Thursday, November 28, 2013

PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC - PHẦN 3


PHẦN III: SAU KHI ĐỨC THẦY RA ĐI
Giai Đoạn Quân Sự Hóa 1947-1955
CHƯƠNG 11: GIAI ĐOẠN QUÂN SỰ HOÁ
Trong lịch sử Phật Giáo Hòa Hảo, ngày 16-4-1947 là một biến cố trọng đại. Vì kể từ ngày đó Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt. Bên ngoài cho rằng Cộng Sản đã hạ sát ông, nhưng khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cho rằng ông chỉ vắng mặt, và sẽ tái xuất hiện trong tương lai. Sự vắng mặt của Huỳnh Giáo Chủ đặt tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo vào tình trạng bỗng nhiên mất lãnh đạo, ngôn ngữ Việt Nam ví như “rắn không đầu.”
Sự vắng mặt của các lãnh tụ chánh trị thế tục, thường được điền khuyết dễ dàng theo phương thức bầu cử hay lựa chọn người kế vị. Nhưng một số tổ chức tín ngưỡng không thể áp dụng phương thức bầu cử để lựa chọn Giáo Chủ. Bởi vì Giáo Chủ lãnh đạo tôn giáo bằng quyền lực thánh thể phát sinh từ niềm tin siêu hình và tuyệt đối. Huỳnh Giáo Chủ đối với tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là Jésus của Cơ Đốc giáo, là Mahomet của Hồi giáo, nên không thể bầu một phàm nhân thay thế được.

Jésus, Mahomet ở cương vị thuần tín ngưỡng, trong khi vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo vừa là lãnh đạo tín ngưỡng, vừa là lãnh tụ chánh trị. Vì vậy sự vắng mặt của Huỳnh Giáo Chủ hiển nhiên đã tạo cho tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo một tình huống khủng hoảng lãnh đạo, với các khó khăn phức tạp trước mặt về lãnh đạo chánh trị, và khó khăn trường kỳ về lãnh đạo tín ngưỡng.
Hơn thế, Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó phải đối phó với hai địch thủ: Pháp và Việt Minh. Trước đó, họ chỉ phải đối phó với Pháp, và đề phòng “người bạn đường Việt Minh”. Bây giờ, người bạn đường đó đã lộ diện là một kẻ thù sẽ áp dụng mọi thủ đoạn tàn độc và phương tiện chiến tranh để tàn sát và tiêu diệt họ...

Đêm 16-4-1947, Huỳnh Giáo Chủ đi phó hội với đại diện Cộng Sản tại một địa điểm thuộc Đồng Tháp Mười, làng Tân Phú, tỉnh Long Xuyên. Hội nghị thường diễn ra ban đêm, vì lý do an ninh, bảo mật. Trong phiên họp này, Cộng Sản đã ám hại Giáo Chủ.

Trước đó, ở miền Tây, không khí rất căng thẳng sau những xung đột địa phương giữa Phật Giáo Hoà Hảo và Việt Minh, nên Huỳnh Giáo Chủ, lúc đó đang giữ chức vụ Uỷ viên đặc biệt của Uỷ ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ, đích thân từ chiến khu miền Đông trở về miền Tây để tìm cách giải quyết ổn thoả, hầu dồn nỗ lực chung vào công cuộc kháng Pháp. Với mục đích đó, Giáo Chủ chấp nhận đến họp cùng ủy viên Quân sự và Thanh tra Chánh trị miền Tây của Việt Minh, tại một địa điểm do Việt Minh lựa chọn. Và ngay trong phiên họp đêm đó, Việt Minh đã tổ chức một toán Vệ quốc đoàn phục kích sẵn quanh phòng họp, xả súng liên thanh tự động vào Huỳnh Giáo Chủ.
Nhưng Giáo Chủ không chết, và liền sau đó, viết một bức thơ tay cho một người tín đồ phi ngựa đem về hành dinh quân sự ở phía Bắc Đồng Tháp Mười, thông báo về “một việc xảy ra bất ngờ”, nhưng hạ lệnh cấm không cho động binh kéo tới chỗ đó. Bức thơ viết tay này gởi cho hai ông Trần Văn Soái và Nguyễn Giác Ngộ, hai lãnh tụ quân sự có mặt ở hành dinh Đồng Tháp lúc đó (làng Phú Thành, Long Xuyên).

Qua những tài liệu của Phật Giáo Hoà Hảo và quân đội Pháp nói về tình hình mới sau khi Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt, thì Pháp đã đóng vai “ngư ông thủ lợi” khi mâu thuẫn giữa Việt Minh và Phật Giáo Hoà Hảo bùng nổ thành chiến tranh sắt máu. Nhận định của Pháp lúc đó coi Việt Minh là địch thủ chính và dài hạn, Phật Giáo Hoà Hảo là địch thủ phụ. Cho nên Pháp đã chuẩn bị sẵn thái độ khi xung đột Phật Giáo Hòa Hảo-Việt Minh xảy ra. Tình báo Pháp đã theo dõi, nghiên cứu không khí hợp tác giữa Phật Giáo Hòa Hảo, Việt Minh, mà họ cho là miễn cưỡng. Họ tiên liệu rằng Việt Minh sẽ tái diễn chủ trương đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo như đã thi hành năm 1945. Và đó là cơ hội mà quân đội Pháp chờ đợi, để xen vào thủ lợi. Tác giả Savani, chỉ huy cơ quan quân báo Pháp lúc đó đã ghi lại như sau trong tài liệu: ... Theo một tài liệu phổ biến ngày 21-4-1947, ủy ban Kháng chiến Nam Bộ (Việt Minh) đã chỉ thị cho các cấp quân sự của họ các biện pháp áp dụng để tiêu diệt sự chống đối của đảng Dân Xã (Phật Giáo Hòa Hảo). Bởi vì khi tin Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh bắt được loan ra, thì khối Hòa Hảo lập tức quay mũi súng về phía Việt Minh. Đây là cơ hội của ta (Pháp). Không thể bỏ qua... Tác giả Fusier đã viết: ... Khi Huỳnh Phú Sổ tham gia ủy ban Hành chánh Nam Bộ với chức vụ ủy viên Đặc biệt, Hòa Hảo thành lập một Trung đoàn (Régiment) do Trần Văn Soái làm Tư lịnh, Lâm Thành Nguyên Phó Tư lịnh, Nguyễn Giác Ngộ Chánh trị viên. Đơn vị này nhiều lần tấn công quân đội Pháp, nhưng vẫn chưa quên trong ký ức cuộc tàn sát trước kia (9-1945), cho nên thường xẩy ra những rắc rối trong mối tương quan hợp tác giữa Việt Minh và Hòa Hảo.

Hơn thế, tinh thần “độc lập” của Hòa Hảo, và tâm lý nghi ngờ cao độ của họ đối với Việt Minh, làm cho cuộc hợp tác này tất nhiên không thể bền bỉ được. Phía Việt Minh đề phòng thái độ ly khai của Hòa Hảo, nên họ đã phục kích sẵn, để ám hại ông vào tháng 4-1947. Khi tin này được loan ra, tất cả tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, không trừ một người nào, đều quay lại chống Việt Minh. Và do đó, quân đội của Trần Văn Soái quyết định về hợp tác với chúng ta... (*) Tác giả Hervé đã viết: ... Từ tháng 10-1946, tin tức tình báo tổng hợp biết rằng không khí hợp tác Việt Minh-Hòa Hảo không êm đẹp hòa thuận. Tại Sadec tháng 12-1946, Việt Minh hạ lịnh theo dõi hành động của Hòa Hảo trong tỉnh Long Xuyên. Tháng 1-1947, ủy ban Hành chánh và công an Việt Minh cũng lo thái độ đề phòng phía Hòa Hảo. Qua tháng 2 và 3-1947, đã xẩy ra những cuộc đụng độ giữa các đơn vị quân sự Việt Minh và Hòa Hảo.

... Tháng 3-1947, đụng độ quân sự đẫm máu đã xẩy ra, tình hình càng ngày càng nghiêm trọng, cho đến tháng 4-1947 thì Trần Văn Nguyên, thanh tra chính trị miền Tây của Việt Minh công khai lên án Huỳnh Phú Sổ, rồi bày kế bắt ông này. Những khó khăn trong cuộc hợp tác Việt Minh- Hòa Hảo phát sanh từ đường lối độc tài của Việt Minh và chủ trương của Hòa Hảo chống đối quyền lực Việt Minh, đã được thúc đẩy thêm bởi các hoạt động của sở mật thám Pháp và của đại tá Cluzet tư lịnh miền Tây; ông này cũng là người đã cụ thể hóa sự hợp tác trong một bản hiệp định liên quân ký kết ngày 18-5-1947, giữa đại tá Cluzet và Năm Lửa, tức biệt danh của Trần Văn Soái... (*)

2- Diễn Tiến Biến Cố 16-4-1947

Những hàng sau đây là bản tường thuật, gần như một bản nhựt ký của ngày 15 và ngày 16-4-1947, các sanh hoạt của Huỳnh Giáo Chủ. Hôm sau Đức Thầy nhận được hai văn thơ, một của Trần Văn Nguyên đặc phái viên kiêm thanh tra chánh trị miền Tây Nam Bộ, và một của Bửu Vinh, mời Ngài đến dự hội nghị họp tại làng Tân Phú, để định liệu kế hoạch hòa giải giữa Việt Minh và Hòa Hảo Dân Xã.

Vào 7 giờ sáng ngày 15-4-1947 (24 tháng 2 nhuần), Đức Thầy xuống ghe đi với ba người chèo, bốn tự vệ quân, ông Đại đội trưởng Đại đội 2 và người thơ ký văn phòng là ông Huỳnh Hữu Thiện.

Lối 8 giờ sáng, ghe tới chợ Ba Răng, có Trần Văn Nguyên xuống bến đón Ngài lên chợ. Ngài diễn giảng trước đám đông người, kêu gọi sự đoàn kết chống xâm lăng, và gạt bỏ hận thù giữa Việt Minh và Dân Xã. Trưa lại, Ngài dùng cơm với Trần Văn Nguyên trong một căn phố gần đó. Sau bữa cơm, độ 12 giờ, Trần Văn Nguyên và một thơ ký xuống đi chung ghe với Ngài đến Đốc Vàng Hạ thuộc thôn Tân Phú. Đến đây, một bản hiệu triệu được công bố, cho biết các cấp chỉ huy hai bên đang bắt tay nhau lo việc hòa giải, và kêu gọi hai bên đừng xô xát nhau.

Sau khi dùng cơm chiều, Đức Thầy lại nghỉ ở nhà một tín đồ gần đó. Hôm sau, ngày 16-4-1947 lối 7 giờ sáng Đức Thầy trở lại hội đàm với Trần Văn Nguyên, rồi phái ông Ngô Trung Hưng cùng một nhân viên của Trần Văn Nguyên đi các thôn hòa giải.

Sau khi dùng bữa cơm trưa, Đức Thầy xuống ghe nghỉ, thì Bửu Vinh đến đưa thơ yêu cầu được gặp Ngài. Trong cuộc hội kiến, Bửu Vinh báo cáo rằng dân xã giết Việt Minh ở Lấp Vò, và buộc Đức Thầy phải đi, nhưng Ngài tỏ ra cương quyết biện bác và đòi Bửu Vinh cùng đi. Bửu Vinh khước từ và đòi phải cho bộ đội có võ trang theo phòng vệ, thì mới đi. Ngài trả lời một cách cứng cỏi:
— Tại sao tôi có một ít người không có bộ đội ủng hộ, lại dám vào sào huyệt của các ông? Như thế quí ông không thành thật.
Bửu Vinh không trả lời được, nên buộc lòng phải đi, và yêu cầu Đức Thầy đến văn phòng của y để cùng đi. Liền lúc đó, Trần Văn Nguyên đến trao cho Ngài một mảnh giấy nói rằng có điện tín từ ủy ban Hành chánh Nam bộ mời Đức Thầy trở về miền Đông lập tức để dự phiên họp bất thường.
Đức Thầy trả lời không thể trở về dự phiên họp được, vì còn lo việc hòa giải. Chiều hôm ấy, Trần Văn Nguyên từ giã Ngài vào lúc nhá nhem tối.
Y lời hẹn, Đức Thầy xuống ghe đến văn phòng Bửu Vinh, có một liên lạc viên dẫn đường. Trời tối đen như mực, bỗng có tiếng kêu: “Ghe ai đó? Sao giờ này đã thiết quân luật mà còn dám đi?.” Người liên lạc trả lời: “Đi lại văn phòng ông Bửu Vinh.” Liền đó có lịnh biểu ghe ghé lại. Rồi thì đèn chói rọi xuống, khi biết là ghe của Đức Thầy, chúng nói ông Bửu Vinh mời Đức Thầy lên văn phòng.
>Đức Thầy cùng bốn tự vệ quân lên một nhà ngói. Ngài vào ngồi bàn giữa, nói chuyện với Bửu Vinh, còn bốn tự vệ quân thì cầm súng đứng hai bên cửa gần đó. Mười phút sau, lối 7 giờ rưỡi, có tám  người từ bên ngoài đi vào, chia làm bốn cặp, tràn tới đâm bốn  tự vệ quân. Ba người bị đâm chết, chỉ còn anh thứ tư là Phan Văn Tỷ lanh trí nên tránh kịp, liền thoát ra ngoài, bắn một loạt tiểu liên. Trong lúc anh Tỷ né, thì một trong hai tên Việt Minh bị đồng bọn của mình đâm chết.
Thấy chuyện chẳng lành, Đức Thầy lanh lẹ thổi tắt ngọn đèn, văn phòng trở nên tối đen, không ai nhận ra Đức Thầy đâu cả.
Viên thơ ký của Ngài và ba người chèo ghe lẹ làng tẩu thoát, vội vã về báo tin. Tiếng tù và thống thiết nổi dậy báo động. Binh sĩ toan vác súng kéo đi giải vây, thì vào khoảng 11 giờ đêm, bỗng có một tín đồ phi ngựa về Phú Thành mang một bức thư như sau:

Thủ bút và chữ ký của Đức Huỳnh Giáo Chủ

Ngày 16 tháng 4 năm 1947 Dương lịch, đi để giàn xếp các vụ xung đột giữa Việt Minh-Hòa Hảo, Đức Giáo Chủ đến làng Tân Phú (tức Đốc Vàng Hạ) thuộc tỉnh Long Xuyên.
Nơi đây, Bửu Vinh đã lập tâm ám hại Ngài, nhưng sau những tiếng súng liên hồi, Đức Giáo Chủ vẫn không hề hấn. Ngài bình thản viết lá thư này trước mặt một người tín đồ và sai người này mang về vị trí.

Ông Trần Văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ.
Tôi vừa hội hiệp với ông Bửu Vinh, bỗng có sự biến cố, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân còn điều tra. Trong mấy anh em phòng vệ, không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay mưu sát, thì các ông đừng tin và đừng náo động, cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu. Hãy đóng quân y tại chỗ, sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi về sau.
Phải triệt để tuân lệnh.


16-4-1947, 9 giờ 15 đêm. Ký tên: HUỲNH PHÚ SỔ.

Ông Mai Văn Dậu đem đối chiếu chữ ký và chữ viết, thì nhận là chính của Đức Thầy. Thế là mọi người phải tuân lịnh, chỉ nhìn nhau thở dài, với niềm hy vọng ngày mai Ngài sẽ trở về.
Nhưng từ ngày 16-4-1947 đến nay, vẫn bặt luôn tin tức. (*) Người đọc dừng lại một phút để suy xét sẽ nhận thấy các điểm trọng yếu sau đây:
1.    Huỳnh Giáo Chủ chú trọng rất nhiều vào mục tiêu hòa giải để bảo vệ tiềm năng kháng chiến.
2.    Phía Việt Minh khi trao điện tín mời Huỳnh Giáo Chủ về họp tại miền Đông, là đã có âm mưu sẵn rồi. Những thái độ và lời nói của Trần Văn Nguyên và Bửu Vinh trong công tác hòa giải chỉ là ngụy trang. Chính hai nhân vật này đã biết rõ âm mưu dự tính, và biết việc gì sẽ xẩy ra trong đêm 16-4.

Tài liệu sau đây, bản Huấn lịnh ngày 21-4-1947 là bằng chứng về chánh sách khủng bố đàn áp của Việt Minh đối với Phật Giáo Hòa Hảo, Dân Xã.

3- Huấn Lịnh Gởi Các Cấp Hành Chánh, Quân Đội, công An 1
1.    Tại nơi nào có Dân Xã nổi dậy, phải bắt hết các cơ quan chỉ huy quân sự, hành chánh, và mọi tổ chức Bảo An, dân quân của Dân Xã Đảng, cấp tỉnh, quận và xã. Tại các vùng khác, phải bắt hết các Ban trị sự, Ban chỉ huy quân sự, Bảo An cấp tỉnh, quận. Bí mật bắt giam các thành phần nguy hiểm, tình nghi chống đối.
2.    Đặc biệt tại các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ, Sa Dec, phải động viên và võ trang mọi tổ chức cứu quốc.
3.    Hạ lịnh cho tất cả đảng viên Dân Xã phải giao nạp võ khí. Kẻ nào còn giấu giữ võ khí, phải bị trừng phạt nặng nề.
4.    Áp dụng tình trạng thiết quân luật để trừng trị, không cần thiết đưa ra tòa án. (1)
5.    Bắt buộc các đảng viên Dân Xã phải tuyên bố ủng hộ chánh phủ và quân đội. Kẻ nào từ chối, sẽ bị nghiêm trị. Tại các vùng mà dân chúng tất cả đều là Dân Xã, phải lựa các thành phần nào không tham gia Dân Xã nổi dậy, mà đưa họ vào tổ chức của ta.

Ngày 21-4-1947
Ký tên: Thanh tra Chánh trị Trần Văn Nguyên
và Giám đốc Công an Kiều Tấn Lập

(1)    Có nghĩa là thủ tiêu, giết chết không cần án tòa.

Chiến dịch khủng bố khốc liệt của Cộng Sản diễn ra khắp miền Tây đã sát hại dưới nhiều hình thức cả chục ngàn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Ông Hồng Văn Hoạnh, một tín đồ quê tại Tân Châu cho biết:

Sau khi các đơn vị quân sự Cộng Sản rút lui khỏi vùng Phú An Phú Lâm, dân chúng địa phương khám phá ra mấy hầm chôn xác chết, mỗi hầm trên ba ngàn người, tổng cộng gần 10.000. Người chung quanh cho biết nhiều người còn sống cũng bị chôn luôn, cảnh tưởng hãi hùng chưa từng có. Vì không phân biệt được danh tánh những người chết, nên Ban trị sự tại đây lập mộ đài cúng giỗ tập thể mỗi năm. Nghe đâu tại các vùng Tân Thành Cải Cái cũng có nhiều hầm chôn như thế. Còn ghê gớm hơn vụ Mậu Thân ở Huế. (*)

Tình thế đó được mô tả trong một trang ký sự đăng trên tập san Đuốc Từ Bi số 5, ngày 1-4-1982, như sau:

Sau ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ bị ám hại (16-4-1947), tình thế trở nên khẩn trương. Khắp nơi lửa cháy bừng bừng, bộ đội võ trang của Cộng Sản kéo quân bao vây, chỗ nào có bàn Thông thiên là họ nổi lửa đốt nhà, bắn người không cần xét xử; hàng ngày hàng giờ, những tin tức do liên lạc chạy bộ hay đi xe đạp về Thánh địa Hòa Hảo, báo động liên tiếp ngày đêm. Tình trạng thật nguy hiểm, khu Thánh địa cũng bị hăm dọa bởi chi đội 18 của Cộng Sản, tên Xuyến chỉ huy đã tuyên bố là sẽ tràn vào Thánh địa “làm cỏ không tha một con đỏ”.

Anh chị em Phật Giáo Hòa Hảo vùng Thánh địa quyết tâm tử chiến để bảo vệ Thánh địa, và chỉ sau một cuộc chiến đấu liên tiếp mấy đêm ngày, chi đội 18 Cộng Sản nhận thấy võ khí của họ không thể thắng được những tấm lòng kiên quyết tử vì Đạo, dù chỉ với võ khí bén, vẫn lăn xả vào các họng súng liên thanh, cho nên chi đội 18 đã phải rút quân. Hai bên chết khá nhiều, phía Phật Giáo Hòa Hảo mất nhiều cán bộ trong cuộc tử chiến này.

Cũng trong hoàn cảnh khẩn trương ấy, một chiếc tàu sắt của Pháp chạy đến trên sông Tiền Giang ngang Thánh Địa. Kẻ thù trước mắt, và kẻ thù sau lưng, thử hỏi tình trạng rối ren đến thế nào?

Nhưng lần này tàu sắt Pháp không đổ bộ ruồng bố bắn giết như trước kia, họ quan sát rồi chạy đi.

Đồng thời lúc đó, ở khắp nơi, cảnh tượng tương tự đã diễn ra... Các chị phụ nữ Bảo An vác kiếm, các thanh niên vác tầm vông hay súng, các bô lão tiếp tế, các em bé liên lạc thông tin, cả làng cả xã, cả ấp được huy động thường trực ngày đêm để sẵn sàng đối phó với các bộ đội võ trang của Cộng Sản. ở những vùng xa xôi mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ít, không đủ sức đối phó, thì họ lũ lượt bỏ nhà cửa, tản cư đến các vùng an toàn, tạo ra cảnh màn trời chiếu đất cho hàng trăm ngàn người. Riêng tại Thánh Địa Hòa Hảo, ghe đậu chật dưới sông, người nằm chật các khoảng trống, dưới bụi tre, bụi chuối... toàn là tín đồ tản cư để tránh nạn Cộng Sản tàn sát.

Lúc đó Ban Chấp hành Liên Tỉnh Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng cấp tốc thảo luận về các biện pháp ứng phó. Đại ý các quan điểm tranh luận kẹt vào thế lưỡng nan:
         Một quan điểm cho rằng trong tình thế khẩn trương sinh tử, phải dựa vào Pháp để đối phó với Cộng Sản.
         Một quan điểm khác cho rằng không thể dựa vào Pháp, vì Pháp là thực dân xâm lược, kẻ thù dân tộc.
         Một cuộc hội nghị tối cao Quân Chánh được triệu tập khẩn cấp tại Thánh địa dưới sự chủ tọa của Đức Ông Huỳnh Công Bô, cố vấn tối cao, gồm các lãnh tụ quân sự, chánh trị, tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã.
Những quyết định căn bản của hội nghị này là:
         Giữ vững lập trường căn bản tranh đấu cho mục tiêu Việt Nam độc lập thống nhất.
         Thực dân Pháp và Việt Minh Cộng Sản là hai kẻ thù dân tộc, nhưng trước mắt phải đối phó với hiểm họa tiêu diệt do Cộng Sản chủ trương.

Do đó hội nghị lấy các quyết định sau đây:
1.    Phật Giáo Hòa Hảo giữ Đạo chơ Thầy, bảo tồn chánh pháp.
2.    Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng tiếp tục con đường cách mạng dân tộc, chống Pháp chống Cộng để bảo tồn chánh nghĩa trong thời gian Đức Thầy vắng mặt.
3.    Chi đội 30 Nguyễn Trung Trực từ nay rút khỏi hệ thống Vệ quốc đoàn, nhưng không ra hợp tác với Pháp, để bảo toàn danh nghĩa chống Pháp mà Đức Thầy đã nêu lên khi thành lập đơn vị quân sự này.
4.    Khí giới của chi đội 30 được trao lại cho các đơn vị quân sự nào lúc đó đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đồng đạo, và vì nhu cầu đó phải ra hợp tác với Pháp.
5.    Quyết nghị số 4 này mang tính chất thực tế, vì hội nghị biết rằng trong tình thế khẩn trương đó, không thể nào ngăn cản phản ứng tự nhiên của các cấp quân sự, tìm phương tiện võ khí để tự vệ và bảo vệ đồng đạo trước làn sóng khủng bố tàn bạo ghê gớm của Cộng Sản.

Ban Chấp Hành Liên Tỉnh Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng lúc đó thay mặt Trung ương Đảng bộ, trực tiếp ứng phó tình hình miền Tây, đã chỉ thị cho hệ thống Ban Chấp Hành Dân Xã toàn quốc áp dụng lập trường không hợp tác với Pháp, hoạt động bí mật để bảo tồn cơ sở.

Nhưng thực sự, đó là một thế kẹt. Lập trường đó chỉ có thể bảo vệ được danh nghĩa nhưng không hữu hiệu trong một hoàn cảnh mà chính mình không đủ sức mạnh để một lúc chống lại hai kẻ địch, Pháp trước mặt và Việt Minh sau lưng.

Tự trong tình huống đó, khởi đầu giai đoạn hợp tác với Pháp, và đưa đến hiệp định liên quân 18-5-1947 ký kết giữa ông Trần Văn Soái va Đại tá tư lịnh miền Tây của Pháp.

4- Thế Kẹt Lưỡng Đầu Thọ Địch: Pháp Và Cộng Sản
16-4-1947 đã trở thành một khúc quanh lịch sử của Phật Giáo Hòa Hảo. Đứng trước một tình thế lưỡng nan, nguy hiểm, tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo phải lấy một quyết định lựa chọn giữa hai kẻ thù. Vì không thể chiến đấu chống một lần cả hai đối lực, trên hai trận tuyến. Tương quan lực lượng cũng bất lợi cho Phật Giáo Hòa Hảo. Họ chỉ có khối quần chúng đồng đạo hậu thuẫn, nhưng lại rất ít võ khí so với Việt Minh và Pháp. Trong số mấy chục ngàn đội viên Bảo An đã đoàn ngũ hóa, chỉ dưới năm phần trăm được võ trang bằng súng đạn, số còn lại chỉ có tầm vông và đao kiếm. Số quân võ trang bằng súng của Việt Minh lúc đó tại Hậu Giang ít nhứt cũng 5 lần nhiều hơn. Phía quân đội viễn chinh Pháp cố nhiên đầy đủ súng cá nhân, súng cộng đồng và các loại trang bị nặng: pháo binh, hải quân, không quân.

Trước 16-4-1947, tuy rằng Pháp võ trang đầy đủ, tối tân, nhưng cũng không vì thế mà chủ động được chiến trường du kích của kháng chiến Việt Nam. Pháp cũng không thể kiểm soát diện địa mọi nơi, chỉ mạnh tại đô thị và trục lộ giao thông. Phe kháng chiến làm chủ tình hình nông thôn bưng biền, mà Pháp ít khi dám mạo hiểm vào, nếu không phải là những cuộc hành quân lớn. Việt Minh và Phật Giáo Hòa Hảo không phải lo ngại phía sau lưng, mà chỉ cần đối phó quân đội Pháp từ bên ngoài hành quân tấn công vào các chiến khu.

Sau 16-4-1947, tình thế khác hẳn. Phật Giáo Hòa Hảo lưỡng đầu thọ địch, sẽ phải chịu đựng rất nhiều tổn thất sanh mạng, và có thể bị tiêu diệt nếu cả hai kẻ thù cùng tấn công một lần, dù đó không phải là một cuộc hành quân phối hợp giữa Pháp và Việt Minh. Hãy tưởng tượng một hoạt cảnh chiến trường trong tình thế đó: Nếu quân đội Pháp mở cuộc hành quân vào vùng đóng binh của một đơn vị võ trang Phật Giáo Hòa Hảo, và Việt Minh lợi dụng cơ hội đó, kéo quân dàn phía sau lưng, chờ khi các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo lui quân trước sức tấn công của Pháp, Việt Minh sẽ không phải khó nhọc nhiều để tiêu diệt đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo đang bị kẹt giữa hai làn đạn này.
5- Thái Độ Chánh Phủ Cộng Hòa Nam Kỳ
Thái độ của phía chánh phủ Nam Kỳ sau khi biến cố 16-4-1947 xẩy ra, được mô tả trong một số văn kiện mà tác giả là Nguyễn Văn Tâm, lúc đó giữ chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng trong nội các Lê Văn Hoạch. Những tài liệu này biểu lộ sự bất lực và thái độ rụt rè của chính phủ, cũng là một sự xác nhận chánh sách cơ hữu “chia để trị” đối với Phật Giáo Hòa Hảo. Ông Nguyễn Văn Tâm có óc thực tế và bản chất thẳng thắn, nhắm vào hiệu năng công việc, nên đã lên tiếng phản đối thái độ chánh phủ trong việc đối xử thiếu tích cực giúp đỡ Phật Giáo Hòa Hảo trong tình thế nguy ngập khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tâm đã về điều nghiên tình hình tại miền Tây, nắm vững vấn đề, và đưa các đề nghị sau đây:

Tiếp theo điện văn số 49 ngày 15-4-1947 và văn thư ngày 17, 21-4, tôi yêu cầu Thủ tướng lấy quyết định về vấn đề thời sự nóng bỏng, có thể tạo các hậu quả quan trọng, là vấn đề Hòa Hảo.
Hoặc là chúng ta võ trang Hòa Hảo, với hậu quả là họ có thể quay lại chống chúng ta về sau khi có võ khí trong tay.
Hoặc là chúng ta để mặc cho họ bị Việt Minh đàn áp, với các hậu quả của tình trạng đó.
Không thể kéo dài mà không quyết định. Theo ý kiến của tôi, giải pháp thích nghi là nên võ trang cho Hòa Hảo để họ tự vệ, đồng thời có biện pháp đề phòng hậu quả.

Dù sao, một quyết định khẩn cấp rất cần thiết, chánh phủ phải có thái độ rõ ràng, vì không thể kéo dài tình trạng mập mờ hiện nay, có thể làm cho giới Hòa Hảo nghi ngờ và giảm nhuệ khí. (Lược trích văn thơ mật số 78 ngày 6-5-1947 của Tổng trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Tâm gửi Thủ tướng Lê Văn Hoạch.)

... Theo ý tôi, cần phải tạo sự tin cậy của phía Hòa Hảo bằng các phương tiện đầy đủ, thay vì cứ ở trong tình trạng nghi ngại không có lý do, như thái độ từ trước đến nay. Chánh sách hiện nay có khuynh hướng chia rẽ nội bộ quân lực Hòa Hảo. Lẽ ra chúng ta phải giúp Hòa Hảo kết hợp để tăng hiệu năng tối đa trong việc chiến đấu chống Việt Minh. Không có lý lẽ nào có giá trị để bào chữa cho chánh sách chia để trị cả.

Nếu cứ tiếp tục chánh sách tiêu cực hiện nay, sẽ có các hậu quả xấu ngày mai... Chánh sách võ trang cầm chừng, yếu ớt, đã có các hậu quả ngược lại, nhiều đơn vị Hòa Hảo vì không đủ võ khí tự vệ đã bị Việt Minh tàn sát, làm cho hàng ngàn tín đồ phải bỏ làng di cư, và phải sống khốn khổ, chen chúc trên các ghe thuyền, đầy nhóc người già cả, con trẻ, đàn bà, rồi sẽ phát sanh bịnh tật và các vấn đề rắc rối khác. Nhiều đội Bảo an thiếu võ khí đã phải bỏ làng tản cư, như trường hợp đã xẩy ra tại tỉnh Sa Dec, họ chạy lánh nạn tại Cù Lao Cát.

Tình trạng này chắc chắn sẽ đưa đến hậu quả tai hại lớn lao.
Vì thế, tôi xin lưu ý Thủ tướng về sự cần thiết phải có một chánh sách minh bạch, tích cực và nhứt thống về vấn đề Hòa Hảo, chớ không thể để kéo dài tình trạng này, và để cho các vị tỉnh trưởng hay chỉ huy khu vực tự ý hành động theo tư ý cá nhân mỗi người. (*)

6- Thế Kẹt Không Có Giải Pháp Vẹn Toàn
Với chủ mưu gây ra biến cố 16-4-1947, Việt Minh đã lấy một quyết định dứt khoát thái độ: không hòa giải nữa, nhứt định tiêu diệt Phật Giáo Hòa Hảo bằng võ lực. Phía Phật Giáo Hòa Hảo cố nhiên cũng phản ứng bằng võ lực. Từ biến cố đó, mở đầu giai đoạn quân sự hóa mạnh mẽ khối Phật Giáo Hòa Hảo.
Nếu Phật Giáo Hòa Hảo chỉ là một tổ chức cán bộ hoặc đơn vị quân sự, thì có thể không cần phải hợp tác với Pháp trong hoàn cảnh đó. Một tổ chức cán bộ hay một đơn vị quân sự được tổ chức chặt chẽ, lại ít người, nên dễ phân tán, để tự tồn tự vệ trong những hoàn cảnh khẩn trương, bất lợi. Thí dụ, năm 1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng, sau khi cuộc nổi dậy Yên Bái thất bại, đã có thể phân tán cán bộ và đảng viên vào ẩn náu trong quần chúng để tránh né màng lưới mật thám Pháp. Năm 1946, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt bị Cộng Sản Việt Minh đàn áp, cũng có thể phân tán cán bộ để tránh mũi dùi khủng bố. Một số lưu vong sang Trung Hoa, một số về thành sống dưới sự cai trị của Pháp, nhưng cũng vẫn có thể ẩn náu để tự tồn.

Nhưng Phật Giáo Hòa Hảo là một tổ chức quần chúng khá đông, không thể phân tán đi đâu được. Khối quần chúng lại là mục tiêu có sẵn, đối phương có thể đến tấn công và tàn sát bất cứ lúc nào, chỗ nào. Mục tiêu lúc nào cũng lộ diện.

Với số tín đồ khoảng trên một triệu người lúc đó, Phật Giáo Hòa Hảo như một con voi, không có cái thúng nào úp lên che kín được. Có những làng gần 100 phần trăm dân số là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, Cộng Sản nhắm mắt xả súng cũng hạ được người Phật Giáo Hòa Hảo. Các đơn vị quân sự Việt Minh có mặt tại chiến trường miền Tây lúc đó, như đơn vị Bùi Văn Danh, chi đội 18 của Xuyến, chi đội Văn chỉ huy... đã không ngần ngại, công khai tuyên bố và thi hành: kéo quân đội đến “làm cỏ” các vùng Hòa Hảo. “Làm cỏ” có nghĩa là đến đốt phá hết nhà cửa, lương thực, tàn sát hết người, không phân biệt quân sự hay dân sự, già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, con nít hay người lớn, bởi tất cả đều là “Hòa Hảo”, và phải tiêu diệt theo kế hoạch tận diệt Phật Giáo Hòa Hảo đã được quyết định bởi đảng Cộng Sản.

Trong một tình huống như thế, sinh lộ duy nhứt và trước mắt của khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là tìm võ khí để tự bảo vệ. Những vấn đề khác, kể cả kháng Pháp cũng không khẩn trương bằng vấn đề tự vệ tự cứu. Như người sắp chết đuối không còn phân biệt tấm ván cứu tử kia là của ai nữa. Nhứt là đối với quần chúng, một quần chúng tín ngưỡng đang sống trong bầu không khí phẫn nộ, khẩn trương, căng thẳng đến tột độ, mà không một lý luận chánh trị nào còn có giá trị bằng cây súng để tự cứu mình.

Những nghiên cứu về khoa tâm lý quần chúng đã ghi nhận sự kiện tâm lý đám đông khi nổi giận thường hành động theo tình cảm, xúc động, theo bản năng không theo lý trí nữa.

Hoàn cảnh và tâm lý đó, đương nhiên đưa đến tình trạng hợp tác với Pháp để có võ khí đánh lại Cộng Sản. Cho nên, những sử gia sau này, nếu muốn bảo tồn tính cách trung thực của công tác chép sử, cần phải tìm hiểu bối cảnh phát sanh việc Phật Giáo Hòa Hảo hợp tác với Pháp lúc đó, thay vì chỉ đơn giản phê phán. Cao Đài cũng vì áp lực khủng bố của Cộng Sản mà đã về hợp tác với Pháp trước đó, từ 8-1-1947. Cũng như không nên đơn giản kết tội “thân Pháp” cho những lãnh tụ Quốc Dân Đảng, Đại Việt đã phải trốn Cộng Sản, về “tề”, và núp dưới cây dù an ninh của quân đội Pháp, hoặc ra nhận các chức vụ trong guồng máy chánh quyền tại thành phố, cộng tác và sống chung với Pháp.

Tuy vậy, không phải toàn bộ khối Phật Giáo Hòa Hảo ra hợp tác với Pháp, mà thực sự chỉ là một cuộc liên minh về quân sự, Bộ phận chính trị của Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng tại miền Tây, vẫn cố gắng bảo tồn lập trường kháng Pháp, và một số đơn vị quân sự cũng không chấp nhận ra hợp tác với Pháp, vẫn tiếp tục tấn công các đơn vị Pháp dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đơn vị Nghĩa quân Cách mạng do Lê Quang Vinh chỉ huy không chấp nhận hợp tác với Pháp, tiếp tục sống trong bưng biền. Chi đội 30 Nguyễn Trung Trực do Nguyễn Giác Ngộ chỉ huy cũng không ra hợp tác với Pháp. Ban Chấp Hành liên tỉnh Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng vẫn tiếp tục đường lối chống thực dân Pháp.

Người Pháp lúc đó cũng nhận thấy các khuynh hướng chống đối này, nếu phát triển và bành trướng mạnh mẽ lên, sẽ thành những khó khăn trở ngại cho họ, cho nên Pháp đã tìm mọi phương cách để bóp nghẹt.

Tuy nhiên, các hoạt động kháng Pháp nói trên, vì hoạt động bí mật và địa phương, không liên kết được với các tổ chức kháng Pháp ở các nơi khác, cho nên ít được biết tới, ít được nhắc nhở. Trái lại, bộ phận hợp tác với Pháp hoạt động công khai, bành trướng mau lẹ, tạo một sanh hoạt mới, một bộ mặt mới cho khu vực miền Tây Nam Việt lúc đó, và trở thành một thế lực tại miền Nam, cho nên đã được mọi người biết tới, nói tới.

Tuyên truyền Cộng Sản Việt Minh cố nhiên không bao giờ muốn nói đến các bộ phận kháng Pháp của Phật Giáo Hòa Hảo, mà dồn rất nhiều nỗ lực để bôi xấu khối Phật Giáo Hòa Hảo nói chung. Cán bộ tuyên truyền Cộng Sản đồn đãi tin theo lối rỉ tai, và viết bài cho báo chí xuất bản tại Saigon, đã tạo ra những mẩu chuyện, những sự kiện, những tin tức, nói là “chuyện thật miền Tây” hay “chuyện thật Hòa Hảo” với kỹ thuật viện dẫn nhân chứng và bằng cớ giả tạo, làm cho người đọc, người nghe không thể không lưu ý, và rốt cuộc tự tạo cho mình một thành kiến xấu đối với Phật Giáo Hòa Hảo. Điển hình là câu chuyện “Hòa Hảo ăn thịt người” và câu nói ví von “nói láo như Hòa Hảo”, còn được truyền lại mãi về sau này. Ngay các giới sống ngoài Bắc Việt, không hề biết Phật Giáo Hoà Hảo, không hề tiếp xúc hay đối nghịch quyền lợi với Phật Giáo Hòa Hảo mà khi di cư vào trong Nam năm 1954, cũng đã thuộc sẵn mấy câu “Hòa Hảo ăn thịt người” và “nói láo như Hòa Hảo.”

7- Hiệp Định Liên Quân Pháp - Hòa Hảo Ra Đời
Sau những ngày thương thuyết về các điều kiện hợp tác, ngày 18-5-1947, một bản Hiệp ước liên quân được ký kết tại Cần Thơ, giữa ông Trần Văn Soái và Đại tá Cluzet, tư lịnh miền Tây. Tác giả Savani, sĩ quan chỉ huy cơ quan quân báo Pháp lúc đó đã ghi lại như sau trong tài liệu:

...Sau khi Đức Thầy vắng mặt, các lãnh tụ quân sự và tôn giáo của Phật Giáo Hòa Hảo nghiên cứu các điều kiện để hợp tác với quân đội Pháp. Mặc dù có sự bất đồng ý của một số các lãnh tụ như ông Lê Văn Kinh và ông Nguyễn Giác Ngộ, luật sư Mai Văn Dậu là người được ủy nhiệm điều khiển công tác thương thuyết với Pháp.

Phía người Pháp và chánh phủ Nam Kỳ lúc đó, phái đoàn thương thuyết do đại tá Cluzet cầm đầu gồm có đại úy Nogret và thiếu úy (thông ngôn) Bùi Quang Tần thuộc đệ nhị phòng miền Tây, được sự giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Tâm đại diện chính phủ lâm thời Nam Kỳ. Phái đoàn này đã thành công trong mục tiêu giới hạn những yêu sách chánh trị của đảng Dân Xã đưa ra. Một bản văn gọi là Hiệp định Liên quân được ký kết ngày 18-5-1947 tại Cần Thơ quy định các căn bản hợp tác Pháp-Hòa Hảo, và sự tham gia của Phật Giáo Hòa Hảo vào công cuộc bình định.

Phật Giáo Hòa Hảo và lực lượng quân sự được chánh thức công nhận, với tự do tín ngưỡng, được sử dụng quân lực Phật Giáo Hòa Hảo để bảo vệ tín đồ, được quyền đại diện trong các hội đồng hành chánh, được tăng gia võ trang, và mang phù hiệu riêng của Phật Giáo Hòa Hảo. Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cam kết tôn trọng luật pháp, chống lại Cộng Sản Việt Minh, hợp tác với bộ tư lịnh Pháp và nhà cầm quyền hành chánh dân sự.

Trong buổi lễ ký kết Hiệp định Liên quân, ông Trần Văn Soái nhận cấp bực Thiếu tướng với một ngôi sao, do Đại tá Cluzet trao. Các sĩ quan Phật Giáo Hòa Hảo cũng nhận cấp bực. (*)

Việc thương thuyết trước khi ký kết hiệp định đã diễn tiến khá gay go, do sự bất đồng quan điểm giữa đôi bên. Phía Pháp không ghi vào tài liệu những tranh luận trong lúc thương thuyết, nhưng theo tài liệu phía Phật Giáo Hòa Hảo thì quan điểm Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã Đảng đã được ấn định bởi cơ quan Quân chính tối cao Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã Đảng, do ông Cả Huỳnh Công Bộ, thân sinh Huỳnh Giáo Chủ, làm Cố vấn tối cao, với thành phần chính yếu là các nhân vật: Lê Văn Kinh (bí danh ông Lượng Trọng Tường) Trưởng Ban Chấp hành Dân Xã liên tỉnh miền Tây, Ngô Văn Hai (bí danh của ông Nguyễn Xuân Tăng) Tổng Thơ ký, Nguyễn Ngọc Tố Cố vấn, Mai Văn Dậu Đổng lý Văn phòng ủy viên Đặc biệt, Nguyễn Văn Vạn Bí thơ, và một số lãnh tụ quân sự.

Lập trường thương thuyết ấn định bởi Cơ quan Quân chính tối cao Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã Đảng, đã bị Pháp bác bỏ, có các quan điểm sau đây:
1.    Trên nguyên tắc căn bản, đây là một cuộc liên quân Pháp-Hòa Hảo, không phải một cuộc quy thuận của Phật Giáo Hòa Hảo.
2.    Phải có sự cam kết nguyên tắc (engagement de principe) của Pháp tôn trọng đường lối chủ trương của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, là thực hiện một nước Việt Nam có chủ quyền quốc gia.
3.    Quân đội Pháp phải tôn trọng sự chỉ đạo chánh trị của Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đối với tổ chức quân sự Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã.
4.    Pháp phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tự do chánh trị của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, không xen vào nội bộ tổ chức tôn giáo, chánh trị, quân sự của Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã.

Theo quan điểm của phía Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã, thì bốn điểm này thể hiện lập trường nguyên tắc của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, đặt ra với Pháp như một biện minh lịch sử: dù bị lâm tình trạng bất khả kháng phải hợp tác với Pháp, vẫn chủ trương rằng sự hợp tác đó phải tiến đến mục tiêu cứu cánh là đòi lại chủ quyền quốc gia (điểm 2). Các điểm 3, 4 có mục đích ngăn ngừa sự thao túng của Pháp đối với các vấn đề điều hành nội bộ Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã, tránh tình huống bị lệ thuộc vào Pháp và bị chi phối bởi Pháp. Điểm 1 đặt cho rõ vấn đề là Liên quân chớ không phải đầu hàng. Ông Trần Văn Soái lúc đó là đơn vị trưởng Chi đội 2 Lưu động.

Sau biến cố 16-4-1947, đơn vị này tuyên bố rút khỏi Vệ quốc đoàn.
Vì ông Trần Văn Soái trước kia hoạt động tại Cần Thơ, nên ông quyết định đưa đơn vị từ Long Xuyên về Cần Thơ, nơi đó ông thông thuộc địa hình địa vật, và có nhiều quen biết nhân sự. Khi ông về tới Cần Thơ, Pháp cử người đến liên lạc, đề nghị một sự hợp tác. Ông tự biết mình là người ít học, không thể “ăn nói” với Pháp được, nên yêu cầu cấp trên phái người đến nói chuyện với Pháp. Luật sư Mai Văn Dậu lãnh nhiệm vụ này. Ông tốt nghiệp đại học luật khoa tại Pháp, trở về Việt Nam làm luật sư, nhưng vì tánh tình bướng bỉnh, nên bỏ nghề, rồi sau quy y làm tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Khi Huỳnh Giáo Chủ nhận chức ủy viên Đặc biệt trong ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ (với Phạm Văn Bạch là Chủ tịch, Nguyễn Bình ủy viên Quân sự), ông Dậu giữ chức vụ Đổng lý Văn phòng ủy viên Đặc biệt. Ông cũng được cử làm một thành viên của ủy ban Hòa Giải (1946) với hai người khác là linh mục Nguyễn Bá Luật (Công giáo) và Hoàng Dụ Khương (Việt Minh). Ông Mai Văn Dậu gốc gác ở quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ như ông Trần Văn Soái, và cũng đã gặp ông này nhiều lần.

Sau nhiều buổi gặp gỡ các sĩ quan Pháp đại diện Thiếu tướng Pierre Boyer de la Tour Tư lịnh quân đội Pháp kiêm ủy viên Cộng Hòa miền Nam, đại diện của Đại tá Cluzet tư lịnh miền Tây, hai bên đi đến thỏa hiệp, ký kết một bản hiệp định liên quân ngày 18-5-1947. Về bản hiệp định này, có một số chi tiết cần được ghi nhận, mà ít người được biết.

Trước nhứt là sự hiện diện của bản Hiệp định. Các giới thường nghĩ rằng cuộc hợp tác này là một sự “cầu cứu” của Phật Giáo Hòa Hảo với Pháp, và Phật Giáo Hòa Hảo đem quân về thành hợp tác không có điều kiện gì, cũng không có căn bản pháp lý nào. Nhưng sự thật khác hẳn, đó là một bản hiệp định mang chữ ký của hai bên, một đàng là ông Trần Văn Soái, nhơn danh quân lực Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã, một đàng là Đại tá Cluzet, tư lịnh miền Tây Nam Việt, nhơn danh chánh phủ Pháp.

Luật sư Mai Văn Dậu cho biết rằng, tuy là người rất ít chữ, ông Trần Văn Soái lại có quan niệm minh bạch là: “hễ hợp tác thì phải có giấy tờ đàng hoàng, ký kết phân minh” đây không phải việc làm ám muội mà phải giấu diếm thầm lén, nhứt là phải có văn kiện để hai bên biết quyền hạn, bổn phận, theo đó mà làm. Trong ý nghĩ đơn giản của ông Trần Văn Soái, thì người “yêng hùng” phải trọng lời nói, dù chỉ là một lời nói miệng, không có giấy tờ cũng không được nuốt lời. Nhưng ông lại chịu ảnh hưởng của “những việc giấy tờ” mà xưa kia ông bị buộc phải làm mỗi khi đến “quan quyền”. Cho nên ngày nay, đứng ra làm một việc quan trọng, ông cho rằng phải có giấy tờ đàng hoàng. Từ những ý nghĩ đó, ông nhứt định đòi với Pháp phải ký kết một bản hiệp định.

Về bản chất công việc, lúc đó đã xẩy ra tranh luận gay go giữa hai bên. Quan hệ nhứt là bản chất cuộc hợp tác. Bên Phật Giáo Hòa Hảo đưa quan điểm rằng Pháp không thể xem đây là Phật Giáo Hòa Hảo về đầu hàng Pháp, mà phải xem đây là Phật Giáo Hòa Hảo liên quân với Pháp để đánh Cộng Sản. Nguyên Văn đoạn trao đổi ý kiến mà ông Mai Văn Dậu nhắc lại là: ‘’Nous ne pouvons admettre d’être traités commme RALLIÉS, nous demandons à être traités comme ALLIÉS”.

Các sĩ quan Pháp cố nhiên cũng hiểu rằng họ ở thế mạnh, họ có thể cứ hứa cho phía Phật Giáo Hòa Hảo hài lòng về hình thức, rồi về sau phần chủ động vẫn do họ nắm. Cho nên họ nhượng bộ mọi yêu sách, họ sẵn sàng hứa hẹn sẽ thi hành hiệp định theo tinh thần Liên Quân, bởi vậy, bản Hiệp định được gọi là Hiệp Định Liên quân.

Danh từ Rallié và Allié, lúc đó được giải thích rộng rãi trong nội bộ Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã để giải đáp thắc mắc còn rất nhiều, xuất phát từ tinh thần kháng Pháp rất mạnh trong khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và đảng viên Dân Xã. Mới hôm qua còn cầm súng và tuyên truyền chống thực dân Pháp, ngày nay lại ngồi chung với Pháp, dù dưới bất cứ hình thức nào, cũng không khỏi làm cho người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thắc mắc, khó chịu, và thật sự đau lòng.

Vì tâm lý tế nhị đó, mà danh từ “cộng tác” với Pháp cũng không được dùng, bởi trong thời điểm đó, người ta chưa quên danh từ “collabo” mà kháng chiến Pháp đã dùng để kết án phe Vichy của Pétain, Laval hợp tác với Đức Quốc Xã. Danh từ “liên quân” được đưa ra, phân tích như một biểu hiện của bình đẳng trong hợp tác, thay vì chỉ nói “cộng tác” suông có thể bị đồng hóa với “collabo”. Liên quân còn có ý nghĩa quân sự, một cuộc hợp tác thuần túy quân sự, phi chánh trị, có thể được giải thích là Phật Giáo Hòa Hảo chỉ hợp tác với quân đội Pháp, trong mục tiêu quân sự. Còn các vấn đề chánh trị, vẫn giữ tinh thần riêng của mình, được hiểu là tinh thần tranh đấu cho độc lập tự do.

Đó là những lập luận chủ quan của phía Phật Giáo Hòa Hảo, cố gắng tránh các hậu quả tai hại về sau, như phương pháp “giới hạn tai hại” của một việc làm chẳng đặng đừng, một việc làm mà mình đã biết trước là không thể tránh được các hậu quả của nó.

Biết rằng trong tình huống đó, trong thế kẹt lịch sử đó, không thể không hợp tác với Pháp để tự vệ tự cứu, nhưng tinh thần yêu nước đã thể hiện mãnh liệt qua các hy sinh xương máu của mấy năm kháng Pháp, không thể không gây những mặc cảm phức tạp trong những con người Phật Giáo Hòa Hảo đã hấp thụ tư tưởng Tứ Ân từ Đức Phật Thầy Tây An đến Đức Huỳnh Giáo Chủ, những con người đã thuộc lòng bao lời thơ hùng tráng thiết tha yêu non sông đất nước của Giáo Chủ.

Những người có trách nhiệm trong tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó cũng hiểu rằng các sĩ quan Pháp ngồi trước mặt mình, phần nhiều là sĩ quan gốc tình báo, đều là loại cáo già, dù có tươi cười lịch thiệp, nhượng bộ ngoài mặt đó, nhưng sẽ không chấp nhận thể hiện cái tinh thần hợp tác bình đẳng trong thực tế công việc.

Điều giản dị nhứt là họ nắm nguồn tiếp liệu chiến đấu, kể cả võ khí, đạn dược, tài chánh, và quyền hành. Chánh phủ Nam phần Việt Nam lúc đó do ông Lê Văn Hoạch làm Thủ tướng ởSaigon, còn không có “bình đẳng hợp tác” nữa là.
Có một điều quan trọng cần được minh xác:

Đó là thời điểm 15-3-1947, mà trong tài liệu của Savani đã ghi là ngày ông Trần Văn Soái đem 2.000 quân sĩ về Cái Vồn (Bình Minh) để hợp tác với quân đội Pháp. Đây có thể là một sai lầm đánh máy, mà cũng có thể là một ác ý của phòng nhì Pháp, bóp méo tài liệu lịch sử. Sự thật, ngày 15-3-1947, ông Trần Văn Soái còn có mặt bên cạnh Huỳnh Giáo Chủ trên hành trình từ chiến khu miền Đông về miền Tây, và ngày Huỳnh Giáo Chủ đi phó hội với Việt Minh và bị ám hại (16-4-1947), ông Trần Văn Soái có mặt tại Đồng Tháp, thì làm sao ông lại có thể kéo quân ra tại Cái Vồn ngày 15-3-1947 được? (tức trước đó hơn một tháng.) (*)

Sở dĩ cần thiết phải minh xác thời điểm này, vì trong tài liệu của Việt Minh thường viện cớ rằng Phật Giáo Hòa Hảo bí mật liên lạc với quân đội Pháp, như là một hành động thông đồng với giặc. Nếu ngày 15-3-1947 mà ông Trần Văn Soái đã kéo binh ra Cái Vồn hợp tác với Pháp, thì lời tố cáo của Việt Minh là đúng.

Nhưng sự thực là: tài liệu của Pháp sai, hoặc do vô ý hoặc do ác ý. Đây là điều cần được minh xác.

8- Lược Dịch Bản Hiệp Định Liên Quân Pháp Hòa Hảo
Điều 1. Tất cả tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo được bảo đảm tự do tín ngưỡng trên khắp miền Tây Nam Việt.


Điều 2. Quân đội Phật Giáo Hòa Hảo dưới sự chỉ huy của ông Trần Văn Soái tự Năm Lửa được quyền bảo vệ tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chống lại Việt Minh, hoặc bằng phương tiện cơ hữu, hoặc phối hợp hành quân với quân đội Pháp.


Điều 3. Về mặt hành chánh, tổ chức Hòa Hảo tôn trọng luật lệ chung, các nguyện vọng của Hòa Hảo được tôn trọng. Phật Giáo Hòa Hảo được quyền có đại diện tương xứng với dân số, trong các hội đồng lâm thời cấp tổng và tỉnh.


Điều 4. Tín đồ Hòa Hảo từ chối mọi cộng tác với Việt Minh, và trục xuất mọi cơ quan, nhân sự, hoạt động của Việt Minh ra khỏi các khu vực Hòa Hảo.


Điều 5. Quân lực Hòa Hảo gồm có: các đơn vị lưu động dân quân cách mạng Dân Xã Đảng đặt dưới quyền chỉ huy của ông Trần Văn Soái. Các đội Bảo An, tự vệ được võ trang bởi tỉnh trưởng, hoạt động theo quy chế địa phương, dưới hệ thống hành chánh địa phương.


Sự chỉ huy của tất cả các đơn vị này hoàn toàn do sĩ quan Hòa Hảo đảm nhận.


Điều 6. Chi tiết điều hành vấn đề võ trang và tiếp liệu.


Điều 7. Quân lực Hòa Hảo hoạt động một mình, nhưng có thể yêu cầu quân đội Pháp yểm trợ khi họ xét cần.


Điều 8. Các chi tiết về hành quân phối hợp.


Điều 9. Tín đồ và quân lực Phật Giáo Hòa Hảo thông báo mọi tin tức về tình hình địch cho nhà cầm quyền quân sự và hành chánh.


Điều 10. Các văn phòng liên lạc được đặt tại Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đec và Vĩnh Long, với nhiệm vụ phối trí.


Điều 11. Quân lực Hòa Hảo có quân kỳ mầu dà với bốn chữ tắt “P.G.H.H.”, quân sĩ đội nón cũng màu dà.


Điều 12. Bản hiệp định này có giá trị cho đến khi Giáo Chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ trở về, và sẽ trình lên Ngài phê chuẩn.


Điều 13. Không một văn kiện nào khác được ký kết ở cấp địa phương, nếu không có sự đồng ý của những người đã ký hiệp đình này.


Ngày 18 tháng 5 năm 1947
Ký tên: Trần Văn Soái và Cluzet

Điều lo lắng của các chiến sĩ quốc gia khi từ giã khu chiến để về thành hợp tác, đều giống nhau: sợ rằng lòng yêu nước và sự nghiệp đấu tranh bấy lâu nay sẽ bị hiểu lầm và đồng hóa với các hành động vì mục đích danh lợi. Điển hình là khi phong trào Kháng chiến Liên minh của tướng Trình Minh Thế bỏ chiến khu Bà Đen về hợp tác với ông Ngô Đình Diệm năm 1955, ông Nhị Lang, cố vấn chánh trị của phong trào, đã phải thắc mắc khá nhiều về danh từ “hợp tác” và “cộng tác” (collabo). Như ông đã viết trong cuốn sách ‘’Phong trào Kháng chiến Trình Minh Thế’’.

Tôi luôn luôn nhấn mạnh (với ông Ngô Đình Diệm) tới hai chữ “hợp tác” chứ không phải “cộng tác” như báo chí Saigon đã ngộ nhận. Sở dĩ chúng tôi tranh đấu tới cả một danh từ nhỏ nhặt, cũng vì chúng tôi không muốn đời ngộ nhận chúng tôi “chạy theo bả lợi danh”, đi làm tay sai cho một thế lực khác. Chúng tôi muốn chứng tỏ với Thủ tướng Diệm, với ông cố vấn Nhu rằng chúng tôi nhận lời mời trên một cương vị “đồng minh” ngang hàng, trên tình hiểu biết và tương kính lẫn nhau. Có thế thì việc trở về của chúng tôi mới có ý nghĩa... (*)

9- Chánh Sách Chia Rẽ Của Pháp
Trong thâm tâm, Pháp không muốn Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (gọi tắt Dân Xã) ảnh hưởng chính trị đến các đơn vị quân sự Phật Giáo Hòa Hảo. Và họ đã định sẵn chủ trương “coi như không có Dân Xã”. Điều cần thiết chính yếu của Pháp là khả năng quân sự của các đơn vị võ trang Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã, đóng góp vào công tác bình định lãnh thổ miền Hậu Giang, chớ không phải các hoạt động chánh trị. Càng không phải các yêu sách chánh trị đòi hỏi chủ quyền quốc gia độc lập mà Dân Xã chủ trương.

Nghiên cứu lập trường Dân Xã Đảng, Pháp thấy rằng chủ trương độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ của đảng này, rõ ràng đối nghịch tham vọng tái lập chủ quyền thực dân Pháp, và chánh sách “chia để trị” cố hữu của họ. Pháp nhìn cấp lãnh đạo Dân Xã Đảng như các phần tử gây rối, phải bị loại ra ngoài.

Ở thời điểm 1947, Pháp chỉ muốn nghe nói đến “tự trị” chớ không thích nghe nói đến “độc lập”. Pháp chỉ muốn cho Việt Nam tự trị trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp, như một quy chế thuộc địa tiến bộ hơn trước. Cho nên Pháp không thể chấp nhận các quan điểm cách mạng của Dân Xã Đảng.

Sau đây là một quan điểm của tình báo Pháp về Dân Xã: ... Mấy ngày sau khi bản thỏa hiệp án 14-9-1946 ra đời, (bản Modus Vivendi ký kết giữa Hồ Chí Minh và Marius Moutet tại Paris), các thành phần thuộc Mặt Trận Quốc Gia họp tại Bà Quẹo (Hóc Môn), đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội ra đời ngày 21-9-1946. Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Nguyễn Hoàn Bích tự Nguyễn Bảo Toàn và Huỳnh Phú Sổ cùng với Mai Văn Dậu, một luật sư không có văn phòng, thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắt là Dân Xã, mà Nguyễn Văn Sâm và Giáo Chủ là đại biểu. Nguyễn Văn Sâm nhờ đó mà tìm được hậu thuẫn quần chúng, và Huỳnh Phú Sổ thì từ đây bước vào đấu tranh chánh trị.

Đảng Dân Xã nói rằng đã liên kết được mọi thành phần dân tộc không phải là Việt Minh, nhưng thực sự đó là ý đồ của Nguyễn Văn Sâm, chánh trị hóa khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để tạo thành một hậu thuẫn mạnh mẽ của ông ta...

Cơ cấu tổ chức Dân Xã khởi đầu từ cấp Chi bộ tại Xã lên Trung Ương tại Saiogn, qua các cấp bộ Tỉnh và Liên Tỉnh. Chủ trương và đường lối Dân Xã vừa chống Cộng vừa chống Pháp, và như thế khó có thể được phe Cộng Sản Staline ở Việt Nam chấp nhận...

Với quan điểm đó về Dân Xã Đảng, theo như tài liệu phân tích của đệ nhị phòng, tình báo quân sự Pháp, chủ tâm của Đại tá tư lịnh miền Tây Cluzet và Tướng Boyer de la Tour là không nói chuyện với Dân Xã Đảng, không đề cập các vấn đề chánh trị, chỉ giới hạn trong phạm vi hợp tác quân sự và địa phương giữa Pháp và các đơn vị võ trang Phật Giáo Hòa Hảo.

Luật sư Mai Văn Dậu, người được ủy nhiệm thay mặt cơ quan quân chính tối cao Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã để thương thuyết với Pháp, đã phải giữa đêm lén leo qua cửa sổ nơi ông tạm trú trong thời gian thương thảo, để cùng với mấy đồng đạo thân tín trốn thoát từ Cần Thơ về Thánh Địa Hòa Hảo bằng đường riêng. Ông tiết lộ âm mưu của Pháp và sự thất bại của mình, không đạt được mục tiêu mà cơ quan lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã đã ấn định cho ông để đi thương thuyết.

Người viết sách này còn nhớ hình ảnh luật sư Mai Văn Dậu lúc về tới Thánh Địa Hòa Hảo, mặc bộ quần áo bà ba đen như một nông dân, quần rách te tua, chân đi đất, cặp kiếng cận bị bể, sắc mặt bi quan, xổ một tràng tiếng Pháp nguyền rủa âm mưu và dã tâm của Pháp. Ông cho biết rằng, nếu ông không trốn về giữa ban đêm, thì thế nào Pháp cũng giết ông hay bắt giam ông.
Thật ra, theo ý kiến của giới lãnh đạo chánh trị Dân Xã Đảng lúc đó, họ cũng đã tiên liệu rằng Pháp đang ở thế thượng phong sẽ không chấp nhận bốn điểm lập trường Dân Xã. Nhưng dù biết vậy, Dân Xã vẫn cứ phải đưa ra như một biện minh trạng lịch sử cho sự bảo thủ lập trường tranh đấu và thái độ trung thành với lập trường mà Đảng đã công bố khi thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

Cuộc thương thuyết này cũng là hình ảnh thu hẹp của những cuộc thương thảo giữa Pháp và Chánh phủ Nam Kỳ Tự Trị của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh năm 1946, và sau này các chánh phủ của Cựu Hoàng Bảo Đại từ 1948. Pháp đã biểu lộ chủ trương cứng rắn và thái độ ngoan cố. Pháp không muốn hành động như Anh quốc tự ý trao trả chủ quyền độc lập cho các thuộc địa Mã Lai, Ấn Độ theo một kế hoạch chuyển quyền tuần tự. Pháp cố níu kéo, duy trì quyền lợi đế quốc tại Đông Dương, dù biết rằng phải tiêu phí sinh mạng thanh niên Pháp và ngân quỹ quốc gia. Rốt cuộc về sau, Pháp vẫn phải ra đi, nhưng khi còn có thế lực tại Đông dương, Pháp vì tham vọng mà trở thành mù quáng, không nhìn thấy viễn tượng tất nhiên là sự bắt buộc phải ra đi khỏi Việt Nam, để mà có thái độ thích nghi kịp thời.

Cũng vì thế mà Pháp đã làm cho Cộng Sản Việt Minh có được “chánh nghĩa kháng chiến”, và ngược lại, làm hoen ố chánh nghĩa của các giới tranh đấu có khuynh hướng dân tộc. Các giới cách mạng quốc gia tranh thủ độc lập quốc gia qua giải pháp hợp tác hòa bình với Pháp, đồng thời tránh cái họa dịch chủ tái nô, chủ Pháp đi chủ Nga đến, lúc đó phải kẹt vào cái thế hợp tác với Pháp, nhưng không phải hợp tác để làm nô lệ cho Pháp, mà hợp tác để tranh thủ chủ quyền độc lập bằng đường lối hòa bình. Pháp đã ngoan cố tham lam, làm cho giải pháp Bảo Đại mất giá trị, và chế độ Bảo Đại mất chánh nghĩa.

Hoàn cảnh của giới lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã khi vị Giáo Chủ vắng mặt đột ngột sau biến cố 16-4-1947, cũng bi đát và khó khăn như thế, cũng vẫn phải “liên quân” hợp tác, và đối diện với những chức quyền quân sự chánh trị của Pháp tại Việt Nam, trong một vị trí thất thế rõ ràng cho phía Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã.

Thời gian tiếp theo sau khi ký kết bản hiệp định 18-5-1947, là thời kỳ Pháp thi hành một chánh sách hai mặt: Một mặt Pháp võ trang thêm các đơn vị quân sự Phật Giáo Hòa Hảo để trục xuất các đơn vị Cộng Sản khỏi khu vực Hậu Giang một cách có hiệu quả rõ rệt và mau chóng; nhưng mặt khác, Pháp cương quyết ngăn chận, cấm đoán các hoạt động chánh trị của đảng Dân Xã, không ngần ngại bắt giam cán bộ Dân Xã, từ cấp lãnh đạo trở xuống.

Trong cuộc phỏng vấn một nhân vật Phật Giáo Hòa Hảo có hiểu biết về cuộc thương thuyết Pháp-Phật Giáo Hòa Hảo năm 1947, và có quen biết với luật sư Mai Văn Dậu, nhân vật này tiết lộ rằng sau khi bản hiệp định liên quân 18-5-1947 được báo cáo lên Bộ tư lịnh Pháp ở Đông Dương và được phúc trình về Paris, thì Đại tá Cluzet bị triệu hồi về Pháp, rồi bị khiển trách bởi lý do đã ký kết một văn kiện mà theo nguyên tắc, không thể được ký kết, với hình thức và ngôn từ không thể chấp nhận được. Điều này còn nói rõ thêm về dã tâm và thái độ ngoan cố của thực dân Pháp, từ bản tuyên ngôn Brazzaville 1945 của Tướng De Gaulle đến Chánh phủ Mendès France 1954, chỉ nghĩ đến tham vọng quyền lợi Pháp, không bao giờ lưu tâm đến niềm đau khổ và ước vọng của mấy chục triệu dân Việt Nam.

10- Tách Phật Giáo Hòa Hảo Ra Khỏi Dân Xã
Ngay từ những tháng đầu tiên sau khi ký hiệp định liên quân, Đại tá Cluzet đã làm một tờ trình lên thượng cấp, đề nghị chánh sách đối phó với Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, sau khi đệ nhị phòng của ông báo cáo về một tài liệu do ông Trần Văn Soái ký tên, tuyên bố đường lối hoạt động của ông theo chương trình Dân Xã Đảng mà Huỳnh Giáo Chủ đã vạch ra, một chương trình biểu lộ đường lối cách mạng đòi độc lập, và chủ trương cải tạo xã hội theo mô thức dân chủ xã hội.

Trong tài liệu phổ biến, vẫn giữ nguyên vẹn những điểm căn bản của bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ban hành từ ngày 21-9-1946.

Theo sự phân tích của đệ nhị phòng Pháp, thì tài liệu phổ biến này là của các cán bộ Dân Xã viết ra, và ông Trần Văn Soái ký tên phổ biến. Pháp kết luận rằng phải cấp tốc ngăn chận ảnh hưởng Dân Xã đối với ông Trần Văn Soái, phải tách hẳn tổ chức quân sự Phật Giáo Hòa Hảo khỏi ảnh hưởng Dân Xã, thì Pháp mới nắm được chủ động, và mới tránh được những rắc rối về sau.

Thật ra, chủ trương này của Pháp đã sẵn có từ khi ký kết bản hiệp định liên quân, trong đó không đả động gì đến vai trò của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Chỉ ở điều khoản 5, có ghi một câu rằng: “quân lực Hòa Hảo gồm các đơn vị lưu động Dân quân cách mạng Dân Xã Đảng đặt dưới quyền chỉ huy của ông Trần Văn Soái...” còn lại toàn bộ bản hiệp định 13 điều khoản là một sự giao ước với ông Trần Văn Soái trong tư cách Tổng Tư lịnh quân lực Hòa Hảo. Một câu văn được gạch đít để nhấn mạnh rằng: “Sự chỉ huy của tất cả các đơn vị này hoàn toàn do sĩ quan Hòa Hảo đảm nhận” (điều 5). Câu này có hai nghĩa: một là Dân Xã Đảng không liên hệ gì đến quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, và hai là tính cách tự trị chỉ huy đơn vị, không có sĩ quan Pháp chỉ huy các đơn vị Hòa Hảo.

Trong các bản nhận định của Pháp về Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó, khi đề cập đến Dân Xã, họ luôn luôn cho rằng đây là những thành phần bài ngoại chống Pháp, nguy hại cho chánh sách của Pháp. Mặt khác, Pháp cũng cho rằng Dân Xã là cái đầu chánh trị, do một nhóm chánh khách Saigonmuốn nắm lấy Phật Giáo Hòa Hảo làm hậu thuẫn.

Trong bản thuyết trình của Thiếu tá De Mallerey chỉ huy văn phòng phái bộ liên lạc với Phật Giáo Hòa Hảo, ông nhận xét rằng: ‘’... Chúng ta cần đặt đảng Dân Xã ra ngoài vòng pháp luật, và bắt các lãnh tụ Dân Xã phải chịu hết trách nhiệm về những vụ lộn xộn xẩy ra trong hàng ngũ Phật Giáo Hòa Hảo... Từ Saigon, Dân Xã cho người đưa các khẩu hiệu về miền Tây để gây rối. Những chánh khách không quần chúng ấy lúc nào cũng thèm thuồng có một tổ chức kháng chiến (chống Pháp) để lấy thế, họ liên lạc với Hương Cả Bộ (thân sinh Huỳnh Giáo Chủ) rồi những truyền đơn được tung ra loan báo tin Đức Thầy sắp xuất hiện. Thú thật, phái bộ chúng tôi không ưa những phần tử này...’’ Thực sự Pháp đã hành động, trực tiếp và gián tiếp, đánh phá đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, dưới nhiều hình thức. Đầu tiên là tìm cách bắt bớ các cán bộ lãnh đạo và cao cấp của Dân Xã Đảng. Trong bản báo cáo của De Mallery có ghi rõ: “chúng ta đã bắt Lê Văn Kinh, thủ lãnh Dân Xã, nhưng ông ta trốn thoát được vào tháng 5 (1948) và hiện ẩn náu tại vùng Hòa Hảo”. Rất nhiều cán bộ cao cấp và trí thức của Dân Xã đã bị khủng bố, bắt giam. Số cán bộ này gồm có tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và có thêm khá nhiều nhân vật không phải gốc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nhưng chấp nhận gia nhập Dân Xã như quý ông Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn An, Nguyễn Bảo Toàn, Lê Văn Thu, Đặng Văn Ký, và khá nhiều người khác mà tên tuổi không được bên ngoài biết.

Khi Pháp mở chiến dịch khủng bố Dân Xã, các cán bộ không phải tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phải bỏ miền Tây chạy lui trở về Saigon ẩn náu; còn những cán bộ gốc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang giữ những chức vụ quan trọng, đều bị bắt giam. Thủ đoạn của Pháp lúc đó là sau một thời gian giam giữ, họ trao lại cho ông Trần Văn Soái để ông này “bảo lãnh cho đồng đạo được tự do.”

Tại Saigon, Ban Chấp hành Trung Ương Dân Xã Đảng bị Pháp làm cho tan rã. Hai vụ ám sát xẩy ra năm 1947: ông Nguyễn Văn Sâm bị bắn chết trên xe buýt tại Chợ lớn trong ngày lễ Song Thập, quốc khánh Trung Hoa. Bác sĩ Trần Văn Tâm bị bắn tại nhà ở Gia Định, giữa đêm, khi ông đang cúng lạy trước bàn thờ Phật.

Về cái chết của ông Nguyễn Văn Sâm, ủy viên Ngoại giao Ban Chấp hành Trung ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, ông Trần Văn Ân thuật lại như sau:

‘’...Ngày 10-10-1947, khi đi dự lễ Quốc khánh Song thập của Trung Quốc cùng với tôi, giữa đường Nguyễn Văn Sâm bị ám sát trên con đường Cây Mai, gần Tổng đốc Phương (Cholon), ngay trên xe bus, lúc quá 6 giờ chiều. Bạn chúng tôi, một người Pháp, có hỏi trưởng ty công an rằng: “Sao trước mấy giờ anh không bắt chúng nó, lại bắt sau mấy giờ?”. Không có câu trả lời. Tôi xin gặp thủ phạm, cũng không hề được gặp’’.

Về cái chết của bác sĩ Trần Văn Tâm, ủy viên Tài chánh Ban Chấp hành Trung ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, ông Trần Kim Thiện, Trưởng Nam của Bác sĩ thuật lại như sau:

‘’...Đêm đó vào khoảng 4 giờ sáng, cha tôi đang cúng lạy trước bàn Phật. Một nhóm người đột nhập nhà tôi bằng cách leo tường cậy cửa. Cha tôi lên tiếng, thì bị chúng bắn chết ngay tại chỗ. Thủ phạm đeo mặt nạ, không để lại giấy tờ chi cả. Về sau chúng tôi cũng không được biết thủ phạm là ai, chỉ được phía chánh phủ Lê Văn Hoạch cho hay rằng đã bắt được kẻ ám sát cha tôi, và đó là một tên Việt Minh... Cha tôi không hề có kẻ thù nào, nên không thể xem đây là một cách trả thù cá nhân. Nhứt định là một vụ ám sát có tính cách chánh trị. Trước đó, cha tôi có được mời tham gia chánh phủ, nhưng ông đã từ chối, tôi không biết thái độ đó có liên hệ gì đến vụ ám sát này chăng?’’ (*)

Hai vụ ám sát này, Pháp đổ tội cho Việt Minh, nhưng đến nay vẫn chưa có tài liệu minh định thủ phạm. Dư luận lúc đó còn nghi là Pháp chủ động, hoặc tự mình thực hiện vụ ám sát, hoặc tìm cách cung cấp tin tức và gián tiếp yểm trợ cho ban ám sát đô thành Saigon-Cholon của Việt Minh ra tay. Nghi vấn cho rằng cả hai vụ ám sát các ông Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Tâm đều do sự đồng lõa giữa Pháp và Việt Minh, vì đồng quyền lợi, là nghi vấn có xác suất cao và khả tín nhứt.
Một ủy viên Trung ương Dân Xã Đảng khác là ông Trần Văn Ân, lúc đó đang giữ chức vụ Tổng trưởng Thông tin Chánh phủ Lâm thời Nam phần Việt Nam, cũng bị Tướng Tư lịnh Pháp tại miền Nam Boyer de la Tour làm áp lực buộc Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân tìm cách đẩy ông Ân khỏi nội các, và buộc ông Ân phải rời khỏi Việt Nam với lời hăm dọa tối hậu thơ rằng nếu không làm thế trong hạn định, thì sẽ “không bảo đảm tính mạng...”. Trong bài hồi ký viết về “Vui buồn trong nghề làm báo”, ông Ân có ghi lại về điểm này:

Khi Tướng Nguyễn Văn Xuân lập chánh phủ, có mời tôi tham gia chức vụ Tổng trưởng Thông tin. Tôi về thảo luận trong Ban chấp hành Trung ương Dân Xã Đảng, đưa ra ba điều cần phải đạt được. Đó là:

1.    Thay đổi danh xưng chánh phủ Nam Kỳ thành Chánh phủ Lâm thời Nam phần ViệtNam, đặt nền tảng cho sự thống nhứt quốc gia từ đây,
2.    Làm mọi cách cho quân lực các giáo phái trở thành quân cách mạng để chờ ngày trực diện đánh Cộng Sản,
3.    Định nghĩa sự tham chánh của Dân Xã, dù rằng tôi tham gia với tư cách cá nhân, nhưng vẫn phải có đường lối và thái độ của Dân Xã. Chúng tôi nghĩ rằng làm được ba điều này là đủ “lấy vốn” rồi.

Quả vậy, tôi đã tròn sứ mạng, nhưng tai họa xẩy ra ngay: vài ngày sau, anh Nguyễn Văn Sâm, ủy viên Ngoại giao Trung ương Dân Xã bị ám sát chết tại Chợ Lớn. Rồi mấy tháng sau, tôi bị viên tướng Pháp Boyer De la Tour đòi Thủ tướng Xuân buộc tôi phải bỏ nước ra đi. Tôi đã phải ra đi, sau một tháng dằng co với Tướng De la Tour, ông này viết thơ cho Thủ tướng Xuân nói “dépassé 24 heures je ne répondrai plus de sa sécurité”. Ông Xuân hoảng, tôi liền trấn tĩnh bảo rằng: “họ nói ra, là họ không muốn giết”, vậy Thủ tướng làm thinh coi ra sao. Tuần lễ sau, lại thêm một lá thư gửi cho Tướng Nguyễn Văn Xuân, “de l’Armée Francais” bảo: “vous êtes entrain de soutenir un homme qui sabre l’oeuvre du Corps Expéditionnaire francais”. Tôi cũng nói ông Xuân làm lơ thêm một tuần nữa. Sau một tuần lễ, De la Tour nhắc lại hai thơ trước, tôi liền thưa với Thủ tướng: “tôi đã lo liệu xong, thay vì vào bưng phải chịu cả hai mặt, tôi qua Pháp mở mặt trận ngoại giao”. Thế rồi tôi đi Pháp làm như ý định; anh Lâm Ngọc Đường chủ trương đi vào bưng, sau bị giết một cách thê thảm, bị đóng vào các khiếu trong con người’’.

Vào giữa năm 1948, Pháp chỉ thị một cuộc hành quân bao vây vùng Hiệp Xương, phía sau thánh địa Hòa Hảo, để lùng bắt Ban Chấp hành Liên Tỉnh  miền Tây Dân Xã Đảng hiện đang ẩn náu và đặt văn phòng tại đây. Cuộc hành quân có mục đích đập tan bộ máy đầu não của Dân Xã, bắt các cán bộ lãnh đạo, phá cơ sở văn phòng, cơ quan ấn loát, tuyên huấn, bóp chết tờ báo Dân Xã và dẹp tan các lớp huấn luyện cán bộ Dân Xã.

Vì là một chánh đảng kháng chiến, nên Dân Xã Đảng mở các lớp đào tạo cán bộ chánh trị, gọi là “khóa Huấn chính”, và các khóa huấn luyện quân sự, gọi là “khóa Quân chính”, trong những làng quận vùng Thánh Địa Hòa Hảo, với ý nghĩ rằng dù sao Pháp cũng nể mặt ông Hương Cả Huỳnh Công Bộ, thân sinh Huỳnh Giáo Chủ, mà không dám trắng trợn xâm nhập vùng đất thánh của Phật Giáo Hòa Hảo. Nhưng Pháp đã không có sự kiêng nể đó, và đã đạt được mục tiêu phá vỡ tổ chức đầu não của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

Pháp chỉ còn điểm tự chế là đã không dám bắt giam ông Hương Cả Bộ, mặc dù họ biết rõ ràng ông đã bảo trợ và che chở cho Ban Chấp hành Liên Tỉnh Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng hoạt động tại vùng Thánh Địa.

Sau trận càn quét khủng bố này, bộ máy Dân Xã bị tê liệt, ban Chấp Hành Liên Tỉnh tuyên bố đình chỉ công tác (1948). Cả ba tờ báo Quần Chúng tại Saigon, Dân Xã ở miền Tây, và Nợ Nước của cơ quan tuyên huấn, đều tự ý đình bản. Pháp đã thắng một bước trong kế hoạch tách khối quân sự Phật Giáo Hòa Hảo ra khỏi bộ máy đầu não chính trị Dân Xã.

Tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo khi còn giới hạn trong hoạt động tôn giáo (1939-1945), khối quần chúng được lãnh đạo bởi uy quyền tuyệt đối của vị Giáo Chủ. Nhưng khi chuyển sang đấu tranh, cần có cương lãnh chánh trị, và một bộ máy lãnh đạo chánh trị bởi Huỳnh Giáo Chủ đã nhận thức nhu cầu này, nên thực hiện công thức kết hợp hậu thuẫn quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo với giới trí thức có khả năng chánh trị và thành tích cách mạng. Bộ máy lãnh đạo chánh trị Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng có thể vận dụng sức mạnh quần chúng để tăng cường hiệu năng đấu tranh, và từ đó, đưa tổ chức nông dân Phật Giáo Hòa Hảo lên bình diện quốc gia, thực hiện các mục tiêu chánh trị và xã hội của Dân Xã Đảng.

Cố nhiên điểm này làm cho thực dân Pháp lo ngại và phải đối phó. Một đối thủ gồm có khối quần chúng đông đảo trên một triệu người kết hợp nhau bằng lý tưởng tín ngưỡng và yêu nước, được lãnh đạo bởi một vị Giáo Chủ có uy quyền tuyệt đối, nay lại thêm một bộ tham mưu chánh trị gồm các nhân vật trí thức tranh đấu có tên tuổi và thành tích cách mạng. Đó là đã hội được hai yếu tố căn bản cần thiết là lãnh đạo và quần chúng, để trở thành một tổ chức có thực lực trong xã hội Việt Nam ở thời kỳ đó. Nếu cộng thêm sức mạnh quân sự đang phát triển, tổ chức này sẽ là một mối lo âu, nếu Pháp không nắm vững ưu thế chi phối

Bản tuyên cáo sau đây của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng phổ biến vào cuối năm 1948, là một tài liệu biểu lộ đường lối chủ trương lúc đó của Dân Xã, ủng hộ giải pháp Bảo Đại, và nhìn thấy trước hậu quả tai hại của chánh sách mập mờ lưỡng lự của chánh phủ Pháp, mà động lực vẫn là tham vọng đế quốc.

Từ hai năm qua Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã nhiều lần biểu lộ sự ủng hộ Cựu Hoàng Bảo Đại trong việc thương thuyết Việt-Pháp để thực hiện độc lập thống nhứt thực sự của đất nước.
Hiện nay, Cộng Sản Quốc tế đang âm mưu xen vào nội tình nước Việt Nam, với kế hoạch ủng hộ Việt Minh Cộng Sản, trong khi đó chánh phủ Pháp còn lưỡng lự đối với giải pháp Bảo Đại.
Nhơn danh một đoàn thể có trên hai triệu người và quân đội Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, và đồng ý với các chánh đảng, chiến sĩ quốc gia kháng chiến, chúng tôi long trọng tuyên bố rằng chỉ có một chánh quyền thực sự độc lập và thống nhứt do Cựu Hoàng Bảo Đại lãnh đạo, là có đủ uy lực tái lập trật tự an ninh tại Việt Nam.
Để phục vụ hòa bình thế giới mà các quốc gia dân chủ hằng theo đuổi, chúng tôi kêu gọi chánh phủ Pháp lập tức tiếp tục các cuộc thương thuyết với Cựu Hoàng Bảo Đại để giải quyết vấn đề Việt Nam, nhìn nhận chánh thức nền độc lập thống nhứt thực sự của quốc gia Việt Nam.

Nếu trong những ngày sẽ tới, do chánh sách đàn áp, lưỡng lự và chia rẽ của chánh phủ Pháp, mà bọn Cộng Sản quá khích có thêm cơ hội và phương tiện gây tổn hại cho Việt Nam, thì chánh quyền Pháp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước dư luận thế giới, trước dân tộc Việt Nam và trước dân tộc Pháp, một dân tộc đã có truyền thống yêu chuộng tự do, công lý và nhân đạo.
Làm tại miền Tây Nam Việt ngày 6-12-1948
Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

Qua những liên hệ có sẵn giữa Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng và các tổ chức quốc gia lúc đó, đã có sự đồng ý trên nguyên tắc về chủ trương sử dụng lá bài Bảo Đại để tạo thế quốc tế của Việt Nam đương đầu lại cái thế mà Hồ Chí Minh đã tiếm đoạt.

Trên phương diện pháp lý quốc gia, mặc dầu Cựu Hoàng Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị năm 1945, và đã trở thành Cố vấn tối cao của chính phủ Hồ Chí Minh, nhưng không vì thế mà ông mất hẳn tính chất chánh thống trong sự tiêu biểu cho uy quyền quốc gia. Hơn nữa, thế giới bên ngoài và các giới cách mạng Việt Nam đều thấy rõ rằng đảng Cộng Sản Việt Nam đã cướp đoạt cách mạng tháng 8-1945 của toàn dân Việt Nam, lợi dụng tinh thần yêu nước và sự hy sinh của dân tộc để phục vụ cho chủ nghĩa riêng của họ, qua chánh sách “dĩ đảng trị quốc.”

Riêng phần nước Pháp, họ cũng bắt đầu mở mắt thấy rằng khi họ ký kết hiệp ước sơ bộ 6-3-1946 và thỏa hiệp án 14-9-1946 với Hồ Chí Minh, là đã ký những bản văn lừa bịp lẫn nhau, mà hậu quả bây giờ là không giải quyết được vấn đề Việt Nam theo như tham vọng của họ. Giới chánh trị và quân sự Pháp tại Đông Dương đều nhìn thấy thủ đoạn khôn khéo của Hồ Chí Minh, là nhượng bộ bề ngoài đối với Pháp mà đạt cái thế chánh quyền tại Việt Nam, để hợp thức hóa quyền đại diện Việt Nam của Hồ Chí Minh đối với thế giới. Nhưng sau khi đã đạt các mục tiêu này, đảng Cộng Sản Việt Minh phát động chiến tranh toàn diện, làm cho nước Pháp nhìn thấy viễn ảnh giải quyết vấn đề Việt Nam theo ý đồ của Paris không bao giờ có thể thành tựu.

Trong bối cảnh chánh trị đó, các giới cách mạng quốc gia thấy cần thiết phải có một giải pháp khác để lấy lại chủ động đối với Pháp. Con người Cựu Hoàng Bảo Đại lúc đó được xem là có vị thế tốt nhứt để tiêu biểu cho giải pháp quốc gia, đại diện dân tộc mà đứng ra thương thuyết với Pháp.

Pháp cũng nhìn thấy như vậy, nhưng vì vẫn còn mù quáng bởi tham vọng thuộc địa, cho nên thay vì thành thật hợp tác để giúp cho giải pháp này thành tựu tốt đẹp, trao trả độc lập thực sự cho Việt Nam qua giải pháp Bảo Đại, để tạo tâm lý thuận chiều trong quần chúng xa rời Việt Minh, thực dân Pháp lại quan niệm giải pháp Bảo Đại như một yếu tố để dọa dẫm Hồ Chí Minh, đồng thời dùng yếu tố Hồ chí Minh để dọa dẫm lại Bảo Đại. Đó là lối ‘’đòn xóc hai đầu’’. Pháp lợi dụng đầu cơ cả đôi bên để thủ lợi.

Với sự đồng ý trên nguyên tắc về giải pháp Bảo Đại, phía Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã đã tham gia những vận động cùng với các tổ chức quốc gia khác. Nhiều phái đoàn Phật Giáo Hòa Hảo- Dân Xã đã lên đường sang tham dự các phiên họp tại Hong-Kong với Cựu Hoàng Bảo Đại.

Nhưng, như ta thấy, Pháp chỉ muốn làm ngư ông thủ lợi, chớ không có thiện chí tìm giải pháp hợp tình hợp lý cho vấn đề Việt Nam. Trên bình diện quốc gia, Pháp đã có thái độ đó, thì đối với Phật Giáo Hòa Hảo, ta không lấy làm lạ về thái độ sâu độc của họ.

Với biến cố 16-4-1947, tạo ra sự vắng mặt của Huỳnh Giáo Chủ, và tình trạng “khủng hoảng lãnh đạo tinh thần”, sức mạnh của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo đã bị suy giảm rất nhiều. Pháp chỉ cần tiêu diệt bộ máy lãnh đạo chánh trị, tê liệt hóa các thành phần trí thức, thì đoàn thể này chỉ còn lại một khối quần chúng, nay đã mất cả lãnh đạo tinh thần lẫn lãnh đạo chánh trị, giống như con rắn đã mất cái đầu.

Trong tình huống đó, đương nhiên uy quyền lãnh đạo phải rơi vào tay các vị lãnh tụ quân sự. Các vị này, xuất thân từ thành phần bình dân ít học, không đủ ý thức chánh trị và kỹ thuật để lãnh đạo một tổ chức có tầm vóc lớn như Phật Giáo Hòa Hảo. Đây là mục tiêu mà Pháp mong muốn, và cũng là điều mà Pháp đã thiết kế để tạo ra, và đã đạt được vào cuối năm 1948. Các hoạt động Dân Xã bị tê liệt, các lãnh tụ, cán bộ Dân Xã bị vô hiệu hóa, hay bị tiêu diệt, chỉ còn khối quân sự mà Pháp mong sẽ chuyên tâm góp vào công cuộc bình định lãnh thổ, đánh đuổi các đơn vị quân sự Việt Minh khỏi miền Tây.



11- Pháp Chia Khối Quân Sự Thành Nhiều Nhóm

Sau kế hoạch “cắt cái đầu lãnh đạo”, bây giờ Pháp tiến vào giai đoạn kế tiếp của kế hoạch là “xé cái mình ra nhiều mảnh”. Chánh sách ‘’chia để trị’’ vẫn là chánh sách cố hữu của thực dân Pháp đã áp dụng tại Việt Nam ngay từ bước đầu xâm chiếm. Chia dân tộc Việt Nam thành giai cấp giàu nghèo quá cách biệt, chia lãnh thổ thành ba miền khác nhau, chia rẽ triều đình với dân chúng, chia xẻ xã hội thành từng khối quyền lực... Chế độ thuộc địa và bộ máy cai trị suốt 80 năm của Pháp tại Việt Nam đã được vững vàng một phần do chánh sách chia để trị, gây mâu thuẫn xã hội và dân tộc.

Đối với khối quân sự Phật Giáo Hòa Hảo đang ở tình huống cần phải có võ khí để tự vệ tự tồn, Pháp ở vị thế chủ động, có nhiều điều kiện thuận lợi mà thi hành chánh sách chia manh mún để dễ cai trị.

Tuy Pháp đã ký hiệp định liên quân với ông Trần Văn Soái, mặc nhiên công nhận ông là vị Tổng Tư lịnh Quân lực Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã , nhưng Pháp đã tìm cách “xây dựng” những cán bộ quân sự độc lập bên ngoài hệ thống chỉ huy của Bộ Tổng tư lịnh Quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, khích lệ và giúp đỡ cho các nhóm thành hình. Vì thế khối quân sự Phật Giáo Hòa Hảo trên tiến trình phát triển đã chia ra làm nhiều tổ chức:
         Tổ chức Trần Văn Soái
         Tổ chức Lâm Thành Nguyên
         Tổ chức Nguyễn Giác Ngộ
         Tổ chức Lê Quang Vinh
Về sau, còn những nhóm nhỏ mọc lên như nhóm Võ Văn Điểu, nhóm Nguyễn Thành Đầy, nhóm Nguyễn Văn Huê tại Long Xuyên. Một vài cấp chỉ huy khu vực quân sự cấp tỉnh của Phật Giáo Hòa Hảo cũng được Pháp khích lệ tách khỏi hệ thống.

Trong tình huống chia năm xẻ bảy như thế, các nhóm quân sự này đã trở thành các tập thể nhỏ, không thể làm gì hơn, ngoài công tác quân sự tại địa phương. Họ không thể tạo một ảnh hưởng nào về chánh trị, và cũng không được các giới bên ngoài nể trọng. Một khi đã thiếu sự nhứt trí nội bộ, các hoạt động đối ngoại tất nhiên mất ưu thế.

Pháp lúc đó theo dõi rất sát các hoạt động chánh trị của các nhóm quân sự Phật Giáo Hòa Hảo, lại còn gài một số người của họ vào các công tác ngoại giao của Phật Giáo Hòa Hảo, để kịp thời ngăn chặn các kế hoạch chánh trị của tổ chức này.

Ngoài kế hoạch chia xẻ, Pháp còn làm nhiều việc để cô lập hóa Phật Giáo Hòa Hảo đối với bên ngoài, tạo một không khí chống đối Phật Giáo Hòa Hảo từ mọi phía, khởi đầu từ các công chức hành chánh của Pháp. Đặc biệt vấn đề tài chánh, Pháp cố tình đưa quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào hoàn cảnh thiếu thốn, cần tài chánh, mà số lương bổng đài thọ chỉ bằng nhu cầu, làm cho khối quân sự này phải tự túc tài chánh bằng các biện pháp bất hợp pháp, như thâu thuế, sung công tài sản vô chủ.
Cũng có thể lập luận rằng: đâu phải hoàn toàn do âm mưu Pháp mà khối quân sự Phật Giáo Hòa Hảo chia làm nhiều nhóm. Cũng còn do tham vọng các cá nhân muốn làm lãnh tụ độc lập. Điều này cũng có phần nào đúng đối với những cá nhân thiếu cái nhìn xa rộng, lại sẵn bản chất anh hùng cá nhân, hảo hớn giang hồ, có khuynh hướng tự nhiên “tiểu vương lãnh chúa” giống như các thập nhị sứ quân đời trước Đinh Tiên Hoàng. Nhưng có một điều khác cũng rõ rệt, dễ hiểu, là nếu Pháp thực sự không muốn có tình trạng đó, thì chắc chắn họ đã ngăn chặn được.

Chính người Pháp đã thú nhận chánh sách chia để trị của họ trong một bản nhận định sau của quân đội Pháp:

Sau những khó khăn của năm 1946, bộ tư lịnh Pháp đã nhận thấy tầm quan trọng của phong trào Phật Giáo Hòa Hảo, và cả sự khó khăn của họ. Cho nên, sau khi họ liên quân với Pháp năm 1947, chánh sách của Pháp đã phải rất thận trọng. Vừa hợp tác với Phật Giáo Hòa Hảo, dựa vào họ để đánh lại Việt Minh, lại đồng thời phải khích lệ sự chia rẽ bất hòa nội bộ tôn giáo này, bằng cách trợ trưởng cho những cấp thuộc hạ của ông Trần Văn Soái thực hiện tham vọng tự lập, đứng riêng của họ. Chỉ cung cấp võ khí đạn dược cho họ một cách hạn chế, và chỉ cho họ phát triển trên các địa phận có khả năng củng cố an ninh những trục giao thông, và những vùng then chốt mà quân đội chánh phủ Việt Nam tỏ ra bất lực...

Với một kế hoạch hai mặt: tách khối quân sự Phật Giáo Hòa Hảo ra khỏi đầu não chánh trị Dân Xã, và chia cắt nội bộ khối quân sự thành nhiều mảnh, Pháp đã làm giảm sinh lực tiến bộ và phát triển của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã, để biến thành những nhóm quân sự phi chánh trị.

12- Phản Ứng Của Phật Giáo Hòa Hảo Và Dân Xã Đảng
VAI TRÒ LÊ QUANG VINH BẢO TỒN LẬP TRƯỜNG DÂN XÃ ĐẢNG




Tuy nhiên, không phải người Phật Giáo Hòa Hảo không nhìn thấy dã tâm của Pháp. Cho nên đã xẩy ra những phản ứng, tuy là cục bộ, nhưng cũng làm cho Pháp phải nhức đầu.


Lần nhức đầu xẩy ra sớm nhứt là “cuộc đảo chánh” Ba Bần đêm 24-3-1948. Lúc đó Pháp có kế hoạch thành lập các đơn vị đặc biệt, gọi là ‘’Đại đội Danh dự’’ với quân số 200 người, bằng hai lần quân số đơn vị đại đội thông thường lúc đó. Các đơn vị mới này có sĩ quan Pháp đến trong Bộ Chỉ huy, với danh nghĩa cố vấn. Do đó Pháp có thể tin tưởng nhiều hơn, vì có thể trực tiếp kiểm soát và cung cấp các võ khí tối tân hơn. Đại đội Danh dự 1 lúc đó đóng binh tại Ba Bần (Long Xuyên), đang đêm quân sĩ nổi dậy hạ sát tất cả các sĩ quan Pháp và rút vào bưng biền, Pháp nổi giận vô cùng, và cho đó là một thất bại của họ đối với Phật Giáo Hòa Hảo.

Những lần nhức đầu khác xẩy ra với nhân vật Lê Quang Vinh tự Ba Cụt, một người mà Pháp cho là hiếu động nhứt và cũng bất ổn nhứt, đã năm lần rút quân vào bưng biền. Mới lãnh võ khí của Pháp là ít lâu sau lại đốt trại đốt xe, rút quân vào bưng, chận đánh quân Pháp. Pháp nổi giận với Ba Cụt, nhưng lại vẫn tiếp nhận mỗi khi Lê Quang Vinh rời bưng biền trở về hợp tác trở lại. Và cứ thế, mỗi lần trở lại hợp tác, đơn vị của Lê Quang Vinh lại được tăng thêm một số võ khí mới. Pháp cho Lê Quang Vinh cái biệt hiệu “đứa con bất trị của Phật Giáo Hòa Hảo” (l’enfant terrible). Cứ thế, cho đến năm 1954, Lê Quang Vinh chỉ huy một đơn vị với quân số vào khoảng 5.000 tay súng.

Pháp lại thường phải nhức đầu nhiều lần khác, khi xảy ra những vụ ám sát sĩ quan Pháp, chận đánh thiết giáp tuần lộ của Pháp, cướp võ khí của Pháp, xẩy ra ngay tại các khu vực an ninh Phật Giáo Hòa Hảo. Cuộc điều tra cho biết tác giả những vụ gây rối đó là các chiến binh Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng Pháp không làm sao bắt được. Pháp đã nhiều lần áp dụng các biện pháp trừng trị đối với quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, bằng cách cắt các nguồn tiếp liệu, nhưng cũng không thể làm mãi như vậy, e rằng phương hại đến hiệu năng chiến đấu và công tác bình định, an ninh nói chung.

Một điều khác mà Pháp rất bực bội, vì nghi ngờ là có, nhưng không thể khám phá được bằng cớ cụ thể. Pháp vẫn nghi rằng có sự đồng mưu bí mật giữa ông Trần Văn Soái và Lê Quang Vinh trong các hành động chống phá lại Pháp, và có sự tiếp tế võ khí đạn dược của ông Trần Văn Soái cho đơn vị Lê Quang Vinh. Điều này có thật, và do một sĩ quan thân tín trong Bộ Tư lịnh của ông Trần Văn Soái sau này tiết lộ cho biết:

...Giữa ông Trần Văn Soái và anh Lê Quang Vinh dường như có mối liên hệ đặc biệt nào đó, nên anh Lê Quang Vinh gọi ông Trần Văn Soái một cách thân mật là “tía tôi”. Khá nhiều đạn dược và võ khí đã từ kho quân nhu riêng của ông Trần Văn Soái, được chuyên chở bí mật đến giao cho đơn vị của Lê Quang Vinh. Cứ vài tháng một lần, anh Ba Cụt đi bằng đường sông Bassac, ghé chiếc tam bản nhỏ vào bến sông trước tư dinh ông Soái, và được đưa lên nhà, leo thang xoáy ốc lên một căn lầu nhỏ cất riêng làm phòng họp mật trên nóc căn nhà khách mới xây, nhìn thẳng xuống sông Bassac.

Tại phòng họp, anh Lê Quang Vinh trải tấm bản đồ ra để thuyết trình tình hình quân sự trong các vùng anh đóng binh ở bưng biền, chỉ những chỗ đơn vị Cộng Sản thường hay lui tới, và những hành lang giao liên của họ. Rồi anh đề nghị kế hoạch đánh Pháp phía trước và đánh Việt Minh phía sau mà anh đã dự tính. Sau hết là đề cập đến những nhu cầu, phần chính là đạn dược, võ khí chỉ ít thôi, vì súng có sổ sách, có số, Pháp kiểm soát dễ dàng hơn đạn dược. Và tiền bạc. Ông Trần Văn Soái ngồi vuốt bộ râu mép nghe anh Ba Cụt trình bày, với vẻ hài lòng, và thường hay cười nửa đùa nửa thật mà nói rằng: “Ba à, lần nào mày cũng đòi nhiều thứ quá, sao tao có đủ cho mày được”.

Và anh Lê Quang Vinh trả lời: “Thôi mà tía. Cái thế ỷ giốc này mới chọi lại bọn Việt Minh và bọn Pháp, tía tiếc làm gì”.

Rồi đến phần ăn cháo gà hay cháo cá giữa đêm, trước khi chia tay. Anh Ba Cụt thường khoác trên thân người gầy cao một chiếc áo pardessus cũ, vừa để đi đêm cho ấm, vừa để ngụy trang...
Thuật theo lời trung tá T. (dấu tên)

Trên đây là lời tường thuật của một sĩ quan thân tín, đặc trách công tác bí mật này (yêu cầu dấu tên) đã thực hiện nhiều năm mà Pháp không thể khám phá được. Sự bí mật được giữ kỹ vì chỉ có bốn người được biết: Ông Trần Văn Soái, Lê Quang Vinh, và hai sĩ quan tin cậy. Công tác tiếp tế bí mật này quả đã giúp cho đơn vị của Lê Quang Vinh chịu đựng ở bưng biền, để một bên đối phó với các bộ đội Việt Minh, một bên đối phó quân đội Pháp. Cũng nhờ chiến thuật “ỷ giốc” này (Lê Quang Vinh hay dùng danh từ ‘’ỷ giốc’’ này), mà Việt Minh bị ngăn chặn không thể len vào được các khu vực Hòa Hảo. Hơn thế, các đường giao liên của họ từ Tiền Giang về Hậu Giang bị bế tắc, làm cho sự phối hợp giữa hai chiến khu U Minh và Đồng Tháp rất khó khăn và ít hiệu quả. Khu rừng tràm vùng hậu bối Long Xuyên giáp giới Hà Tiên và Rạch Giá, trước kia là chiến khu an toàn của Việt Minh, nay cũng bị đơn vị của Lê Quang Vinh chiếm đóng hay đánh phá, làm cho các đơn vị Việt Minh không còn sử dụng làm hậu cứ trú quân an toàn được nữa.

Đó là dụng ý quân sự. còn dụng ý chánh trị trong công tác tiếp liệu cho đơn vị Lê Quang Vinh, đó là ông Trần Văn Soái vẫn còn muốn nuôi dưỡng một lá bài để đối phó với Pháp, vì ông cảm thấy khuynh hướng áp lực của Pháp đối với ông, tìm mọi cách bắt chẹt ông, làm cho ông rất tức tối. Có người thân cận ông hay nhắc lại một câu mà ông thường nói trong cơn giận: “Mấy thằng Tây chó đẻ chơi kiểu cha có ngày cũng phải chết.” Ngoài mặt tuy ông tỏ vẻ “dễ bảo” nhưng bên trong, đòn đối phó của ông được bảo mật tối đa, nên Pháp không thể khám phá được.

Hơn nữa, về mặt chánh trị, ông nghĩ rằng, dù có phải hợp tác với Pháp, cũng không được quên đường lối chống thực dân đòi độc lập mà Huỳnh Giáo Chủ đã vạch ra cho đoàn thể và tín đồ. Ông rất sợ Đức Thầy, cho nên khi nghe người em út Lê Quang Vinh nhắc đến đường lối chống thực dân của Đức Thầy, ông không thể cãi lại. Với hành động tiếp liệu cho đơn vị kháng chiến của Lê Quang Vinh, ông có thể an tâm phần nào trong việc bảo tồn đường lối của Đức Thầy, để quân bình đường lối hợp tác với Pháp mà ông đang theo đuổi trên mặt chánh thức công khai.

Cũng trong chiều hướng tâm lý và suy luận đó, ông Trần Văn Soái đã đồng ý với Lê Quang Vinh khi ông này đề nghị phục hoạt đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội. Ông Soái có khuyên Lê Quang Vinh nên giới hạn các hoạt động Dân Xã trong bưng biền, còn bên ngoài, là các hoạt động Phật Giáo Hòa Hảo.

Vào cuối năm 1950, ông Lê Quang Vinh đổi tên tổ chức quân sự Nghĩa quân Cách mạng thành “Quân Đội Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng”, sau khi tái lập Ban Chấp hành Trung ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Từ đó, chức vụ của ông là ủy viên Quân sự Dân Xã kiêm Tư lịnh quân đội Dân Xã. ở vị thế này, các hoạt động của ông có mục tiêu chánh trị, mà quân sự được xem như phương tiện phục vụ cho chánh trị đạt các mục tiêu của Dân Xã Đảng. Một số cán bộ cao cấp của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã phải tạm ngưng công tác năm 1948, bây giờ được mời ra đảm nhận bộ phận Dân Xã Đảng. Nhân vật đảm nhận chức vụ Tổng bí thơ Dân Xã Đảng lúc đó là ông Trình Quốc Khánh, và ủy viên Chánh trị là ông Phạm Sĩ Thanh, hai vị này đóng vai trò gây dựng lại bộ máy đảng Dân Xã đã bị Pháp làm tê liệt từ năm 1948.

Như thế, Lê Quang Vinh là người đã đi ngược lại kế hoạch của Pháp “tách lực lượng quân sự Phật Giáo Hòa Hảo khỏi cái đầu chánh trị Dân Xã”. Đó là đặc điểm của con người Lê Quang Vinh, 100% nông dân, cũng là điển hình cho quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo.

So với ba vị lãnh tụ quân sự kia (Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên), Lê Quang Vinh là người trẻ tuổi nhứt, cho nên hiếu động và xông xáo hơn. Về mặt chỉ huy chiến trường, các vị lãnh tụ lớn tuổi ít khi đích thân cầm đầu binh sĩ chiến đấu tại mặt trận, nhưng Lê Quang Vinh thì lúc nào cũng tự mình đích thân chỉ huy chiến đấu và tiến tới trước để binh sĩ theo sau. Cho nên ông nổi tiếng là người gan dạ không biết sợ chết. Về mặt chính trị, Lê quang Vinh có ý thức là: quân sự phải được đặt dưới sự chỉ đạo của chánh trị, cho nên yểm trợ sự phục hồi hoạt động đảng Dân Xã, và tự đặt mình dưới sự chỉ đạo chánh trị của Dân Xã.

THÁI ĐỘ BẤT HỢP TÁC VỚI PHÁP CỦA ÔNG NGUYỄN GIÁC NGỘ

Một lãnh tụ quân sự Phật Giáo Hòa Hảo khác là ông Nguyễn Giác Ngộ cũng cố giữ đường lối bất hợp tác với Pháp.
Ngay từ sau khi Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh ám hại, ông Nguyễn Giác Ngộ đã chọn lựa thái độ: ông trao võ khí của bộ đội Nguyễn Trung Trực mà ông là chỉ huy trưởng, cho các ông Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên ra hợp tác với Pháp để cứu đồng đạo, chớ không đích thân “bắt tay người Pháp”.

Bộ đội Nguyễn Trung Trực có lịch sử như sau:
Cuối năm 1945, khi thực dân tái chiếm Saigon và các tỉnh miền Nam, Huỳnh Giáo Chủ thống hợp các lực lượng tự động võ trang đã có sẵn thành một lực lượng Dân quân Cách mạng kháng Pháp lấy tên là Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên Đội Nguyễn Trung Trực.

Liên Đội ra đời gồm có bốn đơn vị:
— Chi đội 1 do Trần văn Soái chỉ huy, hoạt động vùng Cần Thơ.
— Chi đội 2 do Lê Minh Điểu (tức xã Nhiễu) chỉ huy, hoạt động vùng Long Xuyên.
— Chi đội 3 do Lê Phát Khuynh chỉ huy, hoạt động vùng Châu Đốc.
— Phân đội 4 do Phan Hà chỉ huy, hoạt động vùng Rạch Giá.
Để kịp thời đối phó với tình hình nghiêm trọng của đất nước trước nạn Pháp xâm lăng, Huỳnh Giáo Chủ sắp xếp lại hàng ngũ cho được chỉ huy thống nhứt. Ngày 18-12-1946 tại chiến khu Bình Hòa (Tân An) các cấp chỉ huy Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên Đội Nguyễn Trung Trực, trong một Đại hội Quân sự, đã cải tổ bốn đơn vị thành một Chi đội mạnh mẽ hơn mang danh là Chi đội Nguyễn Trung Trực Hậu Giang, với Ban chỉ huy như sau:
         Chi đội trưởng: Nguyễn Giác Ngộ
         Chi đội phó kiêm trưởng ban cơ khí: Lâm Thành Nguyên
         Tham mưu trưởng kiêm ủy viên Chánh trị: Trần Đức Thu (tức luật sư Lê Văn Thu).
         Tham mưu phó: Trương Kế Tự (tức giáo sư Trần Kiệt)

Chi đội Nguyễn trung Trực Hậu Giang gồm có 3 đại đội và 1 phân đội biệt lập.
         Đại đội 1 do Trần Tín Nghĩa làm Đại đội trưởng, phụ trách vùng Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bặc Liêu.
         Đại đội 2 do Ngô Trung Hưng (tức Lâm Thế Xương) làm Đại đội trưởng, phụ trách vùng Long Xuyên, Sa Đec và Đồng Tháp Mười.
         Đại đội 3 do Lê Hoài Nam làm Đại đội trưởng, phụ trách vùng Châu Đốc, khu vực Thất Sơn và ranh giới Cao Miên.
         Phân đội 4 biệt lập do Phan Hà làm Phân đội trưởng, phụ trách vùng Rạch Giá và Hà Tiên.
         Lúc bấy giờ Lê Quang Vinh được đức Thầy đề cử làm Phân đội trưởng phân đội 2 thuộc Đại đội 2/NTT Hậu Giang.

Sau khi chi đội Nguyễn Trung Trực Hậu Giang được cải tổ, Chi đội 1 của Trần văn Soái trong Liên đội, được cải thành chi đội Lưu Động 2, còn Chi đội Nguyễn Trung Trực được gọi là Chi đội số 1.
Khi Huỳnh Giáo Chủ chấp nhận tham chánh với chức vụ ủy viên Đặc biệt trong ủy ban Hành chánh Nam Bộ, để biểu dương tinh thần đoàn kết quốc gia chống xâm lăng, Chi đội Nguyễn Trung Trực được chánh thức hóa thành Chi đội 30 Vệ Quốc Đoàn Việt Nam.

Ban chỉ huy Chi đội 30 được Huỳnh Giáo Chủ giữ nguyên chức vụ và vùng hoạt động của các Đại Đội lệ thuộc cũng không thay đổi.

Sau khi chánh thức hóa, Chi đội dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Giác Ngộ từ Côn Đảo mới về và được Huỳnh Giáo Chủ đề cử chấp chưởng binh quyền, tích cực tranh đấu và lập nhiều chiến công trong cuộc hạ đồn Pháp và đoạt vũ khí của giặc.

Để làm hậu thuẫn cho Chi đội, về mặt vũ khí, một công binh xưởng được thiết lập tại Hiệp Xương, đúc khí giới và đạn dược, và về mặt tăng bổ hàng ngũ chiến binh, nhiều lớp huấn luyện các cấp sĩ quan và hạ sĩ quan được khai giảng.

Khóa huấn luyện đầu tiên đã được mở vào cuối năm 1946 tại núi Dài vùng Thất Sơn, đào tạo cấp tốc 10.500 quân, do một Ban huấn luyện với sự hợp tác của bốn sĩ quan Nhựt Bổn cấp tá.
Công cuộc đang tiến triển đẹp đẽ và kế hoạch thành lập Liên Khu Quốc Gia đang bước sang giai đoạn thực hiện thì một tai biến xảy ra làm tan vỡ chương trình kế hoạch đã định. Đó là biến cố: Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn tại Đốc Vàng Hạ. Một tai nạn lớn lao chẳng những đối với khối Phật Giáo Hòa Hảo mà còn là một sự thiệt thòi to tát đối với hàng ngũ quốc gia.

Trước sự phản bội của Cộng Sản, chi đội 30 rút ra khỏi hàng ngũ Vệ Quốc Đoàn Việt Nam và theo quyết định của Hội nghị tối cao Quân Chính họp tại Hòa Hảo liền sau khi Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn, chi đội 30 trao khí giới cho đoàn thể để võ trang Bộ Đội Dân Xã và Bộ Đội Phật Giáo Hòa Hảo hầu bảo vệ đoàn thể.

Cuối năm 1947, để đáp ứng với nhu cầu chiến đấu trong tình thế mới, một phiên họp khoáng đại Quân Chính được triệu tập tại Hiệp Xương. Chi đội 30 được cải tổ thành Bộ Đội Nguyễn Trung Trực với thành phần Ban chỉ huy tối cao như sau:
         Chỉ huy trưởng: Nguyễn Giác Ngộ
         Chỉ huy phó: Lê Phát Khuynh
         Chủ nhiệm chánh trị bộ kiêm Tham mưu trưởng: Trần Kiều

Bộ đội Nguyễn Trung Trực có trên hai ngàn binh sĩ tại ngũ.
Ngoài ra còn tổ chức Bảo An Quân (lực lượng bán quân sự) khắp các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre... để giữ an ninh trật tự trong thôn ấp và đồng thời làm kho cung cấp binh sĩ cũng như tiếp tế lương thực cho Bộ đội .

Để đào tạo chiến sĩ, nhiều khóa huấn luyện liên tục được mở ra.
Không kể khóa huấn luyện tại núi Dài cuối năm 1946, sau đây là các khóa huấn luyện sau ngày cải tổ:
         Các khóa huấn luyện mở vào cuối năm 1947 tại Hiệp Xương, đào tạo cấp Đại đội trưởng.
         Các khóa huấn luyện cán bộ Chính trị viên mở tại chiến khu Ba Dầu (Long Xuyên) năm 1948.
         Các khóa huấn luyện mở vào đầu năm 1949 tại Mỹ Hội Đông đào tạo cấp Tiểu đội trưởng và Trung đội trưởng.
         Các khóa huấn luyện mở vào cuối năm 1949 tại Kiến An đào tạo cấp Trung đội trưởng và Đại đội trưởng.

Song song với chương trình huấn luyện binh sĩ, Bộ đội còn phái cán bộ lưu động đến các tỉnh, quận huấn luyện quân sự căn bản cho các cán bộ và đội viên Bảo An Quân.

Năm 1949 thực dân Pháp tìm đủ cách khủng bố, bức ép bộ đội phải ra hợp tác với quân đội Viễn Chinh Pháp, nhưng vì trung thành với lập trường quốc gia kháng chiến nên Bộ đội Nguyễn Trung Trực bị tấn công tới tấp bằng hải lục không quân, dồn ép phải rút về kinh Cựu Hội (Cái Tàu Thượng) địa giới giữa vùng Quốc Gia và Cộng Sản.

Mặc dầu bị đặt vào thế kẹt giữa hai gọng kềm Thực Dân và Cộng Sản, Bộ đội Nguyễn Trung Trực vẫn cương quyết giữ vững lập trường kháng chiến thà chịu cảnh cùng khốn thiếu đạn dược, thiếu vũ khí nhưng được nhân dân tiếp tế dồi dào, chớ không chịu chấp nhận điều kiện ra hợp tác với Thực Dân.

Trong thời gian này, đã có nhiều cuộc tiếp xúc giữa ông Nguyễn Giác Ngộ và các lãnh tụ cách mạng quốc gia tại Saigon, như các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn... mục đích để duy trì thế quân sự của Bộ đội Nguyễn Trung Trực như một tổ chức nghĩa binh cách mạng vừa chống Pháp vừa chống Cộng, để bảo tồn chính nghĩa quốc gia, làm nền tảng cho giải pháp quốc gia dưới sự lãnh đạo của Cựu Hoàng Bảo Đại lúc này đang thương thuyết với Pháp.

Đọc trong cuốn hồi ký của Cựu Hoàng Bảo Đại “Le Dragon d’Annam” ta thấy ông Bảo Đại đã phải tranh đấu gay go vô cùng để đối phó với dã tâm của người Pháp thế nào, thì trên bình diện địa phương, đơn vị của ông Nguyễn Giác Ngộ cũng phải chịu đựng khốn khó vô cùng trước áp lực đánh phá của quân đội Pháp ở miền Tây. Lúc đó Pháp chỉ muốn cho Việt Nam độc lập trên mảnh giấy hiệp ước, chớ trên thực tế họ ngoan cố không chịu trao trả quyền hành, làm cho từ vị Quốc Trưởng xuống đến chánh phủ, và cả giới lãnh tụ cách mạng quốc gia trở thành “tay sai bù nhìn” trước công luận quốc tế và quần chúng Việt Nam. Trạng huống này chỉ có lợi cho Việt Minh, và tuyên truyền của ông Hồ Chí Minh đã khai thác triệt để, hầu bôi nhọ chánh nghĩa quốc gia. Trong khi đó, Pháp cố tìm mọi cách dồn ép ông Nguyễn Giác Ngộ phải ra hợp tác với họ.
Nhưng ông Nguyễn Giác Ngộ và bộ tham mưu đã cương quyết, dù chết không nhượng bộ. Có một câu chuyện được kể lại về tình trạng này:

“Trước áp lực nặng nề và nguy hiểm của Pháp, ông Nguyễn Giác Ngộ có ý muốn bắt chước theo gương xưa của lãnh tụ Nguyễn Trung Trực, hy sinh thân mình để cứu lấy đồng đội khỏi nạn tiêu diệt, nhưng các sĩ quan trong bộ tham mưu của ông đã quỳ trước mặt ông mà khóc với lời yêu cầu khẩn thiết xin ông dù có chết cũng giữ lấy lập trường chống thực dân Pháp, đừng bao giờ ra hợp tác với chúng’’.

Cho nên bộ đội Nguyễn Trung Trực kiên quyết bất hợp tác với Pháp, và sau cùng chỉ còn xuất lộ duy nhất—dù miễn cưỡng—là hợp tác với Quốc Trưởng Bảo Đại.

Nói miễn cưỡng là vì lúc đó dã tâm của Pháp được biểu lộ rõ rệt, Quốc Trưởng Bảo Đại chỉ là chức vị hữu danh vô quyền, thành ra tuy là hợp tác với Quốc Trưởng Bảo Đại, nhưng sự thật vẫn là gián tiếp bị Pháp chi phối. Chỉ bảo tồn được phần danh nghĩa mà thôi.

Tuy nhiên, thái độ của các lãnh tụ quân sự trong đơn vị Nguyễn Trung Trực đã chứng tỏ tinh thần chống Pháp của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, trong truyền thống của Đạo và đường lối ái quốc của Huỳnh Giáo Chủ.

Có lẽ cái truyền thống hào hùng của Nguyễn Trung Trực cũng tạo ảnh hưởng trong tâm hồn của những người chiến sĩ nghĩa binh Phật Giáo Hòa Hảo khi tham gia chiến đấu dưới ngọn cờ cách mạng kháng Pháp của một bộ đội được mang danh nghĩa và oai linh của anh hùng Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực.

Sau này đơn vị quân sự Nguyễn Trung Trực trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của quân đội quốc gia Việt Nam, trung đoàn 55 và 63, nhưng cũng không được chế độ Ngô Đình Diệm đối xử đàng hoàng, bị đưa ra tuốt ngoài miền Trung, binh sĩ đâm ra chán nản, xin giải ngũ trở về quê quán cày ruộng tu hiền. (Trung đoàn 63 bị giải tán ngày 19-6-1956, cùng một lúc với nhiều đơn vị gốc Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài).

CHƯƠNG 12: TỔNG KẾT GIAI ĐOẠN QUÂN SỰ HOÁ
Tổ chức quân sự Phật Giáo Hòa Hảo đã phát triển theo tiến trình sau đây, nếu kể từ thời kỳ sơ khởi hình thành phong trào Bảo An:
  Khởi đầu là những đội Bảo An võ trang bằng võ khí bén (giai đoạn 1942-1945).
  Bước thứ hai, một số đơn vị được võ trang bằng súng cá nhân xuất hiện, tham gia cuộc kháng chiến chống quân đội Pháp (giai đoạn 1945-1946).
  Bước thứ ba, tổ chức thành các đơn vị lớn hơn, cấp chi đội 500 người, ngang hàng cấp tiểu đoàn (giai đoạn 1946-1947).
  Bước thứ tư, liên quân với Pháp, tăng gia quân số và võ trang (giai đoạn 1947-1955). Theo các tài liệu, tổng số binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo khoảng trên 3.000 người năm 1947 khi liên quân với Pháp, đã tăng lên tới mức 30.000 người vào đầu 1955.

Những nhân vật quân sự là:
  Trần Văn Soái, cấp bậc Trung tướng (1955)
  Nguyễn Giác Ngộ, cấp bậc Thiếu tướng (1955)
  Lâm Thành Nguyên, cấp bậc Thiếu tướng (1955)
  Lê Quang Vinh, cấp bậc Thiếu tướng (1955)

Tất cả bốn lãnh tụ quân sự này đều xuất thân từ chốn bình dân ít học trong xã hội, có ưu điểm là được quần chúng bình dân trong tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo tín nhiệm; và có nhược điểm là kiến thức giới hạn về chánh trị, không vượt ra khỏi phạm vi địa phương và quân sự, không thích nghi được với các hoạt động chánh trị trên bình diện quốc gia.

Cho nên bảng tổng kết giai đoạn quân sự 1947-1955 của Phật Giáo Hòa Hảo chỉ chứng minh được kết quả về quân sự: bình định lãnh thổ, đánh đuổi các đơn vị Việt Minh khỏi miền Tây, bảo vệ phần đất này không để cho uy quyền Cộng Sản chi phối.

Ngược lại, về mặt chính trị, họ đã không đạt được những thành công tương xứng với vị thế một tổ chức có tầm vóc với hai triệu đoàn viên, lại có thế lực quân sự.

Một số các nhà phân tích đã nghĩ rằng: Nếu như đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo đã thực sự thực hiện được nguyên tắc căn bản là “quân sự lãnh đạo bởi chánh trị”, tức là đã tránh được tình huống nghịch lý ‘’quân sự lãnh đạo chánh trị’’ như đã xảy ra, thì sau khi các lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo có giải tán hay sáp nhập quân đội quốc gia, lực lượng chánh trị vẫn không bị sụp đổ như đã xảy ra năm 1955.

Sau khi thế lực quân sự và chánh trị không còn hoạt động được nữa (1955), Phật Giáo Hòa Hảo chỉ còn tiềm lực tôn giáo. Nhờ tiềm năng tôn giáo mà Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như Cao Đài, vẫn tồn tại được. Khác với tổ chức Bình Xuyên, khi thế lực quân sự tan rã, thì Bình Xuyên không còn khả năng tồn tại nữa.

CHƯƠNG 13: VẤN ĐỀ SÁT NHẬP QUÂN LỰC PGHH VÀO QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM


1 - Giai Đoạn Chuyển Tiếp Từ Pháp Qua Việt Nam

Theo các tài liệu văn khố, việc sáp nhập các tổ chức quân sự giáo phái miền Nam vào quân đội quốc gia Việt Nam đã khởi đầu từ năm 1950, ngay sau khi Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập quân đội quốc gia Việt Nam, tháng 8-1950. 


Thống tướng De Lattre de Tassigny chấp chưởng quyền hành quân sự và dân sự tại Đông Dương với chức vụ Cao Ủy kiêm Tổng tư lịnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương, đã đề ra lần đầu tiên chánh sách “Việt Nam hóa” chiến tranh tại Việt Nam, mà bước thứ nhứt là tăng gia quân số Việt Nam. Trong khuôn khổ kế hoạch đó, ông chỉ thị Bộ Tư lịnh Pháp ở miền Nam, lúc đó do Thiếu tướng Chanson chỉ huy phải xúc tiến việc sáp nhập các lực lượng quân sự giáo phái vào Lực lượng Bổ túc của quân đội quốc gia Việt Nam.



Ngày 19-7-1951, trong một văn thơ gởi phái bộ quân sự Pháp bên cạnh chánh phủ Việt Nam, Tướng Chanson cho biết từ 1-1-1952 đợt đầu tiên binh sĩ Hòa Hảo sẽ sáp nhập chương trình đó. Ông cũng xác nhận rằng tất cả các vị lãnh tụ quân sự Hòa Hảo, Tướng Trần Văn Soái, Đại tá Lâm Thành Nguyên, Thiếu tá Lê Quang Vinh đều đồng ý việc sáp nhập này.



Tình hình nghiêm trọng tại các chiến trường lúc đó, sự bất ổn chánh trị, tiếp theo là cái chết của Tướng De Lattre đã làm ngưng trệ sự thi hành chủ trương sáp nhập này. Cho nên đầu năm 1953, chánh phủ Việt Nam và Bộ Tổng Tư lịnh Pháp, khi thương thuyết chuyển giao quyền hành lãnh thổ từ Pháp qua Việt, đã đặt vấn đề này trở lại.



Trong một bản phân tích do văn phòng phái bộ liên lạc của quân đội Pháp bên cạnh quân lực Hòa Hảo, đã trình bày một số dữ kiện cần bàn của vấn đề, để đóng góp các yếu tố có tính chất lịch sử cho các cuộc thương thuyết Pháp-Việt thảo luận vấn đề này. 



BẢN PHÂN TÍCH 



Đề tài: Trích dẫn các văn thư Mật và Tối mật của Thủ tướng chánh phủ lâm thời (ông Lê Văn Hoạch) và Tổng trưởng Quốc phòng (ông Nguyễn Văn Tâm) gởi cho Đại tá Cluzet Tư lịnh miền Tây trước khi ký hiệp định liên quân Pháp Hòa Hảo 18-5-1947. Một hội nghị gồm đại diện hữu quyền của Bộ Tổng Tư lịnh Pháp và chánh phủ Việt Nam, rất gần đây sẽ lấy các quyết định liên hệ đến việc chuyển giao quyền hành sang chánh phủ Việt Nam tại các tỉnh miền Tây, và về chính sách đối với các lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo.



Giáo phái Phật Giáo Hòa Hảo đã chánh thức chiến đấu liên quân với quân đội Pháp từ tháng 5-1947, và đã giúp đỡ công tác bình định bảo vệ an ninh lãnh thổ. Họ lo ngại rằng trong sự chuyển giao quyền hành này, những hy sinh của họ không được công nhận, và đặc biệt các quyền lợi vật chất phát sinh từ bộ máy hành chánh song hành của họ sẽ bỗng nhiên và hoàn toàn bị phế bỏ.



Những lãnh tụ các nhóm quân sự Phật Giáo Hòa Hảo rất lấy làm thất vọng vì họ không có một đại diện nào trong các hội nghị chuẩn bị chuyển quyền đó. Các hội nghị này đã quyết định số phận của các tỉnh mà đa số dân chúng là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và đang do Phật Giáo Hòa Hảo đảm nhận phần lớn nhiệm vụ bảo vệ an ninh quân sự.



Giới Phật Giáo Hòa Hảo cho rằng “Vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo” đã không được đánh giá đúng mức bởi chánh phủ Việt Nam, cho nên họ tin vào các sĩ quan quân đội Pháp mà họ đã cùng chiến đấu từ 1947, họ cho rằng bản hiệp định liên quân họ ký ngày 18-5-1947 vẫn còn giá trị, phía chánh phủ Việt Nam cũng không hề sửa đổi hoặc chối bỏ bao giờ. 



Một số giới chức chánh quyền Việt Nam có thể, trong lúc hội nghị về chuyển quyền, đã viện lý lẽ để không tôn trọng bản hiệp định đó, hoặc tỏ thái độ ngạc nhiên về sự ký kết bởi nhà cầm quyền Pháp. Cho nên cần phải xuất trình các tài liệu chính thức phát sanh từ chánh quyền Việt Nam lúc đó đã khẩn thiết yêu cầu giới chức quân sự Pháp hãy võ trang và yểm trợ tối đa cho phong trào Phật giáo Hòa Hảo.



Đây là những tài liệu Mật, phổ biến rất hạn chế, mang chữ ký đương kim Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và Phó Thủ tướng Lê Văn Hoạch, lúc đó (1947) là Tổng trưởng Quốc phòng và Thủ tướng của chánh phủ lâm thời Nam


2 - Phần Trích Dẫn Các Tài Liệu Mật Và Tối Mật

Tài liệu 1:


Văn thơ của Tổng trưởng Quốc phòng gởi Đại tá Tư lịnh miền Tây MDN/CEP/No 68 ngày 2-5-1947, cho biết rằng có nhận được thông điệp của Thủ tướng chánh phủ lâm thời, yêu cầu ông can thiệp với Đại tá tư lịnh miền Tây để “quân đội yểm trợ mạnh mẽ cho phong trào Hòa Hảo”.



Tài liệu 2:



Văn thơ của Tổng trưởng Quốc phòng gởi Thủ tướng chánh phủ MDN/CEP/No/78 ngày 6-5-1947, nhắc lại những điện tín và phúc trình trước đó về vấn đề Hòa Hảo, nay tái trình vấn đề này, một vấn đề nóng bỏng thời sự, sẽ có những ảnh hưởng trầm trọng về chính trị, tùy theo thái độ của chánh phủ trước cuộc chiến đấu của giáo phái Hòa Hảo chống lại Việt Minh... Có hai thái độ lưỡng nan: Một là võ trang cho Hòa Hảo, hai là bỏ mặc họ.



Tổng trưởng quốc phòng đề nghị với Thủ tướng: “tốt hơn là giúp cho Hòa Hảo các phương tiện để tự bảo vệ, và phải gấp rút có thái độ rõ ràng, dù là thái độ nào, cũng phải hành động khéo léo để tránh phản ứng nghi ngại. Yêu cầu Thủ tướng can thiệp hữu hiệu với giới chức quân sự Pháp về vấn đề này...



Tài liệu 3:



Văn thơ Tối mật và Tối khẩn của Thủ tướng chánh phủ gởi Ủy viên Cộng Hòa Pháp số 344/s. Cab ngày 9-5-1947 xác định rằng trong lúc đến Cần Thơ để nghiên cứu khả năng ứng dụng của Hòa Hảo và nhu cầu yểm trợ tổ chức đó. Thủ tướng nhận thấy cần thiết phải ủng hộ một cách gấp rút phong trào chống Việt Minh này, bằng cách võ trang các nhóm Hòa Hảo, cứu viện các cộng đồng Hòa Hảo khi bị tấn công hay hăm dọa, và tổ chức những cuộc hành quân hỗn hợp với Hòa Hảo... Văn thơ này ký tên bởi Thủ tướng Lê Văn Hoạch yêu cầu Thiếu tướng Tư lịnh Quân đội Pháp tại Nam Việt mở những cuộc hành quân tấn công quy mô... 



Trên bình diện pháp lý, có thể tóm lược các tài liệu trên như sau:



1. Sự yểm trợ võ trang các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo đã được thực hiện theo chánh sách chung giữa chánh phủ Cộng Hòa Nam kỳ và nhà cầm quyền Pháp lúc đó.



2. Bản hiệp định 18-5-1947 ký kết giữa quân lực Phật Giáo Hòa Hảo và Pháp thể hiện chánh sách chung giữa Việt Nam và Pháp, dù rằng không có chữ ký của đại diện chánh phủ Lê Văn Hoạch trên bản hiệp định.



3. Trong tiến trình sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào quân đội quốc gia Việt Nam, phía chánh quyền Việt Nam đã có khuynh hướng không đếm xỉa đến bản hiệp định 18-5-47, đồng thời cũng không mời đại diện Phật Giáo Hòa Hảo tham gia những cuộc hội nghị thảo luận các vấn đề liên quan tới Phật Giáo Hòa Hảo. Thái độ này thiếu tánh chất thực tiễn và thiếu khôn khéo, nên đã tạo nhiều trở ngại cho việc thống nhứt quân đội.



Không khí nghi kÿ giữa chánh phủ Việt Nam và quân lực Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó, đáng lẽ phải được đánh tan bởi thái độ cởi mở hiểu biết và thích nghi, biểu lộ trước hết bởi phía chánh phủ, lại bị làm cho thêm trầm trọng bởi thái độ miệt thị và chống đối Phật Giáo Hòa Hảo. Tâm lý và phản ứng của phía Phật Giáo Hòa Hảo là: quân lực Phật Giáo Hòa Hảo đã ra đời và chiến đấu nhiều năm trước khi quân đội quốc gia ra đời, tự cho mình có công đánh đuổi các bộ đội Cộng Sản, và bảo vệ được một phần lãnh thổ quốc gia thoát khỏi ảnh hưởng Việt Minh. Họ có quyền được hưởng sự đãi ngộ hợp tình hợp lý của chánh phủ, và họ không chấp nhận những người trước kia hoặc đã chạy theo Việt Minh hay hợp tác với Pháp, nay là sĩ quan trong quân đội quốc gia, lại có thái độ miệt thị trịch thượng đối với họ.



Phía các cấp chỉ huy trong quân đội quốc gia có tâm lý chung khinh rẻ binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo thất học quê mùa, nhìn họ qua nhiều lớp thành kiến tích tụ từ nhiều năm qua, cho nên nói chung là thiếu thiện cảm. Nhứt là những sĩ quan từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, nhiều người đã mang sẵn những ngộ nhận tạo ra bởi tuyên truyền Cộng Sản, đến nỗi hầu hết tin rằng: ‘’Hòa Hảo ăn thịt ăn gan người’’ và ‘’nói láo như Hòa Hảo’’. Hãy bình tâm mà tưởng tượng phản ứng của một chiến sĩ hay tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khi nghe một người nào đó nói những câu trên đây. Người trầm lặng nhẫn nại cũng cảm thấy đau xót vì bị vu oan và bị chạm tự ái. Người trực tánh, ít suy nghĩ tất nhiên có phản ứng đối nghịch hay mạnh mẽ. Vô tình hay cố ý, nhắc lại những luận điệu tuyên truyền bôi lọ này, là đã rơi vào cái bẫy của Cộng Sản, dùng lợi khí Cộng Sản mà phỉ báng lại những người cùng chiến tuyến với mình. Bộ máy tuyên truyền Cộng Sản đã thành công trong mục tiêu chia rẽ hàng ngũ quốc gia, khiến người Việt Nam ở miền Bắc không hề có đụng chạm quyền lợi hay hoạt động chung với Phật Giáo Hòa Hảo, cũng có các thành kiến sai lầm bi đát đem từ miền Bắc vào Nam, để rồi bị chi phối bởi chính các thành kiến đó, mà nhìn các tôn giáo miền Nam, nhứt là Phật Giáo Hòa Hảo, với nhãn quan lầm lạc. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến mối tương quan giữa quân lực Phật Giáo Hòa Hảo và chánh quyền quốc gia, bởi vì số sĩ quan và viên chức cao cấp của guồng máy quân đội và chánh phủ lúc đó có một tỷ lệ khá cao những thành phần di cư từ Bắc vào Nam.



Tình trạng tâm lý tế nhị và phức tạp đó chỉ có thể được giải tỏa bằng một thái độ và chánh sách cởi mở và trực tiếp của chánh phủ, lập lại lòng tin tưởng của binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo để họ không còn cảm thấy bị khinh miệt kỳ thị, hay lo ngại bị lừa phỉnh. Nhưng chánh phủ Việt Nam lúc đó lại áp dụng phương thức giải quyết vấn đề sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo bằng thương nghị song phương với Pháp, không chấp nhận sự tham gia của phía Phật Giáo Hòa Hảo khi quyết định về tương lai của họ. Mặt khác, chánh quyền Việt Nam cũng không muốn trực diện thảo luận với Phật Giáo Hòa Hảo, mà lại nhờ trung gian của quân đội Pháp mỗi khi cần tìm hiểu quan điểm của Phật Giáo Hòa Hảo, hay cần thông đạt điều gì cho phía Phật Giáo Hòa Hảo. Thiệt là một điều bất hợp lý, và điều nghịch lý này chỉ làm trầm trọng thêm không khí nghi kÿ, ngộ nhận giữa Phật Giáo Hòa Hảo và chánh phủ.



Trên một bình diện cao hơn, đáng lẽ chánh phủ Việt Nam phải nhìn toàn bộ vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo như một vấn đề chánh trị, phải được giải quyết bằng một thái độ chánh trị hợp lý, thì từ căn bản hợp lý đó, các Thủ tục thi hành sẽ được dễ dàng trôi chảy hơn. Cái nhìn giới hạn xem vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo chỉ có tính chất hành chánh hay quân sự, làm phát sanh thêm các trở ngại tâm lý từ cả hai phía.



Hãy đọc một bản văn trong văn khố quân đội Pháp, vào thời điểm 27-5-1954 liên quan đến những điều nói trên đây: 




3 - Bản Văn Mang Tay

Bộ tư lịnh quân đội Pháp miền Nam chỉ thị cho phái bộ liên lạc MLHH thông báo với Trung tướng Trần Văn Soái rằng dự án Hòa Hảo ngày 3-4-1954 đã được nghiên cứu bởi Bộ Tư lịnh Pháp và Việt Nam. Những điều tu chỉnh sẽ được thông báo cho Bộ Tư lịnh Hòa Hảo qua phái bộ liên lạc, để yêu cầu Bộ Tham mưu Quân lực Phật Giáo Hòa Hảo nghiên cứu, trả lời gấp... (*) 


Thủ tục thể hiện qua bản văn trên đây cho thấy rằng vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo được nhìn như một vấn đề hành chánh. Quyết định về giải pháp là do Bộ Tư lịnh Pháp và Chánh phủ Việt Nam, phía đương sự chính yếu chỉ tham gia ý kiến qua Thủ tục đáp ứng gián tiếp, với tư cách người ngoại cuộc. Bộ phận tiếp xúc với Phật Giáo Hòa Hảo lại là Bộ Tư lịnh Pháp chớ không phải Chánh phủ Việt Nam.



Nếu lúc đó Chánh phủ Việt Nam quan niệm vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo là một vấn đề chánh trị, và nói chuyện trực tiếp với Phật Giáo Hòa Hảo, vấn đề này sẽ dễ dàng đạt các thỏa thuận nguyên tắc để giải quyết. Hoặc là nếu cần có sự hiện diện của quân đội Pháp trong giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt đó, thì nên có cả sự hiện diện của đại diện Phật Giáo Hòa Hảo tại các phiên họp, để vấn đề được thảo luận tích cực và giải quyết minh bạch, trực tiếp và mau chóng.



Trong các tài liệu nói về các lực lượng võ trang giáo phái Việt Nam thật khó tìm được loại tài liệu khách quan vô tư. Sau này, khi biên soạn tập Quân Sử Việt Nam, tác giả Phạm Văn Sơn, với tư cách người viết sử, có nêu lên được một nhận xét khách quan khi phân tích về các Lực lượng Phụ lực quân trong thời kỳ đó, như sau: 



Lực lượng phụ lực quân được phát triển một cách tự do tùy theo nhu cầu binh lực cung ứng cho các khu vực hành quân, và tùy theo khả năng ngân sách mà Pháp có thể đài thọ được.



Tới đầu năm 1952, tổng số phụ lực quân trên toàn lãnh thổ Đông Dương gồm có 112,370 người. Vì lực lượng này đông đảo, nên Pháp đã cải tổ lại các đơn vị phụ lực, đang trong tình trạng phức tạp, thành những đơn vị có cấp số và có một tổ chức đồng nhất trên toàn cõi Đông Dương (type unique d’unité standard). Kể từ 1-2-1952, tất cả các đơn vị phụ lực quân tại miền Bắc, miền Trung, miền Cao nguyên, và miền Nam đều được tổ chức thành các đại đội, được gọi là “Đại Đội Nhẹ Phụ lực quân” (Compagnie Légère de Supplétifs, gọi tắt là C.L.S.)



Phụ lực quân có hai loại với những khác biệt như sau:



— Loại không giáo phái được tổ chức thành đại đội phụ lực quân và đặt dưới hệ thống chỉ huy của các giới chức quân sự địa phương.



— Loại giáo phái đặt dưới sự chỉ huy của giáo phái và làm việc trong hệ thống chỉ huy của Pháp.



Phụ lực quân giáo phái đặt dưới sự chi phối của các lãnh tụ giáo phái, hoạt động trong các khu vực của giáo dân, nên thể hiện được tính chất của một lực lượng võ trang nhân dân.



Nói đến các lực lượng giáo phái, ta cũng phải ghi nhận một điều là những lực lượng này đã tự động vũ trang nổi lên vào thời kỳ người Pháp trở lại Việt Nam mùa thu năm 1945. Những lực lượng này tuy chống Pháp nhưng lại không thể kết hợp được với Việt Minh. Có thể nói rằng các lực lượng giáo phái là những lực lượng quốc gia vũ trang đầu tiên, khi chưa có sự hình thành của giải pháp quốc gia.



ở đây, ta thấy rằng các binh đội giáo phái về hợp tác với Pháp, các lãnh tụ của họ vẫn giữ cho các binh đội này thoát ra khỏi sự chỉ huy của người Pháp, dù Pháp có ý muốn nắm quyền chỉ huy trực tiếp, Pháp chỉ làm dần dần, vì e ngại sẽ xảy ra những rắc rối với giáo phái. Sự kiện này cho ta thấy rằng Pháp muốn dồn mọi nỗ lực để chống Việt Minh, và trong những nỗ lực ấy, có cả nỗ lực của các giáo phái, nên Pháp phải dung hòa, nhờ thế mà các binh đội giáo phái dù được Pháp đặt dưới bất cứ một hình thức tổ chức nào (phụ lực quân), vẫn ở ngoài sự chỉ huy của người Pháp. (*) 



Tiếc rằng trong hoàn cảnh rối ren lúc đó, chánh phủ Việt Nam không nhìn thấy tính chất “nhân dân”, giá trị quần chúng với các ưu điểm lý tưởng tín ngưỡng như tiềm lực khả tín lâu dài của dân tộc, theo như lối nhìn của sử gia Phạm Văn Sơn.



Tiến trình sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào quân đội quốc gia khởi đầu từ 1951, nhưng vì đã được nhìn sai lệch, cho nên phải bị trì trệ không kết quả, mà lại còn tạo thêm nghi kÿ, mặc cảm làm cho vấn đề ngày thêm phức tạp, khó giải quyết. Từ 1951 đến 1954, vẫn chưa đạt được bước tiến nào đáng kể, mà còn làm cho quân sĩ đôi bên nhìn nhau như thù địch, thiệt là một điều nghịch lý và đáng tiếc vô cùng.



Trong khoảng thời gian đó, không khí nghi kÿ đã làm phát sanh một số sự việc đáng tiếc giữa quân lực Phật Giáo Hòa Hảo và quân đội quốc gia. Điển hình là việc bắt cóc một số sĩ quan Phật Giáo Hòa Hảo trong lúc họ đi công tác tại Sàigòn. Những người bị bắt cóc còn bị đánh đập tàn nhẫn trong khu giam cầm của phòng 6, tức phòng tình báo chính trị của Bộ Tổng tham mưu (lúc đó do Trung tá Trần Đình Lan chỉ huy). Sự việc khác là biến cố xảy ra tại cầu Bắc Cần Thơ, một tiểu đoàn quân đội quốc gia do Thiếu tá Nguyễn Văn Ngưu chỉ huy, bị chận lại, và chỉ được quân lực Phật Giáo Hòa Hảo đồng ý cho di chuyển sau mấy giờ thương nghị gay go.



Việc sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như Cao Đài vào quân đội quốc gia phải chờ đến khi có được giải pháp chánh trị vào tháng 9-1954, mới được tạm thời khai thông khỏi tình trạng tắc nghẽn tâm lý và bế tắc về hành chánh. Khi hai tôn giáo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo tham gia chánh phủ liên hiệp đầu tiên của Thủ tướng Ngô Đình Diệm (9-54), không khí miệt thị và nghi kÿ được thay thế bằng không khí hợp tác, cho nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn, khoảng hai tháng sau, những điểm nguyên tắc căn bản đã được thỏa thuận qua thảo luận trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lịnh Phật Giáo Hòa Hảo, đặt nền tảng cho việc sáp nhập từng đợt. Và ngày 3-11-54, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ban hành nghị định 1025/QP xác định nguyên tắc và thể thức sáp nhập, nghị định 1026/QP ấn định số quân sĩ đợt đầu sáp nhập là 3.000 người.



Theo các văn kiện này, việc sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo được thực hiện từng đợt. Bộ phận Hòa Hảo trong quân đội quốc gia Việt Nam được đặt trong hệ thống điều động, kiểm soát của quân đội Việt Nam. Cờ Phật Giáo Hòa Hảo được thay thế bằng quốc kỳ Việt Nam màu vàng ba sọc đỏ, chỉ còn huy hiệu truyền thống của Phật Giáo Hòa Hảo. Quân sĩ mang đồng phục quân đội quốc gia nhưng còn đeo huy hiệu Phật Giáo Hòa Hảo và đội ca lô màu dà. Võ khí Phật Giáo Hòa Hảo giao nạp hết cho quân đội quốc gia, và được trang bị theo biên chế quân đội quốc gia. Đặc điểm còn bảo tồn một thời gian là Văn phòng đặc biệt đặt tại Bộ Quốc phòng và Cơ quan cố vấn kiểm soát của Bộ tổng tham mưu đặt bên cạnh Bộ chỉ huy của bộ phận Phật Giáo Hòa Hảo.



Theo tinh thần hai bản nghị định này, đây là bước khởi đầu của một tiến trình sáp nhập mang tính chất của giai đoạn chuyển tiếp, để tiến tới sáp nhập toàn vẹn và toàn bộ.



Tuy nhiên, hai bản nghị định này trở thành ‘’thư chết’’ ngay sau khi ban hành, bởi lý do khuynh hướng “sáp nhập lập tức và toàn bộ” lúc đó ưu thắng hơn quan điểm của Bộ quốc phòng. Hai bản nghị định bị ngâm tôm, đình hoãn, bộ trưởng quốc phòng Hồ Thông Minh bị ra khỏi nội các, việc sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào quân đội quốc gia cũng bị ngưng đọng tại đây.


4 - Yếu Tố Mới: Chánh Sách Giảm Binh Của Huê Kỳ

Một lý do khác cản trở việc thi hành hai bản nghị định trên. Đó là quyết định giảm binh của Tòa đại sứ Huê Kỳ.


Đầu tháng 12-1954, Chánh phủ Huê Kỳ qua cơ quan Cố vấn Huấn luyện (T.R.I.M., Training Relations Instruction Mission) thông báo cho Chánh phủ Việt Nam biết rằng quân số Việt Nam bây giờ bước vào thời bình, phải tài giảm bắt đầu từ 1-1-1955. Mục tiêu của chương trình tài giảm là giới hạn 100.000 binh sĩ vào ngày 1-7-1955. Huê Kỳ cũng nói rõ cho biết rằng viện trợ quân sự Mỹ chỉ đài thọ đến số tối đa đó mà thôi. Nên biết từ 1-1-1955 viện trợ quân sự Mỹ giao thẳng cho Chánh phủ Việt Nam, không qua tay Pháp như trước đó nữa.



Quan niệm Huê Kỳ là: Việt Nam lưu giữ quân số thường trực 100.000 người, và phải có chế độ quân dịch để tạo ra lực lượng trừ bị tại gia đông đảo, làm hậu thuẫn cho quốc gia khi hữu sự. Do đó, không nên có một quân đội chuyên nghiệp mà nên tạo một đạo quân ở trạng thái luân chuyển, thay đổi liên tiếp bằng cách gọi các thành phần bị động viên nhập ngũ 18 tháng, rồi cho xuất ngũ về đời sống dân sự, với tư cách trừ bị tại gia. Kế hoạch này, theo quan điểm Huê Kỳ, sẽ không tốn kém mà tạo được một lực lượng quốc phòng đông đảo. (*)



Khách quan mà xét, quan điểm Huê Kỳ có thể đúng với quốc gia Huê Kỳ, hay những nước có sinh hoạt chính trị xã hội bình thường và đã ổn định. Trái lại, tình trạng miền Nam lúc đó là một tình trạng bất bình thường, chiến tranh vừa tạm chấm dứt được sáu tháng, các xáo trộn xã hội đầy dẫy, gần một triệu người di cư từ Bắc vào, lại thêm các xáo trộn chánh trị đang diễn ra mà nguồn gốc cũng là vấn đề liên hệ đến quân đội, như vấn đề sáp nhập quân lực giáo phái. Lại thêm kỳ hạn gọi là hiệp thương tuyển cử 7-1956 mà áp lực ám ảnh các giới chánh trị. Ý nghĩ phổ quát của các giới là cần phải duy trì một lực lượng quân sự mạnh để hậu thuẫn cho miền Nam đối phó các yêu sách của miền Bắc.



Do đó, vấn đề tài giảm binh bị và “quan niệm quân đội thời bình” của Huê Kỳ đặt ra ở thời điểm và bối cảnh đó, thật là khó hiểu vô cùng.



Sau đây là một số sự việc xảy ra chung quanh quyết định tài giảm quân số lúc đó. 



Việc giải ngũ quân sĩ đối với Việt Nam đã khó khăn như vậy, thì ngược lại, người Mỹ lại không ngớt thúc giục, như việc đầu tháng 4-1955, phái bộ quân sự Mỹ đưa ra một lịch trình giải ngũ mới, và muốn được Việt Nam tích cực thi hành như sau:



— Tới 1-5-55 quân đội chỉ còn 150.000



— Tới 1-8-55 quân đội chỉ còn 125.000



— Tới 1-11-55 quân đội chỉ còn 100.000



Người Mỹ còn muốn con số 100.000 người chưa phải là mức chót bởi vì tuy muốn duy trì một quân đội quốc gia ở mức 100.000, nhưng muốn quân số hiện diện phải rút xuống còn 85.000 hoặc 90.000 rồi bù đắp cho bằng 100.000 người với những thành phần mới, là những người động viên.



Cuối năm 1954 quân đội có trên 200.000 trong đó có 6.500 sĩ quan, 27.00 hạ sĩ quan...



Các rắc rối xảy đến với các quân nhân là bởi các quân nhân này bị đẩy ra khỏi hàng ngũ quân đội một cách vô lý. Sự giải ngũ lại nhắm đa số vào thành phần hạ sĩ quan có gia đình đông con, nên đã gây ra những phản ứng trong quân đội, như tại Nha Trang các quân nhân bị giải ngũ đã chưởi bới om sòm, và tại một đơn vị ở Đà Nẵng, những quân nhân bị giải ngũ không chịu rời khỏi đơn vị, khiến cho đơn vị trưởng phải áp dụng những biện pháp mạnh, dùng quân xa chở họ và gia đình tới Đà Nẵng bỏ xuống. (*) 



Có lẽ các cố vấn Huê Kỳ quên rằng tại Việt Nam lúc đó không có hệ thống trợ cấp xã hội như tại Huê Kỳ, và hậu quả trực tiếp của biện pháp giải ngũ là những quân nhân ra khỏi quân đội bị mất lợi tức, trở thành đội quân thất nghiệp, mà lại không được hưởng trợ cấp xã hội để sống trong thời gian chưa có việc làm mới. Cho nên Huê Kỳ khăng khăng đòi giải ngũ, mà không nghĩ đến các hậu quả xã hội, cũng như hoàn cảnh và phản ứng của các quân nhân bị giải ngũ. Trên lý thuyết, quan niệm về một quân đội thời bình, để giảm chi phí quốc phòng, đồng thời tạo lực lượng trừ bị quốc gia đông đảo, có thể xem là rất hay. Nhưng trên thực tế, đem áp dụng tại Việt Nam giữa bối cảnh chánh trị lúc đó, tất nhiên là có hại nhiều hơn là có lợi.


5 - Nhận Xét Của Pháp Về Vấn Đề Sáp Nhập Lực Lượng PGHH Vào Quân Đội VN
Qua một số tài liệu nghiên cứu của quân đội Pháp để lượng giá quân lực Phật giáo Hòa Hảo, có những dữ kiện sau đây được tìm thấy trong kho văn khố quân đội mới được chánh phủ Pháp cho phép các giới được sử dụng từ thời điểm 30 năm sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam.


Cái nhìn tổng quát của Pháp như sau:



— Những cấp chỉ huy Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như đa số tín đồ, đều tin rằng họ là nạn nhân của một chánh sách kỳ thị bất công của chánh phủ quốc gia, do đó các nỗ lực hợp tác của phía Phật Giáo Hòa Hảo với chánh phủ nặng về mục tiêu ngăn ngừa chủ trương của phía chánh phủ lấn áp và xâm phạm quyền lợi của họ.



— Mặt khác sự nghi ngờ dè dặt của các cấp chỉ huy phía Phật Giáo Hòa Hảo đã tạo ra một bức tường ngăn cản sự xen lấn của phía chánh quyền vào công việc của họ, trong địa phương của họ. Trong một tình trạng như thế, phải mất nhiều ngày giờ mới mong đạt được kết quả trong địa hạt này. Điều cần thiết phải làm là các giới chánh quyền nên có mặt thường hơn tại các khu vực Phật Giáo Hòa Hảo, mà củng cố uy quyền quốc gia.



— Dân chúng Phật Giáo Hòa Hảo khó chịu đối với việc chuyển quyền tại miền Tây từ Pháp sang Chánh phủ Việt Nam, bởi họ nhận thấy, và trách cứ chánh phủ sử dụng những cán bộ trước kia đã theo Việt Minh, và mới về đầu thú gần đây. Có thể chính viên chức chánh quyền hay người sĩ quan quân đội quốc gia được bổ nhậm về thay thế sĩ quan Pháp tại địa phương đó, trước kia lại đã là cán bộ Việt Minh trong vùng, đã từng đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo, và do đó tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn cứ coi người này là Việt Minh, vẫn tiếp tục chống đối, hoặc là không tin cậy, không hợp tác. Ý thức chống Việt Minh của người Phật Giáo Hòa Hảo rất mạnh, và họ không muốn phân biệt người Việt Minh cũ với người cán bộ quốc gia bây giờ có thể đã thay đổi lập trường khi về hợp tác. Đây cũng là một khó khăn trở ngại cho sự hợp tác giữa chánh quyền Việt Nam và Phật Giáo Hòa Hảo.



— Phật giáo Hòa Hảo đứng về phía chống Cộng trước khi chánh quyền quốc gia thực sự ra đời, cho nên họ mang tâm lý tự coi là công thần, có công mở đầu, và từ tâm trạng đó, tự nhiên họ cảm thấy bực bội trước những chánh sách mới, mà họ không được hay biết gì cả, trong việc chuyển quyền từ Pháp sang Việt Nam.



Trong tình thế mới này, các yếu tố về tương quan lực lượng đã thay đổi, chánh phủ cương quyết chứng tỏ mình có quyền lực và bắt buộc các giáo phái phải tuân phục, thì khó tránh được va chạm cả về chính trị lẫn quân sự.



Nhiều lần, các giới chức cao cấp Pháp đã cảnh giác trước về các hậu quả trầm trọng của một chính sách vụng về trước vấn đề phức tạp tế nhị này, và Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm cũng hiểu, nên ông dựa vào sự quen biết cá nhân với Tướng Trần Văn Soái mà áp dụng thái độ mềm dẻo để tìm giải pháp dung hòa. Cho nên các chánh phủ trước Thủ tướng Ngô Đình Diệm, tuy chưa tìm được giải pháp cho vấn đề thống nhứt quân đội, nhưng cũng không ai nghĩ đến giải pháp táo bạo là dùng võ lực để giải quyết.



Trong một bản phúc trình hàng niên 1952-1953, giới chức quân sự Pháp đã có các nhận xét vấn đề Hòa Hảo trong mối tương quan với Chánh phủ Việt Nam như sau: 



Khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo gồm giới tá điền và tiểu nông vô cùng nhiệt thành đối với tôn giáo của họ, một nền đạo Phật được giản dị hóa, hoàn toàn thích hợp với lớp người chất phác này. Niềm tin đối với Đạo và Đức Thầy là một sức mạnh hiện hữu.



Khối quần chúng tín ngưỡng này tuân lịnh thượng cấp một cách đồng loạt. Người chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo dù ở nhóm quân sự này hay nhóm quân sự kia, cũng vẫn coi mình là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và vẫn mãnh liệt chống lại Cộng Sản Việt Minh. Mặc dù ở các vùng xôi đậu, có vài sinh hoạt thương mại giữa tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại địa phương với dân trong bưng biền Cộng Sản, nhưng chắc chắn không thể cho rằng Phật Giáo Hòa Hảo có liên hệ với tổ chức Việt Minh. Vùng đất nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, kể từ biên giới phía Bắc tỉnh Châu Đốc giáp giới Cao Miên, dài xuống phía Nam thị trấn Cái Vồn tỉnh Vĩnh Long, là vùng đất mà Cộng Sản không cách gì xâm nhập được.



Số quần chúng này, và vùng địa dư này gắn bó với nhau thành một khối sanh hoạt, một thực thể mà chánh phủ phải kể đến. Trong khu vực sanh hoạt của họ, người Phật Giáo Hòa Hảo với bản chất mộc mạc, có ý niệm cũng mộc mạc giản dị về bộ máy chánh quyền. Cũng vì khối người này có ít người học thức, cho nên họ có mặc cảm lo sợ bị lường gạt bởi bên ngoài. Họ rất dè dặt, nghi ngại, nhưng khi họ đã tin tưởng rồi, nhiều vấn đề sẽ từ từ được giải quyết, với điều kiện là phải nhìn nhận sự hiện hữu của Phật Giáo Hòa Hảo.



Khối Phật Giáo Hòa Hảo đã đóng góp lớn lao vào việc đánh bại Cộng Sản. Họ chống Cộng mãnh liệt, mà nguyên nhân là việc Việt Minh đã ám hại vì Giáo Chủ của họ...



Ông Lương Trọng Tường, biệt danh Lê Văn Kinh, đại diện của Tướng Trần Văn Soái tại Sàigòn, là một người có học thức, giao thiệp rộng rãi tại Sàigòn, có khuynh hướng sẽ trở thành nhân vật chánh trị của Phật Giáo Hòa Hảo. Ông ngoœ lời trách cứ Chánh phủ Việt Nam đã không bao giờ tham khảo ý kiến của đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo. Việc quan trọng như sáp nhập lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo vào quân đội quốc gia chánh quyền cũng chỉ thảo luận tay đôi với Pháp.



Ông Lương Trọng Tường cho rằng các vị tỉnh trưởng bổ nhậm bởi chánh phủ Việt Nam để cai trị các tỉnh vùng Hậu Giang, không những đã không đếm xỉa đến ý kiến của Phật Giáo Hòa Hảo, mà còn là những người không có uy tín nào đối với dân chúng, cũng không lưu ý gì tới dân chúng. Như thế làm sao mà người Phật Giáo Hòa Hảo có thể chấp nhận được? Các ông tỉnh trưởng này thiếu khả năng về cai trị, vì trước đó họ chỉ là những viên thư ký hành chánh thứ yếu, nay nhờ thời cuộc thân thế mà làm chức lớn. Do đó, những vị tỉnh trưởng này tỏ ra bất lực trong nhiệm vụ cai trị một tỉnh, khi cần phải lấy các quyết định quan trọng, nói chung họ là cấp chỉ huy bất lực lại thiếu kiến thức, mà lại còn thêm có đầu óc kỳ thị đối với Phật Giáo Hòa Hảo... 



Phật Giáo Hòa Hảo không được chánh phủ tham khảo ý kiến về các vấn đề trọng đại liên hệ trực tiếp đến số phận của họ. Sự kiện này đúng hay sai? Và lời chỉ trích của ông Lương Trọng Tường trên đây là đúng hay sai?



Những người dân sống trong một thể chế dân chủ tiến bộ như Huê Kỳ hay Pháp, chắc chắn phải đồng ý rằng chánh phủ phải tôn trọng ý nguyện của dân, và các việc quan trọng liên hệ đến số phận dân chúng, phải có sự tham khảo ý dân, dưới các hình thức khác nhau: bầu cử, trưng cầu dân ý, trao đổi quan điểm, thương thảo... Tại Việt Nam, một việc hệ trọng như thế—tức là dẹp bỏ một tổ chức hiện hữu của dân, để sáp nhập vào cơ chế chung của quốc gia, — hay bổ nhậm một vị cầm đầu một địa phương cấp tỉnh (State ở Huê Kỳ, Departement ở Pháp), mà người dân đang sống tại địa phương không được tham khảo ý kiến, dù là dưới hình thức giản dị nhứt là trao đổi quan điểm. Mức độ dân chủ tại Việt Nam thời kỳ đó không có bầu cử tỉnh trưởng, thị trưởng, nhưng ít ra cũng phải có sự tôn trọng ý kiến dân chúng, tham khảo ý kiến các giới tiêu biểu cho thành phần dân chúng sinh sống trong địa phương liên hệ.



Các Thủ tục đó đã không được thi hành, chánh phủ tự cho mình có quyền lựa chọn, bổ nhậm các vị tỉnh trưởng đến cai trị các tỉnh mà đa số dân chúng là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, không quan tâm chút nào đến ý kiến của Phật Giáo Hòa Hảo. Theo tài liệu, dân số tỉnh Long Xuyên thời kỳ đó khoảng 350.000 người, trong số này đã có gần 250.000 là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng vị tỉnh trưởng Long Xuyên đã được bổ nhậm theo ý riêng của chánh phủ, bất chấp và không tham khảo ý kiến với Phật Giáo Hòa Hảo.



Vấn đề hệ trọng hơn và xảy ra vào những năm 1952-1954, Pháp lần lượt chuyển quyền cai trị sang chánh phủ quốc gia Việt Nam, làm phát sanh vấn đề giải quyết tình trạng các quân lực giáo phái như Cao Đài, và Phật Giáo Hòa Hảo. Đây là một vấn đề lớn trong sanh hoạt xã hội và chánh trị: giải thể một cơ chế hiện hữu để sáp nhập vào cơ chế quốc gia, có thể xem là một tình trạng thay đổi cơ cấu quốc gia. Đáng lẽ việc này phải được giải quyết qua tiến trình thảo luận giữa hai thành phần chính yếu liên hệ là chánh phủ và giáo phái này, lại đã không được thực hiện một cách hợp lý như vậy. Pháp và chánh phủ Việt Nam đã thảo luận tay đôi, quyết định tay đôi, để rồi khi đem ra thi hành, gặp nhiều trở ngại, mà trở ngại lớn nhất là trở ngại tâm lý. Khi phía Phật Giáo Hòa Hảo nhận thấy rằng những giới khác tự ý giải quyết số phận của mình, họ cho rằng họ bị kỳ thị, khinh miệt. Đó là trở ngại tâm lý, đưa dần đến cuộc thanh toán bằng võ lực năm 1955.



Những sự kiện trình bày trên đây đã làm cho công cuộc sáp nhập các quân lực giáo phái vào quân đội quốc gia phải đình hoãn, với các biến chứng chính trị mà chúng ta đã chứng kiến ở thời điểm 1955. Vấn đề này không phải không có giải pháp thỏa đáng, nhưng đáng tiếc là giải pháp quân sự đã được ưu thế và được chọn lựa bởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm.


6 - Giải Pháp Quân Sự Của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm
Tại sao Thủ tướng Ngô Đình Diệm dùng quân đội để dẹp các quân lực giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo? Nguyên nhân nào làm cho không đạt được thỏa hiệp giữa ông và các giáo phái?


Vấn đề này đã thuộc về lịch sử quá khứ, và là một vấn đề rất phức tạp, chớ không giản dị như lập luận của phía chánh phủ đưa ra là “phải thống nhứt quân đội, vì các giáo phái chống lại, nên phải dùng quân lực để dẹp...”



Cố nhiên nguyên tắc căn bản “một quân đội quốc gia duy nhứt” là điều không thể bàn cãi, mà bắt buộc phải như thế. Điều này, vẫn trên nguyên tắc, các tổ chức quân lực Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo đều hoàn toàn đồng ý. Sự khác biệt nằm trong phạm vi kế hoạch thực hiện và phương pháp áp dụng kế hoạch thống nhứt quân đội.



Muốn hiểu vấn đề, phải hiểu từ nguồn gốc của nó. Vì sao và trong hoàn cảnh nào phát sanh tình trạng quân đội gọi là “giáo phái”? Quân đội giáo phái đã đóng góp được những gì? Và có những nguyện vọng nào?



Ông Ngô Đình Diệm đã đi xa Việt Nam từ nhiều năm, nên ông không hiểu rõ tình hình trong nước. Ông có thể biết sơ lược tình hình chánh trị, nhưng rất khó hiểu được người dân Miền Nam có tâm trạng nào, ước vọng những gì? Được Quốc trưởng Bảo Đại giao phó toàn quyền Thủ tướng, ông từ ngoại quốc về Sàigòn chấp chánh. Trong con người ông Thủ tướng mới, tai hại thay, đã có sẵn hai thành kiến: thành kiến của người tín đồ Công Giáo đối với các tôn giáo khác ở Miền Nam, và thành kiến của một ông quan hành chánh đối với các tổ chức quân sự giáo phái. Diễn tả theo phương pháp tương đồng, có thể hiểu thái độ ông giống như thái độ của triều đình Huế đã trừng phạt các lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp thời trước như Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân, khi các lãnh tụ này bất tuân lịnh buông súng giải tán do triều đình hạ chỉ. Triều đình không chấp nhận trạng thái bất tuân thượng lịnh. Ông đã nói với nhiều người rằng “các giáo phái dơ dáy lắm”. Thành kiến đó đã hình thành trong nếp suy nghĩ của ông, do các tin tức sai lầm phiến diện mà ông được cung cấp khi ông còn lưu vong hải ngoại. Ông không hiểu được nguồn gốc phát sanh các quân lực giáo phái và các điều kiện chiến đấu thiếu thốn của họ. Về mặt tôn giáo, con người rất mộ đạo Thiên Chúa ấy cho rằng chỉ có đạo Chúa mới là chánh đạo, là tốt, cần được phát triển. Khi một ông Thủ tướng đã có sẵn mặc cảm tự cao tôn giáo và thành kiến về các giáo phái như thế, tất nhiên cái nhìn của ông đối với các quân lực Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo khó có thể đúng và thiện cảm được.



Điều bất hạnh kế tiếp là ông có những cố vấn thiếu vô tư, kém sáng suốt, không nhìn xa thấy rộng, cũng lại có sẵn các thành kiến ác cảm đối với quân lực các giáo phái. Người cố vấn về các vấn đề Miền Nam mà ông Diệm tin cậy nhứt lúc đó, là ông đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ. Nếu người cố vấn ấy không phải là ông Thơ, mà là một con người cách mạng có tâm hồn “tổ quốc trên hết”, và có kiến thức cao rộng, thì chắc chắn các vấn đề giáo phái đã không phải giải quyết bằng võ lực. Nhưng ông đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ lại chẳng phải là người tranh đấu cách mạng, cũng không phải là người có tầm kiến thức cao rộng của cấp lãnh đạo quốc gia. Bản chất ông là một quan lại, xuất hiện từ một gia đình giàu có được ưu đãi trong xã hội miền Tây, cả đời là một vị công chức cao cấp theo Pháp, và thực tế là một người mang sẵn ác cảm đối với các giáo phái, đặc biệt đối với Phật Giáo Hòa Hảo, vì lý do ông đã không được Phật Giáo Hòa Hảo kính phục và tuân lịnh khi ông hành xưœ quyền cai trị tại tỉnh Long Xuyên.



Ông Thơ đã cố vấn cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm về các biện pháp đối phó với Phật Giáo Hòa Hảo, trong chiều hướng triệt hạ uy thế của tôn giáo này. Mặc cảm giai cấp, quyền lợi và ác cảm có sẵn, là các lý do khiến ông đã tìm mọi cách hướng Thủ tướng vào đường lối triệt hạ thế lực Phật Giáo Hòa Hảo.



Ông Diệm đã hành động theo đường lối đó, đã dùng võ lực triệt hạ các tổ chức quân sự Phật Giáo Hòa Hảo, đã lừa bắt Tướng Lê Quang Vinh, và đưa lên pháp tràng hành quyết (1956).

Vấn đề ảnh hưởng của các vị cố vấn này, không phải chỉ là điều võ đoán cá nhân, mà là điều rất nhiều người cũng nghĩ như vậy. Tác giả Nhị Lang trong cuốn sách “Phong trào Kháng chiến Trình Minh Thế” khi tiếp xúc với ông Ngô Đình Diệm, cũng rất lo ngại về ảnh hưởng của các vị cố vấn, mà ông cho là lớp trí thức quan lại đã theo phục vụ cho Pháp, và tiếp tục vì quyền lợi riêng tư, gây ung thối guồng máy quốc gia, ảnh hưởng tai hại không ít. 



Trong bài diễn văn ấy, tôi còn nhớ rõ, tôi đã nêu chủ trương đối phó thẳng tay với bọn quan lại thối nát, với những hàng “đốc phủ sứ” tay sai đắc lực của Pháp, đồng thời yêu cầu chính phủ bài trừ nạn cờ bạc, đĩ điếm, vốn là cái tệ trạng kinh niên của thành phố Sàigòn. Ông Nhu đọc mấy đoạn văn naœy lửa kia, rồi cười mà bảo chúng tôi: “Quý anh em ở trong rừng nên không thấy rõ các vấn đề mà Cụ (tức ám chỉ Thủ tướng Diệm) đang đối diện. Chung quanh cụ còn đầy dẫy những quan lại, những đốc phủ sứ. Nếu các thành phần này thấy Cụ rục rịch đánh họ, thì họ sẽ tức khắc xúm nhau lại phá phách. Chính phủ đối phó sao nổi trong giai đoạn này? Vậy thôi, xin anh em vui lòng bỏ qua cho!” Nói xong, ông Nhu ngẩng mặt nhìn tôi với nụ cười cầu hòa. Thấy ông có lòng thành khẩn và khiêm tốn như thế, chúng tôi chẳng dám để ông nhắc lại lần thứ hai, bèn thuận ý xóa bỏ ngay mấy đoạn văn vừa kể trên. (*) 



Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã nhìn thấy Phật Giáo Hòa Hảo qua lăng kính của ông Nguyễn Ngọc Thơ, và với thành kiến của chính ông, cũng là một vị quan lại, cho nên ông chỉ hiểu được một phần của vấn đề, cái phần bề mặt, chớ không hiểu được toàn bộ và chiều sâu của vấn đề. Ông đã hiểu sai, và do đó đã hành động sai.



Nếu lúc đó ông biết đặt vấn đề các giáo phái trên bình diện lịch sử của hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, tìm hiểu bối cảnh và nguyên nhân phát sanh các quân lực giáo phái Miền Nam, tìm hiểu vai trò quần chúng của tôn giáo này... thì có lẽ ông đã hiểu đúng vấn đề, và đã không thấy cần thiết phải dùng võ lực để “đánh dẹp giáo phái”.



Nếu ông hiểu được rằng dùng sức mạnh quân sự đánh dẹp quân lực võ trang giáo phái và đàn áp hai tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, là gây hấn với một khối quần chúng khoảng bốn triệu người, đồng thời tạo mâu thuẫn tôn giáo, với hậu quả tất nhiên là làm rạn nứt tiềm lực quần chúng Miền Nam. Trong số quần chúng Miền Nam khoảng hai mươi triệu dân năm 1955, phải nói rằng bốn triệu tín đồ trong hai tôn giáo là thành phần tích cực nhứt của trận tuyến chống Cộng Sản. Chánh sách sai lầm của ông Diệm quả đã phá vỡ phòng tuyến chống Cộng đó, tạo ra một tiêu hao lớn lao trong tiềm lực dân tộc, điều này tất nhiên phải có những hậu quả trầm trọng về sau, không thể nào tránh được.



Tác giả tập “Hồi ký Chánh trị — Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”, Thiếu tướng Đỗ Mậu, một cộng sự viên thân tín và tận tụy của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, đã viết rằng: 



Miền Nam mất vào tay cộng Sản năm 1975 cũng chỉ là kết quả tất yếu cuối cùng của một chuỗi dài hệ quả dây chuyền mà đầu mối tai hại là sự thành hình của một tổ chức ma quái tên là “Cần Lao Nhân Vị”.



Quy luật chánh xác là chính chủ trương độc tài, độc đảng, tiêu diệt tôn giáo và đảng phái quốc gia của anh em ông Diệm và đảng Cần Lao Công giáo, đó là những nguyên nhân sâu xa nhất và chính yếu nhất làm cho Miền Nam Việt Nam từ đó phải suy nhược, và cuối cùng rơi vào tay cộng Sản năm 1975...



Từ tiền đề thực tế và đau đớn đó, anh (Phan Nhật Nam) nhìn lại dòng lịch sử ba mươi năm qua để định giá lại công tội của các bậc đàn anh và đặc biệt lên án chế độ Ngô Đình Diệm mà anh cho là Thủ phạm chính trong việc “sẩy tay” làm cho Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.



Cuối cùng và để cho rốt ráo hơn, một trong những cái mầm mống quan trọng khiến cho Miền Nam sụp đổ đã được ông Diệm gieo lên từ ngay sau khi ông thành lập chính phủ đầu tiên vào năm 1955, chứ không phải đợi đến lúc MTGPMN ra đời vào năm 1960 để ông phải hốt hoảng tố cáo với 92 quốc gia trên thế giới hai năm sau đó. (*) 



Cùng với sự hiểu biết thiếu sót về Miền Nam, ông Diệm đã không tìm hiểu hoàn cảnh và nguyên nhân phát sanh các tổ chức quân sự của tôn giáo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Nếu ông biết được rằng ngay từ 1945, hai tôn giáo này đã là những thành phần đầu tiên tại Miền Nam, tự nguyện và tự động đào luyện thanh niên, tổ chức các đơn vị võ trang để chống lại đoàn quân viễn chinh của Pháp, và chống luôn chánh sách độc tài của Cộng Sản, nếu hiểu rõ được sự kiện lịch sử đó, thì ông mới lượng giá được bản chất dân tộc yêu nước và đường lối chống Cộng triệt để của hai tôn giáo này, có giá trị khả tín và bền vững hơn “hiện tượng” chống Cộng của các phần tử xu thời chung quanh ông.



Nếu ông hiểu được rằng hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo bản chất là phong trào quần chúng tín ngưỡng yêu nước, giáo lý của hai tôn giáo này bao gồm các giá trị văn hóa và truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, chớ không phải là tà thuyết tà đạo (như thành kiến thông thường và sai lầm của một số người) thì ông đã có một thái độ kính trọng tối thiểu, thay vì thái độ chủ quan và khinh mạn tai hại kia. ở cương vị một Thủ tướng, nếu ông nhìn thấy giá trị đích thực của khối quần chúng tín ngưỡng bốn triệu dân kia, thì thay vì “đánh cho tan” ông đã phải tìm mọi cách để hợp tác, để bảo tồn, bởi vì đó là bảo tồn sức mạnh của Miền Nam trong một tình thế phải chuẩn bị đối phó với âm mưu thôn tính mà Hồ Chí Minh đã sắp đặt sẵn từ Hànội.



Nếu ông Ngô Đình Diệm hiểu được rằng trong thời kỳ Việt Nam chưa có chánh quyền quốc gia, chưa có quân đội quốc gia, ở thời điểm 1947 về sau, mà không có lực lượng chống Cộng của hai tôn giáo Miền Nam, thì tổ chức nào dám nhận nhiệm vụ trực diện đối đầu với các lực lượng võ trang của Cộng Sản? Các nhân viên hành chánh, các toán partisan thân binh của Pháp, với tinh thần cầu an hưởng lợi chắc chắn không phải là đối Thủ của Cộng Sản. Kể cả quân đội viễn chinh Pháp cũng chỉ tạo được bề ngoài an ninh mong manh mà thôi. Thực sự thì nền an ninh của miền Tây Nam Việt chỉ vững vàng và bành trướng từ sau khi các tổ chức võ trang Phật Giáo Hòa Hảo chấp nhận hợp tác để trục xuất các bộ đội Cộng Sản ra khỏi vùng lãnh thổ này. Nói cách khác, nếu trong thời kỳ chưa có chánh quyền và quân đội quốc gia, mà không có luôn các quân lực giáo phái, thì ảnh hưởng Cộng Sản đã lan tràn khắp Miền Nam. Và như thế thì làm sao có cơ hội để ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh và cai trị.



Nếu Thủ tướng Diệm hiểu được rằng các chiến sĩ Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo đã đóng góp bao nhiêu xương máu để bảo vệ Miền Nam và đã chiến đấu trong các điều kiện thiếu thốn, thiệt thòi, mà tinh thần vẫn cao, hiệu năng vẫn tốt, thì ắt là Thủ tướng đã lấy tình thương yêu, lòng biết ơn mà đối với họ, thay vì chỉ chê bai họ là “dơ dáy” và đem quân đánh dẹp họ như kẻ thù.



Ngay từ bước khởi hành, vấn đề sáp nhập quân lực các giáo phái và quân đội quốc gia đã bị quan niệm sai và được giải quyết bằng phương thức sai.



Về quan niệm, trước hết phải nhận định rằng căn bản của vấn đề là chánh trị, chớ không chỉ đơn giản quân sự. Các chánh phủ liên tiếp từ 1952 đến 1954, trước Thủ tướng Ngô Đình Diệm, tuy có nhìn thấy tầm quan trọng về chánh trị của vấn đề này, nhưng đã áp dụng phương thức giải quyết thiếu thực tế. Tuy nhiên lúc đó không vị Thủ tướng nào có ý nghĩ cực đoan táo bạo dùng võ lực để giải quyết, như Thủ tướng Diệm đã làm năm 1955. Một khía cạnh khác cũng khá quan trọng, là thái độ của giới cầm đầu quân đội quốc gia lúc đó. Các sĩ quan trong Bộ Tổng tham mưu quan niệm giải quyết các quân lực giáo phái đơn thuần như thực hiện một cuộc hành quân, và xem việc giải tán các tổ chức quân sự giáo phái, tước võ khí xong, là đạt mục phiêu tối hậu của cuộc hành quân rồi. Vấn đề không giản dị như thế, vì nó liên hệ đến một khối quần chúng đại diện khoảng 1/5 dân số Miền Nam. Khối quần chúng này lại có những đặc tính chánh trị chớ không như quần chúng thông thường khác.



Đặc tính thứ nhứt là tôn giáo.

Đặc tính thứ hai là triệt để chống Cộng.

Đặc tính thứ ba là có tổ chức và có võ trang.



Nếu chỉ là một tổ chức võ trang, mà không phải là tôn giáo — như tổ chức võ trang Bình Xuyên chẳng hạn — thì quan niệm đơn thuần của bộ Tổng tham mưu quân đội có thể hữu lý. Vì cuộc hành quân, khi đã đạt mục phiêu quân sự rồi, có thể xem là đã giải quyết xong vấn đề Bình Xuyên, nhưng chắc chắn là chưa giải quyết xong vấn đề Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo. Thực tế lịch sử sau 1955 đã chứng minh điều này. Bộ Tổng tham mưu đã thắng một cuộc hành quân, nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm đã thất bại, đã thua một trận giặc. Chế độ Ngô Đình Diệm đã dẹp được các tổ chức võ trang, nhưng không dẹp được ngọn lửa bất mãn chống đối âm ỉ cháy mãi trong lòng bốn triệu người Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo.



Phía Huê Kỳ, Tướng tình báo Lansdale có thể hãnh diện vào năm 1955 rằng đã thành công trong chiến dịch dẹp các quân lực giáo phái và củng cố chế độ Ngô Đình Diệm. Nhưng chỉ ít năm sau đó, khi cái voœ bao đường bên ngoài đã tan đi, chính Tướng Lansdale đã phải nếm đến tê lưỡi những chất đắng cay trong bản chất viên thuốc độc đó.



Chế độ Đệ nhứt Cộng Hòa phải sụp đổ, không phải chỉ vì hành động tấn công Phật Giáo năm 1963, mà nguyên nhân sụp đổ đã nằm sẵn từ những cuộc hành quân đánh dẹp hai tổ chức quân sự Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, làm mất niềm tin quần chúng. Khi mà viên tư lịnh hành quân Dương Văn Minh, được đeo vào ngực những vòng hoa chiến thắng, hay là khi chiếc máy chém của chế độ đã phập xuống cổ viên “loạn tướng Hòa Hảo” Lê Quang Vinh, những nhân sĩ trí thức Miền Nam đã nhìn thấy ngay cái thế tất bại của ông Ngô Đình Diệm rồi.



Một thực tế lịch sử khác là trường hợp Tướng Trình Minh Thế tuy kéo quân từ chiến khu núi Bà Đen về hợp tác với ông Diệm và Tướng Lansdale, nhưng chỉ ít tháng sau đã cảm thấy bất mãn. Nếu ông không từ trần tại cầu Tân Thuận, thì chỉ ít lâu sau, ông Diệm sẽ phải mở một cuộc hành quân “đánh dẹp lực lượng võ trang giáo phái Trình Minh Thế”. Viên tướng có tinh thần độc lập và thẳng thắn này, tuy đã về thành hợp tác, tuy đã trở thành một cấp chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam, nhưng trong không khí của bầu trời chánh trị quân sự Sàigòn lúc đó, ông đã tự cảm thấy “mình không giống những tướng tá quân đội quốc gia”. Trình Minh Thế là một loại người khác, có bản chất khác hẳn với bản chất và nguồn gốc của các tướng tá mà ông gặp tại các buổi tiếp tân trong các dinh thự Sàigòn. Các tướng tá này, tuy bề ngoài nhã nhặn lịch thiệp, tuy ngoài mặt vui mừng đón nhận một viên tướng kháng chiến bưng biền về đứng chung hàng ngũ quân đội quốc gia, nhưng trong thâm tâm, họ vẫn có mặc cảm tự tôn cho rằng anh tướng bưng biền và nông dân kia không trí thức, không xuất thân các trường quân sự cao cấp (của Pháp) như họ. Trộn lẫn với mặc cảm tự tôn đó, là một niềm lo âu, e sợ rằng cái thế của Trình Minh Thế đang lên, có thể làm mờ mất ánh sáng các ngôi sao của chính họ. Bởi vì họ tự biết rằng các ngôi sao của họ chỉ lóng lánh dưới ánh đèn điện đô thị mà thôi; nếu ra chiến trường, trong bóng tối bưng biền và tại các môi trường nguy hiểm mà giá trị chân thực của chiến sĩ là lòng dõng cảm can trường, khả năng chịu đựng gian khổ, — thì ngôi sao của Tướng Thế sẽ sáng rực lên, và ngôi sao của một số tướng lãnh trí thức sẽ bị mờ đi một cách thê thaœm. Cố nhiên cũng có một số sĩ quan quân đội quốc gia xuất sắc, tài ba và dõng cảm, ở đây chỉ đề cập những lớp người có các ưu điểm đó, trong thời điểm đó. Những lớp sĩ quan VNCH sau này có ý thức và kiến thức cao hơn lớp người của buổi giao thời đó.



Chạm trán thực tế xã hội và tâm lý đó, Tướng Trịnh Minh Thế luôn luôn bực rọc, khó chịu, bởi ông cũng đủ thông minh để đọc được cảm nghĩ thầm kín của những tướng tá kia đối với ông. Ông đã chính mình trải qua nhiều trắc nghiệm, thí dụ khi trận tuyến cầu Tân Thuận cần đến ông, ông cần quân xa chuyển vận, nhưng đã không được cung cấp đến đỗi ông phải giận dữ hét lên trong điện thoại với Trung tá quân trấn trưởng Dương Văn Minh rằng: “Tại sao giờ này mà Trung tá vẫn chưa cung cấp số quân xa theo lệnh tôi?”



Hãy đọc một đoạn văn của tác giả Nhị Lang, cố vấn chánh trị của Tướng Trình Minh Thế viết về tình trạng đó. 



Trong hai cuộc tiếp tân đặc biệt dành cho Tướng Thế tại dinh Độc Lập và tại tư thất của Tướng Lê Văn Tÿ đường Hùng Vương, tôi luôn luôn ở gần Tướng Thế để ngầm báo cho ông biết là cá nhân ông đã trở thành “cái đinh” trước mắt nhiều người, nhất là đối với các sĩ quan bao bọc chung quanh Tướng Lê Văn Tÿ. Tôi bắt gặp trong cái nhìn của họ một sự khiếp sợ chen lẫn với nỗi ghen ghét đố kÿ. Vì dù muốn dù không, thì theo cấp bực, từ nay họ phải dưới quyền một con người được coi là “ngoại lai”, nghĩa là một con người không cùng chung một lò đào luyện với họ, một con người khét tiếng anh dũng, xuất thân từ hàng nông dân áo vaœi, lập nên sự nghiệp bằng trí óc và tài năng riêng của mình, một con người tuy nhỏ nhắn đen đúa nhưng chẳng biết sợ ai! Và dĩ nhiên là tôi cảm thấy lo ngại giùm cho Tướng Thế. Tôi xem cảnh ngộ ông chẳng khác gì cảnh ngộ một cô gái, mới bước về làm dâu một gia đình nhà chồng mà người thương thì ít, kẻ ghét lại nhiều! Ông là một chiến sĩ cách mạng quen sống một cuộc đời hiên ngang phóng túng, còn các ông tướng tá kia đều trưởng thành trong một quân đội hoàn toàn do Pháp đào luyện, lại vừa mới được chuyển giao sang chính quyền Việt Nam, thì ta không thể nói là ảnh hưởng của Pháp một sớm một chiều đã phai đi ngay được.



Song song với tâm lý đố kÿ kẻ “ngoại lai”, biết đâu chả có một số các sĩ quan “cựu trào” đang âm thầm nuôi mối thù hận đối với Tướng Thế, đang coi ông như một địch Thủ hơn là một người đồng đội? Rút cục, sự hợp tác với chính quyền chỉ đem cái lợi tinh thần về cho Thủ tướng Diệm, còn riêng cá nhân Tướng Thế, chỉ vô tình rước lấy những hiểm nguy rình rập đâu đây trong bóng tối. Con hổ đã xa rừng, con hổ sẽ khó sống. Tôi tự nghĩ thế, và tôi thầm trách oán cả Thủ tướng Ngô Đình Diệm lẫn người đồng chí họ Trình của tôi, cả hai đều đã quên nghĩ tới mặt trái của công cuộc hợp tác. Dù Thủ tướng Ngô Đình Diệm có lòng thương yêu Trình Minh Thế tới đâu chăng nữa, ông cũng không thể nhất thời ngăn chận được nỗi thù hận ngấm ngầm trong tâm tư những kẻ đã từng được Pháp “đội mũ mặc áo cho” từ những ngày xa xưa. Huống chi thực tế đã chứng minh Thủ tướng Ngô Đình Diệm chưa làm chủ được quân đội quốc gia. Cái họa phản loạn của Tướng Nguyễn Văn Hinh còn sờ sờ ra đó. Còn Tướng Lê Văn Tÿ dù có nhận áo mão do Thủ tướng Diệm ban cho, thì vị tất ông ấy đã hết dạ trung thành với vị tân Thủ tướng mà Bảo Đại bất đắc dĩ phải kén chọn đưa về nước cầm đầu chính phủ! Tướng Lê Văn Tÿ có trung thành với Ngô Đình Diệm hay không, thì biến cố trong đêm 30 tháng 4 tại dinh Độc Lập (xem chương XVI) đã trả lời dư luận, và riêng tôi xin làm chứng nhân... (*) 



Trường hợp Tướng Thế tiêu biểu cho nếp suy nghĩ và phản ứng của những chiến sĩ gọi là “quân lực giáo phái”, những con người bản chất nông dân và tín ngưỡng, ít học thức nhưng nhiều can đảm, kém lịch duyệt nhưng nhiều nhiệt huyết, lý luận mộc mạc nhưng dám làm dám chịu. Hãy đơn cử một sự việc để dễ so sánh và nhận xét. Năm 1945, tại miền Nam, khi Trần Văn Giàu ló mòi độc tài cộng Sản tại Ủy ban Hành chánh Nam bộ ra mắt ngày 25-8-1945 chính anh chiến sĩ Cao Đài Trịnh Minh Thế đã dám rút cây súng chỉ thẳng vào Trần Văn Giàu mà nói rằng: ‘’Mày là Việt gian lén lút đi với Pháp, tao phải bắn nát đầu mày...”



Có thể rằng đó là lối phản ứng bộc trực của những con người mộc mạc, mà người lịch thiệp không thích; cũng có thể rằng đó là nhiệt tình của những con người can đảm liều mạng, ít suy luận, khác với những người suy tính kỹ lưỡng nhưng không dám hành động, e ngại trước khó khăn, rụt rè trước nguy hiểm.



Thêm một so sánh nữa. Trong lúc Tướng Trình Minh Thế đang kháng chiến chống Pháp thì phần lớn các vị sĩ quan kia đứng vào hàng ngũ quân đội Pháp, do đó không thể tránh được sự cách biệt tư tưởng, và tình cảm đối với nhau.



Dù đã trở thành sĩ quan cấp tướng trong hàng ngũ quân đội quốc gia, Tướng Thế vẫn không thể thân thiện ngay với những sĩ quan mà ông không cảm phục, lại còn cảm thấy mình bị kỳ thị. Dù có được Thủ tướng Ngô Đình Diệm đặc biệt đãi ngộ, Tướng Thế cũng không thể thoải mái trong khung cảnh chật hẹp, xa lạ kỳ thị, giống như con cá từng sống ngoài biển nước mặn thênh thang, khó sống trong cái hồ nước ngọt chật hẹp được. Cho nên, nếu ông không qua đời, thì sớm muộn gì ông cũng sẽ lại phải kéo quân vào bưng, trở về với biển cả rừng xanh.



Ngoài ra, tuy mặc quân phục, ông vẫn là tín đồ đạo Cao Đài, còn mối liên hệ mật thiết với tín ngưỡng của ông. Ông có thể bỏ ông Ngô Đình Diệm, nhưng chắc chắn không bao giờ bỏ tôn giáo Cao Đài của ông. Những người sống không tín ngưỡng rất khó hiểu được điều này. Chỉ những tín đồ đã quy y theo một tôn giáo, mới cảm nhận được sự ràng buộc thiêng liêng và trường cửu của tín ngưỡng, ràng buộc ở hiện kiếp và luôn ở kiếp sau. Cho nên, dù Tướng Trình Minh Thế có được chánh phủ ưu đãi, nhưng người tín đồ Trình Minh Thế không thể không có phản ứng chống đối lại cái chánh phủ đó, khi tôn giáo của ông bị uy hiếp hay khinh bạc.



Đó là một phần tâm lý phức tạp của quần chúng và chiến sĩ Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, làm cho họ có thái độ e dè, nghi ngại, mà các giới bên ngoài diễn tả là “địa phương, ích kyœ, thiển cận, bè phái...” Chính họ không muốn hòa hợp với các giới bên ngoài, hay chính các giới bên ngoài không muốn hòa hợp với họ? Chính họ có thái độ kỳ thị hay chính bên ngoài có thái độ kỳ thị đối với họ?



Những câu hỏi trên đây chỉ được giải đáp hữu ích bởi các nhà tâm lý học hay phân tích xã hội. Nhưng điều bất hạnh đã xảy ra là: Không bao giờ chính quyền quốc gia đặt các vấn đề này một cách khách quan, để mà khách quan phân tích, giải quyết. Trái lại, giới chánh quyền và quân đội quốc gia lúc đó nhìn các tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo là “lớp nông dân thất học” và các lãnh tụ quân sự tôn giáo này là “lạc hậu ngoan cố, chỉ nghĩ đến quyền lợi bè phái, địa phương...” Các tôn giáo này đã bị trách cứ là “không nghĩ đến quyền lợi quốc gia, mà nặng về quyền lợi bè phái”. Những điều trách cứ này có đúng không, đó là một vấn đề khá phức tạp. Thưœ đặt ngược vấn đề lại rằng: những người lên tiếng trách cứ như thế, chính họ có thực tâm vì quyền lợi quốc gia không? Thực tế tại Việt Nam đã cho thấy rằng các giới cầm quyền kế tiếp nhau, các giới có quyền bính trong tay, có mấy ai đã đặt quyền lợi tối thượng của quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân và bè nhóm? Về phía các tôn giáo cũng thế, trong bốn tôn giáo chính yếu tại Miền Nam là Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, tôn giáo nào có nhiều ưu quyền và tài Sản nhứt? Và tôn giáo nào bị thiệt thòi nhứt? Xin cứ khách quan nhìn vào thực tế lịch sử để tìm câu trả lời trung thực, và để hiểu đúng vấn đề.



Một giai đoạn lịch sử hai mươi năm đã đi qua từ 1955 đến 1975.



Thời lượng hai mươi năm cũng tạm đủ để chứng minh sự thất bại của “trận giặc đánh dẹp các quân lực giáo phái năm 1955”.



Ông Ngô Đình Diệm đã lãnh đạo quốc gia Việt Nam chín năm (1954-1963) nếu ông đã nhẫn nại và khôn khéo tranh Thủ được sự ủng hộ của quần chúng và nhân sĩ Miền Nam, thì ông đã có thêm được rất nhiều yếu tố thuận lợi, để xây dựng một Miền Nam cường thịnh vững vàng. Ông Diệm có được một cơ hội tốt, nhờ có một khoảng thời gian hòa bình sau 1955, nhờ có sự ủng hộ dồi dào phương tiện của Huê Kỳ, đó là điều kiện thuận lợi. Nếu ông tranh Thủ được thêm nhân tâm đa số quần chúng Miền Nam thì tình thế hẳn đã tốt đẹp bội phần, và ông đã không đến đỗi bị thaœm sát, chế độ của ông sụp đổ, kéo luôn Miền Nam vào một thời kỳ đen tối, bởi nền móng đã bị đục ruỗng trong suốt chín năm ông cai trị.



Thái độ coi thường giá trị quần chúng hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo là một thái độ phản chánh trị, cũng là thái độ độc tôn độc tài. Đến đây, người viết sách này lại nhớ đến lời nói của hai vị Giáo Chủ Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo về lòng dân. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc thường nói rằng:



Dân chúng như nước dưới sông, thuyền đè trên nước, nhưng hãy coi chừng khi nước nổi sóng, nước sẽ lật thuyền dễ dàng. 



Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật giáo Hòa Hảo có nói:



Lòng dân chớ khá xem khinh,

Bạo tàn giết mất nhân tình, thì thua.



Nhưng hãy đặt ngược vấn đề lại. Nếu không áp dụng giải pháp võ lực, thì có giải pháp nào trong tình huống 1955? Làm sao thỏa mãn được yêu sách của các giáo phái? Làm sao thực hiện được một quân đội quốc gia thống nhứt và hùng mạnh để bảo vệ Miền Nam?



Muốn trả lời hữu ích các câu hỏi trên đây, hãy trở lại giai đoạn hỗn độn cuối 1954 và đầu 1955 ở Miền Nam.



Trước khi xảy ra những cuộc tấn công quân sự, đã có nhiều phiên hội nghị trao đổi ý kiến giữa chánh phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm và đại diện các lực lượng võ trang trong Mặt trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia. Và trước khi Mặt Trận này chuyển sáng giai đoạn đấu tranh quyết liệt, hai đoàn thể Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, đã một lần chấp nhận hợp tác với ông Ngô Đình Diệm, cử nhiều đại diện tham gia nội các Ngô Đình Diệm ra đời tháng 9-1954. Trong giai đoạn hợp tác này, vấn đề sáp nhập các lực lượng võ trang giáo phái vào quân đội quốc gia cũng đã được thảo luận tích cực, và đạt được sự thỏa thuận, cụ thể hóa bằng các nghị định ban hành bởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm tháng 11-1954. (Nghị định 1025/QP và 1026/QP quy định các thể thức thi hành một tiến trình sáp nhập từng đợt 3000 quân sĩ các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo. Biện pháp này song hành với biện pháp sáp nhập quân sĩ Cao Đài (nghị định 973/QP).



Như thế, câu hỏi cụ thể là:



— Vì sao các điều thỏa thuận đó đã không được thi hành?



Tại sao lại không đạt được sự dung hòa quan điểm giữa Mặt Trận và Thủ tướng Ngô Đình Diệm?



Văn kiện mà Thủ tướng đã ký, là kết quả của những trao đổi quan điểm giữa Bộ tham mưu quân lực Phật Giáo Hòa Hảo và Bộ Quốc phòng lúc đó do ông Hồ Thông Minh làm bộ trưởng. Nhưng sau đó, nghị định này trở thành ‘’thư chết’’, không rõ vì lý do nào?



Trong nội các Ngô Đình Diệm thành lập tháng 9-1954 có mặt các đại diện Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo như sau:



Cao Đài: T.T. Nguyễn Thành Phương, Quốc vụ khanh

Ô. Phạm Xuân Thái, Tổng trưởng Thông tin

Ô.Nguyễn Mạnh Bảo, Tổng trưởng Xã hội
Ô. Nguyễn Văn Cát, Thứ trưởng Nội vụ
P.G.H.H.: T.T. Trần Văn Soái, Quốc vụ khanh
Ô. Lương Trọng Tường, Tổng trưởng Kinh tế
Ô. Nguyễn Công Hầu, Tổng trưởng Canh nông
Ô. Huỳnh Văn Nhiệm, Bộ trưởng Nội vụ.



Khi ông Ngô Đình Diệm đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn lúc mới ở ngoại quốc về, sự tham gia nội các của hai đoàn thể Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo đã lập thế quân bình, vượt qua cơn khủng hoảng trầm trọng. Nhưng sau đó, thái độ của những người chung quanh Thủ tướng đã đầu độc không khí hợp tác, đưa đến tan vỡ.



Về sự trao đổi quan điểm giữa Thủ tướng Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, phiên họp chiều ngày 25-3-1955 tại dinh Độc Lập được xem là quan trọng nhứt.

Trong hồi ký của nhân vật Trần Văn Ân, có thuật lại như sau: 



Tôi là người miền Nam, có nghe nói từ lâu, từ lúc nhỏ, về các tôn giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Thầy Tây An... và sau này lại được biết Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Tôi lại biết rõ tinh thần Phật Giáo của Phật Thầy và cả người tiếp theo, là tinh thần ái quốc, là bất hợp tác với ngoại bang thống trị, nên tôi đã có thiện cảm, từ lúc bắt đầu kháng chiến năm 1945. Và lại phát động mạnh kháng Pháp giành độc lập chính là các đoàn thể tôn giáo, trong đó có cả quân Bình Xuyên. Nếu sau này có một sự nứt rã hàng ngũ kháng chiến, tôi thấy rõ không phải do các giáo phái.



Trong sự xung đột giữa các giáo phái và chánh quyền nhà Ngô, tôi xác quyết là giáo phái không vì giành quyền mà chính vì muốn đoàn kết để đương đầu thời cuộc sau hiệp định Genève 1954. Tự nhiên có người nghĩ khác, đó là quyền của họ.



Tôi rất tiếc có sự xung đột này xảy ra. Tháng 3 năm 1955, phái đoàn Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia, hội kiến Thủ tướng Diệm tại dinh Độc Lập, anh em có nhờ tôi tham gia phái đoàn, viện lẽ là tôi có quen thân. Trong phái đoàn, tôi không có tánh cách đại diện. Tôi có ý ngồi bên Thủ tướng, và tôi cố ý thưa: “Chính tôi dự thảo cơ cấu chánh phủ đoàn kết. Cụ an tâm, chỉ có chín (9) bộ lớn. Kỳ dư đều là Tổng giám đốc. Tôi đã đề nghị các giáo phái không giữ đến ba bộ. Mấy bộ quan trọng đều giành cho Cụ sắp xếp. Nay tôi đi theo phái đoàn là vì tôi có biết Cụ. Sơ đồ cơ cấu chánh quyền có đem theo đây, ở trong tay ông Thành Nam, phát ngôn viên của Mặt Trận. Cụ chấp nhận nguyên tắc hợp tác là ông Thành Nam trao cho Cụ...”



Ông Diệm chần chờ. Tôi có thưa thêm mấy lời lịch sử sau đây: “Thưa Cụ, Cụ cho giáo phái là dơ dáy. Có thể Cụ mới về cai trị. Thưa Cụ, nước mình nhỏ bé đành phải bắt tay với Mỹ, thật tình bắt tay, nhưng chơi tay đôi với họ là khó lòng lắm. Nước họ lại nước dân chủ, chánh quyền dễ thay tay. Rủi ngày nào, vì một lẽ gì đó mà họ buông bỏ ta, thì ta, không có bạn khác, ta sẽ chết như cá lóc bị dập đầu”.



Ông Diệm xiêu lòng. Rồi đột nhiên ông nói: “Để tôi xét lại coi ra sao. Thôi mấy ông về đi”.



Tôi còn nhớ có nói với ông điều này: “Mấy ông tôn giáo đó, là những người có tín ngưỡng, mới là người dám hết mình chống Cộng. Trí thức và nhà giàu, hữu sự họ sẽ chạy trước. Xin Cụ để ý cho. Tôi dám quả quyết với Cụ là tôi dàn xếp được vấn đề giáo phái. Không khó...” 



Trong đoạn hồi ký này, có câu: “Nếu cụ chấp nhận nguyên tắc hợp tác, là ông Thành Nam phát ngôn viên của phái đoàn, sẽ trao ngay đề nghị của Mặt Trận cho cụ”.



Đề nghị đó nội dung ra sao? Đây là một điểm mà chưa tài liệu nào ghi chép. Lý do là vì sau khi các lực lượng giáo phái bị đánh tan, Mặt Trận không được tự do hoạt động, cho nên không có hoàn cảnh và phương tiện để phổ biến các tài liệu nói trên.



Người viết sách này chính là người cầm trong tay tài liệu đã soạn thảo sẵn của Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, đến tham dự phiên họp giữa Mặt Trận và Thủ Tướng, được cử làm phát ngôn viên chánh thức của phái đoàn, và được giao nhiệm vụ lấy quyết định tại hội nghị: trao tài liệu cho Thủ tướng hay không trao, tùy theo diễn tiến và kết quả phiên họp. Nếu hội nghị có không khí tốt, và nếu nhận thấy Thủ tướng có khuynh hướng hợp tác, thực sự muốn tìm giải pháp dung hòa, thì trao tài liệu. Ngược lại, nếu nhận thấy lập trường của chánh phủ vẫn cứng rắn, không đưa đến giải pháp, thì trao tài liệu cũng vô ích.



Tôi đã quyết định không trao tài liệu, vì trong hội nghị, Thủ tướng đã một mực khẳng định lập trường cứng rắn về vấn đề sáp nhập các lực lượng võ trang giáo phái. Điều kiện của Thủ tướng là hãy giải giới trước đã, để có một quân đội quốc gia duy nhứt, để có một uy quyền quốc gia, còn mọi việc khác sẽ bàn sau. Tại sao Thủ tướng lại khăng khăng với lập trường cố định đó, trong khi tình hình có thể được giải quyết cách khác, nếu chấp nhận giải pháp thống nhứt quân đội theo một công thức mất thì giờ hơn, nhưng êm thấm và kết quả tốt đẹp hơn. Tôi đã từng nghe giới quân đội và các vị cố vấn của Thủ tướng biểu lộ thái độ cứng rắn đó, và tôi đoán rằng họ bị ảnh hưởng của Tướng Lansdale, ông này lúc đó là cố vấn Mỹ tin cậy nhứt của Thủ tướng, và có chủ trương rõ rệt: không nhượng bộ các giáo phái. Chính thái độ của Tướng Lansdale và của các giới cố vấn dân sự và quân sự của Thủ tướng đã làm cho ông khăng khăng với quan điểm cứng rắn. Cuộc hội nghị 25-3-1955 vì thế mà bất thành, đưa tới những hậu quả lớn lao về sau. Đó là sự thành công nhứt thời về quân sự năm 1955, đưa đến sự thất bại trầm trọng về sau của chế độ năm 1963, và kéo theo sự sụp đổ Miền Nam năm 1975.



Nội dung các đề nghị của phía Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, có thể được tóm tắt như sau (về việc sáp nhập các lực lượng võ trang giáo phái vào quân đội quốc gia).



Trước khi cất bước đi lưu vong chín năm hải ngoại, người viết sách này đã có nhiều dịp gặp ông Thủ tướng Ngô Đình Diệm, và đặc biệt là ba lần ngồi thảo luận với ông về vấn đề quân lực các giáo phái Miền Nam. Lúc đó tôi có cảm nghĩ rằng cá nhân tôi được sự lưu ý đặc biệt của Thủ tướng.



Trong thời gian thương thảo giữa Chánh phủ và Phật giáo Hòa Hảo, tôi là người được đoàn thể tôi Ủy nhiệm công việc tiếp xúc và thương thảo. Lúc đó phía quý vị chức sắc và lãnh tụ quân sự Cao Đài cũng có cảm tình đặc biệt với tôi, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc thường tỏ thái độ tin cậy tôi, và tham khảo ý kiến tôi trong những trường hợp khó khăn của Mặt Trận mà Ngài là Chủ tịch. Một bữa, tôi được Thủ tướng Ngô Đình Diệm tiếp tại dinh Độc Lập lúc 10 giờ sáng. Khi ấy, văn phòng Thủ tướng vừa mới dời từ dinh Gia Long qua dinh Norodom, cho nên văn phòng trên lầu của Thủ tướng chưa hoàn tất. Thủ tướng ngồi tại một văn phòng tạm ở giữa dinh, từng trệt, và tiếp tôi tại đó, thảo luận đặc biệt vấn đề quân lực giáo phái. Đây là lần thảo luận thứ nhì về đề tài đó. Cuộc thảo luận kéo dài cho đến quá trưa và vẫn chưa kết thúc. Thủ tướng hút điếu thuốc này sang điếu khác, ngón tay troœ luôn luôn đập nhẹ trên mình điếu thuốc cháy dở chừng. Ông nói nhỏ nhẹ, không bao giờ lớn tiếng hay tỏ veœ khó chịu với tôi, dù ý kiến xung khắc. Tôi nhìn đồng hồ thấy đã 12 giờ 30 và nhiều lần thấy ông Ngô Đình Nhu tới lui như nóng ruột hay có điều chi muốn nói với Thủ tướng. Khi có người ra nói nhỏ vào tai Thủ tướng, thì ông đứng dậy và bảo tôi rằng “Tiện bữa, mời ông qua dùng cơm trưa với tôi và nói chuyện tiếp”.



Tôi hơi ngạc nhiên trước cử chỉ tự nhiên và thân mật của Thủ tướng đối với tôi, và không từ chối. Bước tới một chút là phòng ăn dựng tạm bên cạnh, chưa có gì được gọi là một phòng ăn của một Thủ tướng. Tôi được mời ngồi ngang mặt Thủ tướng. Chỉ có canh rau, tôm nhỏ rim, thịt kho hay cá kho, tôi nhớ không rõ, trứng tráng hay đậu huœ. Không có loại rượu nào. Tôi không ngạc nhiên về sự thanh đạm của bữa ăn, vì tôi cũng thường ăn uống thanh đạm như thế. Nhưng tôi hơi ngạc nhiên vì một Thủ tướng mà cũng ăn uống thanh đạm, điều này cũng tạo cho tôi sự cảm mến đối với ông.



Trong bữa cơm, câu chuyện “giáo phái” tạm ngừng. Thủ tướng hỏi tôi về đời tư của tôi, như tại sao tôi là người Bắc mà lại theo đạo Hòa Hảo ở tận trong Nam, và gia thế ra sao, học hành thế nào? Ông muốn biết thêm về cá nhân tôi. Khi tôi nói rõ vì sao tôi quy y đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Thủ tướng có veœ suy nghĩ gục gặc đầu mà nói: “Kỳ nhỉ”.



Tôi nói để Thủ tướng biết rằng gia đình dòng họ tôi vào Nam đã hai đời, lập nghiệp tại một làng trên sông Tiền Giang, tỉnh Long Xuyên, cho nên khi Đức Huỳnh Giáo Chủ giảng đạo, chúng tôi thấy dân cùng làng ruœ theo Đạo, chúng tôi cũng đến quan sát, và sau khi đã cảm nhận đây là giáo lý thích hợp, cả gia đình đều quy y theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo.



Cuộc thảo luận tiếp diễn thêm một giờ nữa sau bữa cơm, nhưng không đi đến kết luận nào. Tuy nhiên, tôi đã trình bày đầy đủ với Thủ tướng, về quan điểm của phía Phật Giáo Hòa Hảo, và cũng là quan điểm chung của Cao Đài, về phương thức sáp nhập các quân lực giáo phái vào quân đội quốc gia.



Quan điểm phía Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo được lập luận và đề nghị thực hiện như sau:



Lập luận:



1. Hoàn toàn đồng ý nguyên tắc căn bản: một quân đội quốc gia duy nhứt; chấm dứt tình trạng quân lực các giáo phái.



2. Quan niệm rằng đây là một vấn đề chung có tầm vóc và ảnh hưởng đến tương lai quốc gia, cho nên giải pháp thực hiện không thể đơn phương, mà phải được thỏa thuận chung, để đạt mục tiêu chung.



3. Vì lực lượng Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo có nguồn gốc tôn giáo và chánh trị, có sẵn từ lâu các cơ cấu tổ chức, cho nên việc dẹp bỏ cơ cấu đó cần có một kế hoạch thỏa thuận trước khi thi hành.



4. Tính chất phức tạp và tế nhị của vấn đề này đòi hỏi hành động thận trọng, đối xưœ thành thật, tránh thái độ và lời nói có thể tạo ngộ nhận, va chạm tự ái hay mặc cảm tôn giáo.



Về phần kế hoạch, hai tổ chức Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo đề nghị những nét lớn sau đây:



1. Giai đoạn đầu, thực hiện quốc gia hóa 3.000 chiến sĩ Cao Đài, 3.000 chiến sĩ Hòa Hảo theo tinh thần các bản nghị định 973 và 1025/QP mà Thủ tướng đã ban hành ngày 3-11-54.



2. Đồng thời thi hành chiến dịch giải thích, giúp các chiến sĩ giáo phái hiểu rõ về vấn đề quốc gia hóa, để họ tự ý lựa chọn hoặc tự nguyện gia nhập quân đội quốc gia, hoặc tự ý xin giải ngũ về đời sống dân sự.



3. Các thành phần xin giải ngũ sẽ được chánh phủ tỏ lòng biết ơn về quá trình chiến đấu, bằng những biện pháp giống như xưa kia triều đình đãi ngộ các quân sĩ đã chiến đấu trong thời loạn: cấp bằng tưởng lệ hữu công, và được hưởng một ít quyền lợi vật chất như cấp phát công điền để mưu sinh, cấp tín dụng nông nghiệp hay tiểu thương, trong khuôn khổ các chương trình phát triển kinh tế quốc gia.



Các biện pháp này, nếu được nghiên cứu và thực hiện, sẽ có hiệu lực tâm lý rất tốt, chứng tỏ chánh phủ không quên công lao các chiến sĩ, cho họ được hưởng sự tưởng lệ tinh thần, và phương tiện tối thiểu để trở về đời sống dân sự. Đồng thời, nếu lồng vào các chương trình tái thiết kinh tế hậu chiến, các biện pháp này còn đáp ứng phần nào nhu cầu thăng tiến xã hội, cải cách ruộng đất và phát triển nông nghiệp.



Chúng tôi nghĩ rằng các chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài, phần lớn xuất thân từ giai tầng nông dân, không cao vọng, chỉ mong có được mảnh đất để canh tác, xây dựng mái nhà thân yêu và kiến tạo hạnh phúc gia đình... Lớp người mộc mạc ấy sẽ cảm thấy hãnh diện khi được “chánh phủ biết ơn” một cách cụ thể: mảnh bằng tưởng lệ treo trong nhà để hãnh diện với làng xóm, và một ít quyền lợi vật chất. Niềm  hãnh diện này, ngược lại, nếu mất đi hay bị bỏ quên, sẽ tạo phản ứng bất mãn, chống đối rất bất lợi cho mối tương quan giữa chánh quyền và dân chúng.



Các biện pháp cấp đất, cấp tín dụng, trong thực tế cũng không tạo các tổn phí quá đáng cho ngân sách quốc gia, vì cũng nằm trong phạm vi ngân sách cải cách điền địa, tín dụng nông nghiệp, trong kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội. Sự giải ngũ binh sĩ đương nhiên tạo ra giảm chi quốc phòng, chỉ cần di chuyển phần ngân sách của biện pháp nói trên, chớ thật ra không tạo thêm chi phí mới. Hơn thế, bất cứ quốc gia nào thời hậu chiến, chánh phủ cũng phải giúp phương tiện cho nông dân khai thác, canh tác đất đai, để tăng gia Sản lượng quốc gia trong khu vực nông nghiệp, đồng thời thăng tiến xã hội cho giới nông dân và cần lao.



Về biện pháp này, tôi đã cố gắng giải thích trực tiếp với Thủ tướng Ngô Đình Diệm rằng đó không phải chỉ là lý thuyết sách vở, mà còn thêm kinh nghiệm sống của chính tôi. Tôi đã sống nhiều năm tại nông thôn miền Nam, trực tiếp chung đụng với người nông dân, tôi hiểu được tâm hồn của họ, tâm lý của họ, nguyện vọng của họ, cả nếp suy nghĩ và phản ứng của họ. Đặc biệt các nông dân tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, các đồng đạo của tôi, nhờ tín ngưỡng Phật đạo, họ hiểu rằng kiếp sống này là giả tạm, sự tích lũy tài Sản không phải là cứu cánh cuộc sống. Cho nên nguyện vọng của họ thật là giản dị, chỉ cần chánh phủ đáp ứng đúng tâm lý và ước vọng giản dị đó, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng. 



Tôi cũng giải thích với Thủ tướng về đời sống hàng ngày của các chiến sĩ nông dân này, và yêu cầu Thủ tướng đừng có ý nghĩ sai lầm rằng tất cả quân lực Phật Giáo Hòa Hảo đều là “phường cướp bóc”. Một thiểu số có thể có làm điều bất chính, nhưng đại đa số chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo rất đáng thương, rất nghèo khổ mà vẫn chiến đấu cang cường cho lý tưởng của mình.



Tôi viện dẫn nhu cầu phát triển nông nghiệp phải đi đôi với nhu cầu thăng tiến xã hội của giới nông dân, cho nên các biện pháp cải cách ruộng đất và tín dụng nông nghiệp phải được thi hành càng sớm càng tốt. Bởi vì tôi đã chứng kiến cảnh cùng cực của người tá điền nghèo đi mướn đất của chủ điền để canh tác, và vay nợ với lãi suất 100 đến 200 phần trăm một năm. Các biện pháp tinh thần (tưởng lệ) và vật chất (đất cày, tín dụng) đáp ứng một cách chính xác nguyện vọng giản dị của người chiến sĩ nông dân Phật Giáo Hòa Hảo và gia đình anh ta. Đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu phát triển quốc gia về kinh tế và xã hội.



Đó là đối với những người xin giải ngũ. Còn những binh sĩ nào muốn tiếp tục phục vụ trong quân đội quốc gia, họ được hưởng thâm niên quân vụ trên những năm chiến đấu. Cấp sĩ quan Phật Giáo Hòa Hảo quốc gia hóa sẽ phải đi thụ huấn tại quân trường để cấp bậc có giá trị.



Tuy nhiên, điều quan trọng để thành công là cần phải có một thời kỳ chuyển tiếp để tránh ngộ nhận và va chạm. Sự nghiên cứu của chúng tôi lúc đó cho thấy rằng nếu trộn lộn ngay các binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo vào các đơn vị quân đội quốc gia, sẽ không thể tránh đụng chạm và hiểu lầm, bởi mặc cảm có sẵn của đôi bên.  Nếu xảy ra tình trạng đó, sẽ có hậu quả rất tai hại về tinh thần đoàn kết trong quân ngũ, cũng như về hiệu năng chiến đấu. Đó là một thực tế rất phức tạp, đòi hỏi biện pháp đặc biệt và thích nghi để khắc phục. Dường như một triết gia có nói đại ý rằng: Chưa hòa hợp tinh thần với nhau, mà đã đem võ khí đến ở chung với nhau, thì sẽ bắn giết nhau dễ dàng...



Cho nên thời kỳ chuyển tiếp rất cần thiết để biện pháp thành tựu. Nghị định 1025 và 1026 ấn định các biện pháp đặc biệt để quốc gia hóa đợt đầu 3.000 binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo, vẫn cho phép đơn vị này được giữ một vài đặc điểm riêng biệt, bởi vì chưa thể thực hiện một sự trộn lộn toàn vẹn ngay được. Cho nên nghị định nói rằng thiết lập tạm thời một bộ phận đặc biệt trong quân đội quốc gia, danh từ Pháp ngữ gọi là “Phalange Hoa-Hao des Forces Armées Vietnamiennes” dịch là “bộ phận Hòa Hảo trong quân đội Việt Nam”.



Thật ra, đó chỉ là danh nghĩa và hình thức. Các điều khoaœn của nghị định 1025/QP và 1026/QP đã nói rõ như sau:



— Bảng cấp số theo biên chế tổ chức quân đội Việt Nam



— Nghị định đồng hóa và bổ nhậm ban hành bởi chánh phủ



— Cờ Việt Nam nền vàng ba sọc đoœ là lá cờ duy nhứt (không còn cờ Phật Giáo Hòa Hảo nữa), nhưng có huy hiệu Phật Giáo Hòa Hảo gắn trên góc.



— Quân phục quân đội quốc gia Việt Nam, chỉ khác là binh sĩ còn mang huy hiệu Phật Giáo Hòa Hảo trên ngực, và đội ca lô màu dà, như màu mũ của các quân chủng khác nhau.



— Các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo quốc gia hóa đặt dưới quyền điều khiển hành quân của Bộ tư lịnh hành quân quân đội Việt Nam



— Thiết lập một văn phòng đặc biệt tại Bộ Quốc phòng và một cơ quan của Bộ Tổng tham mưu để hướng dẫn sanh hoạt theo đời sống quân đội Việt Nam về mọi mặt: tổ chức, quản trị, huấn luyện, và có nhiệm vụ cố vấn, kiểm soát mọi mặt.



— Các biện pháp thanh tra của quân đội Việt Nam được áp dụng toàn bộ.



— Các cấp chỉ huy sẽ được đào luyện tại trường cán bộ Cái Vồn và Bình Mỹ, trường sĩ quan Thủ Đức và Đà Lạt



— Các quân trường Cái Vồn và Bình Mỹ cũng như các cơ cấu của bộ phận Phật Giáo Hòa Hảo sẽ được giải tán khi xét không cần thiết nữa



— Võ khí đạn dược của các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo phải giao nạp quân đội quốc gia, để thay thế bằng trang bị theo biên chế quân đội quốc gia Việt Nam.



Áp dụng các nghị định này, cái nhìn bi quan sẽ cho là chưa phải sáp nhập toàn vẹn, vẫn còn là một bộ phận riêng.



Cái nhìn lạc quan cho rằng tuy còn giữ một số đặc điểm riêng, bộ phận riêng, nhưng do quân đội quốc gia cố vấn, kiểm soát, bị chi phối bởi kỷ luật và điều hành theo quy chế quân đội quốc gia. Giống như một đơn vị hay một binh chủng đặc biệt. Quyền bổ nhậm do chánh phủ, và các bộ phận mang đặc tánh Phật Giáo Hòa Hảo từ nay đều đặt trong hệ thống quân đội quốc gia, để rồi sẽ bị giải tán khi không cần thiết nữa.



Với tình trạng phức tạp lúc đó, với các khó khăn tâm lý, nghi ngờ, e ngại, mặc cảm, thành kiến... một sự trộn lẫn lập tức sẽ không có kết quả. Phải đi qua một thời kỳ chuyển tiếp, chẳng khác nào đem người dân từ đồng ruộng về đô thị, nhứt định phải một thời gian để tập cho quen cảnh sống mới, trước khi thuần thục và không có phản ứng ngược chiều và nghịch lý.



Khi quân lực Trình Minh Thế về hợp tác với Chánh phủ Ngô Đình Diệm (2-1955) tình trạng cũng tương tự như tinh thần bản nghị định 1025-1026/QP. Quân đội Liên minh vẫn là một bộ phận riêng biệt đặt dưới hệ thống chỉ huy trực tiếp của các sĩ quan Liên minh, và Tướng Trịnh Minh Thế vẫn là vị tư lịnh cao nhứt của bộ phận đặc biệt này, mặc dù tất cả đã quốc gia hóa, và mang sắc phục quân đội quốc gia Việt Nam. Bộ Tổng tham mưu không trực tiếp điều động các đơn vị Liên minh, mà phải qua vị Tướng Tư lịnh Trình Minh Thế. Các binh sĩ Liên minh cũng chỉ tuân hành mạng lịnh của Tướng Thế và các cấp sĩ quan dưới quyền ông, mặc dù họ đã trở thành binh sĩ quân đội quốc gia.



Tình trạng đó là một thực tế không thể cưỡng ép lập tức và toàn vẹn. Phải có một thời kỳ chuyển tiếp.



Trong thời kỳ chuyển tiếp này, binh sĩ gốc giáo phái làm quen dần với nếp sống trong khung cảnh sinh hoạt của quân đội quốc gia, trong khuôn khổ một quân đội chánh qui, để rồi sẽ tự biến đổi để thích nghi hoàn cảnh mới. Với thời gian, chắc chắn họ sẽ trở thành người chiến sĩ quân đội quốc gia trọn vẹn, và đó là một tình trạng quốc gia hóa toàn vẹn.



Cũng trong thời kỳ chuyển tiếp đó, hẳn sẽ có một số binh sĩ thay đổi ý hướng, đó là những thành phần không có khả năng thích nghi hoàn cảnh và khuôn khổ mới. Họ sẽ tự chọn lấy con đường giải ngũ, trở về đời sống dân sự. Nhưng đây là do ý định của họ tự do lựa chọn, khác hẳn với lối giải quyết loại bỏ khỏi hàng ngũ quân đội, với các hậu quả tâm lý bất lợi. Những phần tử yêu thích quân ngũ sẽ tiếp tục và sẽ được đào tạo, tùy theo khả năng và khuynh hướng, mà trở thành quân nhân của quân đội Việt Nam 100%.



Tiến trình quốc gia hóa hay sáp nhập chậm này, có tác dụng tránh các biến chứng phức tạp của cuộc sống chung đụng chạm cọ xát giữa những người từ các nguồn gốc tôn giáo và chân trời dị biệt, để công cuộc quốc gia hóa được thực hiện êm ái và thành công tốt đẹp. Cố nhiên là phải mất thì giờ, tiến chậm hơn là một phương thức quốc gia hóa toàn vẹn lập tức. Thời gian được đề nghị với Thủ tướng lúc đó là một năm hay nhiều lắm là 18 tháng, để hoàn tất kế hoạch. Lúc đó là cuối năm 1954, nếu thực hiện theo tiến trình tiệm tiến đó, đến cuối năm 1955 hay trễ là giữa năm 1956, kế hoạch sẽ hoàn tất và thành tựu.


7 - Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia

Nhưng Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã không chấp nhận tiến trình mà ông cho là mất thì giờ. Tôi cho rằng ông muốn củng cố uy quyền quốc gia càng sớm càng tốt, và tôi cảm thấy ông bị ảnh hưởng rõ rệt và mạnh mẽ của áp lực hiệp thương tuyển cử 7-1956 đề ra trong hiệp định Giơ-neo 1954. Theo phụ bản của hiệp định này, hai miền Nam, Bắc Việt Nam sẽ mở hiệp thương tiến tới tổng tuyển cử, hai năm sau ngày ngưng bắn (20-7-54) để thống nhứt đất nước. Qua những câu chuyện trao đổi với quý vị trong chánh phủ và với Thủ tướng Ngô Đình Diệm, cũng như với các giới chánh trị bên ngoài, tôi đều nhận thấy mối ưu tư chung đối với kỳ hạn hiệp thương tuyển cử 1956. Rất ít người lúc đó đưa ra ý nghĩ táo bạo và có giá trị chiến lược là: bất chấp hiệp định Giơ neo, bác bỏ hiệp thương tuyển cử. Thật ra, thái độ bất chấp tổng tuyển cử là một thái độ hợp tình hợp lý theo quan điểm của Miền Nam, bởi vì Miền Nam đã không ký bản hiệp định Giơ-neo, không thể bị ràng buộc, trên căn bản pháp lý, vào điều kiện hiệp thương và tuyển cử. Sự thật, Miền Bắc tự nhận thấy rằng chính họ cũng chẳng hăng hái gì đối với hiệp thương tuyển cử 1956, bởi lý do rõ ràng là họ chưa sẵn sàng và chưa tin rằng tổng tuyển cử đem thắng lợi chắc ăn cho họ.


Trong tình huống chung đó, vấn đề thời hạn 1956 rất dễ dàng được dời lại, không cần phải thực hiện năm 1956, và không đến đỗi trở thành một áp lực ám ảnh chánh trường Miền Nam như thế. Việc chối bỏ tổng tuyển cử còn là một phương thức mà Miền Nam vẫn có thể đơn phương thực hiện, như đã xảy ra.



Tuy nhiên ở thời điểm 1954, áp lực kỳ hạn 1956 là một lý do làm cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm không chấp nhận mất thì giờ trong việc thống nhất quân đội. Ngoài ra, cũng còn phải kể các lý do khác tạo thành thái độ quyết liệt bác bỏ tiến trình sáp nhập từ từ đề nghị bởi các giáo phái: các vị cố vấn của Thủ tướng, các sĩ quan cao cấp trong Bộ Tổng tham mưu, và Tướng Lansdale sau này. Những thành phần này sẵn thành kiến đối với quân đội giáo phái, và không nhìn vấn đề đúng tầm quan trọng lâu dài và chánh trị của nó, lại chủ quan tự tin ở ưu thế chánh quyền, cho nên đã bác bỏ kế hoạch của các giáo phái. Vì thế, chỉ còn giải pháp võ lực, vì phía các giáo phái cũng không chấp nhận thái độ cứng rắn của phía chánh quyền, mà họ cho là phi lý, ngoan cố, có hậu ý.



Và việc phải đến, đã đến: súng nổ đầu tiên tại Sàigòn đánh dẹp tổ chức võ trang Bình Xuyên, rồi sau đó đánh dẹp Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây.



Riêng phần cá nhân tôi, sau cuộc thảo luận thứ nhì với Thủ tướng Ngô Đình Diệm, tôi không còn dịp nào được gặp riêng ông nữa. Lần gặp thứ ba, là trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng và phái đoàn Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, tại dinh Độc Lập, mà tôi là phát ngôn viên của phái đoàn, với nhiệm vụ lấy quyết định về việc trao hay không trao đề nghị cho Thủ tướng. Tôi đã quyết định không trao, và bản tài liệu ấy cũng không hề được công bố sau này.



Tôi đã không trao, bởi vì những điều ghi trong bản tài liệu đó, tôi đã có dịp trực tiếp trình bày với Thủ tướng rồi, và ông đã bác bỏ rồi, bây giờ có trao thêm tài liệu cũng không thể làm ông thay đổi thái độ về vấn đề này. Trước khi phái đoàn khởi hành đến dinh Độc Lập, tôi vẫn còn nuôi hy vọng, tuy mong manh, rằng vì tình thế khó khăn và không khí căng thẳng tột độ lúc đó, Thủ tướng sẽ điều chỉnh thái độ cho mềm dẻo hơn, trong trường hợp này, tôi sẽ rất vui mừng trao toàn bộ tập tài liệu và đề án của Mặt Trận cho Thủ tướng.



Tập tài liệu này, ngoài vấn đề sáp nhập các lực lượng võ trang giáo phái vào quân đội quốc gia, còn bao gồm những đề nghị cải tổ cơ cấu chính quyền, chớ không chỉ riêng vấn đề cải tổ nội các. Nhưng vấn đề các lực lượng giáo phái đã không thỏa thuận được, tất nhiên các vấn đề khác cũng không có khung cảnh để giải quyết. Tôi còn nhớ đề nghị của Mặt Trận về cải tổ cơ cấu gồm có sự thành lập một Hội Đồng Quốc Chánh có thẩm quyền, bên cạnh Thủ tướng. Mục tiêu là tránh độc tài độc tôn, tăng gia hiệu lực và thiết lập chánh sách quốc gia, đồng thời giải quyết vấn đề các giáo phái và đảng phái. Đại diện các tổ chức có quần chúng sẽ được mời tham gia Hội Đồng, chớ không nhứt thiết phải tham gia nội các. Nội các được quan niệm như một đội ngũ gồm các thành phần có tiêu chuẩn tài năng hơn là tư cách đại diện, để phối hợp chặt chẽ mà thực hiện chánh sách quốc gia đề ra bởi Hội Đồng Quốc Chánh. Nội các không thể được quan niệm như một môi trường để chia phần đại diện qua sự phân phối các bộ, để rồi hiệu năng không đạt, lại còn “trâu trắng trâu đen” với nhau. Tôi còn nhớ có một điểm khá quan trọng trong đề nghị của Mặt Trận, là yêu cầu Thủ tướng đưa vợ chồng ông Ngô Đình Nhu khỏi các sanh hoạt chánh quyền. Đó là một quan điểm cứng rắn của phía Mặt Trận, và có lẽ đó cũng là một trong nhiều lý do làm cho Thủ tướng không chấp thuận.



Nếu ai đã từng sống trong cuộc, của tình hình lúc đó, mới hiểu được đúng lý do tại sao Mặt Trận lại đặt vấn đề vợ chồng ông Nhu như vậy. Rồi về sau này, khi thái độ và đường lối của ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân được tự do thể hiện qua chín năm cai trị Miền Nam, thì hầu hết mọi giới đều cho rằng những tai hại gây cho đất nước và chế độ, một phần quan trọng do vợ chồng ông.



Quan điểm căn bản của Thủ tướng lúc đó là: “Các quân lực giáo phái phải sáp nhập quân đội quốc gia trước đã. Chấp nhận sự thống nhứt quân đội quốc gia rồi, mới bàn tới chánh trị”. (*)



Phía Mặt Trận có quan điểm là giải quyết toàn bộ các vấn đề một lần, chánh trị và quân đội, bởi vì, đối với các giáo phái, đây là một vấn đề gồm hai khía cạnh, không thể tách làm hai vấn đề.



Nói thêm ít hàng về cuộc hội kiến đó.



Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc làm Chủ tịch, gồm các thành phần: Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Bình Xuyên, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng và Cao Đài Liên Minh (Tướng Trình Minh Thế). Ngày 21-3-1955 Mặt trận gởi đến Thủ tướng một văn thơ, mà dư luận gọi là tối hậu thư, yêu sách Thủ tướng cải tổ chánh quyền. Thủ tướng yêu cầu Mặt Trận gởi đại diện đến dinh Độc Lập để trao đổi quan điểm. Phái đoàn đi phó hội ngày 25-3-1955 gồm có Ngài Bảo thế Lê Thiện Phước (Cao Đài), ông Trần Văn Ân (nhân sĩ Cố vấn Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia), Tướng Lâm Thành Nguyên (quân đội Phật Giáo Hòa Hảo), Đại tá Trần Thái Huệ (quân đội Cao Đài), ông Nhị Lang (Liên Minh) và tôi là Thành Nam (Phật Giáo Hòa Hảo), lúc đó Tướng Trình Minh Thế vẫn còn là một thành viên Ban Chấp Hành Mặt Trận, mặc dù ông đang là sĩ quan quân đội quốc gia từ ngày về hợp tác (18-2-1955). Do đó, khi ký tên tham gia Mặt Trận, Tướng Thế có ghi thêm một câu ở dưới chữ ký của mình rằng: ‘’Tôi là thiếu tướng quân đội quốc gia, cố nhiên không có quyền làm chánh trị, nhưng vì nhận rõ nguy cơ chung của dân tộc, tôi tán thành bản quyết nghị này”. (*)



Đúng như lời tường thuật của ông Nhị Lang trong cuốn sách “Phong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế”, trước khi phái đoàn lên đường, Tướng Lê Văn Viễn có cho bố trí hỏa lực trọng pháo và quân đội, trong tư thế sẵn sàng nổ súng vào dinh Độc Lập, nếu chánh phủ bắt giữ phái đoàn. Như thế đủ thấy mức độ căng thẳng tột độ của tình hình.



Nhưng có hai điều mà tác giả Nhị Lang đã thuật không đúng, có lẽ vì lâu quá quên đi, đó là điều ông nói rằng Tướng Lâm Thành Nguyên trao tối hậu thư cho Thủ tướng, làm cho Thủ tướng căm giận. Bản văn mà Tướng Lâm Thành Nguyên trao cho Thủ tướng là bản Ủy nhiệm thơ chánh thức của Mặt Trận, do Đức Hộ pháp nhơn danh Chủ tịch ký tên, Ủy nhiệm các vị có tên trong đó được có thẩm quyền thay mặt cho Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia để thảo luận và quyết định với Thủ tướng. Tôi còn nhớ rõ chi tiết về lý do phải có Ủy nhiệm thư. Vì không khí đấu tranh lúc đó, hai bên đều không tin nhau, giữ thế với nhau, cho nên Ban Chấp hành Mặt Trận, sau khi thảo luận, thấy cần có một bản Ủy nhiệm thư chánh thức, đề phòng trường hợp Thủ tướng có thể không chấp nhận tư cách đại diện của phái đoàn, và đổ lỗi cho Mặt Trận không nghiêm chỉnh, đã gởi những người vô thẩm quyền đến, rồi lấy cớ đó mà không tiếp hay không thảo luận với phái đoàn. Hơn thế, trong thư mời phái đoàn, Thủ tướng có nhấn mạnh: một phái đoàn có thẩm quyền.



Điều không xác thực thứ hai là tác giả Nhị Lang viết rằng “Đức Quốc trưởng hứa chắc là sẽ chọn anh Baœy (Lê Văn Viễn) làm Thủ tướng chính phủ tương lai” (*). Không hề bao giờ có chuyện Tướng Lê Văn Viễn làm Thủ tướng chánh phủ. Phía chánh phủ Ngô Đình Diệm đã đưa ra luận điệu này để đánh hạ giá trị của Mặt Trận, tạo ra mối lo ngại cho dân chúng “nếu Bình Xuyên thắng, nước ta sẽ có một ông Thủ tướng Lê Văn Viễn” thì thật là bất lợi. Sự thật về nguồn gốc tin tức “Thủ tướng Lê Văn Viễn” là như thế. Phía Mặt Trận đâu có ấu trĩ đến đỗi không hiểu được hậu quả của việc đưa Tướng Lê Văn Viễn làm Thủ tướng. Thật ra, cá nhân Tướng Lê Văn Viễn cũng không bao giờ nuôi cao vọng làm Thủ tướng, vì ông cũng đủ trí để tự hiểu khả năng mình không thích hợp với chức vụ chánh trị đó.



Tôi còn nhớ lúc đó Mặt Trận không hề nghĩ đến việc đưa một người trong Mặt Trận ra làm Thủ tướng, bởi vì như thế sẽ làm mất chánh nghĩa: tranh đấu giành cái thế Thủ tướng. Yêu sách căn bản của Mặt Trận lúc đó là cải tổ cơ cấu quốc gia ở cấp trung ương để bộ máy chánh quyền hữu hiệu, có đại diện tính, không bị cá nhân thao túng, nhứt là cá nhân ông Ngô Đình Nhu. Chớ Mặt Trận không chủ trương giành ghế Thủ tướng của ông Ngô Đình Diệm. Nếu ông Diệm không còn làm Thủ tướng nữa, thì cũng không phải người của Mặt trận ra làm Thủ tướng, mà Mặt Trận có chủ trương rõ rệt giao nhiệm vụ đó cho một nhân sĩ Miền Nam độc lập, để trấn an nhân tâm và quân đội, cứu vãn tình hình. Trái lại, Mặt trận cũng ý thức rằng, nếu Mặt Trận nắm lấy chánh quyền, Mặt Trận sẽ mất chánh nghĩa và lòng dân lòng quân không được yêyên, bởi lo ngại cái thế thượng phong của Mặt Trận sẽ bao trùm lên sinh hoạt quốc gia. Tôi còn nhớ lúc đó Bác sĩ Hồ Văn Nhựt được Mặt Trận nhắc nhở đến trong cuộc thảo luận về chức vụ Thủ tướng tương lai.



Những nhân vật có tầm vóc chánh trị trong Mặt Trận lúc đó là ông Trần Văn Ân, Hồ Hữu Tường. Trước đó, còn có quý ông Nguyễn Đức Quỳnh, Bác sĩ Lê Kiểu. Đây là các nhân sĩ không đảng phái. Ngoài ra, đại diện các tổ chức trong Mặt Trận đều là những người có kinh nghiệm đấu tranh, và biết nhìn cuộc diện, cho nên đã thảo luận rất sâu rộng vấn đề này, trước khi đi đến quyết định nguyên tắc là không đưa người của Mặt Trận làm Thủ tướng. Do đó không hề có việc ông Lê Văn Viễn sẽ làm Thủ tướng.



Đó là những điều quan trọng trong đường lối chủ trương lúc đó của Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, mà từ sau khi Mặt Trận tan vỡ năm 1955, không có cơ hội nói lên, cho nên công luận trong nước và thế giới chỉ được nghe một chiều dư luận của phía chiến thắng, qua bộ máy tuyên truyền của Chánh phủ Ngô Đình Diệm.



Qua bộ máy tuyên truyền đó, và với sự a-dua của báo chí lúc đó, Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia bị đồng hóa với các hành động cờ bạc, mãi dâm, cướp bóc, ngoan cố, bè phái, tham vọng cá nhân... đủ các tội xấu xa trong xã hội.



Sau cuộc hội kiến không kết quả nói trên, riêng phần tôi rất đỗi bi quan, vì tôi biết trước rằng nội chiến chắc chắn phải xảy ra, không cách gì ngăn cản được. Bởi vì ngoài thái độ cứng rắn của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, tôi còn biết được thái độ của Tòa đại sứ Huê Kỳ tại Sàigòn lúc đó, là cương quyết đứng về phía ông Ngô Đình Diệm. Lúc đầu, Đại sứ Lawton Collins không nhiệt tình ủng hộ ông Diệm, nhưng quan điểm của ông đã phải nhường cho chủ trương của Đại tá tình báo Lansdale, ông này đóng vai cố vấn thân tín của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, lại cương quyết không chấp nhận bất cứ nhượng bộ nào đối với Mặt Trận. Chính Lansdale đích thân vận động với Hoa Thịnh Đốn để quan điểm của mình được chấp nhận, và cũng chính ông vận động với phía ông Ngô Đình Diệm để tạo niềm tin vào một giải pháp võ lực, và cũng chính ông đã đi vận động các sĩ quan cao cấp quân đội quốc gia để thực hiện kế hoạch đối phó vũ lực với Mặt Trận.



Thái độ này của Huê Kỳ đã làm lệch hẳn cán cân nghiêng về có lợi cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ngược lại, nếu lúc đó mà tòa đại sứ Huê Kỳ chủ trương bảo tồn thăng bằng, không nghiêng hẳn về một bên như thế, thì Thủ tướng Ngô Đình Diệm hẳn đã phải mềm dẻo hơn, vì đã tìm được giải pháp khác hơn là võ lực.



Hãy đọc một đoạn trong tập sách “In the Midst of Wars"’  (tác giả: Tướng Lansdale), được dịch ra Việt văn dưới nhan đề “Tôi làm quân sư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm”, như sau: 



Sau khi rời dinh Độc Lập, tôi gặp Collins (đặc sứ của Tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc đó) cho biết về nhận định của ông Diệm, và trình bày quan điểm về phản ứng của ông Diệm, không chấp nhận giải pháp do Pháp và Mỹ đề nghị. Hơn nữa đa số dân chúng đứng về phía ông Diệm. Khi dân chúng nghe tin về giải pháp đề nghị nói trên, sẽ có sự lộn xộn lớn. Đó là một sự khiêu khích chớ không phải là một giải pháp...



Collins tin chắc, với ý nghĩ có lẽ chưa toàn thiện, rằng giải pháp ấy có thể thực hiện được. Mục tiêu chính vẫn là dập tắt tình trạng căng thẳng để tránh đổ máu. Collins sẽ về Hoa Thịnh Đốn... (*) 



Những dòng trên đây là một phần tin tức trong lúc đó, cho biết rằng Đặc sứ Collins và Đại tá tình báo Lansdale không đồng ý với nhau về giải pháp của tình hình tranh chấp giữa Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia và Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Tướng Lawton Collins muốn tìm cách tránh xô xát, trong khi Đại tá Lansdale quyết tâm trong đường lối “không nhượng bộ các giáo phái”. Do đó, ông đã đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy Thủ tướng và các sĩ quan cao cấp dùng võ lực đánh dẹp các giáo phái. Vai trò của Đại tá Lansdale rất quan trọng trong bối cảnh chánh trị lúc đó tại miền Nam Việt Nam.



Về sau, theo lời thuật lại của ông Trần Văn Ân, thì chính Đại tá Lansdale đã cho quăng trái lựu đạn khiêu khích cho cuộc chiến nổ bùng vào lúc 12 giờ đêm 29 rạng 30-3-1955 tại đại lộ Trần Hưng Đạo, trước bót cảnh sát Trung ương. Tin tức này được nói lại cho ông Trần Văn Ân bởi một giới chức Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sàigòn, khi ông Trần Văn Ân từ khám tử hình Côn Đảo trở về Sàigòn (1964) và nhận chức Tổng trưởng Chiêu hồi (1965).


8 - Phân Tích Thắng Lợi Quân Sự

Ông Ngô Đình Diệm đã nêu cao khẩu hiệu “thống nhứt quân đội, thống nhứt uy quyền quốc gia” để phát động chiến dịch đánh dẹp các tổ chức võ trang giáo phái. Cái chiến dịch quân sự này đã thành công, bởi vì lúc đó Thủ tướng có các yếu tố thuận lợi, tạm kể ra sau đây:


— Sự yểm trợ mạnh mẽ của Huê Kỳ về phương tiện và chánh sách. Từ 1-1-1955, viện trợ quân sự Mỹ không qua trung gian Pháp mà trao thẳng cho Việt Nam. Hơn thế, thái độ quyết liệt tấn công giáo phái của Đại tá tình báo Lansdale làm cho ông Diệm dứt khoát mọi tư tưởng lo ngại lưỡng lự trước một tình thế phức tạp. Thái độ của Lansdale, người cố vấn có thể gặp ông Diệm bất cứ lúc nào, xuất nhập bất cấm, khỏi cần phải xin hẹn trước, — làm cho ông Thủ tướng có ý rằng đó đúng là chánh sách của Huê Kỳ, trong khi Huê Kỳ vẫn còn lưỡng lự, Tướng Lawton Collins đặc sứ của Tổng thống Eisenhower ở Sàigòn vẫn giữ thái độ chờ xem và chưa tin tưởng nơi ông Ngô Đình Diệm.



— Quân đội quốc gia Việt Nam không còn phải đối phó với Việt Cộng như trước kia, với một lãnh thổ thu hẹp còn phân nưœa, các đơn vị từ chiến trường miền Bắc dồn chuyển vào Nam, làm cho quân số có thể dồn tối đa vào việc tấn công các giáo phái, thay vì phải tản ra nhiều chiến tuyến, nhiều địa phận như trước kia, lúc cuộc chiến còn đang sôi nổi và lan tràn khắp lãnh thổ Việt Nam. Về mặt phương tiện quân sự, ngoài viện trợ trực tiếp của Huê Kỳ, quân đội quốc gia còn nhận được nhiều cơ sở và võ khí các loại, các ngành binh chủng, chuyển giao bởi quân đội viễn chinh Pháp đang chuẩn bị để về nước. Quân đội quốc gia có một tiềm năng hành quân cao hơn tất cả xưa nay, về quân số cũng như phương tiện.



— Về nhân sự trong giới quân đội, Thủ tướng Ngô Đình Diệm được sự ủng hộ hầu hết các cấp chỉ huy quân sự, các cấp sĩ quan thuộc thành phần di tản từ Bắc vào Nam. Không phải ai cũng thần phục ông Diệm vì đã hiểu biết về ông và tin rằng ông là một “chí sĩ cách mạng”; nhưng họ ủng hộ ông vì tâm trạng chung của người di cư. Đây là một tâm trạng đặc thù của những người phải bắt buộc và gấp rút rời lãnh thổ mà mình đã sanh ra, sống trên đó từ lâu đời, phải bỏ tất cả tài Sản sự nghiệp, bây giờ ra đi hai bàn tay không, trong hoàn cảnh “chạy loạn” như hoàn cảnh sau hiệp định Giơ-neo. Những người này đã bỏ mất tất cả dĩ vãng sau lưng, hẳn nhiên là mong có được điểm tựa để tin tưởng trong những ngày bấp bênh của tương lai, có được cơ hội tái tạo sự nghiệp cá nhân hay tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng chung. Thủ tướng Ngô Đình Diệm từ ngoại quốc về, với sắc lịnh Ủy nhiệm toàn quyền dân sự quân sự của Quốc trưởng Bảo Đại, với sự ủng hộ của Huê Kỳ, tất nhiên, đối với những người Việt di cư này, là một cứu tinh trong cơn khủng hoảng, hay ít ra cũng là một điểm tựa có nhiều ưu điểm nhứt để họ dựa vào mà bước tới tương lai trên một vùng đất xa lạ. Tâm trạng này là tâm trạng chung của người di cư đến xứ lạ, mà tất cả những người Việt rời bỏ Việt Nam năm 1975, di cư sang Huê Kỳ, đều đã kinh qua và chứng nghiệm. Khi còn lóng nhóng tại các trại chuyển tiếp Pendleton, Fort Chaffee... người tị nạn Việt Nam nào cũng mong có được một điểm tựa, thể hiện bằng một người bảo trợ tốt, có khả năng giúp đỡ mình, để cho mình tin cậy, và sẵn lòng hướng dẫn mình trong bước đầu tiên vào một xã hội mới lạ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm trong bối cảnh xã hội và chính trị 1954 tại Miền Nam, là hiện thân của người bảo trợ lý tưởng đó đối với đại đa số những đồng bào, công chức, quân nhân di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người đã có cơ hội hiểu biết về con người ông, và nhìn thấy được những hậu quả của đường lối và chánh sách cai trị của ông.



“Tâm trạng người di cư” lúc đó nhìn tất cả những đối lực chống lại ông Diệm là đối lực chống lại chính tương lai của chính mình — còn được diễn tả rộng ra là chống lại tương lai của đất nước nói chung — cho nên ngoại trừ các giới tranh đấu và những người nhìn xa thấy rộng, đại đa số người di cư đều nhiệt thành ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm, và chống đối lại các giáo phái Miền Nam.



Tâm lý chung của quân đội quốc gia Việt Nam lúc đó, biểu lộ qua thái độ các cấp chỉ huy, là không ưa các giáo phái võ trang. Vì nhiều nguyên nhân khá phức tạp. Ngoài dị biệt về nguồn gốc thành phần xã hội, trình độ học vấn, môi trường sinh hoạt, nếp sống và thái độ xã hội, là những yếu tố cơ cấu kết tụ từ lâu đời, còn có những lý do thời cơ phát sanh từ các biến cố chánh trị, mà cả hai bên, phía quân đội cũng như phía giáo phái, không thể không chịu ảnh hưởng, mà cũng không thể phân định lỗi phải rõ ràng được. Tất cả những yếu tố này, theo thời gian, trở nên các thành kiến vừa thấm vào bề sâu tâm lý, vừa truyền nhiễm rộng ra, thể hiện thành thái độ đối nghịch lẫn nhau. Đó là một hiện tượng phi lý mà có thật. Phía quân đội quốc gia có thiên kiến cho rằng giáo phái là những đạo quân ô hợp, áo quần luộm thuộm, hàng ngũ lếch thếch, quân kyœ lôi thôi, chỉ huy ít học, hay sách nhiễu dân chúng... Mặc cảm tự ty và tự tôn của đôi bên cũng rất phức tạp. Phía giáo phái tự tôn là chiến đấu cực khổ và gan dạ, trong khi phía quân đội quốc gia bề ngoài hào nhoáng, nhưng lại ngại gian khổ, sợ nguy hiểm. Phía quân đội quốc gia tự tôn xuất thân từ các trường chính quy, có học vấn và kiến thức cao hơn. Những mặc cảm phức tạp tự ty pha trộn tự tôn, ngược chiều và nghịch lý đó đã làm cho đôi bên nhìn nhau thiếu thiện cảm. Khi các giáo phái võ trang thách thức Thủ tướng Ngô Đình Diệm, cũng là lúc các sĩ quan cao cấp quân đội quốc gia nghĩ rằng danh dự của họ bị thách thức, danh dự quân đội quốc gia bị thách thức.



Cũng ở thời điểm đó, các cấp chỉ huy quân đội quốc gia ý thức các lợi điểm của mình về quân số và võ trang đang tăng gia, cộng với thế chính thống, lại còn thêm sự ủng hộ của Huê Kỳ. Các yếu tố thuận lợi đã hội tụ để quân đội quốc gia chuyển mình thoát xác từ một quân đội phụ thuộc vào quân đội Pháp do các tướng lãnh Pháp chỉ huy, nay trở thành một quân đội chính quy hùng mạnh của một quốc gia độc lập. Từ cái thế đó, và trong bối cảnh đó, các điều kiện thuận lợi đã tạo cho quân đội quốc gia động lực hăng hái và cương quyết đối đầu với quân lực các giáo phái. Về mặt tâm lý, đây cũng là cơ hội để chứng minh ngược lại rằng quân đội quốc gia chiến đấu gioœi hơn các giáo phái, đè bẹp được các giáo phái. Do đó, đương nhiên quân đội quốc gia đứng về phía Thủ tướng Ngô Đình Diệm, chống lại các giáo phái, và đã chứng tỏ khả năng chiến đấu với những thành quả đã đạt trong các cuộc hành binh dẹp quân lực giáo phái. Có thể nói rằng thành quả gọi là “phi thường” đầu tiên của quân đội quốc gia, và chiến công lúc đó của các Tướng Đỗ Cao Trí, Dương Văn Đức, Dương Văn Minh, là thành quả chiến thắng giáo phái, chớ không phải thành quả chiến thắng Việt Minh. Đó cũng là một điều khá nghịch lý!



 Phía các giáo phái trong lúc đó, bị kẹt vào các điểm bất lợi sau đây:



— Hoa Kỳ không có thiện cảm với các giáo phái. Từ một quốc gia dân chủ tiến bộ hàng đầu, mới trực tiếp can thiệp vào vấn đề Việt Nam ít lâu, chưa sống và hiểu đầy đủ những thực tế đặc thù của xã hội Việt Nam. Huê Kỳ lại càng không hiểu nguồn gốc sâu xa phát sinh tôn giáo và lực lượng giáo phái võ trang tại Miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ nhìn vào bề mặt của vấn đề và kết luận rằng phải dẹp ngay các lực lượng võ trang giáo phái để củng cố uy quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm hầu đối phó hữu hiệu với Cộng Sản Miền Bắc.



— Pháp hiểu biết về các giáo phái nhiều hơn, nhưng chánh sách Pháp xưa nay chỉ nhằm lợi dụng các giáo phái, và đến khi phải rút khỏi Việt Nam, Pháp không thể giúp cho các giáo phái; dù Pháp muốn, cũng không còn lợi thế và danh nghĩa để làm điều đó. Những tiếp liệu đạn dược và tài chánh cho các quân đội giáo phái đã bị Pháp giảm đi từ giữa năm 1954, và dự trù đến ngày 10-2-1955 là chấm dứt toàn bộ.



— Từ đầu 1955, ngoại trừ Bình Xuyên có dự trữ tài chánh do lợi tức Đại thế giới Kim Chung, hai giáo phái Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo lâm vào tình trạng thiếu thốn tài chánh và đạn dược. Tướng Lê Văn Viễn có giúp đỡ một phần nhỏ về tài chánh, nhưng cũng không trám nổi các lỗ hủng thiếu hụt càng ngày càng lớn ra. Với một quân số Phật Giáo Hòa Hảo cộng chung lúc đó khoảng 30.000 người, các nguồn tài trợ chấm dứt mà không có cái gì thay thế, các dự trữ có đem ra sử dụng cũng không thể kéo dài hơn được vài ba tháng. Phía Cao Đài cũng ở trong tình huống tương tự.



— Tương quan lực lượng giữa quân đội quốc gia và quân lực các giáo phái bây giờ đã nghiêng lệch hẳn đi, cả trên hai tiêu chuẩn. Phía yếu kém rõ ràng là phía các giáo phái, quân sĩ giao động trước các biến chuyển bên ngoài và thiếu thốn tiếp liệu, tài chánh bên trong. Ngược lại quân đội quốc gia tiếp nhận thêm trang bị, viện trợ tài chánh, tập trung thêm quân số vào Miền Nam, và tinh thần cũng phấn khởi thêm lên nhờ những yếu tố thuận lợi và tăng trưởng đó. Các giáo phái lại không phối hợp chặt chẽ được các lực lượng võ trang và chính trị.



— Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia gồm có Dân Xã, Hòa Hảo, Cao Đài, Liên Minh và Bình Xuyên. Nhưng trong nội bộ Cao Đài, hai đơn vị Trình Minh Thế (Liên Minh) và Nguyễn Thành Phương (quân lực Cao Đài) đã rút ra khỏi Mặt Trận (do sự vận động của Đại tá Lansdale) đổi từ vị trí sát cánh với Mặt Trận, sang vị trí hợp tác với Thủ tướng để chống lại Mặt Trận. Phòng tuyến quân sự đã yếu đi, phòng tuyến chánh trị của Mặt Trận bị nứt rạn, lần đầu ngày 13-2-1955 đơn vị Trình Minh Thế rút ra, và lần thứ hai ngày 31-3-1955 đơn vị Nguyễn Thành Phương rút ra. Thực lực Mặt Trận chỉ còn các lực lượng quân sự Phật Giáo Hòa Hảo, Dân Xã, và Bình Xuyên. Mặc dù Chủ tịch Mặt Trận, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc vẫn kiên trì lập trường và bổ nhậm Tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành thay thế Nguyễn Thành Phương, để tham gia Chủ tịch đoàn Mặt Trận, nhưng Tướng Thành lại không có Bộ tham mưu, không có đơn vị võ trang; dù ông có khả năng huy động quy tụ để thành lập các đơn vị mới dưới sự bảo trợ của Đức Hộ Pháp, ông cũng không thể thực hiện ngay được. Như thế, thực lực quân sự của Mặt Trận đã bị suy giảm mất 40 phần trăm về số lượng, và còn suy giảm trầm trọng hơn về khí thế và chánh trị.



— Về phương diện chiến thuật quân sự, các tổ chức võ trang Phật Giáo Hòa Hảo và Bình Xuyên, Dân Xã, tuy thiện chiến khi đương đầu với Việt Minh Cộng Sản, nhưng sở trường của họ là chiến thuật phản du kích, chống du kích. Bây giờ họ phải đương đầu với quân đội quốc gia trong một cuộc chiến hoàn toàn khác, đối phương không phải chỉ là các đơn vị nhỏ du kích trong đồng ruộng, mà là những đại đơn vị có pháo binh, hải không quân yểm trợ. Các phương tiện chiến đấu này trước kia của Pháp yểm trợ các quân lực giáo phái khi họ xông vào chiến khu truy lùng Việt Minh, thì bây giờ, cũng chính các loại phương tiện này, của quân đội quốc gia, dùng để tấn công lại các giáo phái. Trước kia Việt Minh có thể chịu đựng lâu dài vì có hậu cứ bưng biền, các khu chiến, các tổ chức yểm trợ chiến trường. Bây giờ các lực lượng võ trang giáo phái, khi bị tấn công phải rút bỏ các căn cứ ở vùng an ninh và trục lộ giao thông, để lui sâu vào bưng biền, mà lại không có sẵn các căn cứ hay khu chiến, ngoại trừ trường hợp của đơn vị Lê Quang Vinh đang ở tại bưng biền, tất nhiên các lực lượng võ trang giáo phải phải gặp rất nhiều khó khăn, trong một hoàn cảnh mới, một tình thế mới, mà họ không chuẩn bị trước.



Trường hợp của Bình Xuyên trước khi rút bỏ căn cứ cầu chữ Y, là một lực lượng mạnh tại đô thành Sàigòn - Chợ Lớn, nhưng khi phải rút lui về chiến khu Rừng Sát, thì không còn địa bàn và hậu cứ để chịu đựng lâu dài.



Trường hợp các lực lượng Hòa Hảo, khi rút khỏi căn cứ Cái Vồn và các trục giao thông, lui vào đồng ruộng, cũng không có sẵn các hậu cứ và tổ chức chiến khu, mặc dầu địa phận miền Tây có điều kiện dân chúng về tiếp liệu thuận lợi hơn Rừng Sát. Bộ tham mưu quân lực Phật Giáo Hòa Hảo (Trần Văn Soái) có hoạch định một chương trình xây dựng chiến khu Đồng Tháp Mười để chiến đấu lâu dài, nhưng đó chỉ là ý định sau khi đã rút vào bưng biền, chớ không có chuẩn bị từ trước. Chương trình này không có các điều kiện phương tiện và thời gian để thực hiện ngay được, trong khi quân đội quốc gia tập trung một lực lượng khổng lồ sáu sư đoàn để bao vây và tấn công (chiến dịch Đinh Tiên Hoàng cuối 1955). Mặt khác, quân lực Phật Giáo Hòa Hảo còn phải đối phó với khối dân chúng theo Việt Minh từ 1945 và các cán bộ Cộng Sản nằm vùng ẩn náu trong Đồng Tháp Mười. Một sĩ quan trong Bộ tham mưu Phật Giáo Hòa Hảo đã tiết lộ cho biết rằng các cán bộ Cộng Sản lúc đó huy động dân chúng biểu tình ủng hộ “cuộc kháng chiến của Hòa Hảo chống Mỹ Diệm”. Nhưng Bộ tham mưu Phật Giáo Hòa Hảo đã cương quyết cấm đoán, vì e rằng sẽ bị hiểu lầm là bây giờ Hòa Hảo cộng tác với Việt Minh, theo đường lối của Việt Minh Cộng Sản. Trong lúc đó, bộ máy tuyên truyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm và quân đội quốc gia bắt đầu tung ra luận điệu chụp mũ “Hòa Hảo hợp tác với Việt Minh”, nhưng về sau không hề trưng ra được bằng chứng nào về việc này. Cũng như luận điệu “quân đội Pháp tiếp liệu cho Hòa Hảo”, tất cả đều hoàn toàn bịa đặt bởi bộ máy tuyên truyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, với mục tiêu đánh hạ uy tín của Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó.



Kết quả các cuộc hành quân của quân đội quốc gia đánh dẹp các quân lực giáo phái, như sau:



— Ngày 24-10-1955, đơn vị cuối cùng của Bình Xuyên chấm dứt hoạt động tại Rừng Sát. Một bộ phận Bình Xuyên do Bảy Môn chỉ huy không về quy thuận Thủ tướng Ngô Đình Diệm, mà kéo về chiến khu rồi sau này gia nhập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, trở thành một yếu tố mà Cộng Sản Hà Nội sử dụng để tuyên truyền.



— Ngày 19-2-1956, lực lượng Trần Văn Soái ra quy thuận.



— Ngày 13-4-1956, Tướng Lê Quang Vinh bị bắt.



Phía Phật Giáo Hòa Hảo, sau khi Tướng Lê Quang Vinh bị bắt, và bị hành quyết (13-7-1956), còn một đơn vị võ trang kéo lên biên giới Việt Miên lập chiến khu, do Tướng Trương Kim Cù chỉ huy. Ông Trương Kim Cù sau cũng không chịu đựng nổi sức tấn công của quân đội quốc gia, và cũng cương quyết không hợp tác với Cộng Sản, cho nên đã chọn con đường lưu vong. Ông ra lịnh cho quân sĩ sơ tán, và kéo Bộ tham mưu vào lãnh thổ Cao Miên, xin tị nạn tại Cao Miên. Không hề có một đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo hay Dân Xã nào, vì lý do chống chế độ Ngô Đình Diệm, mà lại quay sang hợp tác với Việt Minh. Đó là một điều rất rõ ràng trong lịch sử.



No comments:

Post a Comment