, công việc ngày nay không thể tách rời ra khỏi dòng sông lịch sử xưa kia được, nếu ta muốn lập cho đất nước một sự nghiệp thánh vương.
Đời phải biết suy kim nghiệm cổ,
Thông cơ đồ dựng nghiệp Thánh Hiền.
Có như thế mới mong đem được cái đạo của mình ra giúp cho dân tộc thịnh trị, giúp cho loài người thoát khỏi bến mê đi về bến giác.
Đến vấn đề trau giồi tình cảm cũng là một vấn đề trọng yếu. Nếu ta không làm chủ được tình cảm của ta, cứ để cho tình cảm tự do phóng túng thì chương trình kế hoạch của ta có tốt đẹp, có khoa học chăng nữa, thì cũng không giúp ta làm nên nổi trò trống gì! Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên răn tín đồ của Ngài phải đem cái ý chí sắt đá ra mà rèn luyện tình cảm: “Phải điêu luyện khối tinh thần cho mạnh mẽ đặng tự lập con đường rõ ràng duy nhất của mối đạo mình đang theo đuổi để lấy đó làm cương mục mà bài trừ những thành kiến, cố chấp thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm xiểm dua nịnh, ích kyœ, tư tâm, sự mê đắm trong bể dục tình, và sự phiền não nó làm cho náo loạn cõi lòng.”
Về phương diện này, chúng ta không thể nói gì hơn bằng cách lấy những câu trên làm kinh nhật tụng.
Ở trên chúng ta đã nói xã hội Việt trong thời Pháp thuộc băng hoại và thối nát như thế nào. Cờ bạc rượu chè đàng điếm hoành hành khắp nơi, mê tín dị đoan đè nặng lên mọi tầng lớp xã hội. Vấn đề đặt ra cho Phật Giáo Hòa Hảo là phải cải tạo hết những cái bẩn thỉu trong xã hội. Công việc thực khó khăn, bởi không có thể lực của một chánh quyền, chỉ có cách dùng cái quyền uy tinh thần, để tâm phúc mọi người bằng giác ngộ. Trong Tôn Chỉ Hành Đạo của Phật Giáo Hòa Hảo, rượu chè, thuốc sái bị cấm. Vàng mã, thầy bùa, thầy pháp, làm chay làm đàn bị coi như những thứ tin nhảm, mê hoặc lòng người.
Xá với phướn làm trò kỳ quái,
Làm chay đàn che miệng thế gian.
. . . . . . .
Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,
Chớ có đốt tốn tiền vô lý.
Tất cả những điểm trên là những chủ trương cải tạo cần thiết trong Phật Giáo Hòa Hảo mà chúng ta được thấy thực hiện ngay từ bước đầu. Đi xa hơn, chúng ta sẽ gặp một niềm tin lớn được xây đắp lên cho tương lai.
Đọc Thi Văn Sấm Giảng không ai bảo ai, mà người nào người nấy đều tin tưởng rằng, tuy nước nhà đương trải qua một hồi cực bĩ, nhưng sẽ có một tương lai huy hoàng xán lạn. Tác dụng của Sấm Giảng về điểm này thực vô cùng quan trọng. Giữa lúc đất nước bị qua phân, giữa lúc lòng người chia rẽ, xã hội băng hoại đến cùng cực, giữa lúc những biến chuyển ở bên ngoài ảnh hưởng không mấy tốt đẹp đến nội tình đất nước, lòng người hoang mang mất tin tưởng ở vận mạng loài người, Phật Giáo Hòa Hảo đã là một thứ dầu mầu nhiệm nuôi ngọn lửa lòng cho người dân Việt. Một cảnh thái bình vĩnh viễn được vẽ ra, ai muốn được hưởng phải trau tria tu sửa thân tâm. Cảnh đó là cái cảnh cả nước tự do, người người sống ấm no an vui dưới sự lãnh đạo của các phần tử trí thức một lòng vì nước vì dân.
Trên kẻ trí lấy công bình phán đoán,
Dưới vạn dân trăm họ được im lìm.
Cảnh đó là cảnh nhân loại đại đồng, các quốc gia không còn hiềm khích lẫn nhau mà một lòng thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau nắm tay trên đường tiến bộ.
Ấy là xong bổn hiệp một nhà,
Không ganh ghét dứt câu thù hận oán.
Tất cả sự nghiệp trên đây đã làm cho Phật Giáo Hòa Hảo đóng một vai trò trọng yếu trong xã hội nước Việt hiện nay, mỗi ngày mỗi rõ thêm lên. Giữa lúc nước nòi vùng lên đấu tranh giành lấy sống còn, độc lập tự do dân chủ, lý thuyết Mác Xít đã tràn khắp thành thị thôn quê. Những lý thuyết Mác Xít làm mưa làm gió đâu thì làm, chứ ở miền châu thổ sông Cửu Long này, nó đã không tìm được đất sống. Là bởi đại đa số dân chúng ở miền này đều đã thấm nhuần lý tưởng Phật Giáo Hòa Hảo, nên tinh thần họ được đầy đủ võ trang, không chấp nhận những tư tưởng thiếu gốc rễ dân tộc.
Ngay từ thuở còn sống thành bộ lạc, trên đất Trung Hoa ngày nay, dân tộc ta đã có ý tưởng Tiên Rồng làm kim chỉ nam cho kiến quốc và sinh hoạt quốc dân. Rồng tượng trưng cho đời sống vật chất. Tiên tượng trưng cho đời sống tinh thần. Đời sống của dân Việt là một đời sống quân bình phát triển hai mặt sống đó. Không phải vật chất là tất cả, mà cũng không phải tinh thần là tất cả, mà hai mặt đó phải đặt ngang hàng nhau thì đời sống mới không lệch lạc. Những thời thạnh trị trong lịch sử nước nhà đều đã những thời kinh tế và văn hóa phồn thịnh ngang nhau.
Lý tưởng Phật Giáo Hòa Hảo lấy yếu lý nhà Phật là căn bản đã rất thích hợp với cái lý sống của dân tộc từ muôn xưa. Nhà Phật lấy con người làm cốt cán cho học hiểu. Theo huyền thoại, khi Đức Thích Ca mới sinh ra thì một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng: “Thiên thượng, địa hạ duy ngã độc tôn”. Thiên thượng, địa hạ đây tượng trưng cho khoảng thời gian vô hạn định là vũ trụ, ngã đây là con người mà Đức Thích Ca là tượng trưng. Trong vũ trụ tự nhiên chỉ có loài người đã giác ngộ, xứng đáng mang cái danh hiệu là “người”.
Lý tưởng Phật giáo thật là thích hợp với tư tưởng cốt cán của dân tộc ta, mà Phật Giáo Hòa Hảo lại là một luồng tư tưởng tổng hợp Phật Khổng Lão, một thứ tổng hợp gạn lọc qua tinh thần Tiên Rồng đã làm cho nước nhà thoát ra khỏi âm mưu diệt chủng của người phương Bắc mà thành một quốc gia có một văn hóa riêng biệt nó chối bỏ tất cả những thứ văn hóa nô dịch, nhưng luôn luôn sẵn sàng hấp thụ những tinh hoa của nền văn hóa khác. Miền Tây Nam này của nước Việt mến yêu tránh được một phần lớn những đau thương tang tóc của chiến tranh, do sự tranh chấp quốc tế gây nên, là nhờ dân chúng đã được Hòa Hảo hóa, lý tưởng tà ngụy không còn tìm được đất nở sinh.
Chúng tôi tin tưởng rằng nơi đây là thành trì của dân tộc, chống với mọi tư tưởng ngoại lai ác hại, để tự do dân tộc tập trung nhân lực, tài lực, vật lực, chờ cơ hội, vùng lên cao cả và đại hùng hoàn thành sứ mạng, thiết lập một “niết bàn nơi hạ giới”. Chỉ lúc đó và chỉ sau lúc đó, Phật Giáo Hòa Hảo mới hoàn thành được sứ mạng của mình:
Chừng ấy mới tịnh vô nhứt vật,
Bụi hồng trần rứt sạch cửa không,
Chuông linh ngân tiếng đại đồng,
Ta bà thế giới sắc không một màu.
TRẦN NGUYÊN BÌNH
6- PGHH và Việt Nam Dân chủ Xã Hội Đảng trong lịch trình đấu tranh của dân tộc Việt, Hà Thế Ruyệt
Lịch sử dân tộc Việt là lịch sử đấu tranh không ngừng để sống, còn, nối, tiến, hóa. Tạm gác giai đoạn từ thời Viêm Đế đến Lạc Long Quân của nòi Đại Việt, lịch sử dân tộc Việt từ Hùng Vương lập quốc vẫn là lịch sử đấu tranh miên trường, để quốc dân Việt được sống an vui với bát cơm đầy, manh áo ấm; để giòng giống Việt được Còn trước bao họa diệt vong; nhân loại tiến hóa; và để đời sống Việt được Chuyển Hóa kịp theo đà tiến hóa chung của lịch sử văn minh nhân loại.
Chế độ Tư hữu Bình sản thể hiện từ đời Hùng Vương với chính sách Quân điền, Quân thổ, là để mọi quốc dân đều được sống an vui về vật chất, với bát cơm đầy, manh áo ấm.
Chế độ Xã thôn Tự trị, Dân chủ Trực tiếp, Quân sự Tự lập, Sản xuất Tập thể Đổi công, là hệ thống tổ chức xã hội để mọi người có cơ hội thăng tiến, đóng góp tự nguyện, thống nhứt ý chí và hành động vào việc xây dựng và bảo vệ quê hương, nòi giống.
Đại giáo Thờ Cúng Tổ Tiên Cha Mẹ, tục lệ Trọng Người Già Cả là để tinh hoa Việt được nối tiếp từ thế hệ này truyền qua thế hệ khác, mà chế độ Thái Thượng Hoàng tại triều đình là một hình thức truyền nối: cha và con cùng chung trị quốc, để có liên tục và hiệu năng.
Từ truyền thuyết Tiên Rồng, văn minh Việt phát huy không ngừng theo tiến trình cái loa (spirale) biểu dương bởi Đồ Án Loa Thành, tiến hóa hướng thượng liên tục và vô cùng, để sau này có khả năng mầu nhiệm thu nhập và tổng hợp tinh hoa Tam Giáo và các Văn minh Ngoại nhập, bồi đắp phong phú hóa nền văn minh Việt cho tới nay và mãi về sau.
Khả năng Thích nghi, óc Thực tiễn rất phổ cập trong nếp sống Việt, uyển chuyển từ triết lý vô tư, văn hóa truyền khẩu, đến chữ viết từ chữ Nôm đến quốc ngữ, qua những canh cải trong cách ăn nếp mặc, phong hóa, đã thể hiện một Triết lý Hành động Thực tiễn Tiến hóa, mà câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương, Sách ước Gậy thần là tượng trưng cho tinh lý Triết Tùy và Quân Bình Động, nghĩa là uyển chuyển mà tiến hóa liên tiếp trong thế quân bình.
Gậy thần có hai đầu, một nặng một nhẹ, một âm một dương, một thiện một ác, điều khiển được gậy thần trong thế quân bình động là quán xuyến được những chiều hướng biến chuyển không ngừng của các thế, lực đối xung, để tùy nghi mà điều hợp, chuyển những đối xung thành hòa hợp hỗ trương, hầu sức mạnh dân tộc được thể hiện tối đa. Có sức mạnh tối đa thì ước gì được nấy. Các vị minh quân lãnh đạo dân tộc lấy đức Đại Hùng với nhãn quan Chiến lược để điều hợp các bản vị dị biệt, mà xây dựng sức mạnh hợp quần, mà bảo vệ sự sống, còn, nối, tiến hóa của dân tộc Việt.
Phù Đổng Thiên Vương là ý hướng chỉ nam về phương thức hành động của con người: bình thời thì sống hồn nhiên tĩnh mạc như treœ thơ, nhưng khi hữu sự thì vươn mình lên to lớn, đấu tranh như vũ bão, rồi khi thành công rồi lại trút hết danh lợi, đem khí hạo nhiên hòa mình trong thú vui sơn dã...
Tóm lại, các căn bản triết lý mà mô thức sinh hoạt của dân tộc Việt như đã sơ lược kể trên, kết tinh thành Việt Đạo tức Đạo làm người của dân Việt.
Người dân Việt lấy Người làm gốc, lấy Trời Phật làm tổ tiên làm biểu tượng tôn kính, lấy hợp dẩn, hỗ tương, kính nhường, hiếu thảo, tận tâm trách vụ làm phương châm sống. Đạo Việt là Đạo của Đời, của cuộc sống. Vì Đời cũng là Đạo. Đạo với Đời là một.
Nhờ Việt Đạo đã thể nhập ngay trong đời sống của quốc dân Việt trong dòng sử Việt, mà văn minh Việt, dù trải qua bao thời kỳ biến động khốc liệt khủng hoảng của đất nước, vẫn vững vàng kiên cố, phong phú và thăng hoa, có nghĩa là không bao giờ có thể tàn tạ, tiêu diệt. Có thể nói gọn là: Nhịp Sống Thái Hòa dù Hoàn Cảnh Khốc Liệt.
Chính đó là Quân Bình trong liên tục lịch sử, thể hiện bởi hòa hợp Tam giáo tại Việt Nam ở những thời đại thịnh trị Lê, Lý, Trần, và cũng thể hiện bởi sự có mặt của các tổ chức vừa mang bản chất tín ngưỡng vừa mang bản chất dân tộc, trong lịch sử cận đại và hiện đại của Việt Nam.
Một trong những tổ chức đó là Phật Giáo Hòa Hảo và Dân Xã Đảng.
Văn minh Việt và sự cường thịnh của dân tộc Việt đã sáng chói dưới các triều đại Trần, Lý. Ánh sáng ấy rực lên từ truyền thống văn hóa, tinh thần tổng hợp Tam giáo đồng nguyên, mà Hội nghị Diên Hồng đã biểu dương như một cao điểm của ý chí thiện chí của dân tộc. Cũng từ ánh sáng đó, tinh hoa đó, kết tụ thành một nền Phật giáo dân tộc: Trúc Lâm Yên Tử. Từ Đại sư Vạn Hạnh giúp vua Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ giữ vững sơn hà, đến vua Trần Thái Tông từ ngôi thiên tử lên núi Yên Tử xin tiếp tục con đường tu hành giải thoát. Không phải một mình Trần Thái Tông, mà triết lý ấy còn thể hiện với Tuệ Trung Thượng Sĩ, với vua Trần Nhân Tông sau này trở thành Trúc Lâm đệ nhất tổ. Các Ngài vừa là tu sĩ toàn thiện, vừa là nhà lãnh đạo chính trị anh minh, vừa là chiến sĩ với chiến công lừng lẫy, cứu nguy dân tộc.
Ngày nay Phật Giáo Hòa Hảo và Dân Xã Đảng cũng thể hiện được cái tinh thần Trúc Lâm Yên Tử đó, tức tinh thần Việt Đạo, kết hợp Đạo Đời làm một.
Chúng tôi xin đề cập sau đây tinh hoa Phật Giáo Hòa Hảo qua:
— Triết lý hành động của Phật Giáo Hòa Hảo và Dân Xã.
— Phương thức hành động của cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo và chiến sĩ Dân Xã.
— Cứu cánh hành động.
TRIẾT LÝ HÀNH ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ DÂN XÃ
Triết lý căn bản hướng dẫn hành động của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là tư tưởng Phật giáo và thuyết Tứ Ân, đã được Đức Huỳnh Giáo Chủ diễn giải rành mạch, khi bằng văn xuôi, khi bằng văn vần, qua tập Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ, để các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo y cứ mà tu, mà hành. Chủ trương đường lối lấy Đạo xây đời đã được tóm vào Tuyên ngôn cả chương trình hành động của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Thi tập Giác Mê Tâm Kệ sáng tác năm 1939 với ý thơ chan chứa liên hoàn một mạch suốt 846 câu, Đức Giáo Chủ đã chứng tỏ trạng thái liễu đạo, nhập diệu giáo lý Đức Phật từ kiếp nào “lấy xác phàm, mượn ngòi bút, noi theo chí Thích Ca ngày trước” để truyền giảng đạo Vô Vi của Phật, tức là tinh túy của Đạo Phật.
Đặc điểm mà mỗi người cần lưu ý là: Đạo Phật vớ 84.000 pháp môn, với thiên kinh vạn quyển, người Phật tử khó tìm thấy, hay không thể tự mình tìm thấy con đường nào cho mình giữa cái “rừng kinh kệ” đó, và như thế rất nhiều người không tìm thấy lối ra khỏi rừng để thấy ánh sáng chân lý. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã ý thức minh bạch điều khó khăn này của chúng sinh, cho nên Ngài đã chọn lọc những Yếu Lý, và cũng chỉ truyền giảng những yếu lý đó, để chúng sinh nắm được cái chính yếu, tìm được con đường chính mà lại là con đường “tắt” ngắn nhứt để tiến tới cứu cánh của hành trình tu tiến. Những yếu lý của Ngài đề cập là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tam Nghiệp, cùng một số lý thuyết về Thập Nhị Nhân Duyên, Môn Hoàn diệt để trừ Ngũ Uẩn, Lục Căn, Lục Trần. Tất cả những yếu lý đó để hướng dẫn chúng sanh đi theo Trung Đạo của Phật, đồng thời với pháp môn Tịnh Độ, để cho tâm chí thành, chí thiết, cầu nguyện được sự trợ lực của Chư Phật để hỗ trợ sự tự lực tu hành của mình mau đắc quả.
Đặc điểm khác là tính cách Nhập thế của Phật Giáo Hòa Hảo. Nhập thế để cứu nhân độ thế, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thể hiện tích cực Việt Đạo, Việt Tính, như tính chất nhập thế của Trúc Lâm Yên Tử thời xưa, và của Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Phật Thầy Tây An khai sáng năm 1846, ở miền Nam. Theo giáo lý nhập thế đó, thì trước khi đến bờ giải thoát, người hành đạo phải thực hiện trọn vẹn bốn điều Ân: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam Bảo, Ân đồng bào nhân loại.
Thể hiện giáo lý đó vào hành động, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vừa là cư sĩ tại gia tu hành để giải thoát, vừa là người chiến sĩ Dân Xã can trường bảo vệ giang sơn, gìn giữ sự sống, nối, tiến, hóa của dân tộc.
PHƯƠNG THỨC HÀNH ĐỘNG CỦA CƯ SĨ PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ CHIẾN SĨ DÂN XÃ
Phương thức này gồm có bước căn bản là: Tu Thân và Phục Vụ Đời. Con người, trước khi nhận nghĩa vụ trong đời, phải cách mạng thân tâm đã. Giống như công thức Nho giáo Tu Thân rồi mới Tề Gia Trị Quốc, công thức Phật Giáo Hòa Hảo là học Phật tu Nhân, tự tạo cho mình có căn bản của một người hiểu rõ lý đạo, thì khi dấn thân nhập thế mới không bị ô nhiễm bởi chuyện thế gian, cám dỗ danh lợi thế gian.
Con người còn mê đắm trong biển lợi danh, là con người còn tham lam vị kỷ, thiếu căn bản đạo đức thì sẽ:
Đời vật chất văn minh tranh cạnh,
Chữ lợi quyền giựt giết lẫn nhau.
và như thế xã hội sẽ chia rẽ phân hóa vì tranh giành quyền lợi, thì đại nghĩa dân tộc làm sao chu toàn.
Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy rằng: Con người phải trừ khử Tam nghiệp, Thập ác (sát sanh, đạo tặc, tà dâm thuộc Thân Nghiệp, Lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ thuộc Khẩu Nghiệp, và tham, sân, si thuộc Ý nghiệp), đồng thời hành Bát Chánh đạo, gồm có: chân chính nhìn sự việc, chân chính suy nghĩ tư tưởng, chân chính tạo danh lập nghiệp, chân chính phát biểu lời ăn tiếng nói, chơn chính nguyện cầu, tưởng nhớ sự việc, và chơn chính giữ tâm định không xao xuyến.
“Nếu ta tìm con đường Bát Chánh Đạo của Phật mà đi, giữ tâm thanh tịnh làm việc nhơn từ, không lòng hờn giận, chẳng dạ ghét ganh, chuyên tâm niệm Phật, giúp thế độ đời, đừng chứa phiền não và để bụng tham lam ích kỷ, gây mối thiện duyên, lần lần trí huệ mở mang, cõi lòng sáng suốt, thì màn vô minh sẽ diệt”. (*)
Nguyên tắc học Phật tu Nhân của Huỳnh Giáo Chủ cũng giống như con đường Đại học trong Nho giáo: “Đại học chi đạo, tại minh Minh đức, tại Thân dân, tại chỉ ư Chí thiện... Cổ chi dục minh, Minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc, dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân, dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm, dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý, dục thành kỳ ý giả, tiên tri kỳ Trí, Trí tri tại Cách vật... Vật cách nhi hậu Trí chi. Trí chi nhi hậu Ý thành. Ý thành nhi hậu Tâm chính. Tâm chính nhi hậu Thân tu. Thân tu nhi hậu tề gia. Gia tề nhi hậu Quốc trị, quốc trị nhi hậu thiên hạ bình...” Chánh Tâm, Thành Ý, Trí Tri, Cách Vật chính là một phần của Bát Chánh đạo vậy.
Cuộc cách mạng dân tộc, nhơn loại phải bắt đầu bằng cách mạng ngay bản thân con người, nhất là cấp lãnh đạo: Tự Thiên tử dĩ chứ ư Thứ dân giai dĩ Tu thân vị Bản.
Lấy người làm gốc, lấy bản vị cá nhân làm nền tảng, nên Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng như lãnh tụ Duy Dân ông Lý Đông A đều chủ trương mỗi chiến sĩ khởi đầu bằng Tự thắng, thắng chính mình trong cuộc diệt trừ ác tính, vật tính, lòng tham lam, sự vị kỷ, rồi mới tiến được đến Nhân chủ, đưa mình tới thật lành thật đẹp. “Phải coi mình là một con vật mình phải luôn thờ phượng nâng cao lên thật lành và thật đẹp. Đối với người cũng như thế (**) “Mỗi quốc dân phải tự mình thực hiện ba sự nghiệp: Nhân cách tu dưỡng cho kiện toàn, lãnh đạo gia đình cho phúc lợi, phục vụ dân tộc để đồng tình nhân loại...” (***)
Nếu không cách mạng được chính bản thân, thi đấu tranh trong vô minh sẽ đầy vị kỷ, tranh bá đồ vương, giành xôi kiếm thịt, chỉ gây khổ não cho đồng bào, cho đoàn thể, cho dân tộc, cho nhơn loại, chớ không thể đạt được mục đích của cách mạng.
Cái chữ tâm là quỷ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó.
(trích thi Đức Huỳnh Giáo Chủ SGTVTB tr.97)
Tóm lại, muốn cứu nhân độ thế, con người phải học Phật tu Nhân.
Mối tương quan giữa Đạo và Đời đã được Huỳnh Giáo Chủ diễn tả trong hai câu thơ:
Đời không Đạo, đời vô liêm sỉ,
Đạo không Đời, Đạo biết dạy ai.
Trong phương thức hành động của các cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo và đảng viên Dân Xã thì Đạo với Đời là một, trong Đạo có Đời, trong Đời có Đạo. Đạo và Đời thể hiện cùng cung độ tư tưởng và hành động của mỗi cá nhân.
Tu hành không xuất gia, người cư sĩ hàng ngày tự giác theo Phật đạo tu sửa thân tâm ngay tại nhà, trong khi phục vụ gia đình xóm làng, hay đầu quân đền nợ núi sông. Vừa tu thân, vừa làm nghĩa vụ cho trọn Tứ Ân. Phương thức hành động này cũng là phương thức của các vị tổ Trúc Lâm Yên Tử, Tuệ Trung Thượng Sĩ vốn là quan đại thần nhà Trần, anh Đức Trần Hưng Đạo, hàng ngày tu thân học Phật đến chỗ cao thâm siêu thoát, nhưng vẫn đóng trọn vai trò trong gia đình, tại triều đình hay ngoài mặt trận... Tư tưởng của Ngài đã truyền cho vua Trần Nhân Tông, vị vua anh kiệt, chủ tọa hội nghị Quân Cán Chính Bình Thân (1283), triệu tập Hội nghị Diên Hồng (1284) để từ đó hai lần đánh đuổi Thoát Hoan và 50 vạn quân Nguyên ra khỏi bờ cõi. Vừa tu hành, vừa làm vua, rồi Thái Thượng Hoàng, đánh Đông dẹp Bắc, bình trị kiến thiết xứ sở. Rồi khi đã là Trúc Lâm đầu đà, vị tổ thứ nhứt cửa Trúc Lâm Yên Tử, thiền sư còn đi chu du, ở Chiêm Thành, gặp Chế Mân, hứa gả công chúa Huyền Trân cho vị vua này, để hai nước giao hòa, đem về cho giang sơn Việt thêm hai châu quận: Châu Ô và Châu Rí.
Đạo là Đời, Đời là Đạo, đó là phương thức hành động đưa người đến chỗ cao đẹp thanh tao, nhờ đó mà cuộc sống, còn, tiến, hóa của dân tộc được diễn tiến, phát huy cao độ.
CỨU CÁNH HÀNH ĐỘNG CỦA CƯ SĨ PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ CHIẾN SĨ DÂN XÃ
Muốn tu thân, đạt đạo, và phục vụ thế gian, vẫn cần có môi trường thuận hảo, điều kiện vật chất trợ duyên. Đây là nói về một cuộc cách mạng xã hội, vấn đề thực thi dân chủ, kiến thiết kinh tế, văn hóa, giáo dục, hành chánh, là những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, để tiến tới cứu cánh của hành đạo.
Do đó, phải có chủ trương, đường lối cách mạng và tổ chức đấu tranh cách mạng Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng được thành lập để làm phương tiện cho cứu cánh cách mạng. Theo tuyên ngôn và chương trình Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng mà Đức Huỳnh Giáo chủ công bố ngày 21-9-1946, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, một đảng chống giai cấp đấu tranh chống độc tài dưới mọi hình thức, để thực hiện bình đẳng xã hội, tư hữu tài sản giới hạn, công bằng nhân đạo, giáo dục phổ biến và cưỡng bách, để kiến thiết một xã hội Việt Nam tự chủ, hòa ái, thịnh vượng, tiến bộ.
Nhưng khi xã hội tốt đẹp như thế đã được thực hiện, thì người chiến sĩ Dân Xã sẽ làm gì? Đức Huỳnh Giáo chủ đã nói trước cho biết là người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lúc ấy sẽ rũ hết chuyện thế gian, để tiếp tục hành trình tu học tìm về cõi giải thoát của Niết Bàn lạc cảnh. Cứu cánh, và cả phương thức ấy, đã được Huỳnh Giáo chủ phác họa qua mấy câu thơ:
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi Tòa sen.
hoặc:
Mài gươm trí cho tinh cho khiết,
Dứt tâm trần, kiếm chữ Sắc, Không.
(Giác Mê Tâm Kệ SGTVTB tr.91)
hoặc:
Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà nam mô.
(Tặng thi sĩ Việt Châu SGTVTB, tr.545)
hoặc:
Trả nợ thế, nghĩa ân trọn vẹn,
Cảnh non bồng, kỳ hẹn ngày xưa.
(Vọng Bắc Hoài Nam SGTVTB, tr.369)
Giải thoát là trạng thái tu hành tới mức đạt đạo, trong cảnh trí thanh tịnh, không còn ngụp lặn trong biển trầm luân cõi ta bà nữa.
Chủ trương của lãnh tụ Lý Đông A cũng có câu:
Làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy,
Vào chốn non sâu nhập Niết bàn.
Đây cũng là triết lý hành động trong Phù Đổng Thiên Vương: bình thường sống hòa mình dân giả. Hữu sự, hành động phi thường. Việc xong, non Bồng nước Nhược, không lưu luyến danh lợi thế gian.
Ôi, cao đẹp thay cho giòng giống Lạc Hồng.
PHẦN KẾT: BÀI HỌC TRONG LỊCH SỬ ĐẤU TRANH
Phật Giáo Hòa Hảo khai sáng 1939, khi Đức Thầy hóa hiện xác phàm để hoằng dương chánh pháp, đã hun đúc nên hai triệu tín đồ, đem sinh khí phủ khắp miền Nam, tạo sinh lực đáy tần cương kiện, làm sung mãn cuộc sống, còn, nối, tiến, hóa của dân tộc. Nhờ nguồn sinh lực ấy mà ngày nay, dù trong nghịch cảnh, ý chí kiên cường, nhẫn nại của dân tộc vẫn tiềm tàng, vẫn sục sôi để sẽ chuyển thành sức mạnh cùng dân tộc chấm dứt thời đại Cộng sản bạo tàn, đóng góp cho cuộc sống, còn, nối, tiến, hóa của dân tộc.
Dân tộc Việt hiện đang trải qua một thời kỳ khó khăn, thời kỳ quá độ của giai đoạn gạn lọc thử thách, trong đó có một bài học mà chúng ta rút ra. Sự thất bại của giai đoạn vừa qua, ngoài các lý do chánh trị, quân sự và quốc tế, còn phải kể một lý do quan trọng: là ta đã thiếu sự hợp đàn hợp lực, có nghĩa là ta đã không giữ được Việt đạo Việt tính của tiền nhân.
Cộng sản đã mất nguồn gốc dân tộc, cho nên cuộc liên kết trong buổi đầu cách mạng (1945) tất nhiên phải đưa đến chỗ đổ vỡ. Nguyên lý là: bản chất Cộng sản Quốc tế, không đồng bản chất với dân tộc.
Nhưng tại sao những thành phần đồng bản chất dân tộc lại đã không thể hợp đàn hợp lực với nhau? Câu trả lời nằm trong bài này, là: con người mà chưa tu thân, chưa dẹp được tham lam vị kỷ, thì hàng ngũ xã hội dễ bị phân hóa chia rẽ. Quyền lợi cá nhân phe phái, cũng như chấp ngã tự ái cũng là các lý do làm ly tán giữa những người Việt cùng mang chung một giòng giống một ước vọng, một lịch sử và một tương lai.
Cho nên, nhìn vào công thức Đạo Đời, và phương thức tu thân để phục vụ của Phật Giáo Hòa Hảo, lại càng thấy rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ quả thật là một thiền sư có cái nhìn xuyên thời gian, với chủ trương quán thế, mà một nhân sĩ miền Nam, ông Trần Văn Ân đã viết về Ngài, rằng Ngài là một nhà Tam thân Cách mạng: Cách mạng Dân tộc, Cách mạng Xã hội, và Cách mạng Tôn giáo.
THÁI KINH DƯƠNG HÀ THẾ RUYỆT
7- PGHH như một vân động dân tộc, PGHH và chủ trương chấn hưng xã hội, Phạm Cao Dương
Ông Phạm Cao Dương nguyên là Giáo sư Sử học tại Đại học Sư phạm và Văn Khoa Saigon
Trong những vận động giải phóng và phát triển dân tộc, thuộc tiền bán thế kỷ 20, vận động của Phật Giáo Hòa Hảo có thể nói là ít được người ta chú ý tới, đặc biệt là đối với các nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam hiện đại. Có nhiều nguyên nhân. Trước hết, các cuộc võ trang kháng chiến chống Pháp, các phong trào Đông Du, Duy tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và sau này là cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quốc Dân Đảng, các hoạt động của các nhóm Cộng Sản. Trong phạm vi lịch sử, các phong trào chấn hưng Phật giáo ở các thành thị và trong hàng ngũ các nhà trí thức, các nhà tu hành uyên thâm, các vận động văn học mới như vận động của các nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong... Trong phạm vi văn hóa, nhờ ồn ào hơn, mãnh liệt hơn, đã làm lu mờ mọi cố gắng của đồng bào ta ở nông thôn, nhứt là nông thôn ở những nơi như miền Tây đồng bằng sông Cửu Long. Một mặt khác, các công trình nghiên cứu, viết lách trong suốt thời gian của lịch sử nằm hoàn toàn trong tay các nhà trí thức mới, những người được đào tạo bởi nền giáo dục mới ở trong nước hay ở ngoại quốc. Cuộc sống của họ phần lớn gắn bó với các thành thị. Mọi liên hệ với cuộc sống nông thôn của các nhà trí thức xưa kia không còn nữa. Nông thôn đã trở thành nhà quê, lạc hậu và bị coi rẻ. Cuối cùng là bản tính vọng ngoại cố hữu của giới trí thức Việt Nam, bản tính này đã đưa họ đến chỗ tôn thờ những gì của ngoại quốc và chỉ chú trọng tới những gì nguyên thủy của người ngoại quốc hay do người ngoại quốc làm ra. Hậu quả là trong suốt ba chục năm đấu tranh giải phóng dân tộc, đâu đâu người ta cũng nói tới sự quan trọng của nông thôn, coi nông thôn như mục tiêu chính yếu của mọi giải pháp, nhưng tất cả đều do thành thị nắm vai trò chủ động, còn nông thôn thì hoàn toàn thụ động, bị cưỡng bách hay bị lừa nhận lãnh sự chủ động của thành thị. Sự kiện này đã xảy ra không riêng gì cho hàng ngũ những người quốc gia mà luôn cả ở những người Cộng sản. Hậu quả là những giải pháp được đưa ra hoặc không thích hợp với quần chúng nông thôn, nên không được nông thôn nhiệt tình hưởng ứng, hoặc mang nặng tính chất lừa bịp nên chỉ được nông thôn ủng hộ lúc đầu sau đó đã trở thành những công cụ của những lớp cường hào, quan lại mới.
Phật Giáo Hòa Hảo nói riêng và những vận động của Phật giáo ở miền Tây đồng bằng sông Cửu Long nói chung là những vận động hiếm hoi phát xuất từ nông thôn Việt Nam và hướng vào quần chúng nông thôn. Những vận động này không đặt trọng tâm chung quanh những ngôi chùa lớn, do những tu sĩ có học vấn uyên thâm hay các trí thức ở các thành thị và các kinh điển cao siêu bằng chữ Hán như các vận động chấn hưng Phật giáo khác. Đó cũng không phải là những vận động khởi xướng bởi các thành phần công chức, trí thức, tiểu tư sản ở các thành thị. Về nội dung, các vận động này cũng không chú trọng nhiều tới những định chế, những kinh điển, đặc biệt là những định chế Xã hội và Kinh tế như các vận động chính trị và xã hội khác, từ đó đưa tới những căm thù, chia rẽ giữa các giai cấp và đấu tranh cách mạng sắt máu. Con người ở đây được coi là yếu tố căn bản, và cải cách ở đây được nhắm tới con người, những con người nông thôn ôn hòa chất phác. Các xã hội Việt Nam cổ truyền chưa chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, chưa có những kinh nghiệm trực tiếp với những tiến bộ văn hóa Tây phương, chưa có những kinh nghiệm trực tiếp với những tiến bộ văn minh vật chất của các thành thị. Những đặc tính này đã được biểu lộ trong những bài Sấm Giảng của Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ với những lời lẽ vô cùng giản dị mộc mạc bình dân mà các nhà phê bình văn học với quan niệm cố định về lượng giá tác phẩm văn học theo các tiêu chuẩn cũng cố định sẵn, chắc chắn sẽ bỏ qua một bên, sau khi đọc một hai trang đầu. Đối với các học giả ngoại quốc, Phật Giáo Hòa Hảo, với một quá khứ chưa đủ lâu dài để hấp dẫn, những kinh điển lại không biểu dương màu sắc của những triết lý hữu danh, không có những ngôi chùa hay Tòa thánh vĩ đại, cho nên từ đó không có sức thu hút như các tôn giáo khác.
Về phương diện chính trị, trong hơn hai chục năm qua, kể từ ngày nền Cộng Hòa được thành lập ở Miền Nam, Phật Giáo Hòa Hảo, được người ta chú trọng tới nhiều hơn, nhưng đó chỉ là những chú trọng có giới hạn, người ta đã nhìn Phật Giáo Hòa Hảo như một thế lực chính trị cục bộ của miền Tây, đồng bằng Cửu Long, chứ chưa nhìn đại cộng đồng này như một tập thể văn hóa, xã hội có một tầm quan trọng quốc gia, chiến lược và lâu dài. Người ta đã đến với Phật Giáo Hòa Hảo để tìm kiếm những thế liên kết cho các cuộc bầu cử, để tìm hậu thuẫn cho những mưu toan chính trị hơn là để tạo một tương lai lâu dài và phát triển dân tộc. Ngay trong phạm vi tôn giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, mặc dù cũng là Phật Giáo nhưng vẫn bị nhìn như một giáo phái địa phương riêng biệt trong những vận động thống nhứt của Phật Giáo Việt Nam.
Toàn bộ tình trạng kể trên, phải nói là đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới những diễn tiến lớn lao đã xảy ra trong lịch sử nước nhà trong suốt hơn hai mươi năm qua và luôn cả trong hiện tại. Sự thiếu chú trọng đúng mức tới Phật Giáo Hòa Hảo biểu lộ cho những sai lầm của giới trí thức Việt Nam nói riêng và cả tập thể các nhà lãnh đạo Việt Nam nói chung.
Cách mạng, cải cách hay gì gì đi chăng nữa mà chỉ thực hiện, bằng sự nhập cảng máy móc các tư tưởng, các định chế, các kế hoạch, luôn cả các tín ngưỡng, sản phẩm của các xã hội bên ngoài, chắc chắn không thể nào thành công được. Cần phải có những cố gắng lớn lao để thích ứng những gì muốn du nhập với hoàn cảnh của đất nước của dân tộc—ở đây là đại đa số quần chúng ở nông thôn—đồng thời sửa soạn cho đám đông, quần chúng chấp nhận và hòa hợp với những gì được coi là mới mẻ ấy. Trường hợp của Phật Giáo Hòa Hảo là trường hợp tự phát và tự cứu của quần chúng nông thôn miền Tây đồng bằng Cửu Long, tiếc thay nó đã bị đánh giá quá thấp. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, trước những thất bại nặng nề và thảm hại của chế độ Cộng sản, một sự xét lại vẫn chưa phải là muộn.
PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ CHỦ TRƯƠNG CHẤN HƯNG XÃ HỘI
Nguyên văn bài thuyết trình đọc tại Đại lễ kỷ niệm 44 năm ngày khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, 26-6-1983, tại Huntington Beach, California.
Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật Giáo nói riêng trong những năm cuối của thời kỳ Pháp thuộc, đúng hơn là trong hai thập niên ba mươi và bốn mươi, đã được đánh dấu bởi hai biến cố vô cùng quan trọng. Đó là sự phát sinh của phong trào chấn hưng Phật Giáo truyền thống, và sự hình thành của Phật Giáo Hòa Hảo. Cũng là Phật Giáo,nhưng hai phong trào này đã có những hoàn cảnh xuất hiện khác nhau, những chủ trương khác nhau, những đường hướng khác nhau, những điều kiện phát triển khác nhau, do đó, đã mang lại những thành quả khác nhau. Có điều cả hai đều đã góp những phần vô cùng tích cực vào sự hình thành của một nền Phật Giáo Việt Nam thuần túy sau khi tôn giáo này đã du nhập vào nước ta từ hơn mười thế kỷ.
Bắt nguồn từ phong trào chấn hưng Phật giáo bên Trung Quốc, đồng thời cũng là một phản ứng của các tăng sĩ và cư sĩ Việt Nam trước tình trạng thoái hóa của Phật Giáo ở nước ta, từ nhiều thế kỷ trước, trước những lấn át của Nho Giáo, đặc biệt là trong thế kỷ mười chín, dưới thời nhà Nguyễn cũng như dưới thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ mà theo Thượng tọa Mật Thể, “từ trên vua cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo Phật là cúng cấp, cầu đảo chứ không biết gì khác nữa”, trong khi đó thì tăng đồ “lần lần sa vào con đường trụy lạc, cờ bạc, rượu chè, đàn trước thanh sắc”, “đã có vợ con một cách công nhiên, không còn áy náy”, riêng ở Nam Kỳ thì ông thầy, bà vãi lại còn hỗn độn hơn nữa, và “cái cảnh chùa trong nước đã thành những gia đình riêng, không còn gì là tính cách đoàn thể của một tôn giáo nữa” (*). Tuy nhiên vì chỉ nhằm chấn hưng Phật Giáo thuần túy, các nhà chủ trương phong trào này đã đặt trọng tâm của mọi cố gắng vào việc tìm hiểu, phiên dịch sang quốc ngữ để phổ biến các kinh điển đạo Phật từ chữ Phạn hay chữ Hán cho các tăng sĩ và cư sĩ. Công việc này tất nhiên đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự đóng góp của nhiều người, chưa kể, cũng theo Thượng Tọa Mật Thể, “dân tình tồi bại, điêu tàn của ngày qua vẫn còn lưu hành lại rõ rệt và có thế lực” (tr.227). Chính vì vậy hơn mười năm, tức khoảng 1942, khi Thượng tọa hoàn thành tác phẩm của Ngài “chưa hội nào làm được việc gì có vẻ đỉnh cách cho nền Phật Giáo cả” và chấn hưng mới chỉ là “hình thức và danh hiệu”, lời Thượng tọa. Người ta phải đợi đến nhiều chục năm nữa, sang các thập niên sáu mươi và bảy mươi, một nền quốc học Phật Giáo mới thực sự khởi sắc và phát triển. Người Phật tử Việt Nam xuyên qua các bản dịch các kinh sách từ chữ Hán hay chữ Phạn sang tiếng Việt, và những sự giảng giải cặn kẽ của các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tinh thâm cả ba thứ tiếng, đã có thể trực tiếp đi xa hơn vào nền triết học sâu thẳm và bao la của nhà Phật, với tâm hồn và những tình cảm của con người Việt Nam thuần túy. Những công lao và những thành quả này, lịch sử văn hóa Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ phải ghi nhận.
Phật Giáo Hòa Hảo trái lại, tuy một mặt cũng chú trọng tới sự suy đồi của Phật Giáo ở trong nước, điển hình là ở các chùa chiền hay trong hàng ngũ các tăng đồ mà người ta có thể thấy được rất nhiều trong các Sấm Giảng của Đức Thầy. Chẳng hạn như:
Trong sáu tỉnh nhiều điều tà mị,
Tu hành mà vị kỷ quá chừng.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 164-165) hoặc:
Ghét những kẻ tu hành bốc xước,
Miệng kêu gào chuyện phước bề ngoài.
Bước vào chùa thấy Phật lạy dài,
Lui khỏi cửa ra tay cấu xé.
(Giác Mê Tâm Kệ, câu 299-302)
hoặc:
Thấy dương gian lường gạt Thánh Thần,
Mà chua xót cho đời Ngươn Hạ
(Giác Mê Tâm Kệ, câu 309-310)
hoặc:
Thấy chúng tăng làm chuyện quái kỳ,
Ta khuyên mãi cũng không chịu bỏ.
(Giác Mê Tâm Kệ, câu 317-318)
Lý do là vì:
Rừng kinh kệ ít người hay chữ,.
Quá mắc mỏ bởi chưng Phạn Ngữ.,
Nên người đời khó kiếm cho ra,
Mõ chuông bày, đọc tụng ó la,
Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý.
(Giác Mê Tâm Kệ, câu 13-16)
Nhưng Đức Thầy đã không chỉ chú trọng tới sự suy đồi của Phật Giáo mà thôi, Ngài còn chú trọng nhiều hơn tới tình trạng suy đồi của toàn thể xã hội Việt Nam về nhiều phương diện, trong đó có sự suy đồi của cuộc sống đạo đức theo quan niệm bình thường và theo quan niệm của Khổng Giáo. Ưu tư về sự suy đồi của đạo đức xã hội này đã được Đức Thầy nói tới rất nhiều trong Sấm Giảng. Suy đồi trong quần chúng cũng như suy đồi trong hàng ngũ giới trí thức mới, trong giới trẻ cũng như giới già. Một sự suy đồi đến độ cùng cực khiến cho Đức Thầy phải than rằng:
Chẳng có người nào tu niệm hiền lương.
(Sấm giảng Khuyên Người Tu Niệm, câu 768)
vì bá tánh thì “nghinh tân yểm cựu”
Phụ mẹ cha khinh rẻ Phật Trời,
Chẳng có kể công sanh, dưỡng dục.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 83-84)
Văn minh sửa mặt sửa mày,
Áo quần láng mướt ngày rày ăn chơi.
Dọn xem hình vóc lả lơi,
Ra đường ăn nói những lời nguyệt hoa.
Trong tâm nhớ những điều tà,
Lời ăn tiếng nói thật là quá lanh.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 580-785)
Trong khi giới trí thức cũ cũng như mới cũng chẳng có gì hơn. Vì trí thức cũ thì:
Thấy đời ta cũng héo von,
Học Nho mà chẳng làm tròn nghĩa nhơn.
Khoe mình chẳng có ai hơn,
Nhờ làm thuốc Bắc đỡ cơn túng nghèo.
Hiền nhơn chẳng chịu làm theo,
Đợi ai có bịnh túng nghèo chẳng tha.
Hốt thời cắc bảy, cắc ba,
Nó đòi năm cắc người ta hoảng hồn.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 305-312)
còn trí thức mới thì:
Mấy anh thầy thuốc Lang-sa,
Cũng là mổ mật người ta lấy tiền.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 314-315)
Tất cả đã bắt nguồn từ sự suy thoái chung của một xã hội lệ thuộc ngoại bang, nguyên do chính yếu mà Đức Thầy đã nhấn mạnh bằng một quyết định liên hệ đến bản thân mình, quyết định để tóc dài. Quyết định này đã được Ngài giải thích rất rõ, kèm theo với quan niệm tu đạo của Ngài:
Sở dĩ Thầy để tóc dài là muốn giữ kỷ niệm với cái phong tục cổ của Tổ Tiên và tỏ cho thiên hạ biết Thầy không chịu ảnh hưởng cái đời văn minh cặn bã của phương Tây. Thấy vậy nhiều người trong bổn đạo yêu mến Thầy liền bắt chước, vì thế số đông người hiểu lầm rằng để tóc là tu. Thật ra tu là tu, để tóc là để tóc, và tu không phải là để tóc, để tóc không phải là tu. Nếu để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh cũng chẳng phải là kẻ tu hành. Từ rày trở đi đã thoát được ách người Pháp và tùy theo phong trào tiến hóa của nước nhà, Thầy cho phép bổn đạo tự do cải cách hầu hòa hợp với lương dân cùng tôn giáo khác. (*)
Vì nhận định một cách rộng rãi như vậy, Đức Thầy và Phật Giáo Hòa Hảo đã không giới hạn các cố gắng của mình trong phạm vi Phật Giáo thuần tuý mà đã hướng tất cả vào một phong trào to lớn hơn, quan trọng hơn và phức tạp hơn. Đó là phong trào phục hưng toàn quốc xã hội Việt Nam, ít ra là miền châu thổ sông Cửu Long, về mọi phương diện tôn giáo, chính trị, văn hóa và xã hội, đặt trên căn bản phục hưng con người Việt Nam truyền thống. Những chất liệu mà Đức Thầy và Phật Giáo Hòa Hảo đã lấy ra để xây dựng nền lý thuyết cho đạo mình hoàn toàn tại chỗ, hoàn toàn Việt Nam, Việt Nam một cách đơn sơ, thuần hậu, không cầu kỳ, không trí thức đến độ kiểu cách, không quá sâu sắc đến độ bí ẩn. Tất cả đều rút tỉa từ cuộc sống bình dị của người nông dân miền Nam, từ những căn bản Khổng Giáo hay Phật Giáo đã được dân tộc hóa và được trộn lẫn vào nhau trong một tinh thần cởi mở tự nhiên để đón nhận mọi tinh túy từ bốn phương không chút mặc cảm. Về phương diện này người ta có thể nói rằng Phật Giáo Hòa Hảo là một kết tinh trọn vẹn nhất của văn hóa dân tộc và là một trong những biểu dương trọn vẹn nhất của truyền thống vì trong Phật Giáo Hòa Hảo người ta có thể tìm thấy được những màu sắc Khổng Giáo trong đời sống đạo đức hàng ngày, những tín ngưỡng Phật Giáo và thờ cúng tổ tiên trong sinh hoạt tôn giáo, và tình tự quê hương dân tộc trong cuộc sống tình cảm. Trong những lời dạy của Đức Thầy, người ta thấy Đức Thầy đã nhắc tới các Thánh Hiền, tới Khổng Mạnh một cách vô cùng tự nhiên coi như tài sản quý báu chung của dân tộc:
Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
Sách Thánh Hiền dạy đạo làm người.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 62-63)
hoặc:
Trai trung liệt đáng trai hiền thảo,
Gái tiết trinh mới gái Nam trào,
Lời Thánh Hiền để lại biết bao,
Sao trai gái chẳng coi mà sửa.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 21-25)
và:
ở chòm xóm đừng cho nhơ bợn,
Ráng giữ gìn phong hóa nước nhà,
Câu tam tòng bạn gái nước ta,
Chữ hiếu nghĩa trẻ trai cho vẹn.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 200, 203)
Chính vì những đặc tính kể trên, Phật Giáo Hòa Hảo đã đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội miền Nam vào lúc chế độ thuộc địa của người Pháp tan rã và đất nước chuyển mình. Chúng giải thích tại sao chỉ trong một thời gian ngắn tôn giáo này đã vượt được những thờ ơ, lạnh nhạt, kể cả chế riễu mà Huỳnh Giáo Chủ đã gặp phải trong mấy ngày đầu truyền đạo của Ngài, để tiến đến chỗ trở thành một tôn giáo quan trọng vào bậc nhất ở Việt Nam với hơn hai triệu tín đồ trong những năm đầu của thập niên bảy mươi. Tôi nói những năm đầu của thập niên bảy mươi vì từ sau năm 1975, biết đâu chẳng có thêm nhiều người theo đạo. Theo vì bản chất chống Cộng của Phật Giáo Hòa Hảo và theo vì với quan niệm tu đạo đơn giản không cần chùa chiền, không cần bàn thờ tượng Phật, không cần chuông mõ, mọi sự đàn áp, dẹp bỏ trong những điều kiện này rất khó thực hiện, trừ người ta dẹp bỏ luôn chính con người của Phật Giáo Hòa Hảo, một điều không thể thực hiện được. Nói cách khác, nếu trong thời gian Pháp thuộc và trong những năm hậu Pháp thuộc, Phật Giáo Hòa Hảo đã là một giải đáp cho xã hội nông thôn Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long, thì sau năm 1975, Phật Giáo Hòa Hảo cũng phải là một giải pháp cho một xã hội bị đô hộ bởi chủ nghĩa Cộng sản.
PHẠM CAO DƯƠNG
8- Việt Tình và Việt Tính trong hành động và tư tưởng Huỳnh Giáo Chủ, Cao Thế Dung
Nghiên cứu toàn bộ Sấm Giảng Thi Thơ của Huỳnh Giáo Chủ, ta thấy rõ điều này: Việt Tính và Việt Tình là những nét độc đáo, phong phú, và sâu sắc nhất, thể hiện từ bài Kệ cho đến Thơ, cho đến các bài Hiệu Triệu đồng bào. Chân dung của Huỳnh Giáo Chủ là chân dung của một con người Việt Nam trọn vẹn, không thái quá, không bất cập, không kiêu căng mà vẫn giữ được cái Dũng, không độc tôn một chiều, cái Trí rất sáng trong một tâm hồn bình dị. Mạnh Tử nói: “Tận tín thư bất như vô thư” (tin tất cả vào sách thà rằng đừng có sách còn hơn). Huỳnh Giáo Chủ cùng một tư tưởng như thế, Ngài nói: “Mọi người hãy lấy trí thông minh nhận xét đạo lý hay lời nói của Thầy mình, chớ đừng lấy đức tín tin thọ lãnh những lời nói đó trong khi mình chưa hỏi tường tận...”
Người Việt Nam thực tế chớ không viễn vông hay dễ dàng mù quáng tin tưởng như đã thường ngộ nhân về bản chất đích thực của dân tộc Việt. Ca dao và tục ngữ, một thứ kinh nghiệm và kinh thư của dân tộc Việt đã nói lên rất rõ Việt tính và Việt tình. Tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ rất bình dị, giải lược, ai ai cũng có thể hiểu và dễ hiểu, thể hiện cái tinh thần Kinh Thi và Kinh Thư Việt từ đôn hậu chất phác của nông thôn lương hảo. Đạo của Ngài là đạo trung dung, đạo không xa người, đạo ở trong người, ở ngay trong thân xác của con người. Đối với thể xác, Huỳnh Giáo Chủ đưa ra một con đường trung đạo, vì chính thể xác mới là cổ xe chuyên chở Đạo trong một con người. Thể xác ấy của ta, ta phải trân trọng và bảo trọng nhưng cũng không tưởng dưỡng xác thịt quá ư sung sướng, lại cũng không nên “hành xác hay ép xác quá đáng”. Huỳnh Giáo Chủ quan niệm rất rõ: “Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay chẳng xúi dục ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhân của mình...” (*). Biểu tượng tôn kính của Phật Giáo Hòa Hảo ở bức Trần Điều, di sản tinh thần của Đức Phật Thầy Tây An, nhưng có một nhóm người lợi dụng Trần Điều làm điều dị đoan, nên Giáo Chủ cho dùng màu Dà. Màu Trần Điều hay màu Dà chính là mầu truyền thống của dân tộc. Màu dà mầu nâu chính là bản sắc của dân tộc Việt từ cội nguồn. Theo Huỳnh Giáo chủ “màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhơn loại, không phân biệt chủng loại và cá nhân”. (**)
Bản chất độc đáo của Phật Giáo Hòa Hảo ở điểm này, ở điểm hòa hợp hòa đồng vốn là bản chất của Việt tộc. Dân tộc Việt Nam không quá khích, không chủ ở một chữ duy, nghĩa là không độc tôn, không hẳn duy tâm, không hẳn duy linh, lại càng không duy vật. Tư tưởng Việt Nam là một tổng thể dung hợp giữa các dòng giao lưu văn hóa nhân loại và là một hợp điệu toàn bích của Nho Lão Phật để tạo nên một hệ thống tư tưởng đặc thù của Việt Nam. Cái màu nâu dà mầu kết hợp của các màu sắc khác chính là đặc chất của hệ tư tưởng Việt nam, nó đơn sơ mà hòa điệu. Màu nâu còn là màu của khiêm cung, vượt qua mọi thứ “quá đáng”.
Đối với dân tộc Việt Nam, Đạo chỉ là Đạo trước hết phải là đạo làm người. Đạo không thể xa người, xa người thì không còn đạo, Huỳnh Giáo Chủ lập ngôn: “Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay dầu không, cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên. Định luật ấy gồm một chữ ĐẠO, đạo của con người kêu bằng đạo nhân, nó là con đường đi trúng thì sống, bước trật thì chết.” (*)
Đạo Nhân hay là Đạo Người chính là đạo dân tộc của dân Việt Nam. Dân tộc ta thờ Người. Người chính là hình ảnh của Trời mà Phật thì tại tâm. Tất cả từ nơi người, vũ trụ ở trong con người (Vạn vật gia bị vụ ngã- Mạnh Tử). Trong thiên Thượng-thiên, Lão Tử tạm gọi là vũ trụ Đạo “Đạo trời đi khắp nơi không biết bao giờ mỏi có thể là mẹ của thiên hạ mà ta gọi gượng là Đạo. Đạo lớn Đất lớn Trời lớn, Người lớn.” Đọc toàn bộ Thi văn Giáo Lý của Huỳnh Giáo Chủ ta có thể kết lại giản dị một lời. Đó là Đạo Người. Trong Đạo Người lại là Phật. Phật là một khả năng vi diệu trong con người. Và con người trong dòng sinh mệnh là một nỗ lực không ngừng để đạt đến Đạo, để tiến lên Phật. Phật là một khả năng vi diệu không ngừng để đạt đến Đạo, con đường của trí tuệ, và là trí tuệ Việt Nam. Với tư tưởng Việt Nam từ khi chưa tiếp xúc với văn hóa Bắc phương và văn hóa Nam phương (tức hai nền văn hóa Hoa Ấn) thì dân tộc ta đã có riêng những quan niệm về nhân sinh và vũ trụ trong đó con người hiện diện hoàn toàn làm một con người nghĩa là con người vừa là giá trị cao cả của thần thánh, con người vừa là con người cả với tham sân si. Qua tư tưởng của Giáo Chủ, ta thấy tư tưởng đơn giản nhưng cơ bản cần yếu lại là như vậy, tức Người là người trước đã, có xấu có tốt, và là một hỗn tạp, nhưng trong hỗn tạp lại là một khả năng siêu việt rất thần thánh, để thăng hoa lên hàng Phật. Vì lấy đạo Người là cái gốc, cho nên trong suốt giòng tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ mà chúng tôi nghiên cứu, chúng tôi tìm ra được một chữ Nguồn, người không thể xa cội nguồn, bởi vì từ nguồn mà ra, cuối cùng người lại phải trở về nguồn. Cái nguồn của Người, trước hết từ nơi cha mẹ, cha mẹ là nguồn suối và là nguyên ủy của nhân sinh. Do đó mà Phật Giáo Hòa Hảo cũng như tư tưởng chân truyền của Phật Thầy Tây An chủ về chữ Hiếu, thờ Phật lại thờ cả Ông Bà (**), Đạo Phật Giáo Hòa Hảo trước hết là đạo hiếu:
Nợ nần Tiên Tổ gây nên,
Con cháu ngày nay phải báo đền.
(Huỳnh Giáo Chủ, SGTVGL, trang 381)
Chữ Hiếu đối với người Việt là một quan hệ thiết nhân, là cái bổn phận thứ nhất của con người. Là người con bất hiếu thì không thể là một người cha tốt, một người chồng tốt, và cũng không thể là một công dân tốt. Đạo hiếu của người Việt Nam đã có từ khi có giống người Việt Nam, nghĩa là có trước khi Nho giáo truyền qua Giao Châu. ở đây chúng tôi không bàn đến chữ Hiếu theo Nho giáo, mà chỉ giản lược theo dòng tư tưởng bình dân tự chốn nông thôn ruộng đồng. Thiết tưởng muốn tìm cái tinh túy của tư tưởng Việt thì phải tìm ở nơi thôn dã, từ chốn nhà tranh vách lá, từ nơi thôn cùng xóm vắng. Giản dị, Hiếu là thờ Cha kính Mẹ. Thờ lúc sống cũng như lúc chết. Khi sống thì thuận theo cha mẹ, trông nom săn sóc cha mẹ, khi chết thì hương khói thờ cha mẹ.
Cái tư tưởng đơn giản mà rất sâu xa về chữ Hiếu và báo Hiếu, ta bắt ngay trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý và ngay trong cuộc đời của Huỳnh Giáo Chủ, qua cách thờ cha kính mẹ của Giáo Chủ. Vậy thì đạo Hiếu ở Huỳnh Giáo Chủ trước hết là đạo Hiếu từ cội nguồn nguyên thủy của dân tộc. Thờ cha kính mẹ là từ trong đời sống, trong cách sống, là ở chữ THUẬN, thuận theo cha mẹ. Theo cuộc đời Huỳnh Giáo Chủ mà chúng tôi có dịp nghiên cứu qua cuộc phỏng vấn những vị cao niên trong Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, thì trước hết Giáo Chủ là một con người chí hiếu. Đạo Hiếu của Ngài vốn từ căn bản đã là thuần chất Việt Nam. Giáo Chủ đặt sự cao trọng của ông bà cha mẹ tổ tiên ngay với sự tôn thờ Đức Phật; và chỉ có Phật, Cha Mẹ, Ông Bà và các anh hùng cứu quốc mới xứng đáng được lạy sống. Khi Huỳnh Giáo Chủ còn vân du cứu đời, thì chính Giáo Chủ đã chủ trương “nên bỏ hẳn sự lạy lục người sống, cho đến Thầy mình cũng vậy, chỉ xá thôi”. Giáo Chủ nêu rõ: “Chỉ thờ lạy Đức Phật, Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ lúc còn sống” (*). Cái tinh túy của tư tưởng Việt Nam là ở điểm này: ở điểm thờ lạy cha mẹ ngay lúc còn sống. Tư tưởng này rất phù hợp với tín ngưỡng Việt Nam: “Thờ lúc sống cũng như lúc chết, thờ lúc còn cũng như lúc mất” (Sự tử như sự vong, sự sinh như sự tồn).
Về cách cúng Phật, theo tôn chỉ của Giáo Chủ: “Chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang khói thôi. Nước tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng báng mùi uế trược” (*). Cúng Phật thì phải như thế mà cúng tổ tiên cha mẹ tức cúng người, cúng đức sinh thành, thì lại: “Bàn thờ ông bà cúng món chi cũng đặng” (*). Chỉ một lời nói này, nếu ta vô tình thì coi như một lời nói thông thường nơi dân dã. Không, không đơn giản như thế. Nghiên cứu kỹ dân tộc học của dân tộc ta, nghiên cứu tỷ mỷ về tín ngưỡng trong gia đình Việt, thì một lời nói đơn giản ấy mà đã phổ hiện đầy đủ cái Việt tình, cái tình của người sống đối với người chết. Đối với người Việt Nam, gia đình không phải chỉ có người sống, mà phải kể cả người chết. Ông bà cha mẹ tuy chết mà vẫn như còn. Thôn quê miền Trung Bắc, nơi thờ gia tiên thường có treo bức đại tự có hai chữ “NHƯ TẠI”. Nghĩ là ông bà cha mẹ qua đời mà vẫn như còn sống. Cho nên cúng giỗ ông bà, một nghi lễ rất trọng đại, nhưng vẫn đơn giản. Làm cỗ thết người sống như thế nào, thì làm cỗ giỗ cũng như thế, chỉ thêm phần long trọng hơn là khói hương đèn nến. Nhà giàu cúng giỗ to, nhà nghèo, bữa cơm mình ăn thế nào thì cúng như vậy, thế cũng là đủ. Lời nói của Huỳnh Giáo Chủ “cúng ông bà món chi cũng đặng” là có ý biểu hiện cái tôn chỉ của dân tộc, vốn đơn sơ như thế, nhưng trong cái đơn sơ, lại gói ghém cả một tấm tình sâu dầy cao trọng của con cháu. Chúng tôi còn thấy các gia đình tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, trước khi ăn, mọi người đều đặt đôi đũa ngang miệng chén cơm, đưa lên trán kính vái ông bà trước rồi mình mới bắt đầu ăn. Đây cũng là một biểu hiệu rõ ràng của chữ Hiếu, thể hiện mỗi ngày, trong sinh hoạt hàng ngày của người tín đồ.
Chúng tôi nói: Cái Việt tình Việt tính trong tư tưởng của Giáo Chủ là nói đến những phần chân phác hồn hậu mộc mạc, và xa hơn nữa là cái bản chất trung dung và hòa của dân tộc. Không thái quá, không bất cập, ấy là bản chất Việt. Thật vậy, Huỳnh Giáo Chủ đưa ra những giáo điều, mà giáo điều ấy đều không cứng ngắc, không như đanh đóng cột, mà lại uyển chuyển. (Tùy phong hóa nhân sanh phù hợp-SGTVGL) Chẳng hạn như việc cấm uống rượu, Giáo Chủ cương quyết phải “phải cự tuyệt”. Nhưng Ngài lại uyển chuyển: “Những khi có tiệc lễ với người ngoài và không phải nhằm ngày chay lạt, có thể dùng một đôi chút rượu thật nhẹ để đừng tỏ sự chia rẽ với kẻ ngoại đạo”. (*)
Tư tưởng của Giáo Chủ thật rộng rãi. Tóm lại một câu, Ngài là nhà đại tu hành, nhưng đạo tu của Ngài thể hiện đạo tu chân truyền của dân tộc:
Thứ nhất là tu tại gia,
Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa.
Tu của Ngài là con đường trọn đạo làm cha, làm con, làm anh em chú bác. Tu của Ngài là cách thế cụ thể tích cực để trọn đạo làm người, làm dân, làm kẻ đồng bào với nhau. Giáo Chủ cắt nghĩa về sự để tóc của ngài: “Sở dĩ Thầy để tóc là muốn giữ kỷ niệm cái phong tục cổ của Tổ Tiên, và tỏ cho thiên hạ biết Thầy không chịu ảnh hưởng của cái đời văn minh vật chất Tây phương”. Vì thế mà Giáo Chủ để tóc, nhiều tín đồ noi gương để tóc, Giáo Chủ nhận định rõ: “Tu là tu, để tóc là để tóc, và tu không phải là để tóc, để tóc cũng không phải là tu. Nếu để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh, cũng chẳng phải là tu hành’’. (**)
Con đường tu hành của Giáo Chủ là “tu nhà tu chợ” nghĩa là tu từ bản thân tu trong gia đình và ở đời, không hình thức, không câu nệ. Tu chủ ở chữ HÒA làm gốc. Đối với nhân sanh, đối với các tôn giáo khác không cùng con đường tu đạo của mình, thì đều phải lấy chữ HÒA làm gốc cho mọi xử thế: “Không nên đụng chạm đến cách thức tu hành của họ. Nhứt là không ỷ đông hiếp đáp nói xấu người ta. Nếu họ có làm dữ với mình, thì mình cũng chẳng được phép vì sự dữ của họ mà trả thù, và phải luôn luôn làm lành với họ”. (***)
Hiếu hòa là nền tảng của tư tưởng và hành động Việt Nam. Nghiên cứu thần tích từ 34 ngôi đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở miền Bắc, tất cả ta có thể rút lại một khuôn thước: Nhân Ái Hòa Bình. Hiếu hòa là cội gốc của nhân sinh.
Thế nào là Việt tính? Hiếu hòa và Nhẫn là Việt tính. Vì hiếu hòa mà dân ta ăn ở theo đạo trung dung. Ngay trong việc cưới xin người Việt cũng rất linh động. ở một giai cấp quyền quý mới xẩy ra những chuyện “cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó”, và theo cái tôn chỉ hà khắc “môn đăng hộ đối”, trong khi đại đa số không như vậy, cha mẹ để tùy con mà con cũng để tùy cha mẹ. Hai bên tùy lẫn nhau, không có sự cưỡng ép. Mặc dù dưới những khuôn thước khắc nghiệt của Nho giáo, và mặc dầu trong một xã hội đã tha hóa mục nát dưới thời lệ thuộc Tây phương, đa số dân Việt vẫn linh động tùy nghi mà không ép buộc quá đáng. Danh giáo thì buộc người ta phải nhắm mắt theo cha mẹ định đoạt, nhưng trong thực tế đại đa số cha mẹ vì thương con, vì cái bản chất tùy nghi của người Việt, nên đều theo con đường trung dung. Từ những điểm tưởng rằng bình thường song Huỳnh Giáo Chủ đã đưa lên như một tôn chỉ căn bản. Về hôn nhân, cội nguồn của nhân sinh Huỳnh Giáo Chủ quan định: “Bổn phận cha mẹ phải chọn lựa đôi bạn cho con một cách xứng đáng, bằng sự quan sát tường tận về đức tánh đôi trai gái. Không nên ép uổng con mình quá đáng, vì như thế làm cho khốn khổ nó về sau, nhưng cũng không nên để chúng quá tự do mà thiếu sự kinh nghiệm, làm cho đời chúng phải hư hỏng”. (*)
Con đường trung đạo của Giáo Chủ là ở điểm quan trọng từ nơi hôn nhân, từ một căn bản “đạo của người quân tử bắt nguồn từ đạo thất phu thất phụ, nghĩa là từ đạo vợ chồng” (Quân tử đạo dĩ tạo đoan hổ phu phụ). Đạo vợ chồng khởi từ hôn nhân thì không ép buộc quá đáng, cũng không để tự do quá đáng. Triết lý Việt Nam vốn ở chữ Tùy, chữ trung dung, tránh sự quá đáng, vì đã quá đáng thì tự nhiên sẽ tạo nên sự mất quân bình và là nguyên ủy của sự bất hòa.
Nói một cách tổng quát, con đường tu đạo của Huỳnh Giáo Chủ xây trên cơ bản Việt tính Việt tình, do đó mà từ trong tư tưởng Giáo Chủ đã thể hiện rõ cái nguồn rực sáng của dân tộc, nguồn Lạc Hồng, và nguồn của chủng tộc.
CAO THẾ DUNG
9- Giáo phái Miền Nam qua lăng kính xã hội học, Nguyễn Văn Trần
Sau đây là phần mở đầu của Chương Dẫn Nhập của tập khảo luận đặc biệt về các giáo phái miền Nam Việt Nam, do tác giả Nguyễn Văn Trần đang nghiên cứu để trình bày trong luận án tiến sĩ của ông tại Phân khoa Khoa học Xã hội, Đại học đường Paris dưới nhan đề “LES SECTES POLITICO RELIGIEUSES AU SUD VIETNAM, UNE APPROCHE SOCIOLOGIQUE”.
Khác hơn lịch sử lập quốc của nhiều nước, trường hợp Việt Nam chính người Việt đã tự lực sáng tạo nước Việt Nam. Từ nhận xét này, yếu tố kết hợp dân tộc Việt không ở ĐẤT mà ở NGƯỜI. Trên hơn 2.000 cây số bờ biển, uốn mình dọc theo Thái Bình Dương, nước Việt Nam là MỘT trong con người Việt Nam.
Dưới thời thực dân Pháp, đất nước bị chia làm ba miền. Nhưng trong tinh thần người Việt của ba miền không hề thấy có sự khác biệt về con người Việt. Bởi thế, để đáp ứng nhu cầu lịch sử, người Việt của ba miền đã nhất tề đứng lên tranh đấu đòi độc lập dân tộc và thống nhất đất nước...
Ở Việt Nam, lòng yêu nước được trực tiếp gắn liền với cơ cấu xã hội Việt. Trong lịch sử dân tộc, nó đã được thể hiện ở vị Thiên tử, gạch nối giàn hòa giữa Trời và Đất. Đó là tụ điểm quần binh. Trong vai trò này, Thiên tử đã ban phát những vị thần xuống giữ làng xã cho dân được an lạc thái bình.
Ở Việt Nam, mọi hoạt động, mọi sức mạnh đều từ đất mà phát xuất. Chiến tranh Việt Nam trước kia đã phát động từ đồng ruộng—Đất—và cũng giải quyết theo tư thế làm chủ được đồng ruộng. Người Việt Nam đứng lên chống ngoại xâm, chính là để bảo vệ đất nơi họ sống và sẽ chết về với đất.
Văn hóa Tây phương vẫn tìm trong các nền văn minh hình ảnh của quá khứ. Nhưng đây chỉ là cái quá khứ của thời Kinh tế Nông nghiệp, nó khác hẳn với cái thế giới xã thôn Việt Nam.
Từ thái cổ, trung tâm của nền văn minh Tây Âu là Địa Trung Hải qua những kiến trúc đô thị là chứng tích và đã biến đổi bộ mặt của nông thôn. ở Tây Âu, thành thị giữ vai trò chủ động trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa.
ở Việt Nam, trái lại, thành thị không bao giờ là trung tâm xung lực, mà chỉ sống bám vào xã hội nông thôn bởi tính chất của nền kinh tế truyền thống Việt (hãy còn ảnh hưởng đến ngày nay).
Khi chiến tranh bùng nổ, dân thành thị rút về nông thôn để lập ổ kháng chiến. Hình thức sinh hoạt này đã làm sống dậy từ tiềm thức những người Việt thành thị điều mà họ đã đánh mất khi giáo tiếp với nền văn minh Tây phương: Đó là sự phục sinh truyền thống tổ tiên trong cộng đồng thôn ấp. Đời sống xã thôn sinh động trong mối quan hệ giữa cá nhân, xã hội, Đất và Trời. Thừa hưởng những truyền thống nghìn năm ấy, người Việt đã kết hợp lại thành những phong trào xã hội gọi là giáo phái, họ tìm lại được nếp sống công xã của thời xưa hãy còn đậm nét trong tiềm thức của mọi người Việt. Qua đó, không ai có thể khẳng định rằng giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài là những chánh đảng thông thường theo kiểu Tây phương, thành hình theo nhu cầu dân chủ nghị viện hoặc dân chủ nhân dân. Mà đó là những kết hợp có cơ cấu bắt nguồn từ thôn dân xã ấp.
Nhận định này sẽ được minh chứng khi xét giáo phái trong hai biến cố chánh trị Việt Nam những năm 1945 và 1954.
Giáo phái phải chăng là thể hiện ý thức đấu tranh của dân tộc Việt nối tiếp các phong trào quần chúng lan rộng khắp miền Nam vào đầu thế kyœ? Giáo phái biến thành những lực lượng võ trang chỉ là một sự kiện xã hội, mà nội dung là lòng yêu nước chân thành bởi kháng chiến vốn bẩm sinh ở dân tộc Việt. Nếu giáo phái chỉ là hiện tượng xã hội thì tinh thần dân tộc hay lòng yêu nước của người Việt chính là điều mà giáo sư Paul Mus gọi là Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc (Le socialisme national) đã được phục sinh trong hai tổ chức quần chúng ấy như là một lý tưởng đạo đức.
Giáo phái Hòa Hảo gắn liền với lịch sử khẩn hoang miền Nam. Với một nhóm người tiên phong buổi đầu, họ tiến sâu vào miền Tây và trở thành chủ nhân của những sở đất mà họ đã khai thác. Người Pháp đến thiết lập chế độ chủ điền và tá điền đã làm sụp đổ cái trật tự cũ tạo điều kiện tất yếu cho quần chúng phản ứng. Phật Giáo Hòa Hảo thật sự thể hiện khả năng của dân tộc tiếp thu và dung hòa các dòng tư tưởng lớn Đông phương trong điều kiện miền đất mới của miền Tây. Hay đó chính là sự tái diễn lịch sử dân tộc Việt trong những hoàn cảnh xã hội mới!
Còn Cao Đài, sự khai sáng dường như là một nhu cầu để đáp ứng cho từng lớp Tây học và sự “Thiếu sót chủ thuyết” của các tôn giáo cổ truyền theo quan niệm Tây học. Đó là một tổng hợp của các dòng tư tưởng lớn chưa được hệ thống hóa theo kiểu hợp lý Tây phương, lại kết hợp với tinh thần thần bí và triết lý cận đại.
Trước tiên, Cao Đài là một tổng hợp những tín ngưỡng có tính chất Tây phương lần đầu tiến xuất hiện ở Việt Nam. Để phá cái nếp cũ Việt, người Pháp thiết lập một xã hội thị dân mới. Bất lực ở các mặt đề kháng khác, dân tộc Việt đã một lần nữa thể hiện cái khả năng dung hòa để chấp nhận những lớp người mới, sản phẩm của nền tư tưởng Tây phương, đồng thời bắt nhịp cầu giữa Đông và Tây nhưng vẫn vận động một sự canh tân Việt triệt để. Thực tế, Cao Đài trở thành một bộ máy chính trị có cơ cấu tập trung và đẳng cấp qui cũ. Tầm quan trọng của những hoạt động quân sự và kinh tế đã có lúc làm con người ta quên đi nguồn gốc tôn giáo.
Phải chăng đó là một mâu thuẫn không hiển nhiên của dân miền Nam?
NGUYỄN VĂN TRẦN
10- Sự đóng góp của Huỳnh Giáo chủ và PGHH vào công cuộc Cứu nước và Dựng nước, Trịnh Đình Thắng
Bài phát biểu trong phần “cảm tưởng quan khách” tại Đại lễ 18-5 Phật Giáo Hòa Hảo ngày 26-6-83 tại California
Xin được mạo muội nhận định bằng con mắt của một người tranh đấu, về sự đóng góp của Đức Huỳnh Giáo Chủ và Phật Giáo Hòa Hảo vào công cuộc đấu tranh cứu nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Đó cũng là sự đóng góp tiêu biểu của thế hệ Thanh niên ở một giai đoạn mà ta phải nhấn mạnh rằng sự đóng góp có tính cách vĩ đại nhất cho sự sống còn và tiến hóa của dân tộc ta. Sự đóng góp đã “cởi mở thời đại, gây dựng cháu con”.
Thật vậy, kể từ ngày Nguyễn Thái Học dũng liệt cùng 12 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông lấy máu đào tô thắm hoa cách mạng, lịch sử đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới: GIAI ĐOẠN THANH NIÊN THAY THẾ CÁC BẬC VĂN THÂN VÀ CẦN VƯƠNG PHÁT ĐỘNG VÀ LÃNH ĐẠO CUỘC CÁCH MẠNG. Cũng trong giai đoạn này, thanh niên đã đóng trọn vẹn vai trò chủ động thế hệ đấu tranh của mình và cũng là lần đầu tiên, suốt bốn ngàn năm lịch sử Việt, kể từ khi Phù Đổng Thiên Vương diệt giặc cứu nước, thanh niên Việt Nam đã lẫm liệt đứng lên, đưa phong trào đấu tranh cho dân tộc lên cao độ. Đó là sự thành hình của hai tôn giáo lớn, bốn đảng Cách mạng, hai chủ thuyết dân tộc, một môn phái Võ dân tộc và một văn đoàn. Với một đặc điểm là tất cả những người lập thuyết, sáng lập hay lãnh đạo đều là THANH NIÊN. Dưới ba mươi tuổi.
Trong hàng ngũ thanh niên lãnh đạo đó, tôi muốn kể đến hai người. Một người sinh cuối năm 1920, đến năm 19 tuổi, tức 1939, đã là một trong những người lãnh đạo Phục quốc quân cùng với Trần Trung Lập, và bắt đầu xây dựng chủ thuyết Nhân Chủ Duy Dân. Đến năm 1943, chính thức thành lập Đại Việt Duy Dân Đảng, và lấy chủ thuyết duy dân làm tư tưởng chỉ đạo. Người thanh niên đó là Thái Dịch Lý Đông A. Trong vòng mấy năm kể từ 1939, toàn bộ tư tưởng Lý Đông A được chính ông viết ra trong bốn bộ sách lớn gồm 15 tác phẩm văn, và một tập thơ, cộng với 16 tập tài liệu khác với đầy đủ chi tiết về sách lược Cứu nước và Dựng nước, sách lược mà ông đã chuẩn bị cho 500 kế hoạch dựng nước.
Năm trăm năm nữa gió Nam dương,
Đừng ghép ta vào hàng trăm tuổi...
Riêng tập thơ Đạo-trường-ngâm gồm 50 bài thơ đủ các thể, từ trường thiên đến tứ tuyệt, từ đường luật đến tự do, thuộc loại kiệt tác về thơ tranh đấu, suốt từ đầu đến cuối đã nói lên được cái dụng ý là làm sáng Sử hồn, nêu cao lòng yêu nước thương nòi, và thúc đẩy đấu tranh cách mạng cứu nước, giữ nòi.
Người thanh niên nữa tôi muốn đề cập chính là Đức Huỳnh Giáo Chủ của Đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Cũng sinh năm 1920, cũng 19 tuổi lập đạo vào năm 1939, với hơn hai triệu tín đồ, và đã sáng tác được ba ngàn sáu trăm câu thơ trong năm cuốn vừa Kệ vừa Sám giảng, một tập văn xuôi khuyên người đời tu hiền, mấy trăm bài thơ, với hàng ngàn lần thuyết giảng về giáo lý cũng như về lý tưởng cách mạng cứu nước, giữ nòi.
Lý do mà tôi đề cập đến hai vị này, trước hết là nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập đạo Phật Giáo Hòa Hảo, thứ hai là vì hai người thanh niên này có rất nhiều điểm tương đồng. Sự tương đồng trong cốt cách, phong thái, tư tưởng đến quan điểm sống hành đạo cứu đời của hai vị, đã là nền tảng cho những sự kết hợp sau này của hai đảng Duy Dân và Dân Xã, trong quá trình đấu tranh chống phong kiến, độc tài gia đình trị, quân phiệt và chủ nghĩa Cộng sản. Hai vị cùng sanh một năm, cùng sáng lập đạo và lập thuyết vào năm 19 tuổi, hiển nhiên phải là hai thiên tài xuất chúng. Nhưng cái quý giá của sự đóng góp của hai thiên tài này chính là sự làm phong phú nền văn hóa dân tộc cũng như sự khai mở một thời đại mới: THỜI ĐẠI NHÂN CHủ, làm sống dậy nhân sinh quan Việt: sống là đi làm lịch sử, làm thăng hoa nền dân chủ Việt: QUỐC DÂN ĐÓNG GIỮ VAI TRÒ QUAN TRỌNG NHỨT TRONG MỘT QUỐC GIA.
Khi tuyên ngôn lập đảng, cụ Lý Đông A đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của quốc dân: “Phàm người nào sống ở nơi giữa quốc dân, đau cái đau của quốc dân, tai nghe mắt thấy cái sống dạt dào trong đời sống quốc dân, tất cảm thấy và giác ngộ trên lý tính thực tiễn cái ngày mai của quốc dân thế nào” thì khi khai sáng nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã ý thức tính thực tiễn cái ngày mai của quốc dân, vì cụ đã sống giữa quốc dân, đau cái đau của quốc dân: ‘’Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh”, hoặc: “Nếu chúng sanh còn chốn mê tan, thì ta chẳng an vui cực lạc...” vui cái vui của quốc dân: “Thuận hòa trăm họ đời an lạc, Chừng ấy xe tiên thế dép giày...”
Hành vi lập Đạo, cứ cái nhìn của chúng tôi, cũng là một hành vi cách mạng. Sự canh cải lễ nghi, thực hiện tu hành tại gia, tiết giảm những cúng lễ có tánh cách xa xí, loại boœ mê tín dị đoan, thực hiện Tứ ân và đem đạo vào đại đa số nông dân, Việt hóa đạo Phật, đem Đạo vào Đời để cứu nước, đem Đời phát triển Đạo để tô bồi văn hóa dân tộc. Đạo Phật Giáo Hòa Hảo do đó, chính là Đạo của dân tộc, đã được xuất hiện trong cao trào cách mạng Dân tộc và Nhân chủ Việt. Ngay cả hành vi Việt hóa Phật giáo để chăm sóc cho dân “tu Nhân học Phật” cũng đã chứng toœ cái nét tương đồng lớn của Đức Huỳnh Giáo Chủ và Cụ Lý Đông A trong quan điểm đã được nêu lên bởi nơi bản Tuyên Ngôn của Duy Dân Đảng là: Quốc dân không vì một chủ nghĩa chế độ hay pháp luật mà sinh ra; trái lại, hết thẩy các chủ nghĩa, chế độ hay pháp luật phải từ nơi quốc dân mà sinh ra mới thích hợp, mới đúng chắc và mới thiết thực giải quyết được những nhu yếu, hy vọng và lý tưởng của Quốc dân. Do đó, việc canh cải đạo Phật cho phù hợp với truyền thống dân tộc, thích hợp với nếp sống nông dân, lực lượng gốc và thành phần chủ lực của dân tộc hẳn là một điều đương nhiên.
Một điểm tương đồng lớn nữa là hai vị đã phát tâm cứu nhân độ thế với hùng tâm Phật, ý chí Việt và tinh thần Phù Đổng Thiên Vương. Hai vị luôn luôn khẳng định rằng khi đã cứu yên được trăm họ rồi thì lui về tiếp tục việc tu hành. Người thứ nhất chủ trương:
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật đà nam mô.
Người thứ hai luôn luôn mong moœi: Tìm người đồng chí dạ khát khao. Tìm đồng chí để:
Cùng ta dong ruổi khắp doanh hoàn,
Dựng lại non sông xưa Bách Việt,
Tạo nên thế giới mới Duy Dân.
để rồi:
Làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy,
Trở lại non sâu nhập Niết bàn...
Như tất cả quý vị đã biết, câu trên là của Đức Huỳnh Giáo Chủ, câu dưới là của cụ Lý Đông A. Cái tinh thần Phù Đổng ấy, ở cả hai cụ đều có: cái tâm thức Việt ấy, ở cả hai cụ đều có. Và bởi vì cả hai người, một ở Bắc, một ở Nam, cùng sinh hoạt một năm, cùng bị thất tung sau khi Cộng sản nắm chánh quyền và đang đoạt chính nghĩa dân tộc; tuy chưa bao giờ gặp nhau, nhưng cả hai vị đó đã cùng làm một việc lớn: đó là phát động cuộc Cách Mạng Dân Tộc Nhân Chủ cho Việt Nam.
Đó cũng là lý do giải thích tại sao khi Hội đồng Nhân dân Cách mạng do ông Nguyễn Bảo Toàn thuộc Dân Xã Đảng làm Chủ tịch được thành lập năm 1955, cả hai đảng Duy Dân và Dân Xã đã có thể sát cánh cùng nhau. Và sau này năm 1967, khi Lực lượng Dân tộc Việt thành lập do Cụ Phan Bá Cầm cũng thuộc Dân Xã Đảng làm Tổng Bí thư để thực hiện một cuộc cách mạng đúng nghĩa ở Việt Nam, thì cả hai đảng Duy Dân và Dân Xã vẫn sát cánh cùng nhau.
Như vậy, sự đóng góp của Đức Huỳnh Giáo Chủ và Phật Giáo Hòa Hảo vào dòng vận động cách mạng Dân tộc và Nhân chủ Việt lớn lao như thế nào, tưởng không cần phải nói thêm. ở đây, chúng tôi chỉ muốn được nhấn mạnh một điều: Giờ đây cả hai vị đều thất tung, sự sống chết không ai được biết, nhưng sau 40 năm, tác phẩm của hai cụ không còn là của riêng đạo Phật Giáo Hòa Hảo hay Đảng Duy Dân nữa, mà học thuyết Nhân chủ Duy dân phải được kể là học thuyết của dân tộc Việt, mà Phật Giáo Hòa Hảo mới thực là Phật giáo Việt Nam.
26-6-1983
TRỊNH ĐÌNH THẮNG
11- PGHH và Dân Xã đảng trong dòng lịch sử của Phật giáo và dân tộc Việt Nam, Trần Ngọc Ninh
1. HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, và mở ra một triều đại mới trong lịch sử Việt Nam là triều đại nhà Nguyễn thì đất nước tuy thống nhứt nhưng toàn cõi Việt Nam lâm vào một tình trạng phân hóa sâu rộng, mở đường cho những điêu linh chồng chất của lịch sử cận đại và đương thời.
Vào thời ấy, nước Việt Nam như ta hiểu ở đời này chỉ mới là một danh hiệu. Cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn kéo dài hơn 250 năm, từ 1533 đến 1788 đã cắt đứt nước thành một Đằng trong và một Đằng ngoài, với một cuộc chiến rả rích, nuôi dưỡng bởi những sưu thuế nặng nề buộc trên cổ người dân. Miền Bắc, tức là Đằng ngoài, còn rất nhiều tình nghĩa với nhà Lê, sót lại từ cuộc khởi nghĩa gian khổ của Lê Lợi, và còn rung động với uy vũ sấm sét của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, chỉ thần phục Nguyễn Gia Long vì quá mệt moœi và thiếu người lãnh đạo. Gia Long hiểu rõ điều ấy nên đã cho san bằng cả cung điện cũ của nhà Lê ở Thănh Long để xóa boœ những hình ảnh vàng son của thuở trước, như thi của Bà Huyện Thanh Quan để lại:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương,
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Còn ở Đằng trong tức là miền nam Hoành Sơn thì mặc dầu sự trọng người Việt Nam đã bắt đầu từ thời các chúa Nguyễn, nhưng đến đời Minh Mệnh mới thu thập được hết những tàn dư của Chiêm quốc và mở rộng thêm bờ cõi miền Tây bằng sự đẩy lui nước Thủy Chân Lạp. Nhân tâm ở những vùng này còn mới quá để có thể theo về, và văn hóa của người dân vẫn còn nhiều tính cách mọi hơn là kinh.
Một yếu tố mới lại reo vào trong lòng dân tộc các mầm của một sự rạn nứt mà sự xuẩn động chính trị của triều đình đã xé ra thành sâu rộng hơn. Đó là sự xâm nhập bùng nổ của Gia Tô giáo dưới sự bảo trợ của một nhà tôn giáo và chính trị tài ba mà Nhà Chung Việt Nam gọi là Cha Cả, tức là Giám mục Bá Đa Lộc, Pigneau de Behaine, người đã được lòng tin tuyệt đối của Nguyễn Ánh và đã mộ được một số binh lính Pháp đánh thuê sang giúp cho Nguyễn Ánh lập nên nghiệp Vua ở Việt Nam.
Tuồng “Tây Nam Đắc Bằng” của Hoàng Cao Khải kể lại một giai đoạn rất quan trọng trong đó Cha Cả dìu dắt người con trưởng của Nguyễn Ánh là Hoàng tử Cảnh sang Pháp để cầu viện. Nếu Hoàng tử Cảnh, đã được phong là Đông cung, sau đó mà không chết sớm thì người nối ngôi vua Gia Long không phải là Minh Mệnh và vấn đề tôn giáo cũng như chánh trị ở Việt Nam chắc chắn là được beœ quật sang một con đường khác.
Nhưng Hoàng tử Cảnh đã không may chết sớm, và người con thứ tư của Gia Long, húy là Đảm, lên ngôi, lấy hiệu là Minh Mệnh. Cái chết đầy nghi vấn của vợ góa và các con của hoàng tử Cảnh là những sự kiện tiên thường, sau đó là sự đàn áp đạo, dẫn dắt đến sự can thiệp bằng binh lực của chính phủ Pháp, biến nước Việt Nam dòng dõi vua Gia Long thành một thuộc địa của Pháp, với một đất Nam Kỳ tự trị, cắt rời hẳn ra ngoài bản đồ của Việt nam trong một thế kỷ.
Phật Giáo Hòa Hảo bắt nguồn trong cái thời thế đó.
2. BỬU SƠN KỲ HƯƠNG PHẬT GIÁO HÒA HẢO
Phật Giáo Hòa Hảo bắt nguồn từ sự hành đạo của Đức Phật Thầy Tây An và Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương trong khoảng 1849 đến 1856 ở ba tỉnh miền Tây Nam là Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc, sáu năm trước khi quân Pháp bắt đầu xâm lăng miền Nam Việt Nam.
Ngọn lửa thiêng của Đức Phật Thầy được truyền bởi Đức Phật Trùm rồi đến Đức Bổn Sư rồi qua ông Sư Vải Bán Khoai, đến 1939 thì thành hẳn một Tông phái với danh hiệu Phật Giáo Hòa Hảo dưới sự dẫn đạo của Huỳnh Giáo Chủ, tục danh là Huỳnh Phú Sổ. Năm 1946, đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội được thành lập.
Đây là những điều mà các đạo hữu trong Phật Giáo Hòa Hảo đều biết cả, tôi không dám dài lời.
Tôi chỉ xin được đặt sự khai sinh và hành thế của Phật Giáo Hòa Hảo trong dòng của lịch sử tôn giáo và lịch sử dân tộc theo cái nhãn quan của sử gia.
3. PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Phật giáo Việt Nam không phải chỉ là Phật giáo ở Việt Nam mà là Phật giáo Việt Nam tính, Phật giáo trong tâm của người Việt Nam.
Những nhà truyền giáo đầu tiên của đạo Phật đã từ Đông Ấn tới Đại Việt, Chiêm Quốc và Phù Nam vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai theo Dương lịch. ở đất Việt khi ấy là chế độ đồng hóa và khai thác bạo tàn của nhà Hán trên đầu trên cổ đám dân đen của nền đô hộ.
Dân Giao Chỉ gần như diệt chủng, quận Cửu Chân bị bới đào cho đến hết cả các thứ châu báu, còn Tượng quân thì sạch giống có ngà để có đủ đồ cống về Thiên Triều và chất đầy túi tham của các Thái thú, Thứ sử. Trong cái khung cảnh điêu linh ấy, đạo Phật đã tới như một ngọn gió mát, một cơn mưa rào, đem lại cho con người ở đây một an ủi với niềm tin mới: Tin ở đấng Đại Từ, Đại Bi, Đại Trí, Đại Giác, Đại Hùng, Đại Lực, có thể ở trên cả ông trời, và tin rằng ở trong đời có thể có một cái gì gọi là giải thoát mà không ai còn dám tưởng vọng từ sau khi Mã Viện đã tận diệt các cừ soái Hai Bà Trưng.
Đến thế kỷ thứ sáu thì quả cái chính trị đầu tiên của Phật giáo đã được cấu thành, đó là cuộc khởi nghĩa quy mô chống lại đế quốc, cầm đầu bởi Lý Bí và một người cháu mà lịch sử gọi đơn giản là Lý Phật Tử, người con Phật họ Lý. Nền Bắc thuộc bị gián đoạn 60 năm với cuộc nổi dậy của hai nhà Tiền Lý.
Trọn khoảng thời gian này, Đạo Phật ở Trung Hoa đang chuyển hướng mạnh mẽ, một phần vì những vị sư hành hương qua Ấn Độ để thỉnh kinh và học Đạo, một phần vì sự bắt rễ nẩy nở của Đạo Thiền với Bồ Đề Lạt Ma (Bodhidharma) và nhất là với sự ngộ đạo của Lục Tổ Huệ Năng (671).
Lục Tổ là người Man ở miền Nam (tôi không dám khẳng định gì hơn về nguồn gốc của Lục Tổ chẳng những vì muốn tránh những suy luận chủ quan mà vì tinh thần của Phật giáo và của đạo Thiền không nhận những cái chấp hão huyền và hẹp hòi kiểu ấy) theo lời dạy của Thầy là Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn, Lục Tổ trở về phương Nam và lập ra Nam Tông Thiền.
Bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ sáu thì Thiền đạo du nhập vào Việt Nam là sư Pháp Hiền, gốc ở Châu Diên, thụ giáo với thầy Vinitaruci (Tì Ni Đa Lưu Chi). Truyền đến thế hệ thứ 12 thì có sư Vạn Hạnh là Thầy của Lý Công Uẩn và là tinh thần của Nhà Lý.
Thiền tông thứ hai ở Việt Nam thuộc dòng Thiền Bích Quán cử Vô Ngôn Thông. Lý Thái Tông đã từ ở dòng này và thuộc về đời thứ bảy.
Thiền Tông thứ ba là phái Thảo Đường, khai sáng ở Thăng Long năm 1069 và là một Thiền phái thuần thành Việt Nam. Lý Thánh Tông thụ pháp trong dòng này và thuộc về thế hệ thứ nhất.
Đến đời nhà Trần thì cả ba phái Thiền được thống nhất lại thành dòng Trúc Lâm Yên Tử với sự ngộ đạo sáng toœ của một thiền sư mà nhục thân là vua Trần Thái Tông và sự khai đạo của một thiền sư mà nhục thân là vua Trần Nhân Tông.
Trong lịch sử dân tộc, người Việt Nam chúng ta hết thẩy đều biết rằng đời nhà Lý là thời kỳ thuần từ nhất trong sử Việt (theo lời sử gia Hoàng Xuân Hãn), mà cũng là một thời vang dội những chiến công vô cùng oanh liệt của nhân dân Việt Nam. Đời nhà Trần, dưới hai vị anh quân Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, quân dân ta đã ba lần đánh đuổi đoàn quân bách chiến bách thắng của Mông Cổ đến nỗi rằng tên thượng tướng thống lãnh của giặc phải chui vào trong ống để chạy về nước.
Thiền môn Việt Nam, ngay từ lúc khai đạo đã quang minh chủ trương là nhập thế cứu nước. Các hành vi lịch sử của các vị Thiền sư những đời ấy đã chứng minh các tính cách đặc thù ấy của Thiền đạo Việt Nam. Đó là một ý nghĩa của bài kệ mà Tuệ Trung Thiền sư trong nhục thân là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đã nói ra:
Vô tâm là vô đạo,
Đạo không thể vô tâm.
(Dịch giả: Nguyễn Lang)
Lịch sử Phật giáo và Thiền môn Việt Nam trong gần một nghìn năm đầu tiên đã giữ đúng những tôn chỉ tu hành của Đức Phật Tổ Như Lai, là đưa đạo vào đời và lấy ánh sáng của đạo làm cái sức mạnh tinh thần lớn để cách mệnh cuộc sống trên mọi bình diện xã hội chính trị cũng như bản thân.
Thiền đạo Việt Nam suy vi rất nhiều vào khoảng cuối đời nhà Trần. Phái Trúc Lâm Yên Tử cũng gần như chỉ còn cái tên mà thôi!
Tôi nghĩ rằng Phật Giáo Hòa Hảo đã thừa kế dòng Thiền Nhập Thế của đời Lý, đời Trần và biến hóa cái hình hài cổ điển của truyền thống thiền Nam tông ở Việt Nam thành một pháp môn thuần túy của miền Nam nước Việt ở một thời quốc nạn. Do đó, Huỳnh Giáo Chủ mới tuyên bố rằng:
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô.
Cũng như Trần Nhân Tông, cũng như Tuệ Trung Thượng Sĩ ở một thời quốc nạn trước.
TRẦN NGỌC NINH
12- Kỷ niệm và cảm tưởng về PGHH, Lưu Trung Khảo
Cảm tưởng của giáo sư Lưu Trung Khảo trình bày trong đại lễ kỷ niệm 48 năm thành lập Đạo Phật Giáo Hòa Hảo (14-6-1987)
Kính thưa quý vị,
Thật là một vinh dự lớn lao cho tôi hôm nay được Văn Phòng Phật Giáo Hòa Hảo Hải ngoại cho phép lên đây để phát biểu một vài cảm tưởng nhân dịp Đại Lễ kỷ niệm 48 năm khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Vì là cảm tưởng có tính cách riêng tư, nên nếu có một vài chi tiết cá nhân được trình bày thì cũng xin quý vị niệm tình mà tha thứ cho.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền châu thổ sông Hồng Hà, cách Hà Nội khoảng 50 km. Nếu có phương tiện giao thông tốt như ở California này thì quãng đường dài 50 km tức là khoảng 32,32 miles, chỉ cần độ từ 35 tới 40 phút là có thể đi từ làng tôi ra tỉnh một cách dễ dàng. Nhưng ở vào tiền bán thế kỷ 20, con đường 50 km từ nhà tôi lên Hà Nội là cả một con đường thiên lý và nếu như có ai từ làng tôi lên tỉnh là người đó đã làm một công chuyện phi thường tưởng như thầy Tam Tạng qua Tây Trúc thỉnh kinh vậy. Tôi phải kể dài dòng như vậy để xin quý vị hiểu cho rằng tôi vốn xuất thân ở nông thôn và cái ảnh hưởng văn minh vật chất Tây phương đối với những người ở quê tôi cũng như cá nhân tôi rất là nhẹ nhàng hời hợt. Làng tôi không có trường học. Sau khi học vỡ lòng với người anh họ, tôi được gửi sang học ở làng bên. Đậu bằng Sơ học Yếu lược rồi, tôi lại phải tạm biệt ngôi trường một phòng chung cho ba lớp, để đi trọ học ở trường kiêm bị Lam Cầu, cách làng tôi độ sáu, bảy km. Cho mãi tới năm 1945 nghĩa là sau khi Nhật đảo chánh Pháp và Việt Minh cướp chính quyền, tôi mới rời boœ quê nhà ra tỉnh học để làm quen với đèn điện và nước máy từ đó. Thế rồi thời thế đưa đẩy qua những biến cố lịch sử trọng đại, tôi theo đoàn sinh viên Đại học Hà Nội di cư vào Nam sau hiệp định Genève (20-7-1954). Cho tới lúc này tôi thực sự chưa biết gì về Phật Giáo Hòa Hảo cả. Phải đợi đến năm 1957, khi được thuyên chuyển từ trường Trung học Nguyễn Trãi Saigon về dạy tại trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc), tôi mới có duyên được tìm hiểu và học hoœi Phật Giáo Hòa Hảo. Tôi dạy ở Châu Đốc chỉ có bốn tháng. Hết hè 1957, tôi được thuyên chuyển về lại Saigon và dạy tại trường Trung học Chu Văn An. Sau ba năm, tôi được Bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm vào chức vụ Hiệu trưởng Trung học Kiến Phong (Cao Lãnh). Chính trong thời gian này tôi mới được học hoœi nhiều hơn về giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo cũng như văn thơ của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Tôi còn nhớ một lần, tôi cùng ông Phan Văn Tài, Trưởng ty Tiểu học Kiến Phong lên Thanh Bình và Hồng Ngự làm công tác thanh tra các trường tiểu học và trung học bán công trực thuộc liên hệ. Xong công tác thì trời đã về chiều, mà chúng tôi thì mắc một cuộc họp sáng sớm hôm sau ở Long Xuyên. Thấy ông Trưởng ty Tiểu học mướn xe lôi về Long Xuyên, tôi ngoœ ý thắc mắc về vấn đề an ninh vì lúc này Mặt trận Giải phóng miền Nam đã được thành lập và những vụ phá hoại an ninh lộ trình như đấp mô, đào đường, rải truyền đơn, khủng bố, không đêm nào không xảy tra trên con đường từ Sa Đéc qua Cao Lãnh. Nghe tôi nói vậy, anh xa phu trong bộ quần áo bà ba đen đơn giản, chiếc khăn rằn ri vắt vai, mẫu thuốc rê gắn trên môi hãnh diện trả lời:
— Về vụ này tôi xin bảo đảm! Tin tôi đi! Vùng này là vùng Hòa Hảo mà!
Ông Trưởng ty Tiểu học xác nhận rằng không có gì phải lo ngại về vấn đề an ninh cho người quốc gia ở vùng đất chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Hòa Hảo. Mà thật vậy, suốt dọc đường, tôi chỉ thấy những căn nhà thấp nhoœ, những người nông dân chất phác hiền hòa, đang chuẩn bị thắp nhang cho những bàn thờ Thông Thiên mà nhà nào cũng có ở trước cửa. Tết Mậu Thân (1968) trong khi hầu hết những tỉnh lÿ chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Hòa Hảo lại không hề hấn gì. Biết rõ lập trường quốc gia và quyết tâm của các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, nên tôi không ngạc nhiên chút nào trước sự kiện này.
Nhưng lập trường quốc gia vững chắc của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, sự chất phác hiền hòa của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo do đâu mà có? Tôi thiển nghĩ chính là nhờ ở sự giáo dục của bậc đại trí, đại giác Giáo Chủ đã khai sáng ra đạo này: Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Các nhà giáo dục xưa đã chia đối tượng giáo dục ra làm ba bậc: Sinh nhi trí, học nhi tri và khốn nhi trí. Một người trung bình học rồi sẽ biết, người thông minh dưới mức trung bình học mãi rồi cũng biết, tuy khá vất vả. Đến bậc đại trí, đại giác thì khi sinh ra là đã biết rồi. Được thừa hưởng những ân sủng đặc biệt của trời đất, được hấp thụ những tinh anh tụ khí của núi sông, những bộ óc siêu việt đó có thể “thượng tri thiên văn, hạ đạt địa lý và trung quán nhân sự” (trên biết thiên văn, dưới hiểu địa lý và giữa thì thấu triệt việc người). Cái nhìn của các bậc này là một cán nhìn thông suốt, từ khởi thủy đến tận cùng và tôi trộm nghĩ, chúng ta không nên lấy làm lạ về những khả năng quán thế siêu việt của những bậc vĩ nhân này. Không tốt nghiệp ở bất cứ một trường học nào thời đó, vậy mà có thể bàn luận về mọi vấn đề một cách sâu xa với cái nhìn trí thức khoa bảng để cho các vị này phải tâm phục: Thơ văn viết một hơi, không cần sửa chữa, không cần bản nháp mà khẩu tài thì khó ai có thể bì kịp. Khẩu tài đó không phải chỉ nhờ ở giọng nói trầm ấm truyền cảm, cũng không phải chỉ ở tài hùng biện thao thao bất tuyệt như nước chảy mây trôi, cũng không phải chỉ ở sự am tường cặn keœ vấn đề và giải quyết vấn đề hợp tình hợp lý, mà chính là còn nhờ ở độ lượng từ bi, yêu nước như yêu mình, thương yêu đồng bào và chúng sinh trong cái tình nhân loại đại đồng một cách thiết tha và thành thật. Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, theo tôi, là người như thế. Nếu người xưa có nêu lên một khuôn mẫu của người lãnh đạo là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc, nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) thì Đức Huỳnh Giáo Chủ quả đã có cái lo của người nông dân, đã vui buồn cái vui buồn của người nông dân. Người nông dân Việt Nam, miền Bắc cũng như miền Nam, là thành phần cốt cán của dân tộc, đều chuộng sự giản dị, sống một cuộc sống thanh bạch, lành mạnh từ thể xác tới tâm hồn. Tâm hồn chân chất, đơn giản, họ quen với sự bộc trực, thẳng thắng, một với một là hai, hoặc là đen, hoặc là trắng, hoặc là trung, hoặc là nịnh, hoặc là thiện, hoặc là ác, chứ không kiểu cọ, nửa nạc nửa mở, hàng hai.
Trong cuốn Những Điều Sơ Lược Cần Biết Của Keœ Tu Hiền, Đức Huỳnh Giáo chủ đã nhắc lại những lời dạy của Đức Phật Thầy Tây An thuở xưa về tứ ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại) rồi luận về bát chánh đạo, luận về tam nghiệp (thân, khẩu, ý) và chỉ dạy cách thờ phượng hành lễ và ăn ở của một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Tất cả những lời giảng dạy đó của Đức Thầy đều lấy căn bản từ giáo lý của Đức Từ Phụ (Đức Phật Thích Ca) và là một sự phối hợp hài hòa của cả tam giáo (Nho, Phật, Lão). Có khác chăng ở đây, những lời dạy có thiên về tích cực, nhập thế, cụ thể đơn giản để ai cũng có thể áp dụng được. Trong lúc các đoàn thể chính trị vào thời bấy giờ hoặc công khai hoặc bí mật mọc ra như nấm, trong lúc các nhà lãnh đạo chỉ kết hợp vào đoàn thể mình những người cùng một cái nhìn, cùng một quyền lợi, cùng một thành phần xã hội mà họ cho là tiến bộ, thì vô tình hay cố ý họ đã boœ rơi lớp nông dân, thành phần căn bản và cốt cán của dân tộc. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã lo giáo dục, yêu thương những nông dân đó. Thật chẳng khác gì như Đức Khổng Tử xưa kia chẳng vì mấy nắm nem mà từ chối thiên chức giáo dục. Cũng một vấn đề mà Đức Khổng Tử giảng dạy mỗi lúc một khác, tùy theo trình độ lĩnh hội của người nghe. Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng vậy. Tùy theo người hoœi ở trình độ nào, hoàn cảnh ra sao mà Đức Thầy trình bày giảng giải sao cho những lời dạy có thể ứng dụng được. Tôi thật sự khâm phục chuyện Đức Thầy cho phép người giăng đăng bắt cá khoœi phải ăn chay miễn là anh boœ một ngày bắt cá.
Từ cổ chí kim, các bậc đại trí, đại giác đều có một cái nhìn giống nhau. Đức Khổng Tử dạy học trò rằng: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cần nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tất dĩ học vấn” (Các trò vào phải giữ chữ hiếu với cha mẹ, ra phải nhường nhịn anh em, thận trọng mà giữ tín nghĩa, rộng lòng yêu thương và thân cận với mọi người, làm được những điều đó rồi, còn dư sức thì hãy học văn chương).
Qua Sấm Giảng Giáo Lý và Thơ Văn Giáo Lý, Đức Thầy không lúc nào là không quan tâm tới việc nhắc nhở tín đồ trau giồi đạo hạnh và tự mình nêu cao gương đạo hạnh cho mọi người noi theo. Ngày nay chịu ảnh hưởng của văn hóa học thuật Tây phương, nhiều người cho rằng cứ có bằng cấp cao, làm những nghề đòi hoœi một trình độ kỹ thuật cao để kiếm được nhiều tiền là người trí thức, là người có học. Cổ nhân Đông phương không quan niệm như vậy. Có học phải có hạnh. Học với hạnh là một. Vô hạnh tức là vô học. Người có một chút kiến thức mà vô hạnh còn làm hại đồng bào và dân tộc nhiều hơn một người mù chữ.
Hôm nay, nhân dịp Đại Lễ kỷ niệm 48 năm khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tôi rất hoan hỉ được bày toœ một vài cảm tưởng đối với một tôn giáo lớn bắt nguồn từ tâm thức và đời sống dân tộc mà ra. Tôi cũng xin mạn phép, nhân dịp này để bày toœ thêm lòng tin tưởng và hy vọng vào sự trường tồn vĩnh cửu của dân tộc cũng như vào sự phát triển không ngừng của Phật Giáo Hòa Hảo ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Sự phát triển đó làm một yếu tố góp phần vào công cuộc phục quốc và kiến quốc.
LƯU TRUNG KHẢO
13- Vì sao tôi gia nhập đạo PGHH, Donald Malien
Sau đây là bài phát biểu cảm tưởng của một người Huê Kỳ, ông Donald Mallen, sau khi đọc các tài liệu về Anh ngữ của Phật Giáo Hòa Hảo, đã xin quy y thành tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Ông đọc bài cảm tưởng này tại đại lễ 18-5 cử hành bởi Hội quán Phật Giáo Hòa Hảo vùng Hoa Thạnh Đốn (10-6-84).
Ông Donald Mallen năm nay 34 tuổi, chuyên về sinh ngữ, thích đọc sách, viết văn, nghiên cứu. Ông đã từng là một quân nhân sang chiến đấu ở Việt Nam (1968-69) bị thương tại mặt trận và được tưởng thưởng huy chương Purple Heart. Hiện nay ông làm việc cho chánh quyền tiểu bang Pennsylvania.
Dear Brothers and Sisters, and Honored Guests
Thank You for the Honor of Addressing You:
Today is indeed a very special occasion for me, for although I have attended this Anniversary Celebration previously as a welcomed guest, today marks my first attendance as a member of the Hoa Hao Buddhist faith, as one of the family; it is a family that I am most proud to be part of.
It can be asked why a man raised in a Western culture with predominantly Judeo-Christianic moral and theological influences would seek acceptance into the Hoa Hao religion, a religion whose cultural influences are Eastern; I think it most appropriate for me to elaborate on the answer to this query on this day, the Anniversary of the founding of the Hoa Hao religion.
All religion is the culmination of the efforts of humanity to comprehend the complexities and mystery of life — of the natural and supernatural, and of our relationship in the order of these things. Like a mirror that once was whole, but has been broken into many pieces, mankind’s religions all reflect essentially the same concept of relationship — between the individual, his fellow living creatures, his world, and his God — but the size, shape and shade of these reflections are all different. Like many roads to the same city, but through varying terrain, each traveller arrives at the same destination, but each has different memories of the journey. I have been fortunate to have lived in a country that tolerates freedom of all religions expression, so the development of my personal beliefs could benefit from numerous influences. It was not until my introduction to Hoa Hao Buddhism, however, that I had discovered an established faith which so exactly mirrored my own, and in which I felt that I truly belonged.
The faith of the Prophet Huynh Phu So appealed to me mainly because of its simple purity — it concentrates on the essence of our spiritual and physical relationships rather than depending upon exhibitory manifestations or elaborate structures — it is a faith that is to be worshipped in the heart more than in church or temple. The Prophet’s faith is a guiding-of-the-way as opposed to a rigid dogma, emphasizing our great gifts of freedom, and responsibility. It is a faith built upon respect for our fellow living creatures just as well as for God and Buddha, for the past and future as well as for the present, for our nation as for our family. It is a faith to live by instead of just to worship by.
Another great appeal to me of Hoa Hao Buddhism is the Hoa Hao people themselves. When first meeting with them, I was most impressed by the unpretentious sincerity, graciousness, and humility, qualities which are a reflection of their faith. In their company I have always been treated with dignity and respect, and made to feel at home. They were never arrogant or demanding in the propagation of their faith — rather, their influence is overwhelming because of their quiet, reserved, exemplary way of life.
I am also drawn to the religion of the Prophet Huynh Phu So because of His appreciation of the reality of the human manifestation of evil, oppression, and in-humanity that sadly exists in our world, and of our important responsibility to resist, and to end, this threat to the spirit and existence of humanity. To para-phrase a saying of the Prophet, “While the Nation is under oppression, the doors to the temple should be closed, until our duty is done and evil oppression to one’s country”. For the followers of Prophet Huynh Phu So, there is special incentive to dedicate our lives to the ending of communist misery. There is no greater homage we could show to Him than the return of Freedom to Vietnam.
In conclusion, as a Hoa Hao Buddhist I enjoy a religious-philosophical harmony that I have sought for a long time, and now have found. It is for me a way-of-life that is most natural and appealing, especially in these times of egotistical selfishness. I consider myself quite lucky to have found this my cherished faith.
BẢN DỊCH CẢM TƯỞNG CỦA DONALD MALLEN
Kính thưa quý vị quan khách và anh chị em đạo hữu,
Xin cảm tạ quý vị đã cho tôi vinh hạnh lên đây nói chuyện cùng quý vị.
Hôm nay quả là một cơ duyên đặc biệt cho tôi. Những ngày lễ kỷ niệm khai đạo trước, tôi đã tham dự với tư cách một thân hữu, hôm nay là lần đầu tiên tôi tham dự đại lễ kỷ niệm khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo với tư cách một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, một đại gia đình mà tôi rất hãnh diện được là một thành phần.
Có người hỏi rằng vì sao mà tôi, một con người của xã hội Tây phương, trưởng thành trong văn hóa tây phương với ảnh hưởng bao trùm của tôn giáo và luân lý Cơ Đốc, mà ngày nay lại gia nhập đạo Phật Giáo Hòa Hảo, một nền đạo giáo Đông phương? Tôi nghĩ rằng thời điểm và khung cảnh ngày kỷ niệm khai đạo hôm nay đúng là cơ hội thích hợp nhứt để tôi giải thích lý do.
Tôn giáo là cao điểm hội tụ nỗ lực của nhân loại để tìm hiểu những phức tạp và bí ẩn của sinh mệnh, của thiên nhiên và siêu nhiên, cũng như mối liên hệ giữa con người với các hiện tượng này. Nguồn gốc vẫn là Một, như tấm gương soi nguyên vẹn vỡ ra nhiều mảnh, các tôn giáo đều chủ yếu phản ảnh khái niệm giống nhau về sự liên hệ giữa cá nhân con người với nhơn loại chúng sanh, với thế giới vũ trụ, với Đấng Tối Cao, tuy rằng những phản ánh này có khác nhau về tầm vóc, hình thể và sắc thái. Cũng như nhiều con đường đều dẫn về một đô thị, mà mỗi du khách, tuy cũng tới cùng một mục điểm, nhưng đã đi qua những vùng đất khác nhau, cho nên mỗi người đều ghi nhận những kỷ niệm khác nhau của cuộc hành trình.
Tôi đã may mắn được sanh trưởng tại một quốc gia có tự do tín ngưỡng, và cũng nhờ thế tín ngưỡng của tôi đã phát triển dựa theo nhiều ảnh hưởng khác nhau.
Nhưng chỉ từ ngày mà tôi được giới thiệu với Phật Giáo Hòa Hảo, tôi mới nhận thấy mình đã tìm được một tín ngưỡng thuần thành phản ảnh chính xác niềm tin của tôi, và tôi cảm thấy rằng tôi thực sự là một thành phần của nền Phật Giáo Hòa Hảo.
Chính sự cao khiết giản dị trong giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cảm hóa tôi. đó là sự chú trọng tới bản chất của những liên hệ tinh thần và vật thể, thay vì dựa vào những hình thức phô trương hay những kiến trúc đồ sộ. Đó là một giải pháp tu tại tâm hơn là tới đền chùa. Đức Thầy cho ta một giáo lý dẫn đạo, Ngài chỉ con đường cho ta đi, chớ không chỉ nêu một giáo thuyết cứng rắn. Ngài nhấn mạnh về những hồng ân về tự do tự tại mà ta thụ hưởng, về trách nhiệm mà ta đảm nhận.
Đó là một tín ngưỡng xây dựng trên nền tảng tôn kính đối với đồng loại chúng sanh, cũng như đối với Trời Phật, đối với quá khứ và tương lai, cũng như đối với hiện tại, đối với tổ quốc cũng như đối với gia đình. Đây là một tín ngưỡng để mà sống đạo, chớ không phải chỉ để chiêm bái.
Một mãnh lực khác của Phật Giáo Hòa Hảo đã thâu hút tôi mạnh mẽ, đó chính là bản thân con người Phật Giáo Hòa Hảo. Ngay từ buổi đầu gặp họ, tôi đã cảm kích bởi sự chân thật, nhã nhặn, khiêm tốn, đó là những đức tánh phản ảnh giáo lý của họ. Tôi luôn luôn được đối đãi một cách có nhân phẩm và tôn kính, làm cho tôi cảm thấy như ở trong một gia đình vậy. Họ không bao giờ có thái độ kiêu căng hay đòi hỏi, khi truyền bá giáo lý. Trái lại, chính cái nếp sống trầm lặng, cẩn trọng, gương mẫu của họ đã tạo ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.
Một yếu tố nữa chiêu cảm tôi vào đạo giáo của Đức Huỳnh Giáo Chủ, là Ngài thấu hiểu thực trạng của con người, đang sống với tội ác, áp bức, phi nhân vô đạo, đó chính là thảm trạng đang tiếp diễn trong thế giới loài người. Ngài ý thức chúng ta cái trách nhiệm phải đối phó, và phải làm tiêu tan cái nguy cơ sa đọa và tiêu diệt của nhơn loại. Xin nhắc lại một đoạn giảng của Đức Thầy với ý nghĩa rằng “Khi dân tộc bị áp bức, hãy tạm đóng cửa chùa lại cho đến khi nào ta đã làm tròn nghĩa vụ đẩy lui kẻ thống trị ác độc ra khỏi đất nước...”
Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha,
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà nam mô... (*)
Viễn tượng này rất thích ứng với hoàn cảnh chúng ta, là những người đang chứng kiến sự đàn áp vô nhân đạo diễn ra trên đất nước của mình. Đối với các tín đồ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, đó là động lực đặc biệt để hiến thân vào công cuộc chấm dứt sự thống khổ do Cộng sản gây ra. Đòi lại tự do cho Việt Nam, là biểu lộ niềm tôn kính cao nhứt đối với Đức Giáo Chủ.
Kết luận, là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tôi được hưởng một triết lý tín ngưỡng mà tôi đã ước vọng từ lâu, và nay tôi đã tìm thấy. Tôi đã tìm được một lối sống rất tự nhiên và thích thú, nhứt là trong hiện trạng của thế gian đầy dẫy ích kỷ tư kỷ này. Tôi tự cho là có cơ duyên may mắn cảm nhận được một giáo lý để tôn thờ.
DONALD MALLEN
(Tên Việt: HUỲNH HÙNG)
No comments:
Post a Comment